• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC GẮN LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỚI CÔNG TÁC GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI
Ngày xuất bản: 10/06/2019 10:57:00 SA
Lượt đọc: 22858

             Tư duy lý luận của Đảng ta luôn được bổ sung và phát triển cùng sự vận động và phát triển không ngừng của thực tế khách quan. Chính vì vậy, việc gắn lý luận với thực tiễn là một yêu cầu, nhiệm vụ không thể thiếu đối với việc giảng dạy lý luận chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc căn bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông” (Hồ Chí Minh Toàn tập, T8, tr 496, NXB CTQG, ST, H1996).   

Tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái, đội ngũ giảng viên là người giữ vai trò chủ yếu trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị. Vì vậy, người giảng viên là người trực tiếp truyền đạt những kiến thức khoa học, mang tính chất lý luận. Ngoài ra, họ còn hướng dẫn cho học viên cách thức vận dụng những kiến thức lý luận đó để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tế công tác. Đồng thời, thông qua người giảng viên mà các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng  pháp luật của Nhà nước được truyền tải đến học viên một cách nhanh chóng, chính xác và sáng tạo. Điều đó đòi hỏi đội ngũ giảng viên của nhà trường ngoài kiến thức lý luận còn phải có vốn sống, vốn kiến thức thực tiễn phong phú  sâu sắc, am hiểu tình hình thực tế, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở và có khả năng chỉ ra cách giải quyết tình huống, ít nhất trong phạm vi chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Đây là yêu cầu khó với các giảng viên, nhất là với các giảng viên trẻ vốn chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa qua công tác thực tế ở cơ sở.

Hiện nay, trình độ người học ngày càng được nâng cao, đòi hỏi giảng viên phải cập nhật thông tin để không bị lạc hậu. Đối với các giảng viên nói chung, đặc biệt là giảng viên trẻ thì việc thiếu vốn sống, thiếu thực tiễn là điều dễ gặp. Nhiều giảng viên nắm vững lý thuyết, thuộc giáo án, có phương pháp giảng dạy tốt, có khả năng sư phạm nhưng bài giảng vẫn chưa hay, vẫn còn thiếu sức thuyết phục, vẫn bị học viên “chê” là “lý thuyết suông”, nguyên nhân cơ bản cũng chính là ở chỗ bài giảng thiếu sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn. Cụ thể là thiếu những dẫn chứng, những ví dụ sinh động, tính thời sự thực sự của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội đang diễn ra. Sự xơ cứng còn thể hiện ở chỗ các ví dụ  minh họa thường bị lặp đi lặp lại, ít được cập nhật, đổi mới. Một tình huống thực tiễn có thể được sử dụng cho nhiều bài giảng, minh họa cho nhiều nội dung hoặc quá vụn vặt sẽ gây ra sự nhàm chán, đôi lúc còn vô tình hạ thấp, làm tầm thường hóa những quan điểm lý luận sâu xa. Một số giảng viên có tâm lý ngại “đụng chạm”, ngại “nói sai” nên đã áp dụng luôn cái “nguyên tắc”: biết thì thưa thốt, không biết thì im lặng bỏ qua do đó bài giảng lại càng thêm nặng nề.

Để nâng cao chất lượng trong công tác giảng dạy việc để gắn lý luận với thực tiễn luôn được nhà trường quan tâm, chú trọng .Trong những năm vừa qua, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức cho đội ngũ giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở các xã, phường, thị trấn và tổ chức đi nghiên cứu thực tế tại các Tỉnh bạn. Các giảng viên trẻ công tác tại trường đều trải qua quá trình thâm nhập thực tế tại địa bàn xã thời gian từ ba đến sáu tháng. Khi hoàn thành công tác thực tế các giảng viên trẻ đều có đề tài đánh giá thể hiện quá trình học tập, rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn mà bản thân đã trực tiếp chứng kiến và tham gia ở cơ sở… điều này có ý nghĩa rất lớn đối với công tác giảng dạy của giảng viên trẻ sau này. Cùng với đó, các khoa căn cứ vào bộ môn giảng dạy do khoa phụ trách mà xây dựng kế hoạch, chủ đề đi nghiên cứu thực tế tại một số địa phương trong tỉnh. Chính vì thế, việc tổ chức đi nghiên cứu thực tế hàng năm của đội ngũ giảng viên trong trường đã trở thành nề nếp thường xuyên và đem lại kết quả khả quan, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên và gắn lý luận với thực tiễn ở cơ sở.

