• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 TỚI SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GCCN VÀ VẬN DỤNG VÀO GIẢNG DẠY CHUYÊN ĐỀ “SỨ MỆNH LỊCH SỬ TOÀN THẾ GIỚI CỦA GCCN” TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LLCT-HC
Ngày xuất bản: 15/05/2019 8:05:00 SA
Lượt đọc: 31888

              Cách mạng công nghiệp (CMCN) là cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Lịch sử loài người đã và đang trải qua các cuộc CMCN: Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (1784) khởi nguồn từ nước Anh đặc trưng là cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và phát minh ra động cơ hơi nước; Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (1871-1914) đặc trưng là động cơ điện, vận tải, hóa học; Cách mạng công nghiệp lần thứ ba (1969) với sự ra đời của công nghệ thông tin, sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang được hình thành trên nền tảng của CMCN lần thứ ba, đó là cuộc cách mạng số, bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỉ trước. Cuộc CMCN lần thứ tư đã và đang diễn ra một cách nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử từ năm 2011 đặc trưng là điều khiển hệ và Robot; các hệ thống liên kết thế giới thực và thế giới ảo.

            Cũng giống như các cuộc cách mạng trước đây, cuộc CMCN lần thứ tư sẽ có tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị của tất cả các quốc gia, dân tộc. Trong đó cũng có những tác động lớn đến sứ mệnh lịch sử (SMLS) của giai cấp công nhân (GCCN) nói chung và GCCN Việt Nam nói riêng.

            GCCN vừa là con đẻ vừa là chủ thể của nền sản xuất công nghiệp hiện đại - con đẻ và là chủ thể của các cuộc CMCN lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư... Công nghiệp phát triển về trình độ, quy mô thì tất nhiên công nhân cũng sẽ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các cuộc CMCN trước bao giờ cũng tạo ra thuận lợi nhưng đồng thời cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho GCCN cả trong đời sống hàng ngày cũng như tiến trình thực hiện SMLS ở từng quốc gia, dân tộc và trên phạm vi thế giới. Theo đó, CMCN 4.0 chắc chắn cũng sẽ vừa tạo ra những thách thức, áp lực nhưng cũng tạo ra động lực cho GCCN trong tiến trình thực hiện SMLS thế giới.

            GCCN Việt Nam cũng không đứng ngoài guồng quay đó, cũng chịu tác động của cuộc CMCN 4.0. Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII, Đảng ta nhận định, trong giai đoạn này “Khoa học công nghệ phát triển rất nhanh cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia”. Do đó, chúng ta phải tiếp tục giữ vững bản chất GCCN, tăng cường quan tâm hơn nữa đến đời sống của công nhân; chú trọng xây dựng, phát huy vai trò của GCCN trong điều kiện hoàn cảnh mới.

            Bên cạnh những tác động tích cực như: tăng năng suất lao động, giảm lao động chân tay, tạo ra sự đột phá trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, hội nhập quốc tế... thì CMCN 4.0 cũng đặt ra những vấn đề đối với GCCN Việt Nam:

            Thứ nhất, nguồn lao động dồi dào giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời đại công nghệ 4.0. Thực tế cho thấy, cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra vạn vật kết nối, từ đó các dây chuyền sản xuất sẽ rút được rút ngắn, tổng hợp liên kết, hệ thống thiết kế sản xuất thông minh, tự động hóa hàng loạt…, trong tương lai trong các dây chuyền sản xuất hiện đại sẽ không cần đến công nhân, và một số dây chuyền sản xuất chúng ta sẽ thấy một vài robot thông minh điều khiển, điều này đặt ra vấn đề rằng khi công nghệ 4.0 bao trùm thì các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp sẽ không cần đến một lực lượng GCCN đông đảo nữa và vì thế, sẽ tạo ra tình trạng thiếu việc làm nghiêm trọng đặt biệt đối với một nước cơ cấu dân số trẻ như ở Việt Nam. Một nghiên cứu của đại học Oxford ước tính, có tới 47% công việc ngày hôm nay sẽ có tỷ lệ 75% tự động trong vòng 20 năm tới… Nghiên cứu mới đây của Tổ chức lao động quốc tế ILO cho thấy, trong hai thập kỷ tới, khoảng 56% số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc (86% công nhân ngành dệt may Việt Nam) trong tương lai, không chỉ là ngành dệt may, một số ngành sử dụng nhân công giá rẻ khác cũng sẽ không có nhiều nhu cầu tuyển dụng công nhân nữa.

