• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Tìm hiểu về mô hình “Chính phủ kiến tạo” để vận dụng vào giảng dạy môn những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 14/09/2017 5:06:00 CH
Lượt đọc: 24772

 Trong thời gian qua,“Chính phủ kiến tạo” là cụm từ được nhắc đến dày đặc trong các phiện họp, thảo luận của Quốc hội và Chính phủ, có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh việc  xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân” đó cũng chính là mục tiêu và phương châm hành động mà Chính phủ nhiệm kỳ  mới (2016-2021) hướng tới xây dựng, thực hiện. Đây là mô hình mới, một nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở Việt Nam trong thời gian tới.

Là một giảng viên, tham gia giảng dạy bộ môn “Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính Nhà nước” tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái, nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của mô hình “Chính phủ kiến tạo” mà chúng ta đang xây dựng góp phần quan trọng vào sự phát triển của quốc gia. Để thực hiện việc giảng dạy có hiệu quả hơn, cá nhân tôi đã tiếp cận, tìm hiểu về mô hình “Chính phủ kiến tạo” và xin trao đổi một số vấn đề như sau:

Nhận thức chung về chính phủ kiến tạo

Thuật ngữ “chính phủ kiến tạo phát triển” lần đầu tiên được nhà nghiên cứu Chalmers Johnson (1931-2010) đưa ra từ năm 1982, khi ông nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Ông nhận ra rằng, tồn tại ba mô hình chính phủ đó là: chính phủ điều chỉnh (chính phủ của các nước theo mô hình thị trường tự do); chính phủ kế hoạch hóa tập trung quan liêu (chính phủ của các nước phủ nhận vai trò của thị trường) và chính phủ kiến tạo phát triển (chính phủ của các nước coi trọng vai trò của thị trường, nhưng không tuyệt đối hóa vai trò này, mà tích cực can thiệp để định hướng thị trường). Có thể nói, chính phủ kiến tạo phát triển nằm ở khoảng giữa của hai mô hình chính phủ điều chỉnh và chính phủ kế hoạch hóa tập trung, quan liêu. Chính phủ theo mô hình này là Chính phủ  không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không làm thay thị trường mà nhà nước chủ động can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã được đề ra. Đây là mô hình Chính phủ kết hợp được ưu điểm, đồng thời khắc phục được nhược điểm của cả hai mô hình Chính phủ điều chỉnh và Chính phủ kế hoạch hóa tập trung.

Sau Nhật Bản thì nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Singapore, Canada, Newzealand, Đan Mạch, Mỹ, Trung Quốc, Nga…đã đi theo xu hướng này và đều được coi là những nhà nước kiến tạo phát triển.

Ở Việt Nam, Chính phủ kiến tạo được nêu ra trong thông điệp đầu năm 2014 của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (nhiệm kỳ 20112016) là: “Phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển”. Trong giai đoạn này, Chính phủ đã tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ cơ bản từ việc sửa đổi, ban hành mới thể chế, chính sách, kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững cho tới việc tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên thực tế cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ công dân và xã hội ngày càng tốt hơn, trong đó có thể kể tới hệ thống thể chế đã được Chính phủ xây dựng và sửa đổi để trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua như Hiến pháp năm 2013, nhiều đạo luật, dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi được sửa đổi và ban hành mới trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ như Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân, Luật thống kê… và hàng loạt các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh kế, chính trị trên thế giới và trong nước có nhiều bất ổn. Có những nguyên nhân do khuyết điểm về điều hành và hoạt động của chính phủ nên  “thông điệp” trên chưa được hiểu một cách đúng nghĩa và chưa thực sự có hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người từng là Phó Thủ tướng của nhiệm kỳ chính phủ trước, sau khi được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, trong lễ tuyên thệ nhậm chức và phát biểu trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, đã xác định rõ mục tiêu xây dựng Chính phủ mới trong nhiệm kỳ của mình, đó là “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân”. Điều này thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước, mô hình Chính phủ kiến tạo mà chính phủ nhiệm kỳ mới xây dựng và thực hiện hứa hẹn sẽ đem lại một sự phát triển mới đối với Việt Nam.

