• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
PHÁT HUY VAI TRÒ TIÊN PHONG, NÒNG CỐT CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN TRONG XÂY DỰNG XÃ HỘI “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, CÔNG BẰNG, DÂN CHỦ VĂN MINH”
Ngày xuất bản: 10/05/2022 12:20:00 CH
Lượt đọc: 10593

Tạ Thị Hảo - Khoa Xây dựng Đảng

Trong tiến trình lịch sử của cách mạng Việt Nam, giai cấp công nhân được coi là lực lượng tiên phong, đứng ở trung tâm các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Nghị quyết 20-NQ/TW của BCH TƯ Đảng (khóa X) xác định giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong thời kỳ mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, tham gia vào toàn cầu hóa, Cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục được thể hiện trên nhiều phương diện. Nhất là sau 35 năm đổi mới, với vai trò là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế. Cụ thể: tổng số lao động trong các doanh nghiệp đạt khoảng 16,5 triệu người, chiếm 30% trong số 54,67 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước. Trong đó, cơ cấu lao động tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, với 62% thuộc doanh nghiệp tư nhân trong nước, 30% trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chỉ 8% thuộc doanh nghiệp nhà nước. Về trình độ chuyên môn, lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37% (trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 10,82%; cao đẳng chiếm 3,82%; trung cấp chiếm 4,65% và sơ cấp chiếm 3,08%[1].

Hiện nay Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội với nhiều hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế, giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau; cơ cấu, tính chất, vị trí của các giai cấp trong xã hội thay đổi nhiều cùng với những biến đổi to lớn về kinh tế - xã hội của đất nước. Những sự khác nhau ấy cũng đặt ra nhiều thử thách với mọi giai cấp và toàn dân tộc. Trong bối cảnh đó, “mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội là quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân, đoàn kết và hợp tác lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng”. Thông qua vai trò lãnh đạo của Đảng và từ vai trò nòng cốt của mình, giai cấp công nhân đang góp phần to lớn cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quan điểm cơ bản là: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội.”[2].

Chiến lược xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ mới đã khẳng định: “Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là điều kiện quyết định cho thành công của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định nhiệm vụ: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho giai cấp công nhân. Chăm lo đời sống vật chất tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế, tập trung làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, tập thể công nhân. Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay”[3].

Hiến pháp bổ sung sửa đổi (2013), Điều 10 khẳng định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Để phát huy sức mạnh của động lực này, quá trình xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn kết hữu cơ với xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc lấy liên minh công - nông - trí thức làm nền tảng. Xây dựng và thực hiện chiến lược về giai cấp công nhân gắn với chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế; phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước để giai cấp công nhân cùng với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, tăng cường liên minh công nhân - nông dân - trí thức, thực sự trở thành nền tảng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng giai cấp công nhân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Đảm nhận sứ mệnh đi đầu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, giai cấp công nhân nước ta là giai cấp lãnh đạo và là nòng cốt của đại đoàn kết toàn dân tộc. Trách nhiệm và vinh dự của giai cấp tiên phong đòi hỏi giai cấp công nhân rất nhiều nỗ lực, phấn đấu và cả việc chấp nhận thiệt thòi, hy sinh về lợi ích để làm trọn sứ mệnh lịch sử với dân tộc. Nâng cao giác ngộ về lợi ích giai cấp - dân tộclà sự nghiệp rất quan trọng để giai cấp công nhân Việt Nam hoàn thành sứ mệnh của mình và phát triển ở trình độ tự giác.

Nhìn chung, những đổi mới và phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam đều liên quan chặt chẽ với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới luôn nhắc nhở một kinh nghiệm chính trị rằng: chăm lo xây dựng giai cấp công nhân là chăm lo cơ sở xã hội cho sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, là chăm lo cho sự bền vững của nòng cốt khối liên minh công nông trí thức và khối đại đoàn kết toàn Dân tộc.

Thời gian tới, để phát huy vai trò tiên phong, nòng cốt của giai cấp công nhân trong xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ văn minh” cũng như để thực hiện xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp nhằm hiện hiện thực hóa được khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, phấn đấu đến năm 2045 trở thành một nước phát triển có thu nhập cao, theo đinh hướng xã hội chủ nghĩa mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, các cấp, các ngành cần tập trung và những giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho giai cấp công nhân. Gắn công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động với việc động viên về mặt vật chất, tinh thần đối với công nhân lao động chấp hành tốt nội quy và kỷ luật lao động, có ý chí phấn đấu, rèn luyện nâng cao lập trường tư tưởng, có ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc, nhất là, trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Hai là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng thích nghi với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời xây dựng tác phong công nghiệp, khả năng làm việc trong môi trường công nghệ tiên tiến và áp lực cao, ý thức tuân thủ pháp luật, sự tôn trọng văn hóa doanh nghiệp.

Bốn là, tổ chức công đoàn cần tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, nâng cao giác ngộ giai cấp, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, kiến thức về hội nhập, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, với doanh nghiệp và đất nước.

 



[1] Số liệu Tổng cục Thống kê, quý II/ 2019.

[2] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà nội- 2011, tr.239- 240.