• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Nâng cao chất lượng trong việc viết một bài báo khoa học lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 07/01/2021 3:47:00 CH
Lượt đọc: 15306

 

Trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, các bài báo khoa học đóng một vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ là một bản báo cáo về một công trình nghiên cứu, mà còn là một đóng góp cho kho tàng tri thức. Nếu một công trình nghiên cứu đã hoàn tất mà kết quả không được công bố, thì công trình nghiên cứu đó có thể xem là có vấn đề về chất lượng, và nhà nghiên cứu có thể xem như chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình. Do đó, báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học là một nghĩa vụ của nhà nghiên cứu, là một cách gián tiếp bày tỏ sự hiểu biết và tri thức mới về vấn đề mình nghiên cứu cho công chúng.

Hơn nữa, nghiên cứu khoa học là một trong những những hoạt động cơ bản của giảng viên. Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập của nước ta hiện nay, để khoa học, công nghệ đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, các nhà nghiên cứu, những người làm công tác khoa học, nhất là giảng viên phải là lực lượng nòng cốt trong việc nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu đó vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sở dĩ nói giảng viên là lực lượng nòng cốt là bởi người thầy đồng thời phải thực hiện hai nhiệm vụ: giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hai nhiệm vụ này có quan hệ chặt chẽ và tương hỗ lẫn nhau; nếu chỉ thực hiện được một trong hai nhiệm vụ ấy thì có nghĩa, người thầy đó chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình. Như vậy, nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu của mỗi giảng viên, trong đó có giảng viên trường chính trị.

Đối với giảng viên trường chính trị việc viết các bài báo khoa học trên các tập san, các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành là giải pháp quan trọng để trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn. Việc viết các bài báo khoa học trở thành thước đo quan trọng để đánh giá, nhìn nhận vai trò đóng góp và hiệu quả lao động thực sự của một người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy.

Tuy nhiên, để viết thành công một bài báo khoa học để được mọi người công nhận và đánh giá tốt không phải là công việc dễ dàng. Nói đúng hơn, đây là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu, kiên trì, bền bỉ và một ý thức trách nhiệm cao đối với công việc nghiên cứu, giảng dạy.

Với chức năng là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương của tỉnh Yên Bái. Hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được nhà trường xác định là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng. Nghiên cứu khoa học là hoạt động hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường. Hoạt động này đang được đổi mới theo hướng gắn lý thuyết với thực tiễn, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xu thế hội nhập và phát triển. 

Vì vậy, trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã không ngừng đẩy mạnh đổi mới nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cho đội ngũ công chức, viên chức nhà trường, nhất là đối tượng giảng viên. Hoạt động nghiên cứu khoa học đã được Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm, tạo điều kiện để động viên giảng viên tham gia. Số lượng các công trình nghiên cứu khoa học và sáng kiến kinh nghiệm khá nhiều và đã phần nào đã tạo ra được sự đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức, phát huy tính tích cực chủ động của giảng viên, góp phần thúc đẩy công tác giảng dạy đạt kết quả tốt hơn.

Mặc dù được nhà trường xác định công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn luôn là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng song trên thực tế, công tác này vẫn còn nhiều tồn tại:

- Kết quả nghiên cứu khoa học trong những năm gần đây cho thấy vẫn còn có sự bất cập giữa nghiên cứu và giảng dạy trong đội ngũ giảng viên. Tại Trường Chính trị tỉnh Yên Bái nói riêng và tại hầu hết các trường chính trị nói chung, dường như giảng viên đặt nặng hơn đối với việc giảng dạy và có phần coi nhẹ hơn hoạt động nghiên cứu. Số lượng giảng viên tham gia nghiên cứu không nhiều, một tỷ lệ khá lớn trong số đó chưa thật nhiệt tình và say mê nghiên cứu; vì thế, nhiều công trình nghiên cứu vẫn còn hạn chế về chất lượng nghiên cứu với hàm lượng khoa học chưa cao.

- Vẫn còn tình trạng đối phó trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Hiện nay hàng năm giảng viên phải thực hiện một số lượng giờ nghiên cứu khoa học nhất định, từ đó quy ra phải có bao nhiêu bài báo, đề tài… mang tính chất khoán. Vì thế, một số giảng viên thực hiện viết bài nghiên cứu khoa học chỉ nhằm mục tiêu “hoàn thành kế hoạch” mà không quan tâm lắm đến chất lượng công trình mà mình công bố.

