• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Một vài suy nghĩ về việc học tập phương pháp tuyên truyền, giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trường Chính trị tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 02/12/2019 2:59:00 CH
Lượt đọc: 19505

           Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng và dân tộc Việt Nam, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng. Người xem đó là công việc quan trọng không chỉ để tạo nên lực lượng to lớn của cách mạng mà còn góp phần vào công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Không chỉ đưa ra cơ sở lý luận và thực tiễn của công tác tuyên truyền mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tấm gương mẫu mực tuyệt vời trong phong cách thực hiện công tác tuyên truyền. Những nội dung cơ bản, những quan điểm cốt yếu của Người về công tác tuyên truyền chính là chỉ dẫn cơ bản về phương pháp cho cán bộ khi tiến hành công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Với các giảng viên giảng dạy lý luận chính trị thì vấn đề này càng mang những ý nghĩa lớn lao.

Trong suốt hành trình từ “người đi tìm đường” trở thành “người dẫn đường” cho cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền cách mạng. Người xem đó là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng mới hùng mạnh cho cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Cán bộ tuyên truyền cần xác định rõ ràng nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp: “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”. Việc nắm vững đối tượng được tuyên truyền rất quan trọng vì tùy theo từng đối tượng, trình độ mà chọn phương pháp tuyên truyền, mỗi đối tượng có một cách tuyên truyền khác nhau.

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, bên cạnh việc xác định nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến vai trò có ý nghĩa quyết định của người tuyên truyền. Người quan niệm tuyên truyền cách mạng là một hoạt động thống nhất trên ba mặt: Thứ nhất là nhận thức về mục đích và vai trò của tuyên truyền. Thứ hai là phương pháp tuyên truyền. Thứ ba là yêu cầu đối với người làm công tác tuyên truyền. Cả ba mặt luôn luôn thống nhất với nhau, liên hệ tác động qua lại lẫn nhau, trong đó nhận thức mục đích đóng vai trò chủ đạo, chi phối trực tiếp đến mọi phương pháp tuyên truyền. Quá trình từ nhận thức đến phương pháp tuyên truyền đều thông qua con người cụ thể, do đó, người tuyên truyền là yếu tố có ý nghĩa quyết định. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn đạt hiệu quả tuyên truyền, cán bộ phải tìm hiểu để có kiến thức về trình độ nhân dân nơi mình đến tuyên truyền cùng những phong tục, tập quán của địa phương ấy, nghĩa là phải nắm vững đối tượng, nắm chắc thực tiễn “bởi vì đời sống, trình độ đồng bào … khác nhau cho nên tuyên truyền huấn luyện phải khác nhau”. Trong công tác tuyên truyền, cán bộ là khâu quyết định thành công nhưng theo Người, điều quan trọng nhất ở mỗi cán bộ tuyên truyền lại là đạo đức. Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ phải có tình yêu thương và nhiệt tình cách mạng. Người nói: “Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng, cái hay mà làm”.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tuyên truyền đã góp phần quan trọng trong việc đưa chủ trương đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; vận động, tập hợp, tạo ra sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc - nhân tố cơ bản để giành thắng lợi trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Hiện nay, việc tiến hành công tác tuyên truyền là một nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương xuống cơ sở và đó là yêu cầu cấp thiết bảo đảm sự phát triển của đất nước.

Ở trường Chính trị tỉnh Yên Bái, Khoa Nhà nước và pháp luật phụ trách giảng dạy một số môn học trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, trong đó có phần Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở với 9 chuyên đề. Kết cấu, bố cục của 9 chuyên đề đều có đề cập đến nội dung tuyên truyền trong đó có một chuyên đề chuyên sâu đó là: Kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục của cán bộ lãnh, quản lý ở cơ sở. Tuyên truyền là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng, hoạt động thường xuyên của Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Mỗi tổ chức đều có nội dung, đối tượng, mục đích, cách thức tuyên truyền cụ thể phù hợp với tổ chức của mình.

Thời gian vừa qua, các giảng viên ở khoa Nhà nước và pháp luật Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, khi đảm nhận các chuyên đề trong phần Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở đều chú trọng tới việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tuyên truyền, giáo dục vào các bài giảng. Qua đó thu được hiệu quả cao trong giảng dạy. Tuy nhiên, trong qua trình vận dụng tư tưởng tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các bài giảng cũng có những khó khăn nhất định như: khi vận dụng tư tưởng tuyên truyền của Bác vào bài giảng được thuyết phục thì giảng viên cần phân tích làm rõ, nhưng như vậy sẽ gây mất cân đối nội dung, thời gian giữa các mục trong bài giảng; Có lúc phân tích còn dài dòng, chưa lôgic; Học viên cũng chưa chủ động tham gia khi giảng viên sử dụng các phương pháp dạy học tích cực….

Theo tôi, trong thời gian tới để việc học tập phương pháp tuyên truyền, giáo dục theo chủ tich Hồ Chí Minh ở trường Chính trị tỉnh Yên Bái đem lại hiệu quả cao thì cần quan tâm tới một số nội dung sau:

Một là, Trí tuệ của đội ngũ giảng viên.

