• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình Bồi dưỡng Ngạch chuyên viên, chuyên viên chính Thực tế và một số kiến nghị
Ngày xuất bản: 18/10/2017 8:47:00 SA
Lượt đọc: 34003

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có kiến thức vững vàng về quản lý nhà nước là đòi hỏi, yêu cầu tất yếu của bộ máy quản lý hành chính của bất cứ quốc gia nào. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức quản lý hành chính cũng phải đáp ứng yêu cầu phục vụ cho công cuộc đổi mới, quản lý nền hành chính nhà nước cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với vai trò là cơ quan đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, Trường chính trị tỉnh Yên Bái thực hiện nhiều loại hình đào tạo và bồi dưỡng khác nhau đối với cán bộ, công chức. Trong đó, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch Chuyên viên và Chuyên viên chính là một trong những chương trình có yêu cầu cao nhất về nội dung cũng như phương pháp giảng dạy. Qua thực tế nghiên cứu, tham khảo ý kiến, kinh nghiệm giảng dạy từ các đồng nghiệp tôi xin trao đổi một vài ý kiến nhằm đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và chuyên viên chính:

1. Chương trình Chuyên viên

Chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên được ban hành kèm theo Quyết định 51/QĐ-BNV ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ có mục tiêu là trang bị và cập nhật cho công chức ngạch chuyên viên những kiến thức chung về nhà nước và quản lý hành chính nhà nước; bồi dưỡng và rèn luyện cho công chức thành thạo một số kỹ năng cơ bản để thực thi tốt nhiệm vụ; nâng cao ý thức phục vụ cho đội ngũ công chức, cải thiện mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước.

Về nội dung, chương trình bồi dưỡng cơ bản đã trang bị cho học viên những kiến thức chung về Nhà nước và quản lý hành chính nhà nước. Tăng thời gian rèn luyện những kỹ năng cơ bản trong thực thi công vụ cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên qua thực tiễn soạn giảng và giảng dạy trên lớp cũng xuất hiện một số vấn đề gây khó khăn và lúng túng cho giảng viên như sau:

- Về nội dung chương trình: một số chuyên đề được biên soạn còn có nội dung khô khan, dàn trải, nặng về lý luận, thiếu tính thời sự, không phù hợp với thực tế hiện nay, phần kỹ năng của từng công việc lại ngắn, chưa đi sâu và không cụ thể gây khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức của học viên.

+  Như trong chuyên đề Kỹ năng soạn thảo văn bản phần lý thuyết quá dài dòng so với phần kỹ năng soạn thảo của từng loại văn bản do đó thời gian dành cho phần thực hành còn hạn chế. Trong phần soạn thảo một số văn bản thông dụng có đề cập đến soạn thảo báo cáo. Tuy nhiên phần này đã có một chuyên đề riêng kỹ năng viết báo cáo nên gây sự trùng lặp, không cần thiết.  Một số nội dung kiến thức đã không còn phù hợp vì một số văn bản pháp luật đã được điều chỉnh hoặc thay đổi.

+ Chuyên đề Đạo đức công vụ phần mở đầu quá thiên về lý luận mang nặng tính chất hàn lâm. Phần về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức là phần trọng tâm chính của bài thì dung lượng kiến thức lại ít và thiên về lý thuyết chung chung, không sát với thực tiễn cuộc sống và không đề cập nhiều đến nội dung liên quan trực tiếp đến công việc hàng ngày của đội ngũ cán bộ, công chức.

- Một trong những đổi mới của chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên mới là kết cấu chương trình có sự bố trí cân đối tỷ lệ hợp lý giữa kiến thức, kỹ năng, trong đó nội dung kỹ năng rất được chú trọng trong chương trình. Phần kỹ năng là phần hoàn toàn mới so với chương trình chuyên viên được ban hành trước đây với yêu cầu sử dụng nhiều thời gian thảo luận, làm bài tập thực hành dành cho mỗi chuyên đề cũng như tăng cường thực hành và giải quyết tình huống để học viên cùng thảo luận trên lớp. Đây là vấn đề mới, khó, đòi hỏi rất cao sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong quá trình giảng dạy và lại mới được triển khai nên không tránh khỏi những khó khăn nhất định trong quá trình giảng dạy.

