• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP SƠ ĐỒ HÓA ĐỂ GIẢNG DẠY PHÂN MÔN PHÁP LUẬT TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH
Ngày xuất bản: 23/11/2020 8:26:00 SA
Lượt đọc: 15184

 

Giáo dục các môn lý luận chính trị đem đến cho học viên những hiểu biết về quy luật phát triển của xã hội, về thế giới quan, nhân sinh quan, đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, để từ đó vạch ra cho mình tư tưởng, lối sống, hoài bão, ý chí, nguyện vọng, những nguyên tắc chuẩn mực đạo đức để gạt bỏ cái cũ, lạc hậu, tiếp thu có chọn lọc cái mới. Bản lĩnh chính trị và lập trường tư tưởng được hình thành, xây dựng và củng cố thông qua công tác giáo dục lý luận chính trị. Thực tiễn giáo trình hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhưng trong nội dung của các môn lý luận chính trị vẫn nặng tính hàn lâm, ít có sự bổ sung, phát triển, nhiều vấn đề về kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, dân chủ, hội nhập kinh tế…còn rất mờ nhạt, làm cho học viên cảm thấy khô khan, khó hiểu.

Việc xây dựng chương trình giảng dạy các môn của chương trình TCLLC - HC nói chung và môn pháp luật nói riêng còn dài, nặng về giới thiệu các nội dung kiến thức, thiếu tính tổng quát. Điều đó làm cho các học viên từ ngại học trở nên nản học các môn lý luận chính trị. Trên thực tế, các môn lý luận chính trị thường được học viên quan niệm là môn học khô khan, chủ yếu là đường lối, chính sách cho nên trong quá trình giảng dạy bản thân đã cố gắng tìm kiếm các phương pháp giảng dạy tích cực để có được chất lượng bài giảng cao, hấp dẫn và thu hút được học viên. Bản thân nhận thấy khi áp dụng phương pháp sơ đồ hóa trong dạy phân môn pháp luật này đã đạt được hiệu quả nhất định.

Phương pháp sử dụng sơ đồ hóa trong giảng dạy là một trong nhóm các phương pháp dạy học trực quan. Để sử dụng được phương pháp sơ đồ hóa trong giảng dạy phần môn pháp luật, trước tiên các kiến thức cơ bản cần được sắp xếp ở dạng mô hình, sơ đồ. Sơ đồ, mô hình là những hình ảnh có tính biểu tượng được xâu dựng trên các sự vật, các yếu tố trong cấu trúc sự vật và mối liên hệ giữa các yếu tố đó dưới dạng trực quan cảm tính (quan sát được, cảm nhân được). Sơ đồ tạo thành một tổ chức hình khối phản ánh cấu trúc và logic bên trongcủa một khối lượng kiến thức một các khái quát, súc tích và trực quan cụ thể. Nhằm giúp cho học viên nắm vững một cách trực tiếp, khái quát những nội dung cơ bản, đồng thời qua đó phát triển năng lực nhận thức cho người học.

Trong quá trình dạy học, hoạt động dạy của giảng viên và học viên không chỉ đơn thuần: giảng viên là người tổ chức - điều khiển hoạt động; học viên là người tìm hiểu. Mà trong đó học viên vừa là chủ thể và cũng vừa là khách thể của quá trình dạy học. Thực tiễn đặt ra vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm. Học viên phải chủ động tham gia vào quá trình lĩnh hội kiến thức mới. Do đó mà để áp dụng thành công phương pháp sơ đồ hóa cần có sự chuẩn bị kĩ càng từ phía cả người giảng viên và người học viên.

Trước hết, để sử dụng phương pháp sơ đồ hóa trong giảng dạy, giáo viên cần phải nắm vững chương trình, cấu trúc của từng chuyên đề. Trong mỗi một chuyên đề giáo viên cần định hướng cho học viên xem dùng sơ đồ, lập sơ đồ dạng nào cho hợp lí, có hiệu quả nhất. Giảng viên hình thành dần cho học viên cách nhớ bài học theo ngôn ngữ sơ đồ; đọc nội dung từ sơ đồ. Đây là một công việc khó khăn, chính vì vậy mà thông qua đó khả năng tự học của học viên ngày càng nâng cao.

Để tổ chức bài giảng theo phương pháp sơ đồ, giảng viên có thể hướng dẫn giảng viên đi theo các bước sau:

Bước 1: Giảng viên yêu cầu học viên nghiên cứu giáo trình, nội dung chuyên đề mình nghiên cứu

Bước 2: Đặt hệ thống các câu hỏi phù hợp với nội dung từng chuyên đề, từng mục trong chuyên đề để thông qua phát vấn sẽ khai thác được lượng kiến thức từ học viên để phục vụ cho việc lập sơ đồ.

Bước 3: Học viên phân tích nội dung các bài học. Từ đó có sự trao đồi, chia sẻ với các học viên khác để tìm được dạng sơ đồ cho phù hợp.

Bước 4: Lập sơ đồ, thảo luận về sơ đồ mà học viên đã lập.

Bước 5: Giảng viên trao đổi để chỉnh sửa lại sơ đồ cho chính xác, khoa học. Và giới thiệu để học viên làm quen với các dạng sơ đồ khác.

Để chuẩn bị tốt cho một buổi nghiên cứu lý thuyết hoặc thảo luận có sử dụng phương pháp sơ đồ hóa thì yêu cầu người giảng viên cần phải nắm chắc khối lượng kiến thức của chuyên đề cần truyền tải. Tìm hiểu trước đối tượng học viên để làm sao lựa chọn được phương pháp làm việc cho hiệu quả. Giảng viên có thể sử dụng cách thức làm việc độc lập từng học viên hoặc có sự phân chia lớp thành các nhóm. Giảng viên có thể chuẩn bị sẵn sơ đồ của mình từ nhà bằng cách vẽ lên giấy khổ lớn và gim lên bảng hoặc sử dụng các phần mềm hỗ trợ để trình chiếu trên lớp.

Để một buổi nghiên cứu bằng phương pháp sơ đồ hóa thành công thì người học viên cũng cần phải chủ động chuẩn bị nghiên cứu tài liệu, giáo trình và các dụng cụ hỗ trợ cần thiết để lập sơ đồ. Trên cơ sở hướng dẫn của giảng viên thì học viên hoàn toàn được chủ động để thiết kế sơ đồ riêng cho mình. Tuy nhiên việc thiết kế sơ đồ thì yêu cầu học viên cần nắm bắt được tổng thể nội dung của bài học, sử dụng kiến thức chuẩn xác.

Phương pháp sơ đồ hóa này đã được cá nhân tôi và nhiều đồng chí giảng viên trong nhà trường sử dụng để phục vụ cho việc giảng dạy các môn lý luận chính trị trong chương trình TCLLCT - HC. Phương pháp này sử dụng rất hiệu quả vì nó giúp học viên có được cái nhìn tổng thể về toàn bộ nội dung của từng mục, từng chuyên đề.. Đặc biệt đó là những giờ thảo luận, hệ thống môn và phần nào khắc phục được nhược điểm trong cách giảng dạy theo phương pháp thuyết trình truyền thống. Từ đó tạo được hứng thú nghiên cứu, học tập cho học viên khi học viên có thể nhớ được ngay bài học trên lớp từ đó góp phần nâng cao chất lượng bài giảng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ nâng cao chất lượng bài giảng của chương trình trung cấp LLCT - HC tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái.

* Một số sơ đồ đã sử dụng trong giảng dạy các chuyên đề phân môn pháp luật:

Quy trình giải quyết khiếu nại lần 2:

Bùi Thị Bích Ngọc

Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật