• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Một số ý kiến trao đổi trong việc soạn và giảng bài “nghiệp vụ công tác mặt trận tổ quốc và vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở cơ sở” trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính
Ngày xuất bản: 06/10/2017 3:52:00 CH
Lượt đọc: 25863

Trong bài viết này, bản thân người viết không có tham vọng làm thế nào để có được một khung bài giảng hoàn chỉnh, từ đó nâng cao chất lượng bài giảng “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở cơ sở” bởi đây là một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, mỗi một giảng viên khi tiếp cận ở những góc nhìn khác nhau đều có những cách khác nhau để bài giảng đạt chất lượng cao nhất. Tuy nhiên, ở góc độ nghiên cứu cá nhân, người viết cũng mạnh dạn đưa ra một số ý kiến trao đổi để nâng cao chất lượng bài giảng “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở cơ sở”.

Đầu tiên, theo người viết muốn có một bài giảng có chất lượng thì công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu là hết sức quan trọng. Đối với bài giảng “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở cơ sở”, ngoài những tài liệu cơ bản như giáo trình (năm 2017), sách tham khảo (Điều lệ Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam khóa VIII, Luật MTTQ Việt Nam năm 2015…) thì những kiến thức thực tiễn về công tác Mặt trận, tổ chức và hoạt động của MTTQ cơ sở và công tác vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là hết sức cần thiết. Điều này người giảng viên có thể có được nhờ chắt lọc ở những lần đi nghiên cứu thực tế, tìm hiểu hoạt động của Ủy ban MTTQ ở cơ sở, nghiên cứu những văn bản có liên quan đến công tác MTTQ.

Sau khi đã có trong tay các tài liệu cần thiết, một công việc rất quan trọng đóng góp cho sự thành công của bài giảng đó là khâu soạn giảng. Xong điều cần luôn chú ý là soạn và giảng cho đối tượng là học viên vùng cao sẽ có đôi chút khác biệt so với đối tượng là học viên vùng thấp. Đối với học viên vùng thấp, giảng viên nên sử dụng lý luận nhiều hơn, ví dụ khái quát hơn. Còn đối với học viên vùng cao, nội dung càng chắt lọc, ít lý luận, ngôn từ càng đơn giản, dễ hiểu thì chất lượng bài giảng càng được nâng cao.

Chẳng hạn như: cần phải làm rõ đối tượng của Công tác Mặt trận ở cơ sở là ai? Đó là tất cả hội viên của Hội nông dân, Hội phụ nữ, đoàn viên thanh niên, người cao tuổi, người có uy tín… MTTQ không có hội viên mà chỉ có thành viên có tổ chức và thành viên cá nhân hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện hiệp thương dân chủ.

Khi giảng vào nội dung chính, với phần “Quan hệ giữa MTTQ Việt Nam  với Đảng, Nhà nước và các tổ chức thành viên”, giảng viên cần nêu khái quát các tổ chức thành viên của MTTQ và phân tích sâu các thành viên là các tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội. Thậm chí nếu có thể mở rộng thêm và phân biệt về các thành viên là các hội đặc thù và không đặc thù ở tỉnh Yên Bái hiện nay bởi không phải ở địa bàn cơ sở nào cũng có đầy đủ các tổ chức thành viên của MTTQ. Một mặt, giảng viên cần làm rõ mối quan hệ giữa các thành viên của MTTQ, đó là mối quan hệ hợp tác bình đẳng, đoàn kết chân thành, tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương dân chủ và phối hợp thống nhất hành động để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh… Mặt khác, cần làm cho học viên hiểu là MTTQ không phải là cấp dưới của UBND, mà đó là mối quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và quy chế phối hợp ở mỗi cấp, MTTQ chỉ chịu sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng cùng cấp. MTTQ cũng không phải là một đoàn thể chính trị - xã hội mà là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội… Vì vậy MTTQ ở cơ sở có quyền yêu cầu các đoàn thể (với tư cách thành viên) báo cáo những công việc MTTQ giao.

