• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TÌM HIỂU NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA THỰC DỤNG VÀ SUY NGẪM VỀ VẤN ĐỀ LẼ SỐNG
Ngày xuất bản: 03/12/2019 1:15:00 CH
Lượt đọc: 27367

            Những tư tưởng hay các trào lưu triết học thường có sức công phá thường thì công khai, có lúc lại âm thầm nhưng rất mạnh mẽ tới lối sống, cách nghĩ, cách làm việc của con người. Từ khi hình thành trong lịch sử, với chức năng thế giới quan và phương pháp luận của mình, triết học đã len lỏi, xâm nhập vào các khoa học khác nhau và mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Ở Việt Nam, nền tảng tư tưởng được xây dựng trên những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã làm cho ý thức xã hội mới hình thành ngày càng rõ nét. Tuy nhiên, ở đâu đó trong xã hội ta, với bối cảnh hội nhập mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, kể cả lĩnh vực văn hóa, các trào lưu triết học phi mácxít đã thâm nhập và gây ra những tác động tới tinh thần, tư tưởng của giới trẻ, đây là vấn đề rất cần được quan tâm để có những định hướng đúng về mặt văn hóa, tư tưởng.

            Trong số những trào lưu triết học gây ảnh hưởng lớn không chỉ ở phương Tây mà còn đang gây ảnh hưởng không nhỏ ở Việt Nam là Chủ nghĩa thực dụng. Khi nói đến Chủ nghĩa thực dụng, người ta thường hiểu về lý luận này theo cách  nghĩ thông dụng, đời thường về mặt từ ngữ nên cho rằng chủ nghĩa này chỉ mang tính tiêu cực. Cách hiểu này không chỉ chưa đúng về mặt khoa học mà còn khiến cho một bộ phận giới trẻ mang những nhận thức sai lầm đó thực hành lối sống không lành mạnh, đi ngược với truyền thống đạo đức của dân tộc, dẫn đến những việc làm không có lợi cho sự phát triển xã hội. Vì vậy, cần nhận thức Chủ nghĩa thực dụng dưới góc độ triết học để thấy những giá trị cũng như hạn chế của nó. Luận thuyết này ra đời do đòi hỏi của bối cảnh lịch sử và ngoài những hạn chế nhất định thì cũng có những đóng góp cho sự phát triển của xã hội trong một giai đoạn cụ thể, đặc biệt là đối với xã hội Mỹ - nơi khai sinh của Chủ nghĩa thực dụng.

            * Bối cảnh ra đời:

            Muốn tìm hiểu về một luận thuyết triết học thì bao giờ người ta cũng xuất phát từ bối cảnh lịch sử và nơi mà luận thuyết ấy ra đời. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tồn tại xã hội xét cho cùng quyết định ý thức xã hội. Bất kỳ lý luận nào ra đời cũng bắt rễ từ những điều kiện, hoàn cảnh của chính đời sống vật chất và điều kiện sinh hoạt vật chất tại thời điểm mà nó được sinh ra ấy. Chủ nghĩa thực dụng là một trong những trào lưu triết học phương Tây hiện đại, ra đời trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản từ chỗ lan rộng khắp thế giới, gặt hái nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế và khoa học kĩ thuật, sau đó lại liên tiếp rơi vào khủng hoảng kinh tế. Trong bối cảnh như vậy, ba khuynh hướng triết học đã ra đời trên cơ sở hiện thực đó: Triết học duy lý - tập trung trong triết học khoa học tự nhiên với mục đích đề cao, tăng cường lí trí của con người; Triết học nhân bản - duy con người, quay trở lại với con người nhằm khai thác chủ thể tính của con người; Triết học tôn giáo - chủ yếu nhằm đề cao niềm tin của con người vào Thượng đế, dung hợp tôn giáo với nhu cầu thế tục. Trong ba khuynh hướng đó thì Chủ nghĩa thực dụng thuộc khuynh hướng triết học Nhân bản.

