• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Nội dung sinh hoạt Câu lạc bộ giảng viên trẻ Vận dụng lý luận Nhà và Pháp luật để giảng dạy tốt bộ môn những vấn đề cơ bản về Hệ thống chính trị, Nhà nước và pháp luật XHCN và các bộ môn khác tại trường.
Ngày xuất bản: 14/09/2017 4:54:00 CH
Lượt đọc: 24455

Để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị ngoài việc giảng viên cần nắm vững kiến thức chuyên ngành đối với từng bộ môn thì việc nắm vững kiến thức liên môn cũng là việc hết sức cần thiết, vì có như vậy bài giảng mới đạt được độ sâu về kiến thức. Nắm bắt được nội dung hết sức thiết thực và quan trọng này, Đảng ủy, Ban giám hiệu trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã rất quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ Giảng viên trẻ của nhà trường như: thông qua các hoạt động sinh hoạt sôi nổi của Câu lạc bộ Giảng viên trẻ. Trong bài viết này xin đề cập đến một nội dung đã được Câu lạc bộ giảng viên trẻ của Nhà trường đưa ra thảo luận, sinh hoạt hết sức sôi nổi, đó là việc: vận dụng lý luận Nhà nước và Pháp luật để giảng dạy tốt bộ môn những vấn đề cơ bản về Hệ thống chính trị, Nhà nước và Pháp luật XHCN và các bộ môn khác tại trường.

Đối với bộ môn Những vấn đề cơ bản về Hệ thống chính trị, Nhà nước và Pháp luật XHCN   

Để giảng dạy tốt môn Những vấn đề cơ bản về Hệ thống chính trị, Nhà nước và pháp luật XHCN thì phải căn cứ vào lý luận Nhà nước và Pháp luật để làm sáng tỏ bản chất cả Nhà nước và Pháp luật. Lý luận về Nhà nước và Pháp luật là một khoa học cơ sở, đồng thời là một khoa học pháp lý độc lập cung cấp cái khái niệm, phạm trù, quan điểm cơ bản về Nhà nước và Pháp luật. Tất cả các khái niệm, phạm trù, quan điểm cơ bản về Nhà nước và Pháp luật mà môn học đề cập đến đều được kế thừa từ khoa học lí luận về Nhà nước và Pháp luật. Như để làm rõ vấn đề bản chất Nhà nước, bản chất Pháp luật, nguồn gốc Pháp luật, chức năng Nhà nước, vai trò Nhà nước, quy phạm pháp luật, thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật, pháp chế XHCN…thuộc các chuyên đề của môn học thì người giảng viên phải nắm chắc các phạm trù này trong khoa học lí luận về Nhà nước và Pháp luật. Nếu thiếu những tri thức khoa học nêu trên thì các bài học sẽ không đảm bảo tính chính xác về mặt khoa học của vấn đề, bài giảng sẽ không có độ sau về tri thức.

Đối với bộ môn Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đối với triết học Mác – Lênin

Những tri thức lí luận về Nhà nước và Pháp luật có liên quan trực tiếp đến một số nội dung của triết học Mác – Lênin vì thực chất giữa hai khoa học này có sự hợp nhất về mặt nguồn gốc. Bởi vậy, có thể khẳng định những quan điểm của lí luận về Nhà nước và Pháp luật đều bắt nguồn từ học thuyết Mác – Lênin về Nhà nước và Pháp luật.

Trong môn Triết học Mác – Lê nin, những kiến thức về lí luận Nhà nước và Pháp luật được đưa vào để làm sáng tỏ nội dung về Nhà nước, cụ thể gồm: làm sáng tỏ nguồn gốc, bản chất, các kiểu Nhà nước trong lịch sử. Ngoài ra, lí luận về Nhà nước và Pháp luật còn góp phần làm rõ tính tất yếu và đặc điểm của nhà nước vô sản, nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay.

Đối với kinh tế chính trị Mác – Lênin

Lí luận Nhà nước - Pháp luật và kinh tế chính trị Mác – Lênin có mối liên quan. Khi kinh tế chính trị Mác – Lê nin làm rõ một số vấn đề về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa như: sản xuất giá trị thặng dư là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản, sự thối nát của chủ nghĩa tư bản độc quyền trong thời đại ngày nay…cần đặt những vấn đề đó trong tiến trình phát triển của các kiểu Nhà nước để khẳng định nhà nước tư sản với bản chất bóc lột là kiểu Nhà nước không thể hiện sự tiến bộ và sẽ bị thay thế bẳng kiểu nhà nước XHCN; từ đó, tiếp tục khẳng định quá độ lên CNXH gắn với xây dựng NN XHCN ở nước ta là tất yếu, khách quan.

