• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua công tác dự giờ tại Trường Chính trị tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 07/01/2021 3:48:00 CH
Lượt đọc: 15474

 

Chất lượng đào tạo của trường chính trị tỉnh Yên Bái một phần do đội ngũ giảng viên quyết định. Giảng viên là nhân tố trung tâm của quá trình thực hiện mục tiêu đào tạo. Vì vậy muốn nâng cao chất lượng đào tạo, vấn đề mang tính chiến lược hàng đầu là phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cả về trình độ, phẩm chất và năng lực, mà vấn đề nâng cao chất lượng giờ dạy là một trong những nội dung quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Có thể nói, đội ngũ giảng viên là lực lượng cốt của việc biến các mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Yên Bái thành hiện thực, đội ngũ này giữ vai trò quan trọng quyết định chất lượng và hiệu quả đào tạo. Bởi vậy việc củng cố và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên giỏi về chuyên môn, vững vàng về nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, có phong cách sư phạm đáp ứng kịp thời xu hướng đổi mới của nền hành chính hiện nay là hết sức cần thiết. Để làm được điều đó thì mỗi hoạt động trong công tác giáo dục đều phải được chú trọng và quan tâm đúng mức. Một trong những hoạt động quan trọng đó là thông qua công tác dự giờ thường xuyên đối với các giảng viên. Việc dự giờ sẽ giúp giảng viên rất nhiều trong công tác phát triển chuyên môn đặc biệt là trong công tác đổi mới dạy học hiện nay.

Hoạt động dự giờ sẽ giúp cho giảng viên chủ động tích cực hơn trong bài  giảng của mình. Mỗi khi có người đến dự giờ các giảng viên đều có tinh thần chuẩn bị bài kỹ hơn, nhiều lúc còn có sự trao đổi về bài dạy trước khi đến lớp. Khi có người đến dự giờ lớp học cũng sôi nổi hơn, ý thức học tập của học viên tốt hơn, đây là điều kiện tốt nhất để giảng viên phát huy tính sáng tạo của học viên. Việc dự giờ không chỉ giúp cho giảng viên học tập, rút kinh nghiệm nhiều vấn đề trong dạy học mà còn giúp cho họ phát huy những sáng tạo trong xử lý các tình huống, thông qua việc xử lý tình huống của đồng nghiệp giảng viên sẽ khắc phục được những thiếu sót trong quá trình dạy học.

Hoạt động dự giờ của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Yên Bái có thể nói chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Xuất phát từ thực tế hầu như các giảng viên còn chưa tự giác tích cực dự giờ của đồng nghiệp bởi tâm lý e ngại và cho rằng đi dự giờ tức là kiểm tra tiết dạy của giảng viên, do đó việc dự giờ phần lớn chỉ do Lãnh đạo Nhà trường, Lãnh đạo Khoa chỉ đạo chuyên môn. Giảng viên hầu như chỉ tham gia dự giờ trong các hoạt động mang tính chất thao giảng, hoạt động thi giáo viên dạy giỏi vài năm một lần.

* Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua công tác dự giờ tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái trong giai đoạn hiện nay:

- Định kỳ hàng năm, Lãnh đạo Nhà trường, Lãnh đạo Khoa, tổ bộ môn, tiến hành dự giờ tất cả các giáo viên nắm bắt tình hình chung. Sau mỗi tiết dạy, Lãnh đạo Nhà trường và Lãnh đạo Khoa xây dựng ý kiến và thống nhất nhận xét về những mặt mạnh, mặt hạn chế trong từng tiết dạy dựa vào phiếu đánh giá chung lần lượt các bước cơ bản: nội dung lượng kiến thức cần truyền đạt, hình thức tổ chức, phương pháp truyền đạt, câu hỏi dẫn dắt, sử dụng các thiết bị dạy học, lời nói cử chỉ, âm lượng, bao quát lớp học,...  Sau đó trao đổi góp ý với giảng viên được dự giờ.

- Phân tích và đánh giá giờ dạy:

+ Phân tích giờ học trên lớp là chỉ ra các ưu khuyết điểm và nguyên nhân của chúng trong 3 nội dung sau: hoạt động dạy của giảng viên: công tác chuẩn bị, nội dung kiến thức, phương pháp dạy học, phân phối thời gian,...; hoạt động học của học viên: Nề nếp học tập, phương pháp học tập, khả năng tiếp thu kiến thức kỹ năng, kết quả học tập; quan hệ giao tiếp: Quan hệ “thầy – trò”; quan hệ “trò – trò” và việc xử lý tình huống xảy ra trong giờ học của giảng viên, của học viên.

+ Đánh giá giờ dạy là nêu ra kết quả của giờ học đó (mức độ đạt so với mục tiêu bài giảng, kết quả học tập của học viên có đạt với yêu cầu mà giảng viên đặt ra hay không?) và chỉ ra trình độ của người dạy (trình độ kiến thức, khả năng giảng dạy, tinh thần trách nhiệm) cũng như đặc tính học tập của học viên (kiến thức và kỹ năng, năng lực nhận thức, thái độ học tập) trong quá trình dạy học của bài học đó.