            Chủ nghĩa thực dụng (pragmatisme) xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XIX ở nước Mỹ với ba khuôn mặt tiêu biểu nhất là: C.X Pierce, W.James và J.Dewey. Nếu như  triết học phân tích, Hiện tượng học, Chủ nghĩa hiện sinh còn có gốc gác xa xưa từ cái nôi triết học châu Âu thì Chủ nghĩa thực dụng lại “đặc” Mỹ. Nói như vậy không có nghĩa là Chủ nghĩa thực dụng nảy sinh từ trên “mảnh đất trống không” bởi không có một nhà tư tưởng nào trong quá trình xây dựng lý thuyết của mình lại không có sự kế thừa dù ít hay nhiều từ các tư tưởng trước đó. Trong dòng chảy của tư tưởng triết học phương Tây, nếu xét ra, sẽ thấy Chủ nghĩa thực dụng lấy khởi nguồn nhận thức từ các nhà triết học cổ đại như Socrates, Protagoras, Platon và các nhà triết học cận đại như Ph. Bacon. Spinoza, Berkeley, Hume, Kant, nhà triết học hiện đại S. Mill. Nhưng Chủ nghĩa thực dụng lại mang đậm cốt cách, tâm hồn, lối sống Mỹ và ảnh hưởng tới các hình thái ý thức xã hội khác ở Mỹ làm nên một nền văn hóa rất khác biệt trong lối suy tư và hành động.

            Vì sao Chủ nghĩa thực dụng Mỹ lại khác biệt như vậy? Có thể thấy được điều đó trong chính cái tồn tại xã hội làm nó nảy sinh. Xã hội Mỹ cuối thế kỷ XIX là kết quả của các cuộc di dân từ “lục địa già” với đủ sắc tộc, thành phần, tôn giáo cùng những tư tưởng triết học đối nghịch nhau. Những tư tưởng cũ “di cư” theo cùng các cư dân Châu Âu sang vùng đất mới mà người ta gọi là Tân thế giới, đã không còn phù hợp với diễn biến kinh tế cũng như chính trị nơi đây. Thời kỳ này, triết học kinh viện và thần học vốn thống trị trong thời trung cổ đã không còn chỗ đứng và chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa nhân bản - trước kia là vũ khí đấu tranh của giai cấp tư sản chống lại hệ tư tưởng phong kiến - tỏ ra không hiệu quả trong việc nhận thức và định hướng hành động trong bối cảnh xã hội mới. Nhu cầu chống lại tôn giáo và thần học và mở đường cho khoa học phát triển phục vụ sản xuất và củng cố chế độ chính mới trong buổi đầu phát triển của chủ nghĩa tư bản không còn là chính yếu nữa, mà là vấn đề giải quyết các mâu thuẫn chồng chéo đang diễn ra trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Chủ nghĩa thực dụng đã ra đời để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang hiện tồn tại xã hội Mỹ trong chính thời điểm mà xã hội cần nó nhất.

           

* Một số nội dung cốt lõi của Chủ nghĩa thực dụng:

            Đối với triết học truyền thống, các nhà tư tưởng luôn bàn về hai mảng lớn và hai mảng đó cũng chính là vai trò của triết học trong đời sống: Vấn đề thế giới quan và vấn đề phương pháp luận. Chủ nghĩa thực dụng ít bàn về vấn đề thế giới quan, cho rằng vấn đề thế giới quan – nhận thức về thế giới – không còn cần thiết trong thời đại này nữa mà phải đi vào cải tạo thế giới, giải quyết các vấn đề hiện thực, tức là vấn đề phương pháp luận. Chủ nghĩa thực dụng rất coi trọng vấn đề phương pháp luận, coi trọng hoạt động của con người. Phương pháp chỉ có ý nghĩa khi đặt trên cơ sở kiểm nghiệm hiệu quả của mục đích, mục tiêu hành động của con người. Tương ứng với mục tiêu, mục đích thì phương pháp cũng phải phù hợp với nó, không có quan điểm phương pháp luận nào mà lại ở ngoài yêu cầu hiệu quả mục đích của hành động. Phương pháp luận và phương pháp bao giờ cũng được thể hiện thông qua hoạt động thực tiễn, thực tế. Thực tiễn, thực tế là sự kiểm chứng của phương pháp. Một phương pháp thực sự hữu hiệu thì phải được trải qua kinh nghiệm trong đời sống hiện thực.

