• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
NĂNG LỰC GIÁM SÁT CỦA ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP TỈNH VÀ THAM CHIẾU VỚI THỰC TIỄN Ở YÊN BÁI HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 08/05/2020 8:24:00 SA
Lượt đọc: 18411

            Tóm tắt: Ở Việt Nam, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) được thực hiện thông qua các đại biểu, tổ đại biểu HĐND,... Trong điều kiện mới về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, v.v... đặt ra những yêu cầu mới, những đòi hỏi mới đối với người đại biểu HĐND, đặc biệt là về năng lực giám sát của đại biểu HĐND. Bài viết tập trung làm rõ năng lực giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại mới ở Việt Nam, từ đó tham chiếu với thực tiễn ở tỉnh Yên Bái hiện nay.

1. Khái luận chung về năng lực giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh

Năng lực giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh là một khái niệm rất rộng, được định hình từ chính chức năng và thẩm quyền của của HĐND cấp tỉnh. Theo đó: “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân”(1) .

Như vậy, HĐND có hai chức năng cơ bản đó là: Chức năng quyết định và chức năng giám sát. Trong hai chức năng đó, chức năng giám sát có vị trí rất quan trọng trong việc khẳng định vị trí, vai trò của HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Thực hiện tốt chức năng giám sát là điều kiện đảm bảo quyền lực nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân.

Để HĐND thực hiện tốt các chức năng của mình, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác nhau. Trong đó, yếu tố năng lực của đại biểu HĐND là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động nói chung của HĐND và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giám sát của của đại biểu HĐND trong việc thực hiện nhiệm vụ.

HĐND gồm các đại biểu HĐND do cử tri ở địa phương bầu ra. Theo đó: “Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương...”(2). Hoạt động của HĐND cũng chính là hoạt động của bản thân các đại biểu HĐND. Người đại biểu có đủ năng lực về tri thức, kỹ năng, phẩm chất, thái độ sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và đảm bảo quyền làm chủ thực sự thuộc về Nhân dân.

Như vậy, năng lực giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh đó là tổ hợp các khả năng của đại biểu giúp họ đạt được kết quả cao nhất khi tham gia thực hiện chức năng giám sát của HĐND cấp tỉnh, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu. Trong đó, tri thức, kỹ năng, thái độ là ba yếu tố cơ bản, quan trọng nhất trong việc hình thành nên khung năng lực của người đại biểu HĐND.

Thứ nhất, tri thức về giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh.

Người đại biểu HĐND tỉnh thực sự là người có “tài” khi đảm bảo đầy đủ các yếu tố cơ bản sau đây:

Về trình độ học vấn của người đại biểu HĐND cấp tỉnh. Đây không phải là yếu tố duy nhất quyết định hiệu quả hoạt động của người đại biểu HĐND, nhưng đây là tiêu chí quan trọng ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ nói chung và hoạt động giám sát nói riêng của người đại biểu HĐND. Bởi đây là nền tảng trong quá trình nhận thức, tiếp thu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quyết định của chính quyền địa phương, đặc biệt trong việc đánh giá tình hình cụ thể trên địa bàn địa phương. Hạn chế về trình độ học vấn sẽ hạn chế về khả năng nhận thức cũng như năng lực hoạt động của người đại biểu HĐND.

Về trình độ lý luận chính trị của người đại biểu HĐND cấp tỉnh. Đây là cơ sở xác định quan điểm, lập trường giai cấp công nhân của người đại biểu HĐND. Thực tế cho thấy, nếu người đại biểu HĐND có lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng, hoạt động vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng thì sẽ được Nhân dân kính trọng, tin yêu. Ngược lại, nếu người đại biểu HĐND có lập trường tư tưởng, chính trị không vững vàng, hoạt động vì lợi ích cá nhân, thoái hóa, biến chất thì sẽ đánh mất lòng tin của Nhân dân, dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp, thậm chí còn làm hại đến lợi ích của Nhân dân, gây ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến tính chất ưu việt vốn có của chế độ ta là: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người đại biểu HĐND cấp tỉnh. Đây thể hiện những kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực được biểu hiện qua những cấp độ: Sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học. Đây là những kiến thức mà một người đại biểu HĐND tỉnh buộc phải có khi tham gia hoạt động với tư cách là người đại biểu dân cử. Nếu thiếu kiến thức chuyên môn sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt khi tham gia thực hiện chức năng giám sát của HĐND.

Bên cạnh đó, người đại biểu HĐND cấp tỉnh ngoài trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhất định, phải có sự hiểu biết rộng rãi các vấn đề cơ bản về các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội cụ thể trên địa bàn địa phương, đủ để họ vận dụng vào hoạt động của người đại biểu khi cần thiết, nhất là trong quá trình thực hiện chức năng giám sát của HĐND.

