• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
QUAN NIỆM CỦA PH.ĂNGGHEN VỀ GIA ĐÌNH VÀ NHỮNG BIẾN ĐỔI GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG TRONG GIA ĐÌNH VIỆT NAM HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 10/05/2022 12:22:00 CH
Lượt đọc: 10705

Ths. HOÀNG THỊ LÊ

Đơn vị: Khoa Lý luận cơ sở

 

Ngày nay, gia đình là một trong những lĩnh vực đang diễn ra biến động to lớn. Do vậy, nó đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội, trong đó có triết học. Việc nghiên cứu gia đình dưới góc độ triết học làm cho chúng ta có thể lý giải được những vấn đề mang tính lý luận như nguồn gốc, cơ sở của sự biến đổi của gia đình hiện nay, hay những vấn đề mang tính thời sự như: hôn nhân, tình yêu, tương lai của gia đình hay vấn đề bình đẳng giới,

Tư tưởng chủ đạo của Ph.Ăngghen về gia đình và sự phát triển của gia đình được trình bày tập trung trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước viết năm 1884. Trong đó, ông đã làm rõ nhiều vấn đề quan trọng như nguồn gốc, vị trí, vai trò và sự biến đổi của các hình thức gia đình trong lịch sử. Phạm vi bài viết xin đề cập đến một số quan niệm cơ bản của Ph.Ăngghen về gia đình và sự biến đổi của các hình thức gia đình trong lịch sử, từ đó vận dụng vào phân tích những biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình Việt Nam hiện nay.

Lý luận về gia đình được Ph.Ăngghen trình bày tập trung trong chương 2 của tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước. Dựa trên những tư liệu về xã hội nguyên thủy của Moocgan, ông nhấn mạnh rằng: trong những giai đoạn đầu tiên của lịch sử phát triển xã hội loài người, quan hệ gia đình, quan hệ thân tộc có vai trò quyết định đối với sự tồn tại của xã hội, của các cộng đồng người thời nguyên thủy ở mọi dân tộc và mọi nơi. Ph.Ăngghen đã nhận định yếu tố quyết định sự biến đổi của các hình thức gia đình đó chính là sự phát triển của lực lượng sản xuất. Sự phát triển của lực lượng sản xuất, năng suất lao động và sự xuất hiện của sở hữu tư nhân là yếu tố cơ bản phá vỡ xã hội cũ dựa trên cơ sở những quan hệ thị tộc và thay thế nó là một xã hội mới dựa trên những quan hệ giai cấp, từ đó các hình thức gia đình cũng biến đổi theo. Ph.Ăngghen nhận định: “chế độ gia đình hoàn toàn phục tùng những quan hệ sở hữu”.

Trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, ông đã xem xét sự phát triển của các hình thái gia đình trong tương quan với những biến đổi của phương thức sản xuất ra của cải vật chất để từ đó đưa ra quan niệm khoa học về sự biến đổi của các hình thức gia đình từ chế độ mẫu quyền nguyên thủy đến gia đình hiện đại như thế nào.

Phân tích sự tác động của yếu tố kinh tế dẫn đến sự biến đổi của các hình thức gia đình trong lịch sử, Ph.Ăngghen chỉ rõ rằng: khi kinh tế gia đình nguyên thủy chủ yếu dựa trên cơ sở của kinh tế hái lượm, người phụ nữ đóng vai trò chủ yếu thì quan hệ thân tộc chỉ được xác lập theo hệ mẹ, sau đó, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất và sự phân công lao động mới xuất hiện nên ảnh hưởng trong đời sống kinh tế và quan hệ xã hội dần giảm sút. Với sự xuất hiện của chế độ tư hữu, hình thái gia đình mẫu quyền sụp đổ và chuyển sang chế độ thừa kế theo hệ cha, hay là chế độ phụ hệ. Trong đó, chế độ gia đình gia trưởng là hình thức trung gian giữa chế độ mẫu hệ và phụ hệ. Gia đình một vợ một chồng (chế độ hôn nhân cá thể) được duy trì cho đến ngày nay.

Ph.Ăngghen đã phê phán gay gắt mô hình gia đình tư sản vốn được không ít những nhà lý luận tư sản coi là hình thức gia đình lý tưởng, là hiện thân của giá trị đạo đức. Ông chỉ rõ: cơ sở của hình thức gia đình đó thường là cuộc hôn nhân tính toán, bởi vậy trong hôn nhân tư sản tồn tại không ít những mặt trái của nó. Đồng thời, ông khẳng định rằng: một quan hệ hôn nhân thực sự phải dựa trên sự liên kết tự nguyện của những con người bình đẳng, trên cơ sở tình yêu và sự kính trọng lẫn nhau, chỉ có thể có được “sau khi nền sản xuất tư bản chủ nghĩa bị thủ tiêu”, tức là trong hình thái xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Những tư tưởng cơ bản trên đây của Ph.Ăngghen không chỉ vạch ra nguồn gốc và sự hình thành gia đình trên quan điểm duy vật biện chứng, mà còn cung cấp cho chúng ta những nguyên lý mang tính phương pháp luận trong nghiên cứu gia đình hiện đại, nghiên cứu những biến đổi giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình Việt Nam hiện nay.

