• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG THỨC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI.
Ngày xuất bản: 20/11/2020 2:31:00 CH
Lượt đọc: 16367

                                                                    

1. Vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận

Chủ nghĩa Mác Lênin khẳng định nhân dân là người sáng tạo ra mọi của cải vật chất và những giá trị tinh thần - nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triến của xã hội. Nhân dân là lực lượng cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội.

Ở Việt Nam, từ xa xưa ông cha ta đã sớm phát hiện và đề cao sức mạnh, vai trò to lớn của nhân dân. Dân là mạnh nhất, chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân. Do đó, quan tâm đến đời sống nhân dân, khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc được coi là thượng sách để giữ nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát triển những tinh hoa của triết học phương Đông, phương Tây cũng như những tư tưởng tiến bộ của ông cha ta về nhân dân. Người luôn đánh giá cao vai trò và sức mạnh của nhân dân: dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, "trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân". Chủ tịch Hồ Chí Minh: khẳng định dân là gốc của nước, của cách mạng: "dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên". "Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong".

Đánh giá cao vai trò của nhân dân và tầm quan trọng của công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

Đặc biệt, từ ngày có Đảng, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát triển những tinh hoa của triết học phương Đông, phương Tây cũng như những tư tưởng tiến bộ của ông cha ta về nhân dân, luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của nhân dân, tầm quan trọng của công tác dân vận, quan tâm sâu sắc đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người còn khẳng định “lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Tư tưởng đó được Đảng ta nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo từ các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm đến lãnh đạo sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nhìn lại 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, cả về thành tựu và hạn chế, khuyết điểm, Đảng ta rút ra 5 bài học quan trọng, trong đó có bài học “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “Dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đây là bài học sâu sắc, là sự kế thừa ý thức “dân là gốc” của ông cha ta qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng thì một trong những nhiệm vụ quan trọng về xây dựng Đảng trong điều kiện hiện nay là “tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân”. Theo đó, nghị quyết đưa ra mục tiêu rất rõ của công tác dân vận: “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

2. Nội dung và phương thức công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới.

2.1. Nội dung công tác dân vận của Đảng

Thứ nhất: Vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị

 Nội dung công tác dân vận của Đảng được nêu Nghị quyết Đại hội XII đã quán triệt quan điểm “Dân là gốc”, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, về tăng cường và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, thực hiện tốt quy chế dân vận của hệ thống chính trị.

Nhiệm vụ bao trùm nhất, cũng là nội dung quan trọng của công tác dân vận của Đảng hiện nay là: tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc và quyền lợi chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; tập hợp, động viên mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh chính trị; củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không ngừng nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Thứ hai: Tổ chức nhân dân tham gia các phong trào cách mạng

Sau hơn 30 năm đổi mới đất nước đã thu được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: tăng trưởng chưa bền vững, lạm phát, nhập siêu, giá cả tăng, đời sống nhân dân, nhất là những người lao động, những ngươi làm công ăn lương, những người thuộc diện chính sách gặp nhiều khó khăn. Đảng và Nhà nước có nhiều biện pháp đảm bảo an ninh xã hội, giữ vững ổn định và trật tự an toàn xằ hội. Công tác dân vận phải góp phần vào việc thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững. Do đó, hơn lúc nào hết, công tác dân vận phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, kịp thời đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước đưa ra những giải pháp đúng đắn, kịp thời, đảm bảo lợi ích thiết thực, hài hòa giữa các giai tầng xã hội, giữa các vùng, miền của đất nước. Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tập trung giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống nhất là vấn đề việc làm, đền bù thu hồi đất đai, tai nạn giao thông, môi trường, tệ nạn xã hội, tội phạm.

Công tác dân vận phải thực sự tham gia và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, giải quyết công ăn việc làm, thực hiện xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

 2.2. Phương thức công tác dân vận của Đảng

Phương thức Đảng tiến hành công tác dân vận

Bản thân các tổ chức đảng trực tiếp tiến hành công tác dân vận. Các tổ chức và các cấp uỷ đảng có quyết định đúng đắn về công tác dân vận nói chung hoặc các quyết định vận động từng đối tượng và các quyết định thực hiện các nghị quyết của Trung ương và tổ chức đảng cấp trên về công tác dân vận. Tất cả các quyết định đó phải được thể hiện trong nghị quyết. Sau khi có nghị quyết phải coi trọng việc tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện..

Các tổ chức đảng, đảng viên đều phải làm công tác dân vận theo chức trách của mình. Các tổ chức đảng phải giáo dục nâng cao năng lực, đạo đức và tính tiên phong gương mẫu, tác phong gần gũi quần chúng cho cán bộ, đảng viên. Coi trọng việc bồi dưỡng về mọi mặt văn hoá, chính trị, nghiệp vụ công tác dân vận và đảm bảo chế độ chính sách đối với những cán bộ, đảng viên làm chuyên trách công tác dân vận của Đảng. Chi bộ đảng có trách nhiệm phân công, đôn đốc và kiểm tra đảng viên làm công tác dân vận.