- Số lượng các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành của Trung ương đang còn khiêm tốn so với khả năng, năng lực của đội ngũ giảng viên, người nghiên cứu trong nhà trường.

* Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong việc viết một bài báo khoa học lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Yên Bái:

- Cần xác định và lựa chọn vấn đề phù hợp, có vấn đề, tính mới, có ý nghĩa ý luận và thực tiễn cao để viết bài. Đây là yếu tố rất quan trọng mà người viết phải chú ý. Việc lựa chọn được vấn đề phải đảm bảo các yếu tố sau:

+ Vấn đề lựa chọn phải phù hợp với chuyên ngành trong chuyên môn mình học tập, nghiên cứu và có nhiều hiểu biết, kinh nghiệm. Và bài báo khi được viết ra phải là sản phẩm có tính chuyên ngành, có độ sâu về chuyên môn.

Khi người làm công tác nghiên cứu tập trung vào nội dung gắn với chuyên ngành của mình thì sẽ rất có lợi trong thực tiễn công tác. Vì qua quá trình nghiên cứu, người nghiên cứu sẽ có nhiều cơ hội làm sâu sắc hơn chuyên môn của mình, tiếp cận nhiều và thường xuyên với các nguồn tài liệu, công trình khoa học mới. Đồng thời nhận diện được năng lực, sự hiểu biết của mình.

+ Vấn đề được lựa chọn phải có tính vấn đề (có mâu thuẫn về các mặt giữa lý luận với lý luận, giữa lý luận với thực tiễn, giữa khách quan và chủ quan nhận thức…). Nên có cơ sở khách quan để giải quyết vấn đề. Từ đó mới tạo nên sự chú ý quan tâm của người khác.

+ Vấn đề lựa chọn phải mang tính mới, tính thời sự, tính thực tiễn “nóng” đang đặt ra được xã hội quan tâm; đồng thời góp phần luận giải, bổ sung, minh chứng những quan điểm về lý luận, đường lối của Đảng và Nhà nước đang đặt ra…

- Bố cục bài báo khoa học phải chặt chẽ, khoa học. Bố cục của một bài báo khoa học là rất quan trọng. Nếu tác giả không xây dựng nội dung bài báo dựa trên một bố cục khoa học, hợp lý thì chất lượng bài báo đó sẽ rất khó đạt được. Vì vậy, một trong những yêu cầu có tính cơ bản của một bài báo khoa học lý luận chính trị là cần xây dựng được một bố cục hợp lý để chuyển tải nội dung thích hợp. Thông thường, một bài báo khoa học lý luận chính trị cần có những bộ phận sau:

+ Tiêu đề bài viết. Một bài viết tốt trước hết phải lựa chọn và đặt được tiêu đề tốt (tên bài viết). Một tiêu đề tốt, cần thỏa mãn một số yếu tố sau: Phản ánh đúng bản chất của nội dung bài viết sau đó; câu chữ rõ ràng về nghĩa, súc tích về hình thức ngữ pháp; và càng ngắn gọn càng tốt.

+ Đặt vấn đề. Là phần đưa vấn đề mình đang đề cập giới thiệu để độc giả quan tâm và nhìn nhận. Phần này dung lượng ít song có vị trí rất quan trọng. Nếu như tác giả có phương pháp đặt vấn đề tốt thì sẽ thu hút, lôi kéo được người đọc quan tâm đến nội dung sau đó, và ngược lại. Đồng thời, cách đặt vấn đề tốt cũng sẽ là cơ sở để người viết triển khai nội dung sau đó đúng hướng và hiệu quả.

+ Giải quyết vấn đề. Đây là nội dung cơ bản và chiếm dung lượng nhiều nhất của một bài viết. Trong phần này thường có hai nội dung chính là: Phần lý luận của vấn đề đang đề cập và phần thực trạng của vấn đề đó. Ở phần này cần chú ý sự cân đối, hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, đảm bảo sự gắn kết và biện chứng lẫn nhau.

