• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC VẬN DỤNG THỰC TIỄN TRONG GIẢNG DẠY HỌC PHẦN NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG CHƯƠNG TRÌNH TC LLCT – HC TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI
Ngày xuất bản: 14/09/2020 9:47:00 SA
Lượt đọc: 16255

            Thực hiện kết luận Hội thảo khoa học cấp trường về “Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy” ngày 24/02/2016 và Kết luận Hội thảo 27/03/2018 của Đảng bộ, BGH trường Chính trị Yên Bái về “Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy đi vào chiều sâu tại Trường Chính trị Yên Bái, thực trạng và giải pháp”, khoa Lý luận cơ sở trong thời gian qua đã thực hiện một cách nghiêm túc những quan điểm chỉ đạo trên và đạt được nhiều thành tích cao, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao uy tín của Nhà trường trong việc hoàn thành những nhiệm vụ của Tỉnh ủy giao phó.

Là một giảng viên trẻ trực tiếp giảng dạy học phần tư tưởng Hồ Chí Minh của bộ môn những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong chương trình TCLLCT – HC, tôi luôn ý thức sâu sắc việc vận dụng những kiến thức thực tiễn vào từng bài giảng, vừa tăng tính hấp dẫn cho mỗi tiết học, vừa giúp cho học viên thấy được mối quan hệ biện chứng giữa lý luận với thực tiễn. Từ đó vận dụng những tri thức lĩnh hội được trong quá trình học về vận dụng tại địa phương, cơ sở. Trong quá trình thực hiện việc vận dụng kiến thức thực tiễn vào bài giảng tôi xin chia sẻ một vài ý kiến cá nhân như sau:

Thứ nhất, Những liên hệ thực tiễn phải dễ hiểu, gần gũi với hoạt động hàng ngày, dễ thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ví dụ: trong Bài 10. Tư tưởng Hồ Chí Minh đề đại đoàn kết. Để minh chứng cho những giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng này trong giai đoạn hiện nay, giảng viên có thể lấy ví dụ về tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công tác phòng và chống đại dịch covid - 19 thời gian vừa qua. Trước hết, đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó nổi bật là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ ngành ngoại giao, các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương… đã quyết liệt với thông điệp quan trọng là “chống dịch như chống giặc”, “không ai đứng ngoài cuộc”; các hoạt động thiện nguyện như: “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng siêu thị 0 đồng; cây ATM phát gạo miễn phí; sự hi sinh của các bác sĩ tuyến đầu chống dịch; học sinh, sinh viên các trường đại học phát khẩu trang, nước rửa tay cho người dân; phong trào giải cứu dưa hấu, giải cứu tôm hùm...khắp các tỉnh thành trong cả nước. Chính những hành động này đã tạo nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam với niềm tin quyết đánh thắng đại dịch.

Hay đối với Bài 11. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân. Giảng viên có thể nêu một vài mô hình xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo ở một số địa phương như: Mô hình trao tận tay giấy khai sinh, bảo hiểm y tế cho các hộ gia đình có thành viên mới do Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khởi xướng từ năm 2015 và đến nay đã được nhân rộng trên khắp các dịa bàn của địa phương; mô hình cà phê doanh nhân thí điểm tại tỉnh Đồng Tháp đã thành công. Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Thái Nguyên tiếp bước và hy vọng về một trào lưu "cà phê doanh nhân" trên toàn quốc...hay như cơ chế một cửa và một cửa liên thông ở các địa phương trong đó có Yên Bái từ 2015 đến nay đã có những hiệu quả rất thiết thực làm giảm bớt sự phiền hà, nhũng nhiễu đối với cá nhân, tổ chức và nhân dân trên địa bàn...

Hai là, nội dung liên hệ có thể định hướng giúp học viên vận dụng vào công tác ở địa phương, cơ sở.

