• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Một số giải pháp nhằm xây dựng tổ chức Công Đoàn trường Chính Trị tỉnh Yên Bái vững mạnh trong nhiệm kỳ 2017 - 2022
Ngày xuất bản: 05/10/2017 3:55:00 CH
Lượt đọc: 25598

Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh là vấn đề mà tất cả các cơ quan, đơn vị có tổ chức Công đoàn đều hết sức quan tâm. Công đoàn có vững mạnh mới có đủ vị thế để thể hiện chức năng, nhiệm vụ cơ bản của mình là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đoàn viên công đoàn, song xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh ở mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi ngành, nghề đều có những bước đi khác nhau. Đối với Công đoàn Trường chính trị việc xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh luôn được chú trọng, quan tâm bởi chúng tôi ý thức rằng Công đoàn nhà trường là nơi trực tiếp vận động, tổ chức đoàn viên công đoàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan và cũng là nơi trực tiếp đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Đoàn viên và lao động trong Nhà trường. Xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh là điều mong muốn của tất cả đoàn viên công đoàn, đòi hỏi mỗi cán bộ Công đoàn cần tìm tòi nghiên cứu các biện pháp thích hợp nhằm mục đích đem lại hiệu quả và chất lượng cao nhất cho hoạt động công đoàn, góp phần đưa chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn ngày càng phát triển đi lên.

Trong nhiệm kỳ 2012 - 2017 Công đoàn nhà trường luôn duy trì và phát huy được vai trò hoạt động của mình, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành - sáng tạo - tận tụy - gương mẫu", gắn với chủ đề thi đua “dạy tốt, học tập tốt, phục vụ tốt” mà Nhà trường phát động. Ban Chấp hành Công đoàn trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tranh thủ được sự lãnh, chỉ đạo của Công đoàn cấp trên, của Đảng ủy nhà trường, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể Nhà trường trong hoạt động phong trào và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn ngày một nâng lên cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ của Nhà trường, điều quan trọng để thành công đó là các đoàn viên công đoàn luôn đoàn kết, thống nhất về ý trí và hành động trong mọi công việc 

Xong, trong thời gian tới (nhiệm kỳ 2017 – 2022) để xây dựng tổ chức công đoàn Nhà trường thật sự vững mạnh có đủ vị thế để thể hiện chức năng, nhiệm vụ cơ bản của mình là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đoàn viên công đoàn góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của Nhà trường. Tôi xin đề xuất một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất: Ban chấp hành công đoàn cần quán triệt và thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết đại hội công đoàn các cấp. Tổ chức triển khai ở cơ sở cần xây dựng được kế hoạch và nội dung hoạt động từng thời kỳ sát, đúng với chủ trương, Nghị quyết của công đoàn cấp trên, Nghị quyết của Đảng ủy, đồng thời phải phù hợp với thực tiễn hoạt động cũng như đặc điểm của đoàn viên trong Nhà trường. Cần lồng ghép với nội dung các phong trào, các cuộc vận động do Nhà trường và công đoàn cấp trên phát động.

Thứ hai: Tổ chức công đoàn phải lựa chọn, xây dựng  một bộ máy Ban chấp hành có trình độ, năng lực, có sự nhiệt tình trong công tác đoàn thể và các hoạt động phong trào, thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng các tổ công đoàn, cũng như tổ chức Công đoàn nhà trường phát triển vững mạnh. Các đồng chí trong Ban chấp hành ngoài năng lực tổ chức các hoạt động công đoàn, năng lực chuyên môn còn có năng khiếu trong văn nghệ, thể dục - thể thao... điều đó rất thuận lợi trong tổ chức hoạt động phong trào. Để có đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ, cần đề xuất công đoàn cấp trên tổ chức cho các đồng chí trong Ban chấp hành tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn. Đồng thời mỗi cán bộ công đoàn cần nêu cao ý thức tự học tập kinh nghiệm từ thực tiễn công tác. Qua đó, giúp cho các đồng chí trong Ban chấp hành vững vàng về nghiệp vụ công tác công đoàn, tự tin thực hiện tốt nhiệm vụ của người cán bộ công đoàn cơ sở.