2. Chương trình Chuyên viên chính

Năm 2013, Bộ Nội vụ đã có Quyết định 975/QĐ-BNV ban hành chương trình và tài liệu thực hiện chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính với mục tiêu là phát triển năng lực thực thi công vụ cho công chức ngạch chuyên viên chính phù hợp với tiêu chuẩn theo quy định và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước.

Bên cạnh kiến thức lý luận, chương trình đặc biệt chú trọng việc đào tạo kỹ năng, số chuyên đề kỹ năng chiếm phần lớn thời lượng của chương trình; có hướng dẫn và yêu cầu sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực đặt ra đối với mỗi giảng viên tham gia giảng dạy. Đây là những đổi mới hết sức quan trọng, có ý nghĩa tích cực theo hướng tập trung vào khối kiến thức và kỹ năng thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ chuyên viên chính.

Kể từ khi có Quyết định 975/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ về chương trình bồi dưỡng chuyên viên chính năm 2013 đến nay, trường Chính trị tỉnh đã tiến hành mở lớp thực hiện theo chương trình mới và đã nhận được những phản hồi hết sức tích cực từ người học, do thời gian học được rút ngắn, tính thực tiễn được nâng cao, tập trung vào những kỹ năng rất cần thiết và dành nhiều thời gian để học viên được trao đổi, thảo luận, nghiên cứu thực tế. Đội ngũ giảng viên của trường cũng đã có những đổi mới quan trọng trong cách tiếp cận về nội dung và phương pháp giảng dạy đối với chương trình mới.

Tuy vậy, qua các lớp bồi dưỡng chuyên viên chính theo chương trình mới tại trường đến nay cũng cho thấy nhiều khó khăn, bất cập như:

- Tài liệu biên soạn có một số chuyên đề chưa hợp lý, tiêu đề và nội dung không phù hợp gây khó khăn cho giảng viên trong việc soạn giảng. Như các chuyên đề Kỹ năng phân tích công việc, Kỹ năng phân công và phối hợp trong hoạt động công vụ có phần lý thuyết dài dòng nhưng lại lan man, dài trải không đi vào nội dung tiêu đề đã nêu ra, các nội dung trong bài tham khảo rất nhiều các tài liệu nước ngoài nhưng lại không có sự vận dụng vào điều kiện thực tiễn của các cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam (Mặc dù các tài liệu tham khảo của nước ngoài áp dụng đối với các ngành khác như công nghệ, kỹ thuật... hay các công ty tư nhân có thể phù hợp, nhưng với công tác quản lý hành chính nhà nước cần phải nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng một cách khoa học để phù hợp với thể chế chính trị, quy định của pháp luật, phương thức về quản lý nền hành chính của chúng ta, cũng như trình độ, kiến thức của cán bộ, công chức Việt Nam).

- Chương trình có nhiều chuyên đề mới, đặc biệt các chuyên đề phần kỹ năng đều rất mới có thể nói rất khó đối với đội ngũ giảng viên của trường. Bởi các giảng viên của trường vốn chỉ quen và chỉ mạnh về kiến thức lý luận. Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy chương trình chuyên viên chính của trường chỉ mới tiếp cận nhiều chuyên đề cả về kiến thức và kỹ năng nên còn nhiều lúng túng. Trong khi đội ngũ học viên lại là những người đã công tác lâu năm có trình độ, có kinh nghiệm thực tiễn và đòi hỏi rất cao về nội dung kiến thức cũng như phương pháp giảng dạy.

3. Một số giải pháp và đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên và chuyên viên chính tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái.

Để có thể ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy đối với các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và chuyên viên chính, tôi xin có một số đề xuất sau đây:

- Thứ nhất: cần xác định rõ và đúng đắn về nhu cầu học tập. Học viên cần gì? học để làm gì? Việc xác định đúng nhu cầu mục đích học tập sẽ giúp cho những người giảng dạy lẫn người đi học đều có sự thống nhất với nhau trong học tập và giảng dạy, cùng hướng tới mục tiêu chung và thật sự mang lại hiệu quả cho khóa học.