Hiện nay, dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập, gia đình Việt Nam có những biến đổi giá trị văn hóa truyền thống như sau:

Thứ nhất, sự biến đổi từ gia đình gia trưởng truyền thống sang kiểu gia đình dân chủ hiện đại. Gia đình hiện nay là gia đình hạt nhân, không còn tam đại đồng đường hay tứ đại đồng đường như gia đình truyền thống. Cùng với đó là sự mất dần ngôi nhà truyền thống của người Việt. Nhà ở của người Việt ở nông thôn hay thành thị hiện nay thường làm theo kiến trúc phương Tây, ngôi nhà hiện đại bao gồm nhiều phòng riêng biệt. Chính vì điều này, đã làm mất dần đi mối quan hệ tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình.

Thứ hai, gia đình Việt Nam truyền thống có chức năng quan trọng đó là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, lý tưởng sống, ứng xử cho con cái nhưng trong gia đình Việt Nam hiện nay chức năng đó đang dần bị phai nhạt. Trong xã hội Việt Nam đương đại, quan niệm sống, sự tiếp nhận những giá trị văn hóa mới, đặc biệt là sự giáo dục về nhân cách, lối sống cho con cái trong gia đình người Việt đã và đang xa dần những giá trị của gia đình truyền thống. Thậm chí nhiều bố mẹ trẻ cho rằng những giá trị truyền thống là cổ hủ, lỗi thời. Những phong tục đẹp trong ngày tết cổ truyền của gia đình Việt Nam cũng bị xem nhẹ. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho thế hệ trẻ Việt Nam không có phương hướng để lựa chọn lối sống cũng như trách nhiệm của bản thân với gia đình, xã hội và đất nước. Sự biến đổi từ mô hình gia đình truyền thống sang kiểu gia đình hiện đại mang tính dân chủ, nhưng xã hội Việt Nam đang phải đối diện với những hiện tượng như bạo lực gia đình và trường học, ly hôn, sống thử,… ngày càng tăng lên.

Thứ ba, lối sống trong các gia đình người Việt đang biến đổi nhanh do các nhu cầu về mưu sinh, về kinh tế, khẳng định vị trí của mọi thành viên trong gia đình. Gia đình Việt Nam đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, rất nhiều nhà máy, khu công nghiệp hình thành, mọi người ở nông thôn và thành thị đều có những cơ hội tìm kiếm việc làm, các phương tiện truyền thông đại chúng cùng với kinh tế thị trường làm cho con người quá coi trọng đồng tiền và đề cao vai trò cá nhân nên đã tác động và làm biến đổi về lối sống như quan hệ nam nữ, lối sống thực dụng, lối sống ích kỷ cá nhân, giả dối, chuộng ngoại, thích hưởng thụ, coi thường tình cảm gia đình, xem nhẹ các giá trị truyền thống,… Biến đổi văn hóa truyền thống trong gia đình người Việt không chỉ hiện nay mới được những nhà quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu như xã hội học, văn hóa học,... quan tâm và lý giải, mà đã được phản ánh trong những tác phẩm văn học.

Những nguyên nhân kể trên làm cho hệ giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam biến đổi, làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên hình thức, lỏng lẻo, thậm chí bị xem nhẹ. Để tồn tại và phát triển gia đình truyền thống Việt Nam đã bị biến đổi về các giá trị văn hóa truyền thống là quy luật tất yếu, nó được nhìn nhận trên hai phương diện những giá trị văn hóa tiến bộnhững giá trị văn hóa không phù hợp. Mặc dù vậy, gia đình Việt Nam đương đại vẫn có những giá trị và giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Một nhà nghiên cứu văn hóa đã khẳng định rằng: Gia đình Việt Nam vẫn là nơi chuyển giao và thực hiện các giá trị văn hóa truyền thống. Những cuộc điều tra xã hội học cho thấy gia đình vẫn là giá trị ưu tiên trong xã hội ta. Linh hồn của nó là thờ cúng tổ tiên vẫn còn thiêng liêng đối với mọi người Việt Nam, bất kể giàu nghèo, sang hèn, thuộc mọi tôn giáo kể cả đối với người vô thần.

Có thể khẳng định rằng, ở đâu và bao giờ nhân loại cũng luôn hi vọng và hướng đến những điều tốt đẹp. Và cũng luôn mong ước sự tồn tại đồng hành, thống nhất giữa tình yêu, hôn nhân và gia đình như là các hình thức tối ưu để duy trì những mối quan hệ tình cảm và bảo vệ tính loài. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi những luận giải tưởng như cao siêu của triết học về gia đình cũng nhằm giải đáp những vấn đề rất đời thường nhưng không bao giờ cũ, chừng nào con người còn tồn tại đó là tình yêu, hôn nhân và gia đình. Ở đây, tư tưởng của những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác vẫn luôn là cơ sở lý luận đúng đắn và khoa học cho việc nghiên cứu vấn đề đó.