Người đại biểu HĐND cấp tỉnh phần lớn không phải là hoạt đông chuyên trách mà họ có thể là những cán bộ, công chức nhà nước làm việc trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, những người làm việc trong các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp nhà nước,... Vì vậy, hoạt động của người đại biểu HĐND là những hoạt động đòi hỏi có sự gắn kết giữa hoạt động với tư cách là đại biểu và hoạt động của họ với tư cách là một nhà chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể của từng cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác.

Thứ hai, kỹ năng về giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh.

Kỹ năng giám sát của đại biểu HĐND là khả năng vận dụng khéo léo, thành thạo những kiến thức và kinh nghiệm vào thực hiện chức năng giám sát của người đại biểu dân cử. Kỹ năng giám sát của đại biểu HĐND tỉnh được biểu hiện cụ thể thông qua một số kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng thu thập, phân tích và xử lý thông tin; kỹ năng giao tiếp, đối thoại, tiếp xúc với cử tri; kỹ năng phân tích và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; kỹ năng chất vấn, tranh luận,...  Đây là kỹ năng khó và phức tạp, đòi hỏi người đại biểu HĐND cần phải nắm vững các nội dung và các yêu cầu nhất định. Người đại biểu HĐND phải nghiên cứu kỹ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; đồng thời nắm bắt các thông tin qua báo cáo, dư luận, đơn thư của công dân, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng... liên quan đến lĩnh vực giám sát. Thu thập tài liệu liên quan đến nội dung giám sát để nghiên cứu trước khi tiến hành giám sát, người đại biểu phải có cách tiếp cận, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, cốt lõi, khi không thể xem hết được tài liệu, báo cáo.

Đi thực tế để kiểm định thông tin là khâu không thể thiếu của cuộc giám sát. Nghe báo cáo và nhìn thực tế xem có đúng không, vì trăm nghe không bằng một thấy. Nhiều khi nghe để biết, còn xem để khẳng định. Trao đổi với các đơn vị chịu sự giám sát, người đại biểu phải có kỹ năng nêu câu hỏi, gợi ý cho đối tượng chịu sự giám sát trả lời nội dung mình quan tâm.

Thứ ba, thái độ trong hoạt động giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh.

Đại biểu HĐND cấp tỉnh là do Nhân dân bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương trong việc thực hiện quyền lực được Nhân dân giao phó. Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở địa phương. Người đại biểu HĐND muốn thật sự đại diện được thì trước hết đại biểu HĐND phải nắm bắt kịp thời ý chí, nguyện vọng đó của người dân. Để làm được điều này, việc chủ động thu thập và xử lý thông tin có ý nghĩa rất quan trọng, điều này cũng đồng nghĩa nếu đại biểu nào càng gần dân, càng tiếp xúc nhiều với dân, càng đi sát nhiều với thực tế cuộc sống của Nhân dân thì càng nắm bắt được nhiều thông tin và càng có cơ sở để kiến nghị và giám sát các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Đại biểu HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm thường xuyên liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, đồng thời phải chịu sự giám sát của Nhân dân, thực hiện tiếp xúc cử tri, báo cáo tình hình hoạt động của mình để cử tri rõ; trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân đối với các tổ chức, cá nhân…những vấn đề không thuộc thẩm quyền hoặc chưa rõ thì đại biểu HĐND ghi nhận thông tin để phản ánh với cơ quan có liên quan, phản ánh với HĐND. Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu trên tinh thần lịch sự, cởi mở và thật sự cầu thị. Song song đó, đại biểu HĐND cấp tỉnh phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của HĐND, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Như vậy, để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và đảm bảo quyền làm chủ thực sự thuộc về Nhân dân thì một trong những yêu cầu tất yếu là những người đại biểu phải có đủ năng lực về tri thức, kỹ năng, phẩm chất, thái độ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là trong việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND.

Thực tiễn ở đâu hoạt động giám sát của đại biểu HĐND tỉnh có hiệu quả, năng lực giám sát của đại biểu được chú trọng, quan tâm thì ở địa phương đó các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tôn trọng và được bảo đảm thực hiện; địa phương nào hoạt động giám sát của đại biểu HĐND hình thức, hiệu quả không cao, năng lực giám sát của đại biểu còn nhiều hạn chế thì ở đó đời sống kinh tế - xã hội của người dân gặp nhiều khó khăn, dễ phát sinh các tiêu cực trong xã hội.

2. Năng lực giám sát của đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái thời gian qua

Những mặt tích cực trong năng lực giám sát của đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái:

Với mục đích nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh nói chung và chất lượng hoạt động giám sát nói riêng, HĐND tỉnh Yên Bái đã luôn quan tâm, chú trọng nâng cao năng lực giám sát cho đại biểu HĐND tỉnh. Trong những nhiệm kỳ vừa qua, năng lực giám sát của đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái đã từng bước được nâng cao cả về tri thức, kỹ năng và thái độ của người đại biểu. Bởi vậy, chất lượng, hiệu quả giám sát của đại biểu khi tham gia thực hiện chức năng giám sát của HĐND tỉnh cũng được nâng lên rõ rệt.