            Các nhà thực dụng phủ nhận khả năng nhận thức thế giới và sự tồn tại thực tế của thế giới, kể cả những quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội. James cho rằng: Không có sự tồn tại khách quan nào cả, chỉ có cái con người cho là tồn tại mới là thực tại. Thực tại phụ thuộc vào lòng tin của con người, lòng tin thay đổi thì thực tại cũng thay đổi; Dewey cho rằng: Giới tự nhiên tồn tại do tri thức quyết định; Peirce thì không phủ nhận thế giới nhưng lại cho rằng “cái tôi” là vấn đề trung tâm của thế giới, mọi cái hợp thành thế giới của tôi. Chân lý và nhận thức theo các nhà thực dụng không phải ở sự phản ánh đúng hay không đúng hiện thực khách quan mà là ở chỗ kết quả của hành động con người đạt đến đâu và kết quả đó có thể vận dụng vào thực tiễn ở mức độ nào. Trong nhận thức, kinh nghiệm đóng vai trò đặc biệt quan trọng, mọi sự nhận thức của con người phải được trải qua và xác định bằng kinh nghiệm. Con người tồn tại trong khinh nghiệm và không có sự phân biệt giữa chủ quan và khách quan. Kinh nghiệm không phải mang tính cá nhân mà gắn với tính phổ biến xã hội, đồng thời nó vừa có cơ sở vật chất vừa có tính chất tinh thần. Kinh nghiệm dù dưới bất kì hình thức nào cũng phải đưa đến tính chất hữu dụng và tiện lợi. Tính chất này được coi là thước đo của kinh nghiệm. James cho rằng kinh nghiệm là cái có sức sống vạn năng, có thể ứng dụng trong mọi trường hợp. Thế giới này hỗn độn, bất hợp lý, không có lôgic nào cả, là ngẫu nhiên, không phục tùng quy luật, thậm chí hỗn độn đa nguyên. Do đó, nhận thức thế giới ấy không có con đường nào khác là bằng kinh nghiệm. Kinh nghiệm sẽ được tái hiện và vận dụng cải tạo xã hội bằng cách ngày càng hoàn thiện kinh nghiệm xã hội. Triết học nói riêng cũng phải được hoàn thiện bằng kinh nghiệm. Các nhà thực chứng khẳng định rằng, có thể dùng kinh nghiệm để nhận thức toàn bộ thế giới khách quan, hoặc phủ nhận mặt nào đó trong hiện thực. Xét đến cùng, mục tiêu cuối cùng của kinh nghiệm, của hoạt động con người vẫn là tính hiệu quả.

            Về vấn đề chân lý: Các nhà thực dụng cho rằng chân lý vừa mang tính khách quan, vừa mang tính chủ quan. Nếu con người hành động đạt hiệu quả nghĩa là chân lý đã được xác định. Thực chất chân lý mà con người đạt được theo mục tiêu có lợi, có ích, do đó ai cũng có thể hành động theo chân lý. Dewey cho rằng, nếu chúng ta đạt được thành tích trong công việc, tức là chúng ta đáng tin cậy, vững vàng, chắc chắn, tốt. Cái gì chỉ đường đúng cho chúng ta thì là chân lý … Và vấn đề không phải là ở chỗ tư tưởng là chân chính hay giả dối mà là ở chỗ chúng thích hợp hay không thích hợp, có hiệu quả hay không có hiệu quả. Chân lý theo quan điểm của các nhà thực dụng là chống lại thế giới trật tự, chống lại chân lý khách quan và phủ nhận tính bền vững tương đối của chân lý.

            Như vậy, có thể kết luận rằng, hạt nhân nền tảng của Chủ nghĩa thực dụng là hiệu quả, là mục tiêu hữu dụng, là cái có lợi. Các nhà thực dụng đề cao sự kết hợp giữa kinh nghiệm và niềm tin, khuyến khích năng lực thực tế của con người – điều này vừa là biểu hiện vừa là đòi hỏi của xã hội Mỹ đang gặp những cản trở trên con đường phát triển nhanh chóng của nó. Về mặt giá trị thực tiễn, chủ nghĩa thực dụng đã tạo nên một phong trào có tính năng động, làm nổi lên vai trò của chủ thể, của cuộc sống con người. Vì vậy, nó được xem như một lý thuyết, một công cụ có tính ứng dụng tốt nhất cho đời sống hiện đại. Chủ nghĩa thực dụng đã đáp ứng được khát vọng ham muốn tự do, được sáng tạo và coi trọng thành quả sáng tạo, đề cao nhân cách cá nhân. Đó cũng là một trong những lí do vì sao Mỹ lại là quốc gia có rất nhiều sáng tạo được giải Nobel từ việc đem lại những lợi ích thiết thực cho xã hội, cho con người ở nhiều lĩnh vực: vật lý, hóa học, y học, sinh học, kinh tế học… ngoài ra, có rất nhiều những thành công, thành tựu ấn tượng, độc đáo, lớn lao của những cá nhân, những nhóm, những tập đoàn, những cộng đồng và với cả nước Mỹ là do đóng góp một phần quan trọng của những tư tưởng của chủ nghĩa thực dụng - một triết học đề cao tinh thần năng động, nhạy bén, linh hoạt, uyển chuyển để biết thích nghi với thực tiễn trong mọi hoàn cảnh, điều kiện của đời sống; đề cao tính hiệu quả, sự ích lợi cho những hoạt động, hành động, những công việc được tiến hành.

