• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền và công tác tuyên truyền qua tác phẩm “Đường Kách Mệnh” và “Sửa đổi lối làm việc”.
Ngày xuất bản: 13/11/2020 3:40:00 CH
Lượt đọc: 15097

1.     Qua tác phẩm “Đường Kách Mệnh”

Ngay mở đầu tác phẩm, trong khi nói về tư cách một người cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu phải tích cực tuyên truyền cho quần chúng. Người dạy, người cách mạng phải “có lòng bày vẽ cho người khác”. Với Nguyễn Ái Quốc, hễ cứ là người cách mạng phải thực hiện công tác tuyên truyền và tuyên truyền phải là một nhiệm vụ thường trực của người cách mạng và tổ chức cách mạng.

Về nội dung tuyên truyền, đối với Nguyễn Ái Quốc là những nhiệm vụ cụ thể của cách mạng. Công tác tuyên truyền phải nhằm “nói cho đồng bào ta biết rõ: 1.Vì sao chúng ta muốn sống thì phải làm cách mệnh. 2. Vì sao cách mệnh là việc chung của dân chúng chứ không phải việc một hai người. 3. Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. 4. Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. 5. Ai là bạn ta? Ai là thù ta? 6. Cách mệnh thì phải làm thế nào?”

 Về hình thức tuyên truyền, Nguyễn Ái Quốc xác định rằng, hình thức tuyên truyền phải thích hợp để cho tất cả mọi người đều có thể hiểu được. Bởi vậy, những hình thức trình bày mà tác giả nêu ra khi viết cuốn sách “vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ, giản tiện, mau mắn  chắc như 2 nhân 2 là 4”. Đến đây ta lại thấy Nguyễn Ái Quốc cũng rất chú ý đến đối tượng tuyên truyền. Đó là toàn bộ những lực lượng của cách mạng. Và, người cũng rất chú ý đến đặc điểm của đối tượng tuyên truyền. Toàn bộ cuốn Đường kách mệnh cho thấy tác giả không chỉ chú ý tới cộng đồng dân tộc với đa số cư dân mù chữ là đối tượng được tuyên truyền mà còn với cả những người đi tuyên truyền cuốn sách cũng không có trình độ học vấn cao trong xã hội bị chế độ thực dân thống trị. Bởi vậy, những hình thức trình bày mà tác giả nêu ra khi viết cuốn sách không chỉ cho đối tượng được tuyên truyền mà còn thuận lợi cho cả người đi tuyên truyền cuốn sách.

Phương tiện tuyên truyền cũng được Nguyễn Ái Quốc chú ý đến. Trong phần “Cách tổ chức công hội”, khi giải thích vì sao các hội viên phải đóng phí, Người có nhắc đến việc khi tiền thừa thãi thì sẽ thực hiện 7 điều, trong đó 3 điều đầu tiên là: 1. Lập trường học cho công nhân; 2. Lập trường cho con cháu công nhân; 3. Lập nơi xem sách xem báo. Đây đều là những thiết chế tuyên truyền có hiệu quả. Đối với Nguyễn Ái Quốc, khi có điều kiện thuận lợi phải lập ngay những thiết chế tuyên truyền để làm phương tiện tuyên truyền của Đảng. Hãy để ý những những thiết chế tuyên truyền mà Nguyễn Ái Quốc đề cập tới. Đầu tiên là trường học để nâng cao trình độ cho công nhân và con cháu công nhân, sau đó là nơi “xem sách báo”. Nơi xem sách báo hiện nay có thể hiểu là những thư viện các cấp hay các tủ sách xã, phương, thị trấn. Không chỉ một lần nhắc đến việc lập các phương tiện tuyên truyền, trong phần “Tổ chức dân cày”, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu các hội viên phải thực hiện 6 nhiệm vụ chính. Trong đó, nhiệm vụ thứ 4 là “Hết sức mở mang giáo dục, như lập trường, tổ chức nhà xem sách”. Đọc sách là phương pháp tuyên truyền khơi dậy ở đối tượng tuyên truyền tính tự giác tìm hiểu những lý luận tiên tiến cao nhất. Nhưng phải thấy rằng để đọc được sách phải biết chữ, tức là phải có trình độ. Qua điều này có thể thấy, Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đến việc nâng cao trình độ cho đối tượng tuyên truyền.

2. Qua tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

Hồ Chí Minh nêu lên tầm quan trọng của công tác tuyên truyền. Tuyên truyền là động lực thúc đẩy cách mạng, là nhân tố tạo nên sự thành công của cách mạng. Bởi vì khi lý luận thông qua tuyên truyền đi vào quần chúng sẽ tạo thành lực lượng to lớn để thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Hồ Chí Minh luôn tâm niệm: “dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì ích lợi của họ mà phải làm”.

Hồ Chí Minh cũng đã nêu ra các vấn đề cơ bản về phương pháp tuyên truyền.

+ Trong đó, nói đi đôi với làm được xem là nguyên tắc quan trọng để tuyên truyền tốt. Người phê phán việc “báo cáo giả dối. Thành công ít, thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến. Thành thử cấp trên không hiểu rõ tình hình mà đặt chính sách cho đúng”. Nói mà không đi đôi với làm sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu cho Đảng.

            + Cách nói, cách viết cũng được Hồ Chí Minh quan tâm chú ý cặn kẽ. Người yêu cầu, nói và viết phải thiết thực, cụ thể. Vì vậy, “những tài liệu huấn luyện phải nhằm vào sự cần dùng, cần thiết của quần chúng. Phải hỏi: người đến chịu huấn luyện rồi, có áp dụng được ngay không? Có thực hành được ngay không? Nếu không thiết thực như thế, thì huấn luyện mấy năm cũng vô ích”.

            Nói và viết phải ngắn gọn và sâu sắc. Hồ Chí Minh phê phán “nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác. Nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy tốn mực, mất công người xem. Khác nào vải băng bó mụn lở, đã thối lại dài”.

            Nói và viết phải phổ thông dễ hiểu, phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Hồ Chí Minh cho rằng, “vì chúng ta trước kia học chữ Hán, sau này học chữ Pháp, cho nên khi nói khi viết, hay dùng chữ Hán và theo cách Pháp. Thành thử dài dòng mà khó hiểu, khó nghe”. Nhưng việc dùng tiếng nước ngoài nếu đúng đắn thì nên dùng bởi “tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc. Nhưng phải có chừng có mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta”.

             Trên đây là một số tư tưởng của Hồ Chí Minh về tuyên truyền và công tác tuyên truyền. Những tư tưởng của Người hết sức giản gì mà sâu sắc. Hai tác phẩm trên của người đã góp phần để làm phong phú thêm hoạt động tuyên truyền của Đảng hiện nay.

Dương Thị Thúy Tài

Khoa Nhà nước và Pháp luật