Tuy đã đạt được một số thành tựu, nhưng để đáp ứng với tình hình thực tiễn ngày càng biến động. Việc tiếp tục chú trọng gắn lý luận với thực tiễn là yêu cầu cấp thiết, để lý luận không chỉ là lý luận suông và để ngày càng nâng cao hiệu quả trong giảng dạy, trong bài viết này, tôi xin đề xuất một số giải pháp xuất phát từ những quan điểm rút ra trong giảng dạy của bản thân như sau:

Thứ nhất:  Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục xây dựng kế hoạch đưa các giảng viên trẻ đi thực tế ở cơ. Qua đó tạo điều kiện cho giảng viên có cơ hội rèn luyện, thử thách, nắm bắt thực tế, phục vụ nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, các khoa và giảng viên phải tích cực chuẩn bị kế hoạch cũng như xác định tinh thần để tổ chức triển khai thực hiện việc đi thực tế xuống cơ sở.

Thứ hai: Là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cần phải tập trung đọc, cập nhật kiến thức để nắm được nhiều thông tin về thực tiễn (đặc biệt là những thông tin liên quan đến bài giảng của mình) trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, việc chọn lọc và đưa thông tin phải hết sức thận trọng. Chúng ta cần tránh lãng phí thời gian vào các trang mạng xã hội không có giá trị nhiều về thông tin chính thống.

            Thứ ba: cần tăng cường áp dụng một số phương pháp dạy học tích cực như: thảo luận nhóm, sử dụng bài tập tình huống, hỏi đáp để trao đổi. Qua đó, chúng ta có thể vừa kiểm tra được học viên vừa thu thập được nhiều thông tin bổ ích từ thực tiễn ở cơ sở.

             Thứ tư: cần tăng cường cho học viên làm bài tập liên hệ thực tiễn ở cuối mỗi bài học để học viên có thể vận dụng những kiến thức ở phần lý luận vào những công việc cụ thể mà mình đảm nhiệm. Điều này giúp cho học viên thấy được sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn.

            Thứ năm:  Nên tang cường vận dụng phương pháp hỏi chuyên gia (Nếu trong lớp có học viên có khả năng chuyên sâu về lĩnh vực đó) vì không chỉ học viên có thể  học lẫn nhau mà giảng viên cũng tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu để làm tài liệu khi giảng dạy.

            Thứ sáu: cần tăng cường thảo luận chuyên môn theo từng bài, nhấn mạnh về phần liên hệ thực tiễn để các giảng viên có điều kiện tự học và học hỏi từ đồng nghiệp.

            Thứ bảy: cần phải đa dạng hoá hoạt động nghiên cứu thực tế  tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học và các cuộc hội thảo tại địa phương để giảng viên có cơ hội nắm bắt được các hoạt động thực tiễn tại địa phương.

            Thứ tám: đổi mới việc ra đề thi và chấm thi theo hướng tích cực, ra đề có tính gợi mở, hạn chế sao chép…

            Có thể nói, việc gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình giảng dạy giúp cho học viên có cái nhìn khách quan vào thực tiễn mà học viên đang công tác để họ thấy: việc học lý luận là thiết thực, mối quan hệ giữa lý luận với thực tiễn là mối quan hệ biện chứng và việc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc căn bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin. Để nâng cao hiệu quả việc gắn lý luận với hoạt động thực tiễn trong giảng dạy và học tập ở Trường Chính trị Yên Bái tôi nghĩ có rất nhiều việc phải làm. Qua bài viết này tôi đưa ra một vài quan điểm hi vọng góp phần nâng cao việc gắn lý luận và thực tiễn với công tác giảng dạy lý luận chính trị nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giảng dạy.

GV. Nguyễn Quý Dũng

Khoa Xây dựng Đảng