Cách viết phần giải quyết vấn đề mặc dù tùy thuộc vào nội dung vấn đề nghiên cứu. Song, thông thường kết cấu của phần này phải đảm bảo một số yêu cầu sau: Có nội dung rõ ràng, nên được trình bày theo các tiểu tiết cụ thể. Thông thường trình bày theo phương pháp diễn dịch; Nội dung phải cân đối giữa các ý, các vấn đề đang triển khai, đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ và lô-gic. Tránh tình trạng viết giàn trải, tùy hứng…

+ Hướng giải quyết (phương hướng, giải pháp) để giải quyết vấn đề đang đặt ra. Ở phần này tác giả thường nêu các giải pháp mang tính quan điểm chung đồng thời đề xuất các phương pháp mang tính cá nhân của mình.

Thông thường một bài báo khoa học cũng đều phải nêu được hướng giải quyết (các giải pháp) hợp lý trên cơ sở nhìn nhận đánh giá đúng thực trạng. Phần này thường viết theo cách diễn đạt theo cách như: thứ nhất, thứ hai, thứ ba…hoặc: một là, hai là, ba là…Cách viết thường theo phương pháp diễn dịch, ý tứ gọn, rõ để người đọc dễ dàng thấy được hướng giải quyết của tác giả như thế nào.

+ Phần kết luận: Phần kết luận trong một bài báo khoa học lý luận chính trị là rất cần thiết. Phần này mặc dù không dài (thông thường là một đoạn văn khoảng 5 – 7 dòng) nhưng chứa đựng một số nội dung: Khẳng định lại vấn đề đã triển khai trên và đồng thời gợi mở những hướng nghiên cứu, tìm tòi mới của bản thân tác giả cũng như bạn đọc nếu quan tâm.

- Viết chính xác, rõ ràng, súc tích. Về mặt hình thức, bao gồm từ ngữ, câu chữ, văn phong của một bài báo khoa học lý luận chính trị đòi hỏi phải đảm bảo tính khoa học, chính luận và chuyên sâu. Câu chữ, ngữ nghĩa, văn phong phải tường minh, rõ ràng, súc tích, lô-gíc...

- Cân bằng giữa lý luận và thực tiễn, nâng cao tính phản biện. Một bài báo khoa học lý luận chính trị trước hết phải mang tính lý luận chuyên sâu. Vì vậy, người viết phải thể hiện được khả năng, sự hiểu biết về mặt lý luận chắc chắn, sự hiểu biết đúng đắn, chính xác các vấn đề lý luận chung và lý luận chuyên gành mình đang đề cập.

Bên cạnh đó, sự hiểu biết về mặt lý luận phải được đứng vững trên cơ sở thực tiễn vững vàng, được soi chiếu bởi thực tiễn sinh động, khách quan, tạo nên mỗi quan hệ biện chứng chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn.

- Cẩn thận trong trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo, tránh tuyệt đối việc “đạo văn” khi nghiên cứu. Trong một công trình nghiên cứu khoa học, sự trung thực trong nghiên cứu là yêu cầu có tính rất cơ bản. Sự kế thừa các công trình nghiên cứu khác là tất yếu và cần thiết. Song tránh tình trạng “đạo văn”, “ăn cắp”, ỷ lại, thụ động trong vận dụng tri thức của các công trình của tác giả khác để trở thành sản phẩm của mình. Các thông tin trích dẫn, khai thác cần phải được công khai chính xác, có nguồn rõ ràng.

- Chú ý thể thức trình bày, hạn chế các lỗi thường gặp. Về mặt thể thức cũng phải chú ý quan tâm. Đảm bảo một bài báo khoa học phải chuẩn về nội dung lẫn hình thức.

Công tác nghiên cứu khoa học nhằm tổng kết thực tiễn, bổ sung hoàn thiện lý luận là một yêu cầu quan trọng và khách quan của người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu lý luận chính trị. Qua việc đầu tư nghiên cứu sẽ tạo ra được những công trình mới, trong đó có bài báo khoa học lý luận chính trị sẽ là giải pháp hiệu quả để người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy trau dồi tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn, tư duy khoa học, lập luận chính trị sắc sảo…Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể, công việc quan trọng này hiện nay chưa được những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị ở các trường chính trị cấp tỉnh quan tâm và coi trọng. Tính hình thức, đối phó vẫn còn phổ biến, làm một phần ảnh hưởng đến hiệu quả chất lượng công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị hiện nay. Vì vậy, trao đổi những kinh nghiệm về cách thức, phương pháp viết bài báo khoa học lý luận chính trị là cần thiết trên thực tế./.

 

Nguyễn Thị Ngọc

Khoa Nhà nước và pháp luật