• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
PHÂN BIỆT CÁC HÌNH THỨC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH TẠI LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NĂM 2015
Ngày xuất bản: 20/05/2020 7:25:00 SA
Lượt đọc: 20653

            Khái niệm “Văn bản quy phạm pháp luật” (VBQPPL) đã được quy định lần đầu tiên trong Luật ban hành VBQPPL năm 1996, được kế thừa trong Luật ban hành VBQPPL của Hội dồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) năm 2004, Luật ban hành VBQPPL năm 2008, và tiếp tục được hoàn thiện trong Luật ban hành VBQPPL năm 2015. Căn cứ vào quy định tại Luật ban hành VBQPPL năm 2015, VBQPPL là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục Luật định. Trong đó xác định rõ “Quy phạm pháp luật” là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

VBQPPL là một hệ thống được phân chia thành: văn bản luật, văn bản dưới luật mang tính chất luật và văn bản dưới luật lập quy (thường gọi là văn bản pháp quy), trong đó:

- Văn bản luật gồm: Hiến pháp (bao gồm Hiến pháp và các đạo luật về bổ sung hay sửa đổi Hiến pháp) và Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật).

- Văn bản dưới luật mang tính chất luật gồm: Nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

- Văn bản dưới luật lập quy gồm: Nghị định của Chính phủ; nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư của Chánh án TANDTC; Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC); Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Quyết định của Tổng kiểm toán nhà nước; Nghị quyết của HĐND các cấp; quyết định của UBND các cấp; các văn bản liên tịch (như thông tư liên tịch, nghị quyết liên lịch).

Hiện nay, theo quy định tại điều 4, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, hệ thống VBQPPL được quy định bao gồm 26 loại VBQPPL được xác định cụ thể gắn với thẩm quyền ban hành từng loại VBQPPL. Trong phạm vi bài viết này tác giả mong muốn làm rõ hơn về tên gọi, nội dung và thẩm quyền ban hành các hình thức VBQPPL theo quy định hiện hành, cụ thể như sau:

- Hiến pháp là văn bản Luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Nó quy định những vấn đề cơ bản về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền, nghĩa vụ của công dân, các nguyên tắc cơ bản về tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước và đường lối đối nội, đối ngoại của quốc gia. Hiến pháp luôn có tính ổn định, lâu dài, chỉ có Quốc hội có quyền sửa đổi Hiến pháp (việc sửa đổi Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành). Hiến pháp là nguồn, là căn cứ cho hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, các đạo luật và các văn bản khác khi ban hành không được trái với những quy định của Hiến pháp. Từ khi thành lập đến nay, Việt Nam đã ban hành 05 bản Hiến pháp (năm 1946,1959,1980,1992 và 2013).

- Bộ luật,  Luật VBQPPL có hiệu lực pháp lý do Quốc hội ban hành. Mỗi đạo luật là sự cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp, thuộc về quan hệ xã hội trong một lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền thông qua Luật. Dự thảo Luật sẽ được thông qua nếu có quá nửa tổng số Đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thànhQuốc hội ban hành luật để quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND, VKSND, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; tội phạm và hình phạt; chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; chính sách cơ bản về văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường; quốc phòng, an ninh quốc gia; chính sách dân tộc, tôn giáo; chính sách cơ bản về đối ngoại; trưng cầu ý dân; cơ chế bản vệ Hiến pháp; hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân; hàm cấp ngoại giao; cấp nhà nước; huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước,và vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam có 12 ngành luật cơ bản, (bao gồm: Luật Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hành chính, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Kinh tế, Luật Lao động, Luật Quốc tế, Luật Tài chính) với hơn 200 Bộ luật, luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống.

- Pháp lệnh là VBQPPL do UBTVQH ban hành nhằm quy định về những vấn đề được Quốc hội giao (sau một thời gian thực hiện có thể được trình lên Quốc hội xem xét nâng lên thành Luật). Khi các vấn đề của đời sống kinh tế, xã hội đặt ra cần phải có chế độ, chính sách đáp ứng kịp thời, nhưng chưa có Luật, thì UBTVQH được trao quyền quyết định việc ban hành Pháp lệnh với trên 50% tổng số thành viên biểu quyết thông qua.

- Lệnh là hình thức VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch nước, được ban hành để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định. Chủ tịch nước ban hành lệnh để quy định về tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp căn cứ vào Nghị quyết của UBTVQH; công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương trong trường hợp UBTVQH không thể họp được và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.