 Giảng viên dân vận cần phải có kiến thức vừa đa dạng vừa chuyên sâu. Đây là một yêu cầu tất yếu. Trước hết, các giảng viên phải hiểu biết các kiên thức về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Ngoài ra, phải có kiến thức chung về dân vận và phải hiểu (dẫu là sơ bộ) về dân (đối tượng được giảng) mà dân thì có nhiều hạng xét ở nhiều góc độ: lứa tuổi, giới tính, thành phần dân tộc, tâm lý, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần nghề nghiệp, nguyện vọng, mong muốn, tình cảm, thói quen, phong tục, tập quán, lễ tiết…mỗi đối tượng một đặc trưng riêng. Giảng dạy đối tượng nào thì giảng viên phải hiểu về đối tượng đó, phải nắm vững quan điểm của Đảng, chính sách Nhà nước đối với bộ phận dân đó như thế nào? cách thức vận động ra sao?

Ví dụ: giảng công tác vận động tín đồ, chức sắc tôn giáo mà không có kiến thức về tôn giáo, giáo lý, về quy phạm của họ, cũng như không hiểu chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, không nắm bắt được những vấn đề đặt ra từ thực trạng công tác tôn giáo hiện nay thì không thể có bài giảng chất lượng.

 Hai là, cần xây dựng các "bài tập tình huống" trong giảng dạy.

Bài tập tình huống trong giảng dạy không nhất thiết đều xây dựng thành một bài giảng quy củ cho một buổi lên lớp, mà có thể sử dụng theo hình thức lồng ghép. Đó là trong quá trình giảng các bài mang tính nghiệp vụ, cần nêu lên một vài tình huống dễ gặp trong quá trình vận động đối tượng mà chúng ta đang giảng. Những tình huống này có thể do giảng viên chủ động đề ra, cũng có thể gợi ý để học viên nêu lên từ thực tiễn công tác của họ. Giải quyết tình huống là một cách hướng dẫn cụ thể trong công tác dạy học lí luận. Hướng dẫn từ giáo viên và tự học viên hướng dẫn giúp nhau.

 Ba là, các giảng viên phải tự trang bị cho mình mghiệp vụ "sư phạm dân vận".

 Đối với giảng viên nói chung, ai cũng cần có nghiệp vụ sư phạm, đó là có sự hiểu biết các lớp học viên (sơ bộ) ở các mặt trình độ, lứa tuổi, nghề nghiệp, tâm lí, nguyện vọng,… để lựa chọn mức độ nội dung và phương pháp truyền thụ phù hợp. Song, đối với giảng viên dân vận, thiết nghĩ rằng, cần lồng ghép phong cách dân vận trong quá trình giảng dạy và tiếp cận học viên, đó là tăng cường tiếp xúc, giao lưu, trao đổi, thảo luận với học viên cả trong và ngoài lớp, để có sự gần gũi, chia sẻ, đồng thời nhận sự phản hồi về kiến thức bài giảng từ phía học viên và học hỏi ở họ những điều còn thiếu. Đây cũng là cách để tránh tình trạng áp đặt trong giảng dạy.

 Bốn là, chú trọng tời yếu tố nêu gương.

 Giảng viên cũng chính là cán bộ dân vận vì vậy giảng viên không  phải chỉ hiểu biết sâu về kiến thức dân vận và công tác dân vận mà ở họ cũng phải cần thực hành những kiến thức ấy trong quá trình ở trên lớp, trong tiếp xúc với học viên và cả trong thực tiễn cuộc sống, công việc hàng ngày. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "muốn hướng dẫn nhân dân thì tự mình phải mực thước để người ta bắt chước", "dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo", tức là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống và việc làm của mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói. Vì lẽ đó, dạy học viên ở cơ sở phải trọng dân, gần dân, hoà đồng cùng nhân dân, mà bản thân mình không thể hiện được điều đối với học viên, thì những gì mình nói không có tính thuyết phục. Gần gũi, hoà đồng ở đây không chỉ ở thái độ, lời nói mà còn cần chú ý đến cách ứng xử và trang phục. Mặc những bộ váy áo sang trọng khi đến lớp ở những vùng quê nghèo sẽ tạo nên sự tương phản. Những lúc có thể, sắp xếp ăn cùng mâm cơm với học viên chính là sự chan hoà. Sự nêu gương ở giáo viên dân vận không chỉ đối với học viên mà cả với đồng nghiệp, cơ quan, với mọi người xung quanh, đối với mọi công việc để tạo niềm tin.

Tóm lại, tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã đi xa song tư tưởng của Người về tuyên truyền, về cán bộ làm công tác tuyên truyền vẫn là hành trang, phương pháp luận quý báu cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền trong đó có độ ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền vào giảng dạy các môn học ở Trường Chính trị tỉnh Yên Bái là việc làm có ý nghĩa thiết thực giúp học viên hiểu sâu sắc hơn về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và biết vận dụng những giá trị tư tưởng đó của Người vào trong quá trình công tác.Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, là điều kiện quan trọng đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và toàn xã hội, thắt chặt mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với dân.

Giảng viên: Dương Thúy Tài

                                                              Khoa: Nhà nước và Pháp luật