• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TÙY NGHI HÀNH CHÍNH, HƯỚNG DẪN HÀNH CHÍNH Ở NHẬT BẢN VÀ LIÊN HỆ VỚI LUẬT HÀNH CHÍNH Ở VIỆT NAM
Ngày xuất bản: 29/06/2021 9:43:00 SA
Lượt đọc: 12758

           Sự hình thành luật hành chính của Nhật chịu ảnh hưởng chủ yếu của pháp luật nước ngoài, có sự du nhập của pháp luật châu Âu lục địa. Như vậy, khoa học pháp lý Nhật có sự phân chia theo đúng truyền thống của pháp luật châu Âu lục địa đó là chia pháp luật thành công pháp và tư pháp. Luật hành chính là một trong những ngành quan trọng nhất của luật công và mang những đặc điểm dân tộc rõ ràng làm nên khái niệm mang màu sắc của Nhật Bản. Do đó, khi tìm hiểu ta sẽ thấy phương pháp quản lý Nhật được xây dựng trên các truyền thống dân tộc và tập quán. Trong những năm trở lại đây thì vai trò của luật hành chính đã tăng nhanh lên theo chiều hướng tích cực. Nguyên nhân xuất phát nảy sinh các quan hệ xã hội theo hướng đa dạng, phức tạp, làm cho tranh chấp của công dân với cơ quan nhà nước ngày càng phát sinh nhiều. Làm xuất hiện nhu cầu cần thiết phải giải quyết những tranh chấp đó. Chính vì vậy, khoa học luật hành chính trong thời gian này cũng phát triển rất nhanh, mạnh. Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay ở Nhật Bản đang áp dụng rộng rãi quyền tự phán xét hành chính (tùy nghi hành chính) và hướng dẫn hành chính trong thực tiễn quản lý nhà nước.

            Tùy nghi hành chính là việc trao cho các cơ quan hành chính một số quyền hạn tự do tự phán xét[1]. Quyền tùy nghi có thể xuất hiện trong mọi hoạt động của công quyền, điển hình hay gặp trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao hay quân sự. Ở Nhật Bản, tùy nghi hành chính được cho phép trong lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế tài chính, ưu đãi về thuế, xây dựng đường xá và nhà ở, bảo vệ môi trường... Ví dụ như các Bộ chủ quản sẽ thỏa thuận về chế độ tối đa của các ưu đãi, khi áp dụng thì sẽ căn cứ dựa trên phạm vi “trần” đã thỏa thuận để tạo ra những ưu đãi theo lựa chọn của mình. Hoặc khi cơ quan hoặc công chức hành chính buộc phải quyết định một vấn đề mà không có các quy định pháp luật cụ thể để điều chỉnh, hoặc không có các văn bản hướng dẫn của cấp trên, thì căn cứ để ban hành quyết định đó cần dựa vào việc đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của các công dân có liên quan đó cũng chính là tùy nghi hành chính. Như vậy, tùy nghi hành chính đã tạo được điều kiện để cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tự mình đưa ra các mệnh lệnh, quyết định tạo điều kiện để cho các cá nhân, tổ chức nhận được những ưu đãi tốt nhất, từ đó bảo đảm được lợi ích của họ cũng như lợi ích của Nhà nước.

            Hướng dẫn hành chính là tổng thể những biện pháp được áp dụng bởi các cơ quan hành chính, dù không có hiệu lực bắt buộc về mặt pháp lý, nhưng chúng có khả năng khơi dậy, thúc đẩy những người nhất định thực hiện những hành động này hay hành động khác vì lợi ích của quản lý nhà nước. Có 3 dạng cơ bản của hướng dẫn hành chính: điều chỉnh; dung hòa; khích lệ.