Đại biểu HĐND tỉnh đã tăng về số lượng, đại biểu có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ cao; góp phần quan trọng đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của HĐND tỉnh. Ngay từ đầu nhiệm kỳ và hằng năm các đại biểu HĐND tỉnh đã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động HĐND của người đại biểu nhân dân. Bên cạnh đó, trong hoạt động giám sát, các đại biểu HĐND đã không ngừng tự bồi dưỡng, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát; tổ chức giám sát sâu và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tăng cường giám sát tại thực địa, trực tiếp nghe ý kiến, phản ánh của Nhân dân địa phương. Qua giám sát các đại biểu HĐND tỉnh đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với các cấp, các ngành, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, những vấn đề nổi cộm được phản ánh tới Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo giải quyết.

Các đại biểu HĐND tỉnh tâm huyết với công tác đại biểu của mình, trong đó có công tác giám sát. Thời gian vừa qua HĐND tỉnh thường xuyên có các cuộc giám sát theo chuyên đề, thành lập các đoàn giám sát. Các cuộc giám sát theo chuyên đề và đoàn giám sát đã đem lại hiệu quả rất cao. Kết quả hoạt động giám sát của đại biểu HĐND tỉnh đã có tác dụng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề cử tri đang bức xúc. Bản thân mỗi đại biểu luôn tích cực hoạt động, nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp thiết thực để các cơ quan, tổ chức tháo gỡ khó khăn, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Trong đó, tăng cường công tác giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước , nghị quyết của HĐND tỉnh, phát huy tính dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân.

Để xứng đáng là người đại biểu nhân dân, bản thân mỗi đại biểu HĐND đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, “... Hầu hết các đại biểu đều tham gia đầy đủ các kỳ họp của HĐND tỉnh, các kỳ họp luôn đảm bảo số đại biểu tham dự từ 98% trở lên”(3). Đa số các đại biểu HĐND tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật và Nhà nước, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, được Nhân dân tín nhiệm.

Có được những kết quả đó là do có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy đối với hoạt động giám sát của đại biểu HĐND tỉnh, đồng thời bản thân các đại biểu HĐND tỉnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để xứng đáng là người đại biểu của Nhân dân. Trong quá trình hoạt động giám sát họ đã biết dựa vào dân, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Hoạt động giám sát của đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái có rất nhiều đóng góp trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Từ những hoạt động giám sát của đại biểu, có thể thấy năng lực giám sát của đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái từng bước được nâng lên không chỉ về tri thức, kỹ năng, thái độ mà còn về bản lĩnh của từng đại biểu HĐND tỉnh trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Những hạn chế trong năng lực giám sát của đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái:

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năng lực giám sát của đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái còn bộc lộ một số hạn chế:

Mặc dù trình độ học vấn của các đại biểu nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước, xong về trình độ pháp lý, sự hiểu biết sâu sắc về Hiến pháp, pháp luật, kiến thức quản lý nhà nước, những nội dung chủ yếu và thông tin cần thiết của vấn đề được giám sát, cũng như sự am hiểu sâu về các lĩnh vực của đời sống - xã hội ở một số ít đại biểu còn có những hạn chế nhất định.

Phần lớn đại biểu HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm, cụ thể: “HĐND tỉnh còn ít đại biểu hoạt động chuyên trách (12/57 đại biểu), một số đại biểu mới tham gia lần đầu, các đại biểu trẻ theo cơ cấu chưa có kinh nghiệm thực tế, chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động giám sát tại kỳ họp nên chất lượng giám sát của đại biểu chưa cao”(3). Do vậy, hoạt động giám sát của đại biểu HĐND tỉnh phần nào ảnh hưởng tới chất lượng.   

Việc tự học, tự nghiên cứ u nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động giám sát của một số đại biểu HĐND tỉnh chưa thật sự chủ động, đặc biệt là những kỹ năng như: Thu thập, phân tích và xử lý thông tin; giao tiếp, đối thoại, tiếp xúc với cử tri; phân tích và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; chất vấn, tranh luận,... phần nào ảnh hưởng tới năng lực giám sát các vấn đề chuyên sâu của đại biểu.

Giải pháp nhằm nâng cao năng lực giám sát của đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái trong thời gian tới:

Trên cơ sở nhận thức và phát huy được những mặt tích cực cũng như thấy được những hạn chế nhất định về năng lực giám sát của đại biểu HĐND, sau đây là một số những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao năng lực giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh trong thời gian tới:

Một là, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu HĐND tỉnh.