Cấp ủy đảng phải tăng cường và kiện toàn, đổi mới đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Cán bộ chủ chốt của Mặt trận và các đoàn thể ở các cấp là cấp uỷ viên, nếu là đảng viên phải là những người có năng lực, có uy tín và trưởng thành từ phong trào quần chúng, được nhân dân tín nhiệm.

Các cấp ủy đảng cần có kế hoạch tổng thể về tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ làm công tác dân vận để bổ sung cán bộ cho Đảng và Nhà nước, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác quần chúng, cần có chính sách chăm lo đội ngũ cán bộ dân vận ở cơ sở, những người gần dân, sát dân. Phát huy những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ, trưởng tộc làm công tác dân vận ở cơ sở

 Đảng lãnh đạo chính quyền tiến hành công tác dân vận

Đảng lãnh đạo chính quyền tiến hành công tác dân vận bằng những phương thức sau:

Các cấp ủy đảng lãnh đạo cơ quan chính quyền làm công tác dân vận thông qua Đảng đoàn Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Ban cán sự Đảng, chính quyền các cấp, các ngành và thông qua đảng viên hoạt động trong các cơ quan chính quyền. Đảng lãnh đạo chính quyền nhanh chóng thể chế hóa và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng vê công tác dân vận tạo điều kiện thuận lợi mọi mặt cho nhân dân làm ăn, sinh sống, học hành, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Đảng coi trọng lãnh đạo việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tham gia và kiểm tra, giám sát công việc của Nhà nước theo quy trình "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Các cấp chính quyền cần duy trì chế độ tiếp dân, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của quần chúng nhân dân.

Đảng lãnh đạo chính quyển tăng cường mối quan hệ với Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận và các đoàn thể từ chính phủ đến chính quyền cơ sở. Chính quyền các cấp phải tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính và pháp lý để Mặt trận và các đoàn thể phát huy vai trò của mình.

Đảng coi trọng lãnh đạo và kiểm tra, giám sát các cấp chính quyền thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tinh thần phục vụ nhân dân của công chức, viên chức và bộ máy chính quyền, cần xây dựng và hoàn thiện quy chế phục vụ nhân dân của viên chức và bộ máy chính quyền. Tiến hành cải cách nền hành chính Nhà nước, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Kiên quyết bài trừ tệ nạn quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, doạ nạt, ức hiếp dân, vi phạm quyền lợi chính đáng của nhân dân.

 Đảng lãnh đạo tố chức và hoạt động của Mặt trận Tố quốc và các đoàn thế nhân dân

Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, Đảng tôn trọng tính độc lập về tồ chức và phát huy vai trò, chức năng của Mặt trận và các đoàn thể, tôn trọng các nguyên tắc, quy chế hoạt động của các tổ chức quần chúng.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận và các đoàn thể, các tổ chức xã hội trước hết là định hướng chính trị, giúp đỡ các tố chức này xác định mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ trong thời kỳ mới; xây dựng các nguyên tắc tổ chức, định ra các chương trình hoạt động trong mỗi thời kỳ.

Đảng lãnh đạo Mặt trận và đoàn thể thông qua Đảng đoàn; thông qua cấp uỷ viên, đảng viên được Đảng phân công hoạt động trong Mặt trận và các đoàn thể ở các cấp. Do có vị trí đặc biệt là đội hậu bị tin cậy của Đảng, xây dựng Đoàn chính là xây dựng Đảng trước một bước, nên Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh do Đảng trực tiếp lãnh đạo.

Trong việc lãnh đạo nhân sự Đại hội Mặt trận và các đoàn thế, việc giới thiệu cấp uỷ viên hoặc đảng viên vào chức vụ chủ chốt của Mặt trận và đoàn thể cần thực sự tôn trọng việc dân chủ bầu cử, tuyệt đối không được áp đặt.

Cần duy trì và thực hiện tốt chế độ làm việc giữa cấp uỷ đảng với lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể, định kỳ nghe báo cáo kết quả hoạt động và đưa ra các chủ trương, góp ý kiến về chương trình hoạt động, phương hướng công tác của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, đồng thời tiếp thu những kiến nghị của các đoàn thể, giúp Mặt trận và các đoàn thể từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động.

Đối với Mặt trận, Đảng và Nhà nước phải thực hiện thành nền nếp việc cùng bàn bạc, tham khảo ý kiến của Mặt trận về những quyết định và chủ trương lớn. Qua sinh hoạt Mặt trận, Đảng tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân và sự lãnh đạo cùa mình.

Trong công tác dân vận của Đảng cần phải quán triệt các nội dung và phương thức nêu trên để công tác dân vận của Đảng vừa bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng đưa ra vừa xây dựng được “thế trận lòng dân” thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

                                                                                   Nguyễn Thị Mai

                                                                        Khoa Nhà nước và pháp luật