            Hướng dẫn hành chính mang tính chất điều chỉnh là việc các cơ quan hành chính hạn chế hoạt động của một trong các bên vì lợi ích công cộng hoặc với mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia.[2]

            Hướng dẫn hành chính hạn chế hoạt động của một trong các bên. Nhưng hướng dẫn hành chính này phải hướng đến mục đích vì lợi ích công cộng hoặc vì mục đích bảo về các quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia. Trong thực tế thì hệ thống pháp luật nhiều khi không trao cho các cơ quan hành chính những quyền hạn đặc biệt, thì khi đó những quyết định của các cơ quan này sẽ mang tính chất thuyết phục, khuyến nghị. Trên thực tế, đây chỉ là những thuyết phục, khuyến nghị đến từ phía các cơ quan hành chính, nhưng những thuyết phục, khuyến nghị này hoàn toàn có đủ sức “nặng” đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan vì nó được xuất phát từ chính những cơ quan công quyền.

            Hướng dẫn hành chính mang tính chất dung hòa như chính bản thân thuật ngữ này, là theo đuổi mục đích dung hòa lợi ích của các bên trong những tình huống xung đột[3]. Như vậy, hướng dẫn hành chính với mục đích này sẽ giúp giữ gìn mối quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân liên quan vì nó hài hòa được lợi ích của các bên, từ đó góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm được trật tự an toàn xã hội.

            Hướng dẫn hành chính mang tính khích lệ là việc thực hiện bởi cơ quan hành chính những hành động khuyến khích, kích thích sự phát triển của các quan hệ xã hội vì lợi ích công cộng hoặc lợi ích tư [4]. Như vậy, hướng dẫn hành chính mang tính khích lệ khi thực hiện bởi cơ quan hành chính có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của các quan hệ xã hội vì lợi ích công cộng hoặc lợi ích tư.

            Nhưng trên thực tế hướng dẫn hành chính được thể hiện dưới những hình thức rất đa dạng và nhiều khi được thực hiện dưới các hình thức là thỏa thuận miệng nên rất khó khăn để truy cứu trách nhiệm pháp lý. Tùy nghi hành chính không thể thiếu được trong hoạt động hành chính, tùy nghi hành chính sinh ra và tồn tại cùng hoạt động hành chính. Trên thực tế, ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới thì khi nhìn nhận vào thực tế rất khó hệ thống pháp luật nào đầy đủ và chi tiết đến từng vấn đề cặn kẽ của cuộc sống, bởi lẽ, quan hệ xã hội luôn ở trạng thái động, trong khi đó các quy phạm pháp luật lại ở trạng thái tĩnh nên nhà lập pháp rất khó để có thể trù liệu được hết tất cả. Điều đó càng dễ thấy trong hoạt động hành chính - với nội dung quản lý các diễn biến hàng ngày của đời sống con người. Tùy nghi hành chính là yếu tố thúc đẩy sáng tạo, tự chủ và khuyến khích năng động trong hoạt động hành chính. Bởi lẽ, pháp luật thường không thể đúng cho tất cả mọi tình huống; sự vận dụng và giải quyết hợp lý mang lại những lợi ích lớn hơn nhiều so với sự áp dụng cứng nhắc, máy móc một quy tắc nào đó. Tuy nhiên, tùy nghi hành chính và hướng dẫn hành chính rất dễ gắn liền với các hiện tượng tiêu cực trong hành chính. Nếu tùy nghi hành chính và hướng dẫn hành chính không được kiểm soát, sẽ là con đường ngắn nhất dẫn đến lạm quyền. Trong giải quyết một vụ việc cụ thể, nếu tùy tiện quyết định sẽ làm tổn hại đến lợi ích của người này hay ngược lại, mang lại những "đặc quyền", những ưu đãi cho các đối tượng khác. Rộng hơn, tùy nghi trong quyết định một chính sách lớn, nếu không hợp lý sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường cho cả bộ phận dân cư hay cho cả nền kinh tế.