- Nghị quyết là văn bản thể hiện quyết định lãnh đạo tập thể theo thẩm quyền pháp luật quy định. Nghị quyết được thông qua khi có quá nửa số thành viên của tập thể tán thành. Theo Luật BHVBQPPL 2015 thì Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng thẩm phán TANDTC, HĐND các cấp đều có thẩm quyền ban hành nghị quyết. Trong đó:

Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định về tỷ lệ phân chia các khoản thu và nhiệm cụ chi giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác bới quy định của luật hiện hành; tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần luật, nghị quyết của Quốc hội đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia; đại xá và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

UBTVQH ban hành nghị quyết để giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; bãi bỏ pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; tổng động viên hoặc động viên cục bộ, ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương; hướng dẫn hoạt động của HĐND và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền.

Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử.

HĐND cấp tỉnh ban hành Nghị quyết để quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong các VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên; quy định chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên; biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật giao.

- Nghị định là VBQPPL của Chính phủ nhằm quy định chi tiết thi hành Luật, Nghị quyết của Quốc Hội; pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; quy định quyền hạn, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ thành lập; quy định những vấn đề hết sức cần thiết nhưng chưa có đủ yếu tố để xây dựng thành pháp lệnh hoặc luật nhằm đáp ứng những yêu cầu của quản lý nhà nước.

- Thông tư là VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để giải thích, hướng dẫn thực hiện nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn thực hiện những quy định về quản lý ngành, lĩnh vực do Bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách. Cụ thể là:

Chánh án TANDTC ban hành thông tư để thực hiện việc quản lý các TAND và Tòa án quân sự về tổ chức và những vấn đề khác được Luật tổ chức TAND và luật khác có liên quan giao.

Viện trưởng VKSNDTC ban hành thông tư để quy định những vấn đề được Luật tổ chức VKSND và luật khác có liên quan giao.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành thông tư để quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình.

- Quyết định là VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, UBND các cấp; được ban hành nhằm quyết định các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, điều hành bộ máy thuộc quyền quản lý của cấp thẩm quyền hoặc đưa ra các quy định về tổ chức, hoạt động, chế độ làm việc của cơ quan hoặc quy định các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật thuộc ngành, lĩnh vực và quyết định các vấn đề khác theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

Chủ tịch nước ban hành quyết định để quy định về tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp căn cứ vào nghị quyết của UBTVQH; công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương trong trường hợp UBTVQH không thể họp được và những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.

 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định để quy định biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, chế độ làm việc của các thành viên Chính phủ, chính quyền địa phương và các vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; kiểm tra hoạt động của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành quyết định để quy định chuẩn mực kiểm toán nhà nước, quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán.

UBND cấp tỉnh ban hành quyết định để quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong các VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên; biện pháp thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; nghị quyết của HĐND cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách quốc phòng, anh ninh ở địa phương; biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương. UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao.

- Ngoài ra, Luật còn quy định về văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và 02 hình thức VBQPPL khác là thông tư liên tịch và nghị quyết liên tịch, trong đó:

+ Nghị quyết liên tịch là nghị quyết thuộc thẩm quyền ban hành của UBTVQH hoặc Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam ban hành để hướng dẫn thi hành những vấn đề khi pháp luật quy định về việc tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào quản lý nhà nước.

+ Thông tư liên tịch là thông tư do nhiều cơ quan có thẩm quyền cùng nhau ban hành để giải thích, hướng dẫn thực hiện những văn bản liên quan đến chức năng, quyền hạn của mình. Theo quy định của Luật ban hành VBQPPL năm 2015, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC ban hành thông tư liên tịch để quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng.

Như vậy với việc xác định rõ về tên gọi, nội dung điều chỉnh và thẩm quyền ban hành của các VBQPPL trong hệ thống văn bản quản lý nhà nước nói chung giúp cho các nhà quản lý nhận diện rõ về từng loại văn bản và căn cứ vào mục đích ban hành và thẩm quyền được giao để lựa chọn hình thức, trình tự, thủ tục ban hành đối với mỗi loại VBQPPL cho phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng và ban hành VBQPPL, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội./.

Âu Phương Thảo

Khoa Nhà nước và pháp luật