            Thứ hai, sự thay đổi về cơ cấu sản xuất và nhu cầu sử dụng công nhân tại Việt Nam sẽ chuyển dịch theo hướng đón bắt nhịp sống của thời đại công nghệ mới vì thế sẽ là một thách thức lớn đối với số lượng lớn GCCN giản đơn. Cách mạng 4.0 sẽ tạo ra một nhu cầu sử dụng công nhân khác hẳn trước đây, nó ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu nguồn nhân lực của Việt Nam. Sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong sử dụng nguồn lực từ khu vực sử dụng công nhân giá rẻ, kỹ năng thấp sang nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ năng tốt.

            Có thể thấy, đây là những khó khăn mà GCCN Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra là, để có thể đón bắt kịp thời làn sóng mới, đáp ứng yêu cầu cũng như đòi hỏi của CMCN 4.0, GCCN phải nâng cao trình độ, tay nghề. GCCN phải nhận thức được đúng đắn vai trò của mình trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, là giai cấp trực tiếp làm nên thắng lợi của CMCN ở nước ta.

            Dù CMCN 4.0 mang đến những tác động như vậy, nhưng cũng không làm thay đổi SMLS của GCCN Việt Nam. Họ vẫn “Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong khối liên minh GCCN với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”[1]. Ở Việt Nam hiện nay, SMLS này được thể hiện ở những nội dung sau:

            Về nội dung kinh tế, Đại hội XII khẳng định: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu; huy động và phân bổ có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển. Xây dựng cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động hợp lý, phát huy lợi thế so sánh, có năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cao, tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có văn minh công nghiệp chiếm ưu thế trong sản xuất và đời sống xã hội; phát triển nhanh và bền vững phù hợp với điều kiện của từng giai đoạn”[2].

            Về nội dung chính trị - xã hội, để tiếp tục hoàn thiện sứ mệnh là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản, là giai cấp tiên phong trong xây dựng CNXH và là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp, đại đoàn kết toàn dân tộc, cần phải thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: Một là, cùng với nhiệm vụ giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thì nhiệm vụ “giữ vững bản chất GCCN của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên” và “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Hai là, quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển GCCN cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân; sửa đổi bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,... để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân.

            Là một giảng viên tham gia giảng chuyên đề Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của GCCC, để giảng dạy tốt chuyên đề này theo tôi giảng viên các Trường Chính trị nói chung và Trường Chính trị tỉnh Yên Bái nói riêng bên cạnh việc nghiên cứu, truyền đạt cho người học hiểu về SMLS của GCCN Việt Nam thì còn cần phải cho họ thấy được những tác động của CMCN 4.0 đến GCCN và việc thực hiện SMLS của GCCN Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Bởi cuộc CMCN 4.0 vừa tạo ra thời cơ, thuận lợi nhưng cũng sẽ tạo ra những nguy cơ, thách thức; nhưng với tư cách là sản phẩm và chủ thể của CMCN 4.0, GCCN thời 4.0 vẫn sẽ là lực lượng tiên phong trong sản xuất vật chất và là đại biểu cho xu thế tiến bộ, văn minh, xã hội hóa, dân chủ hóa, công bằng hóa của nhân loại.

Tạ Thị Hảo

Khoa Lý luận Mác-Lênin, TT HCM