• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TẦM QUAN TRỌNG CỦA KINH TẾ TRI THỨC KHI TIẾN HÀNH CNH-HĐH Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 09/12/2022 1:15:00 CH
Lượt đọc: 10665

 

Thuật ngữ “Kinh tế tri thức” được sử dụng từ đầu những năm 1990 và trong thực tế, thuật ngữ này còn được gọi bằng những tên khác nhau như: Kinh tế số, Kinh tế thông tin, Kinh tế học hỏi, Kinh tế mới... Những tên gọi trên thực chất nhằm nhấn mạnh những yếu tố khác nhau trong những trường hợp cụ thể nhất định. Sự tương đồng căn bản của các tên gọi là đều nhấn mạnh vai trò của tri thức với sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại ngày nay. Theo GS. Đặng Hữu “Kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống”[1].

Như vậy, có thể nói kinh tế tri thức (KTTT) là nền kinh tế, trong đó khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là yếu tố quyết định hàng đầu việc sản xuất ra của cải, sức cạnh tranh và triển vọng phát triển; Nhân tố quan trọng nhất trong nền kinh tế kinh thức là khoa học công nghệ và sự sáng tạo của con người trở thành yếu tố quyết định quá trình phát triển... Ưu điểm của KTTT là có thể vận dụng vào tất cả các ngành kinh tế, làm tăng nhanh giá trị của sản phẩm; giảm tiêu hao tài nguyên và lao động. Nước ta xác định, KTTT là công cụ hàng đầu để rút ngắn thời gian thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa(CNH-HĐH).

Quan điểm của Đảng ta là “Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển mạnh các ngành và sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức; kết hợp sử dụng nguồn vốn của con người Việt Nam với tri thức mới nhất của nhân loại”[2]

Như vậy, đối với Việt Nam nếu muốn tiến hành thành công và rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì tất yếu phải nắm bắt, khai thác, sử dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ hiện đại là những yếu tố cốt lõi của nền kinh tế tri thức. Nước ta có thuận lợi cơ bản là nước tiến hành công nghiệp hóa đi sau, có thể học hỏi được khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm thành công của những nước đi trước và có cơ hội rút ngắn thời gian thực hiện quá trình này. Trước đây, “Nước Anh thực hiện công nghiệp hóa đầu tiên, phải mất 120 năm; nước Mỹ đi sau, chỉ mất 90 năm; sau nữa là Nhật Bản xuống còn 70 năm; và các nước công nghiệp mới (NICs) có hơn 30 năm”[3]. Kinh tế tri thức là cơ hội để chúng ta đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đi nhanh vào kinh tế tri thức để giúp nước ta rút ngắn khoảng cách tụt hậu kinh tế với các nước khác. Kinh tế tri thức cũng được khẳng định và ghi dấu là một trong những phương hướng quan trọng để nước ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên môi trường”, đây là một trong tám phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội, được thông qua tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011).

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng sử dụng thuật ngữ “kinh tế số” để nói lên đặc trưng về thời đại công nghệ số của kinh tế tri thức hiện nay. Văn kiện xác định “Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”[4]. Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 trong đó “kinh tế số đạt khoảng 20% (GDP).”[5] Lý do Văn kiện Đại hội XIII sử dụng thuật ngữ kinh tế số là nhằm xác định chuẩn xác đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, đó là cuộc cách mạng về công nghệ số. Những thành tựu về công nghệ số đã tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Với cuộc cách mạng này, khoa học và công nghệ hiện nay thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Văn kiện Đại hội XIII xác định “Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội”[6]. Như vậy, quan điểm Đại hội tiếp tục khẳng định về tầm quan trọng của tri thức khoa học công nghệ, đặc biệt là về vai trò của công nghệ số trong nền KTTT. Trong bối cảnh thế giới đang diễn ra quá trình hội nhập và toàn cầu hóa một cách mạnh mẽ như hiện nay, nước ta có nhiều cơ hội để lựa để tăng nhanh ứng dụng khoa học công nghệ khi tiến hành CNH-HĐH. Việt Nam có thể sử dụng những tri thức mới của nhân loại bằng nhiều biện pháp khác nhau, như nhập khẩu công nghệ; mua các bằng phát minh, sáng chế, hoặc hợp tác phát triển khoa học, công nghệ... Để tiếp tục đẩy mạnh KTTT với đặc trưng của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, ở nước ta hiện nay cần thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Một là: Tiếp tục xây dựng chính sách ưu tiên và dành nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật, đặc biệt là phát triển hạ tầng kỹ thuật và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số. Đây là sự khuyến khích, ưu tiên giúp đẩy nhanh quá trình ứng dụng thành quả từ cuộc cách mạng từ công nghệ số, cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đó là điều kiện để đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH và là cơ sở để xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh trên nền tảng số. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, công nghệ số có sự đổi mới rất nhanh, tạo ra sự cạnh tranh lớn. Chính phủ cần tăng cường nguồn lực đầu tư, cũng như các chính sách ưu tiên mạnh mẽ, thu hút cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực công nghệ số để Việt Nam không bị tụt hậu trong lĩnh vực này.

Hai là: Cần tích cực tận dụng vai trò của tri thức khoa học và đổi mới sáng tạo của nền KTTT để thúc đẩy và chuyển đổi quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta sang giai đoạn mới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng xác định “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[7]. Nếu trước đây quá trình CNH-HĐH của nước ta luôn đi sau trình độ các nước có nền công nghiệp tiên tiến trên thế giới. Thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã mở ra những cơ hội để chúng ta bắt kịp trong một số lĩnh vực, thậm chí một số lĩnh vực mũi nhọn, thế mạnh ta có thể vượt trước nhiều quốc gia khác. Đại hội XIII xác định: “Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”[8], đây sẽ là mấu chốt giúp Việt Nam đạt được những đột phá về kinh tế trong tương lai.

Ba là: Cần thu hút nhân lực chất lượng cao, nhân tài trong lĩnh vực, khoa học, công nghệ, kỹ thuật.  Vic thu hút và trng dng nhân tài có nh hưởng hàng đầu ti sphát trin để hình thành nn kinh tế tri thc ca quc gia. Đặc biệt trong bối cảnh trọng tâm của nền KTTT hiện nay được xác định đó là cuộc cách mạng về công nghệ số. Nhân lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số sẽ có sự cạnh tranh thu hút nhân lực tranh gay gắt.

Tóm lại, vai trò của tri thức, khoa học, công nghệ trong quá trình CNH-HĐH ở nước ta là vô cùng quan trọng. Với đặc thù của bối cảnh thời đại ngày nay, công nghệ số đã trở thành đặc trưng nổi bật của kinh tế tri thức. Việc tận dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ số, xây dựng nền KTTT là biện pháp hữu hiệu để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Nguyễn Tuấn Phong- Khoa lý luận cơ sở

 



[1] Đặng Hữu: Kinh tế tri thức, Thời cơ và thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.2004, tr. 153

[2] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.87-88.

[3] Nguyễn Thái Sơn (2015): Công nghiệp hóa – hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường trong thời kỳ quá độ, truy cập 08/12/2022 từ  Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam; https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/gioi-thieu-van-kien-dang/cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-gan-voi-phat-trien-kinh-te-tri-thuc-va-bao-ve-moi-truong-trong-thoi-ky-qua-do-879

[4]  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.2011, tr.46.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.2011, tr.113.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.2011, tr.208.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.2011, tr.234.