Đối với Chủ nghĩa xã hội khoa học

Cần khẳng định việc vận dụng đường lối, chính sách của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào giảng dạy Chủ nghĩa xã hội khoa học là một đòi hỏi cần thiết.

Chính vì vậy, mặc dù lí luận Nhà nước và pháp luật không phải là cơ sở trực tiếp đối với Chủ nghĩa xã hội khoa học nhưng giữa chúng có mối liên quan nhất định. Cụ thể:

- Khi đề cập sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân cần khẳng định ở nước ta giai cấp công nhân cùng với nhân dân lao động đã thực hiện thành công cuộc cách mạng vô sản để lật đổ chế độ bóc lột. Từ đó, tư tưởng, quan điểm tiến bộ của giai cấp công nhân là nhằm xóa bỏ áp bức, bất công đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và Pháp luật do Nhà nước ban hành; góp phần tạo căn cứ pháp lý chính thức cho sự vận hành của một xã hội tiến bộ, văn minh.

- Khi đề cập con đường đi lên CNXH, cần lồng ghép quan điểm xây dựng Nhà nước XHCN với bản chất của dân, do dân, vì dân lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức là nền tảng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để làm rõ các phương hướng cơ bản trong xây dựng, bảo vệ tổ quốc XHCN.

Đối với bộ môn Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đối với bộ môn này khoa học Lí luận Nhà nước và pháp luật không phải là cơ sở lí luận trực tiếp song hệ thống pháp luật thực hiện của Nhà nước ta hiện nay lại là căn cứ pháp lý quan trọng cho tất cả các chuyên đề. Như để giải quyết thấu đáo nội dung của chuyên đề 6 về xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bên cạnh việc nêu rõ các quan điểm của Đảng về nền văn hóa Việt Nam theo các Văn kiện, Nghị quyết mà Đảng ban hành thì còn cần nêu rõ hiện nay vấn đề này được quy định như thế nào trong Hiến pháp 2013, trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 và một số văn bản Pháp luật khác mà Nhà nước ban hành.

Đối với bộ môn Những vấn đề cơ bản về Đảng cộng sản và lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam

Đối với bộ môn này, khoa học lí luận về Nhà nước và pháp luật không phải là cơ sở lí luận trực tiếp song có mối liên quan trực tiếp đến bộ môn này. Lí luận về nguồn gốc Nhà nước, bản chất Nhà nước, hình thức Nhà nước khẳng định sự lựa chọn của Đảng Cộng sản Việt Nam về hình thức Nhà nước là đúng đắn.

Đối với bộ môn Những vấn đề cơ bản về Quản lý hành chính Nhà nước

Những vấn đề cơ bản về Quản lý hành chính Nhà nước là bộ môn gồm các chuyên đề giảng dạy về quản lý hành chính Nhà nước trên một số lĩnh vực như: lí luận về quản lý hành chính Nhà nước; quản lý một số lĩnh vực trong đời sống xã hội như đất đai, địa giới hành chính, xây dựng; kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế; hành chính – tư pháp…Hiện nay Nhà nước ta quản lý xã hội bằng một số công cụ chủ yếu như: chính sách, kế hoạch, quy hoạch, chiến lược và pháp luật…trong đó công cụ quan trọng nhất là pháp luật. Bởi vậy, lí luận về Nhà nước và Pháp luật có mối quan hệ mật thiết và trực tiếp với bộ môn Những vấn đề cơ bản về Quản lý hành chính Nhà nước. Khi giảng dạy bộ môn Những vấn đề cơ bản về Quản lý hành chính Nhà nước, để giảng dạy tốt các chuyên đề thuộc bộ môn này, trước hết phải vận dụng lí luận về Nhà nước – Pháp luật (lí luận về nhà nước trong Hệ thống chính trị XHCN; Nhà nước XHCN; về quy phạm pháp luật; vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý; ý thức pháp luật, thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật…) để làm rõ nội dung của từng chuyên đề. Bên cạnh đó, còn cần đưa các kiến thức về hệ thống pháp luật đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật thực định vào từng bài giảng, có như vậy mới làm sáng tỏ được nội dung các chuyên đề, thấy rõ được sự gắn kết giữa Quản lý hành chính Nhà nước với hệ thống pháp luật, khẳng định được vai trò của các văn bản luật và dưới luật trong việc điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bùi Thị Bích Ngọc

Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật