• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TÌM HIỂU VỀ CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG TỚI PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP Ở VIỆT NAM
Ngày xuất bản: 08/09/2020 9:44:00 SA
Lượt đọc: 14759

Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) là tổ chức kinh tế do những người nông dân tự nguyện thành lập nên nhằm mục đích trợ giúp các hoạt động sản xuất nông nghiệp của họ thông qua việc cung cấp các dịch vụ giá rẻ do lợi thế về quy mô và chuyên môn hóa hoạt động. HTXNN ra đời dựa trên nền tảng kinh tế hộ nông dân.

Quá trình phát triển của các HTXNN ở Việt Nam phụ thuộc vào 9 yếu tố chính.

Một là, yếu tố pháp lý. Đó là luật Hợp tác xã, các chính sách, văn bản liên quan và điều lệ Hợp tác xã. Pháp lý là điều kiện tiên quyết đối với sự hình thành và phát triển của hợp tác xã. Luật, các chính sách, văn bản liên quan và điều lệ hợp tác xã luôn được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với điều kiện phát triển chung của nền kinh tế - xã hội và riêng của hợp tác xã.

Hai là, yếu tố kinh tế. Yếu tố kinh tế bao gồm: trình độ phát triển, năng lực của kinh tế hộ, trình độ phát triển sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, cơ chế vận hành của nền kinh tế, trình độ phát triển kinh tế của quốc gia và thế giới, khủng hoảng kinh tế, cơ hội kinh tế, thuế, giá cả, tỷ giá, cạnh tranh trong kinh tế, lợi thế kinh doanh, đối thủ và đối tác trong kinh doanh… Tất cả những nhân tố cụ thể đó đều tác động rõ rệt đến hoạt động của hợp tác xã. Điều quan trọng là từng HTXNN cần kịp thời nắm bắt thông tin, dự báo tình hình cung, cầu nông sản, lựa chọn sản phẩm thị trường cần, kinh doanh các ngành hàng được ưu đãi về thuế, linh hoạt tránh né những nhân tố bất lợi để kinh doanh có hiệu quả và nâng cao thu nhập cho xã viên. Thông thường những nhân tố kinh tế nằm ngoài tầm tay quản lý của hợp tác xã nên đòi hỏi phải có sự giúp đỡ, hỗ trợ và điều tiết kịp thời ở tầm vĩ mô của Nhà nước.

Ba là, yếu tố khoa học và công nghệ. Đây là nhân tố và cũng là điều kiện quyết định trình độ về năng lực quản lý và sản xuất, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. HTXNN cần chú trọng đầu tư về khoa học kỹ thuật nông nghiệp, quản lý kinh doanh và công nghệ sinh học. Đồng thời Nhà nước luôn có vai trò rất lớn trong việc hướng dẫn đào tạo cán bộ, bồi dưỡng tay nghề xã viên, áp dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến thông qua hoạt động của các cơ quan chức năng với nhiều hình thức phù hợp.

Bốn là, yếu tố văn hóa. Trình độ văn hóa thấp kém của xã viên HTXNN luôn là vật cản lớn đối với mọi yêu cầu hoạt động của nông hộ và tập thể. Điều kiện văn hóa là cơ sở để nhận thức và vận dụng các nhân tố tác động đến hoạt động của hợp tác xã và cuộc sống của xã viên. Tuy nhiên, nhân tố văn hóa không dừng lại ở cách hiểu thông thường, mà còn là hiểu biết về bản chất và yêu cầu đối với người thành lập, tham gia loại hình tổ chức hợp tác xã, nghĩa là khả năng của các xã viên trong việc hợp tác cùng nhau để phát triển hợp tác xã của họ, có thể coi đó là Văn hóa hợp tác xã. Thiếu nhân tố này thì cho dù trình độ văn hóa thông thường có cao bao nhiêu đi nữa cũng khó mà phát triển được hợp tác xã. Văn hóa hợp tác xã là văn hóa cộng đồng, văn hóa cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm một cách tự nguyện, bình đẳng, là văn hóa không thủ tiêu lẫn nhau… Để có được văn hóa này cần có một quá trình giáo dục công phu, thường xuyên và lâu dài.