            Tuy nhiên, đối với các nhà thực dụng vấn đề cơ bản của triết học lại không có ý nghĩa nên đã điều hòa giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm cuối cùng mang tính chiết trung và rơi vào duy tâm. Bên cạnh đó, một biến thể của chủ nghĩa thực dụng là lối sống thực dụng - lấy “kỹ thuật” làm công cụ để đạt được sự “có ích” trong công việc, là cơ sở để xây dựng lòng tin của con người. Chủ nghĩa thực dụng đã sản sinh ra lối sống của “xã hội tiêu dùng” - lối sống tiêu dùng, sùng bái kỹ thuật, sùng bái vật chất. Bản chất của lối sống tiêu dùng là tìm mọi cách để kiếm được nhiều tiền và chạy đua mua hàng hóa. Nguyên tắc đạo đức cơ bản của Chủ nghĩa thực dụng là chủ nghĩa cá nhân, vì mình và cho mình, là sự đạt tới lợi ích của cá nhân. Để đạt được lợi ích, những người theo Chủ nghĩa thực dụng, đặc biệt là tầng lớp tư sản độc quyền đã không từ bỏ bất cứ âm mưu, thủ đoạn nào và sẵn sàng chà đạp lên mọi thứ (kể cả luật lệ) để thu về lợi nhuận tối đa. Cùng với đó là lối sống vị kỷ, vị lợi, bất kỳ quan niệm nào hễ phù hợp với nhu cầu đặc biệt của cá nhân đều được khuyến khích. Hiện nay, dưới tác động của mặt trái kinh tế thị trường, tư tưởng thực dụng lại biểu hiện một cách rõ nét nhất chính là những người chạy theo lợi ích vật chất – kinh tế trước mắt bằng mọi giá.

            * Chủ nghĩa thực dụng vào Việt Nam:

            Nước ta vốn chịu ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo trong hàng nghìn năm, hai học thuyết triết học đó đã luân phiên nhau giữ địa vị thống trị nền tảng tư tưởng của nước Việt, sau đó lại dung hòa với nhau và cùng với những tư tưởng triết học tuy còn chưa hệ thống của Việt Nam trở thành những nét văn hóa rất độc đáo, làm cho các tư tưởng trước và sau khi du nhập vào Việt Nam có những nét biến đổi phù hợp với truyền thống, đặc điểm của nước Việt.

Chủ nghĩa thực dụng mới vào Việt Nam được vài thập kỷ, theo chân đế quốc xâm lược  vào những năm 60 – 70 của thế kỷ XX. Đây là trào lưu tư tưởng thuộc một hệ tư tưởng rất khác, tuy nhiên bằng nhiều con đường, Chủ nghĩa thực dụng đã trở thành một trong những trào lưu tư tưởng mới và được đón nhận như là một lý tưởng sống của một bộ phận không nhỏ dân cư, đặc biệt là thanh niên thời bấy giờ. Văn hóa Mỹ, lối sống Mỹ với tất cả những gì hào nhoáng, xa hoa đã được quân đội Mỹ và đội quân tay sai ra khuyếch trương và truyền bá vào miền Nam Việt Nam lúc đó. Cũng vì thế, Chủ nghĩa thực dụng đã bị truyền bá với tất cả những cái hạn chế của nó mà lược bỏ đi những nội dung tích cực.

