• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Sử dụng tình huống để nâng cao hiệu quả trong giảng dạy môn Những vấn đề cơ bản về Quản lý hành chính nhà nước tại Trường Chính trị tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 07/01/2021 3:45:00 CH
Lượt đọc: 15881

 

Đổi mới phương pháp giảng dạy là một vấn đề cấp bách đang được sự chú ý và quan tâm của dư luận toàn xã hội. Trong lĩnh vực đào tạo về quản lý nhà nước nhu cầu này lại càng trở nên bức thiết hơn. Một trong những nguyên nhân chính là do phương pháp giảng dạy truyền thống với vai trò người thầy làm trung tâm phát thông tin và học viên bị động tiếp nhận thông tin đã trở nên lạc hậu trước yêu cầu đào tạo về quản lý của xã hội, khi các giá trị được kỳ vọng từ các nhà quản lý tương lai là năng lực tư duy sáng tạo và khả năng tự tiếp thu cái mới, hay cao hơn nữa là khả năng tự hoàn thiện.

Bản chất của dạy học tích cực là đề cao và phát huy tính tự giác, chủ động của người học. Tích cực trong học tập có nghĩa là người học tìm hiểu kiến thức một cách hoàn toàn chủ động, tự giác, có mục đích cụ thể, sáng tạo và đầy hào hứng để có thể nắm vững kiến thức, kĩ năng nhằm vận dụng chúng vào học tập và thực tiễn. Như vậy tích cực là một đức tính rất cần thiết cho mọi quá trình nhận thức, là nhân tố quan trọng tạo nên hiệu quả của việc dạy và học.   

Phương pháp dạy học tích cực là những phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, độc lập và sáng tạo. Phương pháp dạy học tích cực có những đặc trưng cơ bản là:

 - Người học có được sự tập trung cao trong học tập, chủ động tìm tòi khám phá nội dung được đưa ra, đề xuất các phương án giải quyết những tình huống trong bài học, trình bày, diễn đạt và bảo vệ ý kiến của mình khi thảo luận vấn đề đó trước lớp học. Theo đó, người học chính là chủ thể của quá trình nhận thức.

 - Người dạy: có sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo luôn tạo cơ hội để người học tham gia và đưa ra những ý kiến riêng của mình dựa trên những gợi ý có sẵn và hướng chúng đi đúng với hướng mà bài học đề ra. Đó là một môi trường có khả năng thúc đẩy người học tự mình làm chủ hoạt động học tập, cung cấp những yêu cầu và mục tiêu với mức độ phù hợp cho từng đối tượng học viên. Người dạy chỉ là người tổ chức và hướng dẫn quá trình nhận thức.

 - Nội dung bài dạy không đi sâu vào từng chi tiết cụ thể mà sắp xếp thành các vấn đề có liên quan đến nhau hoặc sắp xếp theo thứ tự một cách lôgic để kích thích tư duy và tính chủ động, sáng tạo trong cách giải quyết các vấn đề của người học. Sao cho họ nhận biết được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tự mình áp dụng và giải quyết được những vấn đề nảy sinh trong quá trình làm việc.

Môn học Những vấn đề cơ bản về Quản lý hành chính nhà nước trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị là môn học trang bị cho người học những kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản về quản lý hành chính nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Các nội dung này có khả năng gắn kết với thực tế rất cao vì thế lựa chọn sử dụng tình huống để giảng dạy của môn học cho phù hợp là rất cần thiết.

Một trong những yếu tố quan trọng và quyết định sự thành công của việc đưa tình huống vào giảng dạy trong bài học đó là phải sử dụng một tình huống tốt. Vậy người giảng viên phải lựa chọn, xây dựng tình huống như thế nào cho phù hợp với nội dung bài giảng? Làm thế nào để có một tình huống tốt?

* Tình huống tốt phải đạt các yêu cầu sau:

- Thứ nhất, tình huống đó phải có tính thực tiễn. Sẽ là tốt nhất nếu như tình huống đó là một vụ việc thực tế, mang tính thời sự, đã được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng chưa được giải quyết. Những vụ việc thực tế luôn có sức hấp dẫn cao đối với bất cứ ai, trong đó có người học; bởi lẽ khó khăn đặt ra ở đó là thực nhất và thách thức mà người học phải đối mặt cũng là thực nhất. Vì vậy người học sẽ rất háo hức và chủ động tìm cách giải quyết vấn đề được giao cho họ. Nếu như tình huống là một vụ việc giả định thì vụ việc giả định đó cần được xây dựng giống như trong thực tiễn. Mục đích cao nhất ở đây là làm cho người học có cảm giác rằng mình đang làm việc với một vụ việc có thực hoặc hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế để kích thích lòng ham muốn giải quyết vấn đề trong người học.