Năm là, yếu tố tâm lý – xã hội. Nhân tố tâm lý – xã hội thể hiện ở các khía cạnh: tâm tư, tình cảm, nguyện vọng…; dân tộc; giai cấp; tầng lớp; thế hệ, họ hàng; quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, làng bản, cộng đồng; an ninh xã hội; nghèo đói, việc làm… Các nhân tố về mặt tâm lý – xã hội luôn ảnh hưởng đến thái độ, cách làm, kết quả, chất lượng và hiệu quả hoạt động của HTXNN cũng như tính chất, đặc trưng của mô hình HTXNN.

Sáu là, yếu tố chính trị. Chính trị ở đây thường gồm 2 yếu tố: chế độ chính trị và thái độ của nhà cầm quyền: đổi mới hay bảo thủ; quan tâm hay thờ ơ; thực sự đầu tư, hỗ trợ hay chỉ nói mà không làm; năng động, sáng tạo, sâu sát thực tế hay trì trệ, quan liêu… Mọi thái cực và hiện tượng đó đều tùy thuộc vào 2 yếu tố về chính trị đã nêu hoặc tác động tích cực hay tiêu cực đến HTXNN.

Bảy là, yếu tố môi trường quốc tế. Trong thời đại hội nhập và phát triển, sự tác động của môi trường quốc tế đối với hoạt động của HTXNN rất nhanh nhạy và to lớn. Đó là sự tác động về kinh tế, xã hội, KHCN, môi trường sinh thái… Ngày nay sự biến động về kinh tế chính trị, xã hội trong khu vực và trên thế giới ngày càng gia tăng và phức tạp như khủng hoảng tiền tệ, giá cả, chiến tranh, khủng bố, biến đổi bất thường về thời tiết, khí hậu, dịch bệnh… đã và đang gây ra nhiều nguy cơ mới đối với xã hội nước ta. Do đó riêng đối với HTXNN cũng luôn gặp phải cơ hội và thách thức khó lường.

Tám là, yếu tố môi trường sinh thái. Môi trường sinh thái luôn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hiệu quả kinh doanh của HTXNN. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường sinh thái cũng như phòng tránh những yếu tố tự nhiên bất lợi là nhiệm vụ tất yếu, quan trọng và thường xuyên đối với HTXNN.

Chín là, yếu tố năng lực nội tại của HTXNN. Năng lực nội tại thường bao gồm các điều kiện về lao động, vốn, đất đai và tài nguyên, cơ sở vật chất – kỹ thuật từ sự đóng góp và tạo ra trong quá trình sản xuất – kinh doanh của xã viên. Năng lực nội tại là điều kiện chủ yếu cho sự phát triển vững chắc HTXNN.

- Lao động (sức lao động) của xã viên vừa là chủ thể, vừa là yếu tố “đầu vào” quyết định mọi hoạt động và sự phát triển của hợp tác xã.

- Vốn của hợp tác xã quyết định sự đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất và tái sản xuất, nhất là đối với thâm canh, áp dụng kỹ thuật tiên tiến và ứng dụng công nghệ mới.

- Đất đai và tài nguyên của hợp tác xã là tư liệu sản xuất cơ bản và đặc trưng của HTXNN, thể hiện lợi thế so sánh trong sản xuất của HTXNN.

- Cơ sở vật chất – kỹ thuật thể hiện trình độ của công cụ sản xuất, dịch vụ, kết cấu hạ tầng và là điều kiện quan trọng để tăng năng suất; chất lượng sản phẩm, hợp tác, cạnh tranh của hợp tác xã.

Như vậy, để đảm bảo cho sự phát triển của HTXNN cần xác định đúng vị trí, vai trò của các yếu tố nêu trên, từ đó khai thác và phát huy hiệu quả các yếu tố đó để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Lương Thị Hải Yến

Khoa Lý luận cơ sở