• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ khoa Dân Vận hiện nay
Ngày xuất bản: 06/10/2017 3:49:00 CH
Lượt đọc: 24727

Nghị quyết số 06 – NQ/ĐUK của BCH Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh “Về nâng cao chất lượng công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2016 - 2020” khẳng định: Sinh hoạt chi bộ là một trong những nguyên tắc cơ bản của công tác xây dựng Đảng; đảm bảo cho tổ chức Đảng và đảng viên không ngừng nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng, làm tròn trách nhiệm của người đảng viên, là cơ sở của sự tồn tại của tổ chức Đảng. Việc duy trì sinh hoạt của chi bộ có tính nguyên tắc nhằm xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Quán triệt ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó, trong nhiệm kỳ 2012 – 2015, chi bộ khoa Dân Vận đã thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt chi bộ theo Điều lệ Đảng quy định, thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về “Nội dung sinh hoạt chi bộ”, Đề án 07-ĐA/TU của Tỉnh ủy Yên Bái về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2012 - 2015”. Nội dung sinh hoạt đã đảm bảo phát huy trí tuệ của đảng viên trong chi bộ, tham gia thực hiện các kế hoạch, thực hiện các nghị quyết chuyên đề, bàn các giải pháp thực hiện; kịp thời phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản mới của Đảng và Nhà nước, các văn bản của Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối, Đảng ủy nhà trường. Trước khi sinh hoạt, chi bộ đã có sự bàn bạc về nội dung tại các cuộc họp của Bí thư, Phó Bí thư chi bộ, tạo sự thống nhất, khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị của chi bộ. Vai trò của các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư chi bộ, các đồng chí cấp ủy viên (02 đồng chí là Ủy viên BCH Đảng bộ là đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ) càng được khẳng định, gương mẫu về đạo đức, lối sống, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Việc sinh hoạt chi bộ khoa Dân Vận đã có sự tiến bộ và đi vào nề nếp (cố gắng vào ngày 26 hàng tháng tiến hành sinh hoạt chi bộ định kỳ), chất lượng sinh hoạt được nâng lên, nội dung sinh hoạt đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu trên tinh thần phê bình và tự phê bình mang tính xây dựng, số kỳ sinh hoạt trong các năm 2014, 2015, 2016 đều đạt 11 – 12 kỳ/ năm; tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt đạt 98% trở lên, việc ghi chép biên bản, sổ nghị quyết trong các kỳ sinh hoạt thống nhất theo quy định, các đồng chí đảng viên được phân công ghi chép đều có khả năng tổng hợp các nội dung sinh hoạt, sinh hoạt chuyên đề đã có sự chuyển biến, đạt từ 3-4 kỳ/năm, nội dung tập trung vào các chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên hoặc chọn nhiệm vụ trọng tâm, khâu khó, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong việc thực hiện nhiệm vụ của chi bộ; những vấn đề cán bộ, đảng viên, quần chúng đặc biệt quan tâm như việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội ở địa phương, cơ quan, đơn vị; công tác quản lý và phân công công tác cho cán bộ đảng viên… hay sinh hoạt chuyên đề về Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với nhiệm vụ chính trị của nhà trường, của khoa Dân Vận trong giai đoạn hiện nay. Chi bộ khoa Dân Vận đã xây dựng kế hoạch ngay từ đầu nhiệm kỳ về nội dung, cách thức sinh hoạt nhằm tập trung thảo luận sâu một mặt công tác hoặc một vấn đề bức xúc đang đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ. Qua đó, đã tạo bầu không khí sinh hoạt chi bộ sinh động, hấp dẫn hơn, thu hút sự quan tâm của đảng viên, khắc phục được tình trạng chung chung tại các buổi sinh hoạt chi bộ.

Từ việc bàn bạc dân chủ, thống nhất, chi bộ đã ban hành các chủ trương sát, đúng với thực tiễn, phù hợp với đặc điểm, tình hình của chi bộ, của khoa nên khi tổ chức thực hiện được cán bộ, đảng viên đồng tình, ủng hộ cao, từ đó củng cố thêm niềm tin và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên về vai trò lãnh đạo của chi bộ.