Ở Việt Nam trên thực tế có nhiều lĩnh vực luật pháp chưa có quy định cụ thể, hoặc đã có quy định nhưng các quy định này lại có sự mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác, do vậy đây là một trong  những nguyên nhân dẫn đến cơ quan hành chính nhà nước sử dụng quyền tùy nghi của mình. Ví dụ, trong bộ luật Hình sự, hiện đang tồn tại nhiều quy định tạo cho thẩm phán có quyền năng “tùy nghi” đó chính là các quy định khung định lượng có khoảng cách quá rộng nên cùng một tội có người bị xử 5 năm, có người bị xử 10 năm, xử như thế nào là do việc áp dụng pháp luật của thẩm phán, đây chính là mầm mống cho tiêu cực. Đồng thời trong quy định của pháp luật tố tụng còn thiếu và yếu những quy định hạn chế thỏa thuận ngầm nên hiện tượng tham nhũng hiện rất tinh vi, phức tạp không chỉ xảy ra tại cơ quan tố tụng mà mọi lúc mọi nơi. Ở Việt Nam tùy nghi hành chính xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực quản lý hành chính nội bộ cũng như quản lý hành chính ở bên ngoài. Mặt khác, trong các quy định pháp luật vẫn có các quy định dưới dạng chung chung, các khái niệm với nội dụng thiếu cụ thể gây nhiều khó khăn, rủi ro cho các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước. Vì trong những trường hợp này các cơ quan hành chính khi đó “buộc” phải sử dụng quyền tùy ý định đoạt. Tùy nghi định đoạt của cơ quan hành chính có thể liên quan đến phương án hành vi (làm gì, làm như thế nào..) và liên quan đến đối tượng tác động (ai); đến giới hạn thời gian (khi nào được làm /không được làm) đến không gian (nơi nào)....Tùy nghi hành chính ở Việt Nam hiện nay còn khá phổ biến, do nhiều nguyên nhân: Từ xa xưa, người Việt vốn đã không có truyền thống "pháp trị", mà trái lại, đôi khi "phép vua thua lệ làng". Chế độ tự quản làng xã đã khiến cho các văn bản pháp luật của chính quyền trung ương thường không cụ thể và không thể điều chỉnh các hoạt động sự vụ của cộng đồng. Việc quyết định các công việc của cộng đồng thường dựa trên cơ chế tập thể và khá cảm tính. Cũng như vậy, trong thời kỳ chiến tranh, do nhu cầu cấp bách của thực tiễn, và sự thiếu hụt của các quy định pháp luật, cơ quan hành chính đã quen với việc tự mình giải quyết vấn đề, miễn là không trái với chủ trương, đường lối chung. Sau đó, cơ quan lập pháp lại thường xuyên ban hành những văn bản pháp luật có tính chất luật khung, phần còn lại do cơ quan hành chính cụ thể hóa, và rồi tùy nghi áp dụng. Cuối cùng, một nguyên nhân nữa là do sự kiểm soát hoạt động hành chính còn yếu và thiếu, đặc biệt là thiếu cơ chế kiểm soát mang tính tư pháp đối với các văn bản pháp quy.

Như vậy ở nước ta hiện nay thì tùy nghi hành chính vẫn hiện diện, như là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình quản lý của cơ quan hành chính. Do vậy, mặc dù tùy nghi hành chính làm cho quản lý nhà nước trở nên mềm dẻo hơn nhưng để hạn chế đến mức thấp nhất hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì cần phải có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát tùy nghi hành chính. Kiểm soát tùy nghi hành chính là yếu tố cần được coi trọng trong tương lai.

 

Bùi Thị Bích Ngọc

Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật

 

 



[1] Khoa Luật, ĐHQGHN, Nguyễn Cửu Việt (Chủ biên - 2011), Luật Hành chính nước ngoài, Nxb. ĐHQGHN, tr.463

 

[2]  Khoa Luật, ĐHQGHN, Nguyễn Cửu Việt (Chủ biên - 2011), Luật Hành chính nước ngoài, Nxb. ĐHQGHN, tr.466

[3]  Khoa Luật, ĐHQGHN, Nguyễn Cửu Việt (Chủ biên - 2011), Luật Hành chính nước ngoài, Nxb. ĐHQGHN, tr.467

[4] Khoa Luật, ĐHQGHN, Nguyễn Cửu Việt (Chủ biên - 2011), Luật Hành chính nước ngoài, Nxb. ĐHQGHN, tr.467