Mô hình Chính phủ kiến tạo thực ra không mới và cũng không phải Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 là người đầu tiên nêu ra, mà trên thế giới nhiều nước đã thực hiện và ngay cả ở Việt Nam cũng đã đề cập đến, nhưng bây giờ Chính phủ nhiệm kỳ mới nhấn mạnh hơn và quyết tâm thực hiện. Để định nghĩa một cách chính xác về Chính phủ kiến tạo thì rất khó, bởi nội hàm của Chính phủ kiến tạo là rất rộng, và còn khá mới mẻ đối với Việt Nam chúng ta. Tuy nhiên có hiểu một cách chung nhất về chính phủ kiến tạo dưới các góc độ sau:

Trước hết, chính phủ kiến tạo phát triển phải có đủ khả năng tạo ra tầm nhìn tốt và chính sách tốt. Chính sách tốt gồm từ tư duy, tầm nhìn, thiết kế thực thi, và như vậy phải rất chuyên nghiệp, điều này được thể hiện trong việc hoạch định được đường lối phát triển cho đất nước (đặc biệt là đường lối công nghiệp hóa, chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, xóa đói giảm nghèo...) và thúc đẩy việc hiện thực hóa đường lối đó.Thúc đẩy việc hiện thực hóa thì không có nghĩa là Nhà nước làm thay người dân và các doanh nghiệp, mà tạo ra được hệ thống khuyến khích để các nguồn lực của xã hội được tập trung đầu tư cho các mục tiêu phát triển. Hệ thống khuyến khích đó có thể hình thành từ chính sách chi tiêu công, thuế, tín dụng...

Ngoài ra, nhà nước còn cần phải phát huy ưu thế của nhà nước điều chỉnh là tạo ra khuôn khổ thể chế để từng người dân và các doanh nghiệp có thể dễ dàng sản xuất kinh doanh. Quan trọng nhất ở đây là quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do khế ước... phải được bảo đảm; sự minh bạch phải được tăng cường; các hợp đồng phải được tôn trọng và bảo vệ; các tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả.

Thứ hai, Chính phủ kiến tạo thì nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục và y tế. Bởi vì đây là những nền tảng quan trọng nhất cho phát triển. Đồng thời nhà nước cũng cần cung cấp các dịch vụ công chất lượng, giá rẻ cho công chúng. Muốn làm được điều này, phải xây dựng được một bộ máy hành chính công hết sức chuyên nghiệp và hiệu quả. Bộ máy này phải được tuyển dụng, bổ nhiệm nghiêm ngặt trên cơ sở của trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ ba, phải xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất đạo đức làm việc hiệu quả trên phạm vi cả nước. Để Nhà nước kiến tạo tốt điều cốt yếu nhất vẫn là công tác cán bộ, đây là khâu cần có giải pháp đột phá mới có cơ sở tạo ra những thành công khác. Nhà nước nào cũng cần có những người tài phụng sự, Nhà nước kiến tạo phát triển thì lại cần những người tài hơn. Không có người tài làm sao hoạch định được đường lối phát triển với tầm nhìn đúng đắn trong quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp? Không có người tài làm sao biết cách vận dụng hiệu quả các quy luật của thị trường? Không có người tài làm sao biết cách tác động vào thị trường để thúc đẩy việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển? Không có người tài làm sao cung cấp được dịch vụ công chất lượng và giá rẻ cho dân?...

Để có được người tài, công tác cán bộ cần phải được đổi mới. Chúng ta cần phân chia được nguồn nhân lực trong lĩnh vực công thành hai loại: những người tài về chính trị (các chính khách) và những người tài về hành chính – công vụ (các công chức). Để có các chính khách tài giỏi, chúng ta cần xây dựng cho được chế độ tranh cử trong Đảng. Việc tranh cử sẽ giúp cho người tài lộ diện và được bầu chọn. Để có các công chức tài giỏi, chúng ta phải tuyển chọn bằng một chế độ thi tuyển nghiêm túc, khách quan. Những người giỏi chuyên môn hơn sẽ có điểm cao hơn. Những người có điểm cao hơn sẽ được lựa chọn. Vấn đề quan trọng ở đây là đừng để việc thi cử bị thao túng, bị biến thành cách thức để hợp thức hóa việc mua bán chức tước và tuyển dụng người nhà

Cuối cùng, chính phủ kiến tạo phải tương tác thân thiện với xã hội, người dân, với thị trường và doanh nghiêp, với sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều này thể hiện trong việc Chính phủ đưa ra các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đó không chỉ là cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục mà quan trọng nhất phải là quyền tự do tài sản, tự do kinh doanh, tự do khế ước, đảm bảo hợp đồng được thực thi và khi có tranh chấp thì xử lý được nhanh, hiệu quả, nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp phát huy khả năng, sở trưởng của mình để tạo ra sự tăng trưởng.