 Tuy nhiên, việc sinh hoạt chi bộ ở chi bộ khoa Dân Vận nhiệm kỳ 2012 -2015 vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Có lúc tỷ lệ đảng viên sinh hoạt chưa đảm bảo theo quy định; tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình còn hạn chế, một số nội dung sinh hoạt còn dàn trải, chưa trọng tâm, chưa thiết thực, còn trùng lặp với sinh hoạt chuyên môn. Sinh hoạt chuyên đề còn ít, chưa đưa nhiều vấn đề mới, vấn đề cán bộ, đảng viên và xã hội quan tâm để tạo sự đồng thuận, do đó tính giáo dục và thuyết phục có lúc có lúc chưa cao…

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trong sinh hoạt chi bộ nêu trên chủ yếu là do: Đặc thù của Đảng bộ nhà trường nói chung và chi bộ khoa Dân Vận nói riêng là đội ngũ lãnh đạo hoạt động kiêm nhiệm, một số đồng chí mới tham gia nên kinh nghiệm, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng còn hạn chế, việc nắm bắt tình hình tư tưởng và định hướng dư luận xã hội có lúc, có việc chưa đạt yêu cầu của đòi hỏi thực tiễn. Do đặc thù công việc hay phải đi công tác nên đôi lúc không đảm bảo tỷ lệ đảng viên sinh hoạt. Một số đảng viên, nhất là đảng viên trẻ, trong sinh hoạt đảng tinh thần tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận, phê bình và tự phê bình còn hạn chế…

 Từ thực trạng sinh hoạt chi bộ nhiệm kỳ 2012 – 2015 đã nêu trên, trong nhiệm kỳ 2017 - 2020 chi bộ khoa Dân Vận cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ như sau:

- Thường xuyên quán triệt cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của chi bộ. Không ngừng bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đồng chí bí thư, phó bí thư. Tạo điều kiện cho các đồng chí tham gia các lớp bồi dưỡng cấp ủy để nâng cao năng lực tổ chức, điều hành sinh hoạt chi bộ.

- Cần tiếp tục thực hiện các văn bản hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng và tiếp tục thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU của Tỉnh ủy Yên Bái về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy và sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2012 - 2015” và những năm tiếp theo.

 - Đồng chí Bí thư và phó Bí thư chi bộ cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt  các quy định của Đảng, cụ thể hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tập trung xây dựng nội dung sinh hoạt chi bộ phù hợp với đặc thù của chi bộ, tuân thủ lịch sinh hoạt định kỳ.

- Cải tiến việc ban hành nghị quyết, nâng cao chất lượng nghị quyết; nghị quyết phải xác định đúng vấn đề cần tập trung lãnh đạo, gắn với nhiệm vụ của nhà trường, của khoa trong từng thời kỳ để tập trung vào vấn đề trọng tâm, trọng điểm và phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề là những vấn đề đang nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân gắn với chức năng của nhà trường, những vấn đề nổi cộm, những bức xúc, vướng mắc, những băn khoăn, lo lắng, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên để tổ chức sinh hoạt chuyên đề, qua đó nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của chi bộ, hạn chế lồng ghép sinh hoạt đảng với sinh hoạt chuyên môn.

- Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, phát huy hơn nữa ý thức trách nhiệm, tính sáng tạo của đảng viên trong chi bộ, dành nhiều thời gian để đảng viên phát biểu thể hiện chính kiến của mình, đồng chí chủ trì phải công tâm, khách quan, lắng nghe ý kiến và gợi ý những vấn đề quan trọng để đảng viên thảo luận. để có quyết định đúng đắn, thiết thực, kịp thời và có tính khả thi.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, coi trọng công tác tự kiểm tra, giám sát. Lấy sinh hoạt chi bộ làm khâu đột phá, xây dựng chi bộ là nơi đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, quản lý và giáo dục đảng viên, đảm bảo chi bộ khoa Dân Vận là hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Khoa Dân Vận.

 

Hán Mạnh Hùng

Phó trưởng khoa Dân vận