Ngoài ra, giảng viên cần làm rõ quy trình triển khai công việc của MTTQ ở cơ sở. Chẳng hạn như khi tỉnh, huyện triển khai một công việc nào đó, cụ thể là triển khai việc làm nhà cho người dân, thì MTTQ phải họp các thành viên của mình lại, sau đó thông báo cho các đoàn thể. Như việc thực hiện Quyết định 67 của Chính phủ về xoá nhà dột nát, huyện giao cho MTTQ 15 nhà, MTTQ lại họp và lập kế hoạch giao cụ thể cho các đoàn thể, như giao cho Hội nông dân 5 nhà, giao cho Hội phụ nữ 5 nhà, giao cho Đoàn thanh niên 5 nhà, còn Mặt trận chỉ cùng với UBND, HĐND phối hợp giám sát, kiểm tra tiến độ công việc của các đoàn thể đó như thế nào, sau khi đã thông qua chương trình làm việc cụ thể thì mời UBND, HĐND xã về nghe Mặt trận triển khai nhiệm vụ, về mẫu nhà và các việc thì do các phòng chuyên môn giúp việc của UBND huyện giúp đỡ về vật liệu, thiết kế, đặc biệt lưu ý tới vấn đề xác minh có đúng đối tượng được hưởng chính sách không...

Trong thực tế, nhiều khi chính cán bộ MTTQ lại nghĩ vai trò của mình giống như vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội nông dân, khi tổng hợp ý kiến nhân dân, chủ tịch MTTQ thường ỷ lại chờ HĐND, UBND họp rồi mới có ý kiến, quy trình như vậy là không đúng, MTTQ phải thông qua làm việc với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, hội viên phụ nữ… về các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực khác nhau, từ đó MTTQ tổng hợp, chứ không phải là MTTQ đi hỏi từng đoàn viên thanh niên, hội viên Hội phụ nữ.... về các vấn đề cụ thể.

Đối với việc MTTQ thực hiện công tác tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại của người dân, cần lưu ý rằng cán bộ MTTQ phải am hiểu chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phân biệt được đơn thư khiếu nại tố cáo khác với đơn hành chính thông thường, hiểu rõ thủ tục và quy trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tránh việc người dân hiểu lầm MTTQ là nơi giải quyết thay UBND, cán bộ MTTQ phải tiếp tục động viên người dân làm đúng, đồng thời thường xuyên giám sát, kiểm tra lại quá trình làm, phải có sổ theo dõi đơn thư khiếu nại, đồng thời tối kỵ hai việc là viết đơn thay và trả lời thay. Chẳng hạn những việc liên quan đến tài sản lớn, con trâu, con bò, tính mạng tài sản con người, vi phạm đến tái trồng cây thuốc phiện, vi phạm đến nhân quyền con người, nếu ở trong dòng họ, nhờ trưởng thôn có thể giải quyết, hòa giải được thì thôi, nếu việc lớn hơn mà cần xã giải quyết thì phải tổ chức cuộc họp gồm đủ các thành phần như trưởng các dòng họ, thanh tra nhân dân, trưởng ban công tác mặt trận, nếu việc có liên quan đến pháp luật thì Chủ tịch MTTQ xã mời Bí thư Đảng ủy tới dự, lắng nghe, chỉ đạo, đồng thời yêu cầu các thành phần có liên quan có mặt đầy đủ. Với tư cách là đại diện cho ý kiến của người dân, chủ tịch MTTQ xã đề nghị các thành phần có liên quan giải thích, làm rõ các nội dung, sau đó tổng hợp, báo cáo các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.

Trên đây là những ý kiến trao đổi xung quanh một số nội dung bài giảng “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở cơ sở”, chắc chắn còn nhiều vấn đề khác cần làm sáng tỏ hơn nữa, song ở phạm vi bài viết này người viết chỉ mong muốn nêu lên một số ý kiến cá nhân nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng bài giảng, qua đó góp phần nhỏ nâng cao nhận thức cho học viên các lớp Trung cấp lý luận – hành chính mà nhà trường đang đảm nhiệm./.

 

Hán Mạnh Hùng

Phó trưởng khoa Dân vận