Chất lượng đại biểu HĐND tỉnh là tiền đề, là yếu tố quan trọng đảm bảo cho hoạt động giám sát của HĐND tỉnh có hiệu lực, hiệu quả. Chất lượng các hoạt động của HĐND trước hết phụ thuộc vào năng lực của từng đại biểu HĐND. Do đó trong công tác bầu cử đại biểu HĐND trước hết phải đổi mới công tác hiệp thương, giới thiệu đại biểu. Theo đó, việc lựa chọn bầu cử đại biểu HĐND tỉnh không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, coi trọng phẩm chất, đạo đức và “Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân”(5).

 Bên cạnh đó, cần tăng cường số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách để phát huy tốt vai trò nòng cốt thúc đẩy hoạt động giám sát của HĐND tỉnh. Các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm cũng cần phát huy tính tích cực, chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Hai là, quan tâm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giám sát cho đại biểu, chú trọng đào tạo theo vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng chức danh để đại biểu vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa làm tốt công tác đại biểu HĐND.

Vấn đề bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực giám sát của đại biểu HĐND tỉnh phải được đặt lên hàng đầu, vì đây là một trong những giải pháp cơ bản nhất góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh. Theo đó, các chương trình bồi dưỡng, tập huấn về nâng cao năng lực giám sát cho đại biểu HĐND tỉnh cần hết sức linh hoạt, đa dạng, phù hợp với thực tế tình hình địa phương theo hướng gần đối tượng, sát nhu cầu của các đại biểu HĐND tỉnh. Cần trang bị cho các đại biểu HĐND tỉnh những kỹ năng giám sát cơ bản như: kỹ năng thu thập, phân tích và xử lý thông tin; kỹ năng giao tiếp, đối thoại, tiếp xúc với cử tri; kỹ năng phân tích và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; kỹ năng chất vấn, tranh luận,...

Ngoài ra, cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm giám sát với HĐND các tỉnh trong khu vực. Đây cũng là một kênh thông tin giúp cho các đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái học hỏi được nhiều kinh nghiệm, khắc phục được những mặt hạn chế trong năng lực giám sát của bản thân mỗi đại biểu. 

Ba là, bản thân mỗi đại biểu HĐND tỉnh phải tự nâng cao năng lực giám sát cho mình cả về tri thức, kỹ năng, thái độ trong hoạt động giám sát của HĐND tỉnh.

Mỗi đại biểu HĐND phải tự học tập, nghiên cứu, cập nhật các kiến thức chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt đông của đại biểu, trong đó có hoạt động giám sát.

Đại biểu HĐND tỉnh không những chỉ nâng cao trình độ, kỹ năng giám sát mà các đại biểu HĐND tỉnh phải tiếp tục rèn luyện cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, dám nói thẳng, nói thật, không nể nang, né tránh, vì lợi ích của Nhân dân, của Nhà nước. Các đại biểu HĐND tỉnh phải thật sự gần dân, trực tiếp xuống địa bàn tiếp xúc với Nhân dân địa phương, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và truyền tải tới các kỳ họp của HĐND tỉnh. Từ đó, phát huy hết tinh thần, trách nhiệm và khả năng của mình để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người đại biểu nhân dân.

3. Kết luận

Như vậy, từ sự phân tích ở trên có thể thấy rằng năng lực giám sát của đại biểu HĐND tỉnh thể hiện ở ba yếu tố cơ bản đó là: Tri thức về giám sát, kỹ năng về giám sát và thái độ trong hoạt động giám sát của đại biểu HĐND tỉnh. Ba yếu tố này tạo nên khung năng lực giám sát cho người đại biểu dân cử. Qua đó, người đại biểu dân cử nói chung và đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái nói riêng muốn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động giám sát phải là người có đầy đủ ba yếu tố cơ bản trên. Năng lực giám sát của người đại biểu càng cao thì hiệu quả giám sát càng tốt. Ngược lại, năng lực giám sát của đại biểu càng thấp thì hiệu quả giám sát không đạt được yêu cầu đặt ra. Do vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển cần có những biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực của người đại biểu dân cử nói chung và đại biểu HĐND tỉnh nói riêng đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.!.

                                                                                                                        GIẢNG VIÊN: HOÀNG THỊ LÊ

ĐƠN VỊ: KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ

               Tài liệu trích dẫn

(1). Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb CTGQ, H.2013, Điều 113, tr60).

(2). Luật tổ chức chính quyền địa phương, Nxb CTQG, H.2015, Khoản 2, Điều 6, tr10).

(3), (4). Báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động giữa nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 – 2021.

(5). Luật tổ chức chính quyền địa phương, Nxb CTQG, H.2015, Khoản 3, Điều 7, tr11).