Với Bài 9. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Trong phần “Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội tại địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội”. Giảng viên có thể đưa ra các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả ở địa phương như trồng tre măng bát độ (Trấn Yên), trồng cây sơn tra (Trạm Tấu, Mù Cang Chải); nuôi trồng thủy sản (Hồ Thác Bà), đề án trồng cây quế (Văn Yên) nhưng cũng chỉ ra những mô hình sản xuất hàng hóa không hiệu quả như trồng Dứa Cay - en (Văn Yên), cao su...do chưa dựa vào những yếu tố về thổ nhưỡng, khí hậu và điều kiện cụ thể tại địa phương, chưa xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể...Qua những ví dụ thực tế, học viên sẽ thấy vai trò của mình là tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia các mô hình kinh tế xã hội ở địa phương như thế nào chó phù hợp.

Ba là, nội dung liên hệ thực tế cần đảm bảo tính chính xác, có cơ sở khoa học.

Khi sử dụng những dẫn chứng minh họa, các con số thống kê về kinh tế - xã hội,  tỷ lệ hộ nghèo, vấn đề dân tộc, tôn giáo, tốc độ tăng trưởng kinh tế,tỷ lệ thất nghiệp, v.v... trong cùng một thời điểm ở nhiều tài liệu khác nhau đã có sự khác nhau, chúng ta cần lấy những số liệu đảm bảo độ chính xác về mặt pháp lý để cung cấp cho học viên.

Trong báo cáo về Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giảng viên có thể nêu những dẫn chứng sinh động về những tấm gương điển hình tiên tiến, những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo Bác thông qua những con số xác thực trong việc xây dựng các mô hình kinh tế, mô hình sinh hoạt đảng, mô hình văn hóa, giáo dục ở địa phương...

Bốn là, nội dung liên hệ thực tế nên có tính định hướng, đảm bảo tính đảng, tính cách mạng, tính giáo dục và tính khoa học.

Khi giảng dạy Bài 12.Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ. Trong phần tu dưỡng rèn luyện đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phần công tác cán bộ. Giảng viên có thể lấy dẫn chứng về những trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm nghiêm trọng tới những nguyên tắc của Đảng để vun vén lợi ích cá nhân, gia đình. Những trường hợp bổ nhiệm bất thường, sai quy trình trong công tác cán bộ thời gian qua để làm minh chứng cho việc cần phải đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi đưa ra những ví dụ thực tiễn, giảng viên nên tránh những hiện tượng thực tế mang tính quá tiêu cực,ảnh hưởng đến niềm tin, tư tưởng của học viên, nếu chúng ta khai thác quá sâu, quá nhiều sẽ gây hiện tượng mất niềm tin, liên hệ thực tế như vậy sẽ phản giáo dục đối với người học, nếu như cần phải đề cập, người dạy có thể khéo léo định hướng tư tưởng cho học viên.

Để nâng cao hiệu quả liên hệ thực tế trong giảng dạy phần tư tưởng Hồ Chí Minh trong chương trình TCLL - HC bản thân xin đề xuất một vài kiến nghị sau:

-   Tích cực cập nhật kiến thức, thông tin mới trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, truyền hình. Tuy nhiên những kiến thức thực tế phải được sàng lọc sao cho phù hợp với mục tiêu giáo dục, phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Chúng ta cần tránh lấy dẫn chứng, ví dụ trên trang mạng xã hội khi những thông tin đó chưa phải là nguồn tin chính thống.

-   Trong các buổi thảo luận, cho học viên làm bài tập liên hệ thực tiễn đối với mỗi bài học để họ có thể vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn công tác tại cơ sở. Hoạt động này sẽ giúp học viên thấy được ý nghĩa của việc gắn lý luận với thực tiễn.

-   Trong quá trình đi giảng dạy tại cơ sở, giảng viên tranh thủ tiếp cận thực tế bằng nhiều cách thức khác nhau để bổ sung kiến thức thực tiễn ở cơ sở để làm phong phú nội dung của bài giảng.

-   Đẩy mạnh sinh hoạt tổ chuyên môn, câu lạc bộ giảng viên trẻ để thảo luận, thống nhất những ví dụ thực tế nào nên đưa vào bài học, những ví dụ thực tế gì không nên đưa vào.

-   Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn nữa để giảng viên tiếp cận thông tin phục vụ giảng dạy.

Từ Thị Thoa

Khoa: Lý luận cơ sở