• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA KHOA HỌC LỊCH SỬ ĐẢNG TRONG GIẢNG DẠY LỊCH SỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Ngày xuất bản: 12/09/2019 2:38:00 CH
Lượt đọc: 25524

             Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là một chuyên ngành của khoa học lịch sử. Vì vậy, nghiên cứu, giảng dạy, biên soạn lịch sử Đảng từ lịch sử toàn Đảng, đến lịch sử đảng bộ các địa phương... trước hết cần xác định rõ đối tượng nghiên cứu của khoa học lịch sử Đảng

Đối tượng nghiên cứu của khoa học lịch sử Đảng là toàn bộ quá trình ra đời, hoạt động, lãnh đạo cách mạng  của Đảng và lịch sử xây dựng Đảng từ năm 1930 đến nay. Đó là:

- Nghiên cứu có hệ thống, sâu sắc, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn và quá trình thực hiện Cương lĩnh, đường lối của Đảng.

-  Nghiên cứu quá trình xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức của Đảng.

- Nghiên cứu  quá trình tổ chức thực hiện cương lĩnh, đường lối của Đảng theo những mục tiêu đã đề ra và quá trình phát triển của phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân được thể hiện qua các sự kiện lịch sử Đảng

Quá trình ra đời, hoạt động, lãnh đạo cách mạng  của Đảng  bắt đầu là sự thức tỉnh giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam chuẩn bị những điều kiện về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức, cán bộ để thành lập Đảng cách mạng chân chính; là sự hoạt động lãnh đạo, đấu tranh của Đảng qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử từ lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, giành chính quyền (1930-1945) đến lãnh đạo các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập thống nhất hoàn toàn (1945-1975); từ lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc (1954-1975) đến lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1975-1986) và thực hiện công cuộc đổi mới từ 1986 đến nay. Toàn bộ tiến trình lịch sử đó tập trung trong lãnh đạo thực hiện hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp nối quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nghiên cứu quá trình lãnh đạo đấu tranh của Đảng gắn liền với phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân .

Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam trước hết và chủ yếu bằng Cương lĩnh và đường lối. Vì vậy, nghiên cứu Lịch sử Đảng là nghiên cứu có hệ thống, sâu sắc, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn và quá trình thực hiện Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Cương lĩnh là văn kiện ở tầm cao nhất của Đảng đề cập mục tiêu chiến lược và những nội dung cơ bản của cách mạng và có giá trị định hướng lâu dài của sự nghiệp cách mạng.

Trong quá trình phát triển, lãnh đạo cách mạng, Đảng đã ban hành những cương lĩnh cách mạng quan trọng. Cương lĩnh chính trị đầu tiên được Hội nghị thành lập Đảng thông qua. Luận cương cách mạng tư sản dân quyền do Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (10-1930) thông qua. Chính cương Đảng Lao động Việt Nam được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951). Các văn kiện đó đều xác định mục tiêu chiến lược của cách mạng là hoàn thành giải phóng dân tộc, giành độc lập thống nhất hoàn toàn và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đến với công cuộc đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6-1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (1-2011) đã bổ sung và phát triển Cương lĩnh 1991: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ( bổ sung, phát triển năm 2011). Trong Cương lĩnh, Đảng đã tổng kết những bài học lớn làm rõ quy luật vận động và những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh khẳng định mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; Xác định những đặc trưng cơ bản của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa; Những vấn đề quá độ lên chủ nghĩa xã hội với những phương hướng cơ bản; Khẳng định sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của hệ thống chính trị và những vấn đề cơ bản về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Cụ thể hóa Cương lĩnh, Đảng chú trọng đề ra đường lối, chính sách, chủ trương phù hợp với mỗi thời kỳ, giai đoạn cách mạng. Đường lối cách mạng giải phóng dân tộc thời kỳ 1930-1945; đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954); đường lối cách mạng miền Nam và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975); đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc (1954-1975) và trên cả nước (1975-1986); đường lối đổi mới từ năm 1986; đường lối quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Đảng cũng đề ra những chính sách, chủ trương lớn như chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách ruộng đất, chủ trương lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, hòa để tiến, chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.