Thứ ba: Ban chấp hành công đoàn cần quan tâm xây dựng các quy chế hoạt động và phối hợp hoạt động với Ban giám hiệu nhà trường và với các tổ chức đoàn thể để thực hiện chương trình công tác toàn khóa. Cần xác định rõ trách nhiệm cũng như mối quan hệ công tác để từng bộ phận trong Nhà trường hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Phối hợp với lãnh đạo nhà trường tổ chức tốt Hội nghị Cán bộ công chức hàng năm, nhằm phát huy dân chủ trong mọi hoạt động của cơ quan.

 Thứ tư: Thực hiện tốt chế độ sinh hoạt, hội họp Ban chấp hành công đoàn cơ sở đứng đầu là đồng chí Chủ tịch Công đoàn có kế hoạch tổ chức sinh hoạt công đoàn theo quy chế, tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt công đoàn, phải gắn việc đổi mới nội dung với phương thức hoạt động. Định ky, Ban chấp hành công đoàn cần đánh giá kết quả phong trào thi đua và hoạt động Công đoàn, sơ, tổng kết công tác thi đua khen thưởng, chọn những việc trọng tâm cần tổ chức triển khai trong từng quý, từng kỳ hoặc vào dịp kỉ niệm những ngày lễ, sự kiện lịch sử của đất nước, của tỉnh, của Nhà trường. Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước năm học 2017 – 2018 của Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát động với chủ đề “Đột phá – Sáng tạo – Chất lượng – Hiệu quả”. Xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, khoa học đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vận dụng phù hợp vào nhiệm vụ công tác chuyên môn của các đơn vị khoa, phòng và của Nhà trường.

Thứ năm: Cần tăng cường công tác kiển tra đánh giá, rút kinh nghiệm. Đặc biệt, cần phát huy trách nhiệm hoạt động của Uỷ ban kiểm tra công đoàn, coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ để phát huy sức mạnh tập thể, năng lực làm chủ của Đoàn viên. Trong các hoạt động của Công đoàn và xây dựng cơ quan luôn đảm bảo dân chủ công khai, công bằng.

 Thứ sáu:  Làm tốt Công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ công chức, viên chức và lao động. Tổ chức đầy đủ các đợt sinh hoạt chính trị và phổ biến sâu rộng đến tận đoàn viên Công đoàn các nội dung văn bản pháp luật, quán triệt Nghị quyết của Đảng, của Công đoàn các cấp. Tổ chức tốt đời sống văn hóa ở cơ quan như: Tổ chức sinh hoạt văn hóa thể thao, chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động, Xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng Đời sống văn hoá ở tổ dân phố nơi đoàn viên công đoàn cư trú. Ban chấp hành công đoàn cần quan tâm đến công tác tuyên truyền giáo dục trong nữ cán bộ, công chức, viên chức. Đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức cho nữ cán bộ, công chức, viên chức về bình đẳng giới, về hôn nhân gia đình về dân số kế hoạch hóa gia đình...

Trong thực tiễn để xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh có rất nhiều biện pháp mà mỗi Công đoàn cơ sở đã, đang và sẽ vận dụng, trên đây là một số ý kiến cá nhân, rất mong các đồng chí tham khảo để mỗi đoàn viên công đoàn nêu cao ý thức góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, bảo đảm cho công đoàn Trường chính trị nói riêng và các công đoàn cơ sở nói chung thực sự là nền tảng của hệ thống tổ chức công đoàn, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động làm cho các đoàn viên ngày càng gắn bó với tổ chức công đoàn hơn nữa.

 

Bùi Văn Nghĩa – Trưởng khoa Dân vận