Sau này, chủ nghĩa ấy lại bị biến tướng thành lối sống thực dụng, vị kỷ khiến trào  lưu  tư  tưởng  này  đã  bị  biến  thể  thành  thực dụng,  tầm  thường. Các  ý  đồ chính trị cùng với mục đích khai thác thuộc địa, muốn thu vén cho mình mọi thứ của giới cầm quyền hay như lối sống gấp, chà đạp lên các quan hệ đạo đức, luân lý, giá trị nhân văn truyền thống, đánh mất danh dự nhân phẩm của một bộ phận không nhỏ dân cư, đặc biệt là tầng  lớp  thanh  thiếu niên đã  làm  cho  chủ nghĩa  thực dụng  trở  thành hệ  ý thức phi nhân tính, phản nhân văn đối với truyền thống đạo lý của người Việt.

Trong tình hình khủng hoảng, suy thoái kinh tế ở châu Âu, Mỹ cũng như nhiều nước khác trên thế giới hiện nay, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi làn sóng suy thoái, nếu vận dụng tốt những tư tưởng của chủ nghĩa thực dụng sẽ đem lại những điều tích cực. Cần phải nhanh nhạy, năng động, uyển chuyển, linh hoạt dựa trên những điều kiện, hoàn cảnh, tình hình thực tiễn của mỗi công việc, mỗi đơn vị, mỗi bộ phận, mỗi ngành kinh tế, đưa ra những quyết định, những hành động để thực thi những nhiệm vụ về lợi ích ngắn hạn, hay lợi ích trung hạn, lợi ích dài hạn như thế nào cho thích hợp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất, thực tế nhất, thiết thực nhất để nâng cao chất lượng công việc.

            * Nhìn nhận vấn đề lẽ sống từ Chủ nghĩa thực dụng:

            Những mặt tiêu cực của Chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa hiện sinh do mưu đồ chính trị của hệ tư tưởng đối lập truyền bá vào nước ta sẽ không có cơ hội phát triển thành trào lưu rộng lớn nếu ta đã sẵn có một nền tảng tư tưởng chân chính, vừa mang tính khoa học vừa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc xây dựng ý thức xã hội mới với nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng việc giữ gìn phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc sẽ đẩy lùi mọi tư tưởng, lối sống sai lầm, trái với các giá trị chân - thiện - mỹ.

Nhìn vào Chủ nghĩa thực dụng sẽ thấy mặt tích cực của nó là khuyến khích con người sống năng động, tích cực với lối hành xử linh hoạt, mềm dẻo nhằm thích ứng với hoàn cảnh và cải tạo những khó khăn mà hoàn cảnh đem lại, mang lại những lợi ích cho bản thân và xã hội. Nếu xét về mặt đó, thì Chủ nghĩa thực dụng cũng có những nét tích cực mà chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đề cập tới. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hết sức sôi nổi, rộng khắp, con người cần sự năng động và nhạy bén là điều tất yếu. Tuy nhiên, nếu sự năng động nhạy bén là để vun vén cho lợi ích cá nhân mà không quan tâm tới lợi ích cộng đồng thì đó lại là điều trái với nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa. Hành động của con người được thúc đẩy bởi tri thức và niềm tin, khi tri thức đúng, niềm tin mạnh mẽ, hình thành lý tưởng sống cao đẹp thì sẽ thúc đẩy con người hành động vì lợi ích của cộng đồng.

Biết lợi dụng những giá trị tốt đẹp của Chủ nghĩa thực dụng cũng như mọi trào lưu tư tưởng tiến bộ của cả phương đông và phương tây, không ngừng tu dưỡng đạo đức, bồi dưỡng nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa để sống có ích. Đó chính là phương châm sống, lẽ sống của thế hệ trẻ ngày nay. Nietzsche (nhà triết học người Phổ) đã từng nói: Những ai có lẽ để sống thì có thể chịu đựng gần như bất kể chuyện gì. Cuộc sống có ý nghĩa khi con người có lẽ sống, lẽ sống ấy sẽ giúp những người trẻ vượt qua mọi khó khăn thử thách để cống hiến cho quê hương đất nước. Đó là những việc mà cha ông chúng ta, các thế hệ người Việt Nam chúng ta vẫn đang làm để xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn, vững mạnh hơn. Lẽ sống cao đẹp như Nikolai A.Ostrovsky đã viết trong Thép đã tôi thế đấy: Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Đăng Sinh (chủ biên): Lịch sử Triết học, Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008.

 

Ths. Nguyễn Thu Hương

                                                Khoa Lý luận Cơ sở