Thứ hai: để việc giảng dạy đối với các chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên và chuyên viên chính thực sự thuyết phục, có hiệu quả là vấn đề không hề đơn giản đối với giảng viên (nhất là đối với những giảng viên trẻ). Đối tượng học viên đa phần lại đều là những người có kinh nghiệm lâu năm trong công tác có vốn sống thực tiễn phong phú, nhiều người đang giữ những chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước (đặc biệt là lớp chuyên viên chính).

Để giảng dạy tốt nội dung này đòi hỏi bản thân người đứng lớp phải có nền tảng vững chắc về kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng, có am hiểu về thực tiễn để tạo sức thuyết phục, sự hấp dẫn, tạo hứng khởi học tập và ấn tượng tốt đẹp về môn học, giúp họ chủ động tích lũy tri thức lý luận, nắm được bản chất của vấn đề để vận dụng vào thực tiễn công tác. Do đó đòi hỏi người giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian, công sức nghiên cứu kỹ nội dung kiến thức bài giảng, phải nắm vững, hiểu sâu những nội dung cơ bản, nội dung trọng tâm của từng chuyên đề.

Có một bài giảng chất lượng cao là cả một quá trình lao động và sáng tạo. Nhưng để thực hiện bài giảng một cách có hiệu quả nhất, giảng viên phải sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy, kỹ năng giao tiếp khác nhau và biết kết hợp một cách nhuần nhuyễn các phương pháp cũng như kỹ năng này như: thuyết trình, phát vấn, đối thoại, phỏng vấn nhanh, hỏi chuyên gia… nhằm giúp học viên tự giác và chủ động tiếp nhận tri thức thông tin và kinh nghiệm từ quá trình công tác của chính học viên, qua đó vai trò tổ chức định hướng của giảng viên được phát triển tối ưu.

Còn để việc sử dụng các giờ thực hành thực sự có hiệu quả, giảng viên cần có sự chuẩn bị và lập kế hoạch kỹ càng cho buổi thảo luận một cách công phu, chi tiết, các vấn đề đưa ra giải quyết phải rõ ràng, có ý nghĩa thiết thực đối với nội dung chuyên đề học, biết cách tổ chức, định hướng hoạt động cho người học và thu hút được sự nhiệt tình tham gia của học viên. Trong nội dung thảo luận, thực hành, giảng viên cần hướng dẫn học viên tự ôn lại tri thức, vận dụng những kiến thức đã học để giải các bài tập tình huống hay các tình huống xảy ra trong thực tế.

- Thứ ba: do nội dung chương trình còn nhiều bất cập, thực tế vừa qua cho thấy chương trình mới áp dụng được một, hai năm đã có nhiều đổi mới trong hệ thống văn bản pháp pháp lý làm cho giáo trình bị lạc hậu và không còn phù hợp. Vì vậy, người giảng viên phải chủ động, linh hoạt trong việc soạn giáo án theo hướng giảm bớt lý thuyết, thường xuyên cập nhật các chủ trương, đường lối và các văn bản mới cho phù hợp với tình hình thực tế đồng thời minh họa làm rõ thực trạng hiện nay những vấn đề đó ở tỉnh ta như thế nào để học viên có điều kiện nghiên cứu sâu hơn. Nội dung bài giảng liên quan đến ngành nào thì nên yêu cầu học viên công tác trong ngành đó phát biểu trao đổi thêm về thực tiễn.

Nâng cao chất lượng giảng dạy là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với quá trình xây dựng và phát triển của Nhà trường. Trong thời gian qua, tập thể giảng viên Khoa Nhà nước - pháp luật Trường Chính trị tỉnh Yên Bái luôn có tinh thần và sự tâm huyết nhằm từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy các chương trình bồi dưỡng. Giảng dạy tốt các chuyên đề trong chương trình sẽ góp phần nâng cao năng lực công tác của công chức ngạch chuyên viên, chuyên viên viên chính trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được giao, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế.

 

Nguyễn Thị Ngọc

Khoa Nhà nước – pháp luật