- Thứ hai, các tình huống đưa ra phải phù hợp với nội dung của bài học và trình độ học viên của Nhà trường. Có thể xây dựng tình huống đơn giản hoặc tình huống phức tạp. Thông thường nên sử dụng tình huống đơn giản ngắn gọn, nội dung không quá phức tạp, chỉ có một đến hai vấn đề cần giải quyết để phục vụ cho việc giảng dạy một phần hoặc một nội dung cụ thể.

Khi xây dựng tình huống, giảng viên cần trả lời được các câu hỏi: Tình huống này được sử dụng để giảng dạy phần nào, bài nào hay chuyên đề nào? Mục tiêu việc nghiên cứu tình huống này là gì? Với việc nghiên cứu tình huống này, học viên có thể học được kiến thức lý thuyết gì? Sau cùng là những kỹ năng gì đạt được sau khi nghiên cứu tình huống. Những thông tin đưa ra trong tình huống chỉ cần ở mức độ vừa và đủ để giúp học viên có thể đạt được mục tiêu của bài học, những tình tiết trong tình huống cần rõ ràng, đơn giản. Nếu lượng thông tin đưa ra quá nhiều, có sự kết hợp nhiều nội dung trong một tình huống sẽ gây ra sự nhàm chán, mất thời gian và có thể vấn đề không được giải quyết triệt để, sẽ phá vỡ kết cấu bài giảng. Ngược lại, nếu tình huống quá cô đọng, những thông tin mà tình huống cung cấp không đủ để giải quyết vấn đề sẽ làm cho người học cảm giác như bị đánh đố và họ không có đủ dữ liệu để giải quyết tình huống này. Khi đó, mục tiêu của bài học sẽ không đạt được.

- Thứ ba, tình huống cần phải đặt ra một vấn đề rất rõ ràng để học viên giải quyết, các tiểu vấn đề, nếu có, cũng cần phải có chỉ dẫn để học viên có thể phát hiện ra. Vấn đề này là rất quan trọng, bởi vì nó quyết định tới việc tình huống có thể sử dụng được hay không. Tình huống được đặt ra là để kích thích học viên tự học và tự tìm hiểu kiến thức. Nếu học viên không biết được mình sẽ làm gì hoặc thiếu những thông tin cần thiết để có thể xác định được mình cần phải làm những gì để đạt được mục tiêu cuối cùng thì tình huống sẽ mất đi tác dụng.

- Thứ tư, người xây dựng tình huống phải nắm được đối tượng người học để xây dựng những tình huống phù hợp với khả năng nhận thức cũng như tâm lý của học viên.

* Nguồn thông tin xây dựng tình huống:

Đối với môn Những vấn đề cơ bản về Quản lý hành chính nhà nước nguồn thông tin sử dụng để xây dựng tình huống tương đối dồi dào. Chủ yếu tập trung vào các nguồn sau:

- Một là, từ các hồ sơ giải quyết khiếu nại, xử phạt vi phạm hành chính ở các xã, phường, thị trấn. Ưu điểm của nguồn thông tin này là ta có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh về quá trình giải quyết vụ việc từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Vì vậy, người viết tình huống có nguồn dữ liệu dồi dào và khả năng lựa chọn rộng. Người viết có thể khai thác nhiều vấn đề trong cùng một hồ sơ vụ án để phục vụ cho nhiều nội dung giảng dạy khác nhau trong chương trình. Nếu muốn xây dựng tình huống để giảng dạy cho một bài hoặc nhiều bài, giảng viên sử dụng dữ liệu từ một hồ sơ vụ việc hoàn chỉnh; khi xây dựng tình huống cho một nội dung trong bài học, giảng viên có thể chọn lọc một phần dữ liệu trong hồ sơ đó phù hợp với mục đích và yêu cầu của bài giảng.

- Hai là, kinh nghiệm thực tiễn từ phía giảng viên. Trên cơ sở giảng viên đã giảng dạy môn học này cho học viên, đã đưa ra các tình huống (ví dụ) ngắn trong những bài giảng trên lớp, từ đó điều chỉnh nội dung tình huống cho phù hợp với nội dung bài giảng.