Lý do phải xây dựng dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam

Xuất phát từ bản chất của nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi hoạt động của bộ máy nhà nước là để phục vụ nhân dân. Do đó, Chính phủ đẩy mạnh việc chuyển phương thức chỉ đạo, điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ là điều tất yếu khách quan vì:

Tăng trưởng kinh tế xét đến cùng là công việc của người dân và doanh nghiệp, nhiệm vụ của Chính phủ và chính quyền địa phương là tạo tiền đề để người dân, doanh nghiệp có thể làm ăn ổn định, phát triển và tạo ra tăng trưởng. Đây chính là bản chất của Chính phủ kiến tạo.

Muốn đạt được mục đích “dân giàu nước mạnh” và để người dân làm giàu thì phải có một Chính phủ kiến tạo liêm chính nhằm xây dựng một nền kinh tế thị trường lành mạnh, khuyến khích người dân, doanh nghiệp làm giàu hợp pháp. Do đó, việc chuyển từ mô hình điều hành nền kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo phát triển đồng nghĩa với việc thay đổi sâu sắc tư duy về mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường.

Để có một nhà nước, Chính phủ kiến tạo, liên chính và phục vụ phải có những điều chỉnh manh tính “cách mạng”, “đột phá” đối với thể chế. Thay vì can thiệp vào nền kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính, Chính phủ sẽ phải tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho đầu tư phát triển, bảo đảm các điều kiện cần thiết để khuyến khích các bộ phận trong nền kinh tế “phát triển hết tiềm năng”. Cần đảm bảo “không còn sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân” hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cũng sẽ không còn cơ chế “xin – cho”, một “căn bệnh trầm kha trong lòng xã hội”. Cần gắn cải cách thể chế nói chung, thể chế kinh tế, chính trị nói riêng với công tác cán bộ, tức là vấn đề con người. Chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ là đòi hỏi từ thực tiễn và cũng là xu hướng phát triển tất yếu. Vì vậy, mọi quyền hành trách nhiệm của cán bộ, công chức phải được thể chế hóa trên tinh thần phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp và xã hội.

Giải pháp xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động và phục vụ nhân dân

Chính phủ kiến tạo là nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021. Trong phiên họp thường kỳ đầu tiên của Chính phủ sau khi được kiện toàn (tháng 4-2016), Chính phủ đã dành nhiều thời gian để thảo luận về phương thức chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới trên cơ sở Hiến pháp mới ,Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tổng kết lại 6 định hướng lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian tới.

Trước hết, Chính phủ sẽ quan tâm xây dựng bộ máy trong sạch, liêm chính, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; làm gương cho xã hội về tất cả mọi vấn đề, nói đi đôi với làm; xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Hai là, Chính phủ khẳng định sẽ tăng cường kỷ cương, phép nước, chấn chỉnh tình trạng thực thi pháp luật, kỷ cương, phép nước không nghiêm, đặc biệt là trong khu vực hành chính công. Muốn vậy cần phát huy và bảo đảm quyền dân chủ của người dân, chú ý đến những nhóm người yếu thế trong xã hội. Đề cao đạo đức công vụ.

Ba là, Chuyển mạnh từ Chính phủ với phương thức chỉ đạo, điều hành mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động của Chính phủ, chính quyền các cấp.

Bốn là, Phân định rõ chức năng quản lý với thị trường, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin – cho trong quản lý nhà nước.

Năm là, Chính phủ quan tâm tới phân cấp, giao quyền theo hướng để bộ, ngành, địa phương tự làm những việc có thể tự chủ và làm tốt.

Sáu là, Đề cao vai trò trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; sự phối hợp của các bộ, ngành với địa phương và của các địa phương với các bộ, ngành.

Hoàng khắc Cương 

Khoa Nhà nước và Pháp luật