Đánh giá giờ dạy theo phiếu đánh giá tiết dạy trên cơ sở phân tích như trên. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chung nhất để đánh giá một giờ dạy là: Nội dung, phương pháp, cách tổ chức, kết quả. Một giờ dạy tốt là phải có nội dung kiến thức chính xác, đảm bảo các yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng. Đảm bảo tính hệ thống, làm rõ các nội dung trọng tâm, có nội dung phù hợp với mọi đối tượng học viên. Thực hiện việc dẫn dắt trong hình thành kiến thức, có biện pháp rèn luyện kỹ năng, qua đó phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo cho học viên trong tiếp nhận và vận dụng kiến thức, hầu hết học viên nắm được kiến thức cơ bản, trọng tâm, có khả năng vận dụng kiến thức vào giải giải quyết các tình huống có liên quan trong công việc ở địa phương nơi học viên công tác... Chúng ta không thể đồng ý với kiểu đánh giá giờ lên lớp là tốt hay chưa tốt chỉ căn cứ một cách hời hợt, phiến diện ở chỗ giảng viên áp dụng phương pháp này hay phương pháp kia hay không, ở chỗ có sử dụng đồ dùng dạy học hay không mà cần xem giảng viên sử dụng có hiệu quả không?... Vấn đề đặt ra là không phải dùng nhiều hay ít câu hỏi mà là câu hỏi đặt ra có đúng lúc không, đúng yêu cầu hay không, dẫn dắt câu hỏi để đưa các nội dung của bài học có lôgic và khoa học không?

Khi phân tích, đánh giá giờ dạy, giảng viên cần ghi chép cụ thể những ý kiến nhận xét của mình và những ý cần góp ý cho giảng viên được dự giờ để chuẩn bị cho cuộc trao đổi đạt hiệu quả cao nhất.

- Tăng cường hoạt động của tổ bộ môn trong công tác dự giờ: Các khoa chuyên môn phải thường xuyên xây dựng kế hoạch dự giờ hàng năm cho tất cả giảng viên trong khoa và kế hoạch đi nghe giảng mỗi khi có các lớp do các giảng viên trung ương giảng dạy tại nhà trường để tạo điều kiện cho mỗi giảng viên đều có cơ hội tham gia một cách có hiệu quả nhất.

- Tăng cường hoạt động dự giờ thường xuyên của các giảng viên: trước đây, các giảng viên hầu như chỉ được tham gia dự giờ nhân dịp tổ chức thi giáo viên dạy giỏi của các trường chính trị, do đó việc tổ chức rút kinh nghiệm cho mỗi tiết dạy còn rất hạn chế, phần lớn các giảng viên chỉ dự giờ chứ ít khi rút kinh nghiệm. Cũng chính vì lí do trên mà công tác dự giờ của giảng viên kém hiệu quả, giảng viên chưa thực sự ý thức tự giác trong trao đổi bài với đồng nghiệp và dần đánh mất cơ hội tham gia góp ý bài dạy cho đồng nghiệp.

Căn cứ vào thời khoá biểu trên lớp của mỗi giảng viên, các khoa chuyên môn cần lên lịch dự giờ cụ thể cho mỗi giảng viên. Việc làm này giúp giảng viên tự giác, tích cực hơn rất nhiều trong hoạt động dự giờ. Sau mỗi tiết dạy, cả người dạy và người dự đều rút được kinh nghiệm để chủ động hơn cho các bài sau.

- Nâng cao chất lượng hoạt động rút kinh nghiệm giờ dạy của giảng viên: Đây có thể nói là một hoạt động quan trọng nhất trong việc dự giờ. Khác với cách làm trước đây, giảng viên ít khi được góp ý bài dạy của đồng nghiệp hoặc có góp ý cũng rất e dè chưa mạnh dạn thì nay cần khắc phục tình trạng này bằng cách cho giảng viên ghi lại những ý kiến đóng góp của mình vào phiếu dự giờ, khi sinh hoạt chuyên môn, mỗi giảng viên dựa vào phiếu đó để phát biểu ý kiến xây dựng tiết dạy. Nếu trong tiết dạy có nhiều ý kiến đóng góp trái ngược nhau thì các khoa chuyên môn sẽ trực tiếp thống nhất ý kiến với các giảng viên để đi đến kết luận và có thể chỉ đạo giảng viên dạy lại tiết dạy đó (trong trường hợp cần thiết) để mỗi giảng viên thực sự hết những thắc mắc băn khoăn về tiết dạy.

Việc dự giờ như trên đặc biệt có hiệu quả trong trường hợp một bài dạy có từ 02 giảng viên đảm trách trở lên. Vì giảng viên đến dự các tiết dạy cùng nhau của các giảng viên khác nhau, trên cơ sở đó giảng viên dự giờ sẽ rút kinh nghiệm qua mỗi tiết dạy và sẽ học được ở mỗi người dạy cách chủ động sáng tạo khi xử lí tình huống.

Việc dự giờ không chỉ giúp cho giảng viên đến dự giờ để học tập, đúc kết kinh nghiệm từ trong tiết dạy của đồng nghiệp, mà còn giúp cho giảng viên có được những kinh nghiệm và sáng tạo trong việc xử lý các tình huống trong tiết học. Cùng một câu hỏi đặt ra, tùy vào từng đối tượng học sinh mà giảng viên có thể nhận được câu trả lời theo nhiều hướng khác nhau, thông qua việc xử lý tình huống của đồng nghiệp mà các giảng viên đến dự sẽ tiếp thu để khắc phục được những thiếu sót trong tiết dạy của mình. Thông qua các tiết dự giờ, Ban giám hiệu nhà trường và các khoa sẽ dễ dàng đánh giá xếp loại giảng viên. Còn giảng viên tự nhìn nhận đúng năng lực của mình, từ đó có ý thức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường trong thời gian tới./.

 

 

Nguyễn Thị Ngọc

Khoa Nhà nước và pháp luật