-  Ba là, từ học viên. Các báo cáo thực tập, luận văn tốt nghiệp của học viên cũng là những nguồn cung cấp tình huống rất phong phú. Vấn đề là cần biên tập và hiệu chỉnh để chúng trở thành các bài tập tình huống có giá trị. Mặt khác, học viên là những người đã có kinh nghiệm công tác, giảng viên có thể yêu cầu họ tự viết các tình huống thực về công việc của chính họ

- Bốn là, từ các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài, ti vi… đây là những nguồn cung cấp tình huống khá phong phú nhưng cần được điều chỉnh để phù hợp với nội dung giảng dạy. Một bài báo hay, một tình huống trên tivi được trình chiếu cho học viên xem đi kèm với những câu hỏi hay của giảng viên sẽ thành một tình huống rất lý thú mang tính thời sự cao cho học viên.

* Đưa tình huống vào giảng dạy trên lớp:

Trước khi tiến hành, giảng viên cần phải đưa ra nội dung lý thuyết về nghiên cứu trước, có thể là giảng viên chuẩn bị và đưa cho học viên nghiên cứu hoặc giảng viên chỉ đưa ra các đề mục cần nghiên cứu, sau đó giới thiệu học viên các nguồn để học viên tự tìm và nghiên cứu tài liệu.

- Bước 1: Giới thiệu tình huống

Tình huống có thể được thể hiện bằng một trong số các cách như là viết sẵn trên giấy khổ lớn, trình chiếu, phô tô cho từng học viên hoặc do người học được phân công đóng vai trước lớp. Giảng viên cần mô tả kỹ tình huống, đặt ra câu hỏi định hướng về vấn đề cần giải quyết.

- Bước 2: Học viên nghiên cứu tình huống và tìm giải pháp cho tình huống

Phân chia lớp thành các nhóm học viên để làm việc theo nhóm. Các nhóm tiến hành nghiên cứu tình huống để đưa ra được các tình tiết trong tình huống, mô tả được các vấn đề cần giải quyết, phân tích được nguyên nhân của vấn đề. Từ đó, các nhóm căn cứ vào các câu hỏi được đặt ra trong tình huống và cùng nhau thảo luận để tìm ra hướng giải quyết. Tùy theo độ phức tạp của tình huống mà giảng viên phân bổ thời gian cho phần này. Thông thường phần này chiếm khoảng 15 phút. Ở phần này, giảng viên cần theo sát các nhóm, bao quát, xuống tận nơi xem các nhóm làm việc, hướng dẫn, gợi ý nếu cần. Điều này giúp thúc đẩy không khí làm việc nhóm tốt hơn, tránh được việc một số thành viên không làm việc nhóm, chỉ làm việc riêng hoặc nói chuyện riêng.

- Bước 3: Giới thiệu và bảo vệ giải pháp (báo cáo thảo luận)

Kết quả thảo luận nhóm được viết trên giấy khổ lớn và dán lên bảng. Đại diện các nhóm lên trình bày nội dung của nhóm thảo luận. Sau đó, các thành viên khác trong nhóm có thể bổ sung và các nhóm khác có thể đặt câu hỏi trao đổi với nhóm báo cáo để làm rõ hơn các nội dung và tạo được sự liên kết giữa các nhóm và tăng sự hứng thú cho học viên.

- Bước 4: Giảng viên tổng kết và đưa ra bài học từ tình huống

Giảng viên tổng kết và cùng tập thể lớp chọn phương án khả thi nhất đồng thời kết luận các giải pháp có liên quan đến nội dung lý thuyết môn học. Giảng viên đánh giá tinh thần làm việc của các nhóm, chỗ nào tốt, chỗ nào còn chưa tốt. Điều quan trọng nữa là giảng viên và học viên cùng nhau rút ra được bài học kinh nghiệm từ tình huống pháp luật được đưa ra.

Việc sử dụng tình huống trong giảng dạy là một phương pháp không mới. Nhưng những kinh nghiệm tiếp thu từ thực tế của bản thân giảng viên thông qua việc giảng dạy sử dụng tình huống đối với môn Những vấn đề cơ bản về Quản lý hành chính nhà nước đã và sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy của Nhà trường cũng như giúp học viên có thể nắm kiến thức và vận dụng kiến thức một cách linh hoạt và sáng tạo vào quá trình công tác của học viên tại địa phương./.

Nguyễn Thị Ngọc

Khoa Nhà nước và pháp luật