Nghiên cứu cương lĩnh, đường lối của Đảng nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, nội dung cơ bản của cương lĩnh, đường lối. Đó là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để có những phát triển đóng góp mới về lý luận phù hợp với thực tiễn Việt Nam cả trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đối với lịch sử đảng bộ địa phương cần nhận thức rõ những nội dung cơ bản của cương lĩnh, đường lối của Đảng để làm rõ sự vận dụng sáng tạo của địa phương và cơ sở, làm rõ những chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể của địa phương.

Nghiên cứu quá trình xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức của Đảng. Với tư cách là đội tiền phong, là chủ thể lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đã được xây dựng theo những tiêu chuẩn, nguyên tắc của một Đảng cách mạng kiểu mới, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển và nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của cách mạng Việt Nam. Từ thực tiễn xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử để làm rõ những điều kiện cần thiết để Đảng hoàn thành sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi. Đảng phải được trang bị và không ngừng nâng cao trình độ lý luận, nắm vững nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng phải là một đội tiên phong chính trị của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam với cương lĩnh và đường lối chính trị đúng đắn. Đảng là sự thống nhất về tổ chức và luôn luôn đoàn kết thống nhất. Đảng nêu cao đạo đức cộng sản chủ nghĩa, thật sự là đạo đức, là văn minh. Đảng không ngừng đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền. Đảng lấy tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản đồng thời chú trọng các nguyên tắc về giữ vững độc lập, tự chủ, về đoàn kết thống nhất trong Đảng, về gắn bó mật thiết với nhân dân và nêu cao chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

Nghiên cứu quá trình tổ chức, chỉ đạo thực hiện cương lĩnh, đường lối của Đảng theo những mục tiêu đã đề ra và quá trình phát triển của phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân được thể hiện qua các sự kiện lịch sử Đảng. Có thể một sự kiện lịch sử mà cả chuyên ngành lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc và lịch sử quân sự cùng nghiên cứu như chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954). Lịch sử dân tộc nghiên cứu sự kiện đó trong tiến trình chung của quá trình dựng nước và giữ nước, nhất là lịch sử chống ngoại xâm. Lịch sử quân sự nghiên cứu về chiến dịch Điện Biên Phủ đi sâu vào khoa học, nghệ thuật quân sự, chiến dịch, chiến thuật. Còn lịch sử Đảng nghiên cứu sâu về vai trò lãnh đạo của Đảng, thành công của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, kinh nghiệm, bài học lãnh đạo và thắng lợi của đường lối quân sự của Đảng.

 Khi nghiên cứu Lịch sử Đảng phải nghiên cứu, thu thập tư liệu từ nhiều nguồn để làm rõ một sự kiện lịch sử. Cần phân loại để xác định rõ tính chất, vai trò, vị trí của từng sự kiện lịch sử. Có sự kiện cơ bản, chủ yếu có tầm vóc như bước ngoặt lịch sử như sự kiện Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930 thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, sự kiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân 1975, Đại hội VI quyết định đường lối đổi mới (12-1986).v.v. Cũng cần nhận rõ các sự kiện chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội, đối ngoại.v.v.

Lịch sử Đảng, một chuyên ngành của khoa học lịch sử, nghiên cứu sự ra đời, hoạt động của Đảng, tìm hiểu cương lĩnh, đường lối, chủ trương, quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, những kinh nghiệm ( bài học) lãnh đạo của Đảng , phát hiện quy luật phát triển của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng… Đối tượng nghiên cứu chính của lịch sử Đảng là quá trình ra đời, hoạt động lãnh đạo và phát triển của Đảng trong các giai đoạn cách mạng. Tất nhiên sự ra đời và phát triển của Đảng diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi nước; đường lối, chính sách của Đảng là sự vận dụng sáng tạo và phát triển những nguyên lí của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ấy, hoặc nói cách khác, đó là sự thể hiện chân lí phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một bước phát triển mới vào những hoàn cảnh cụ thể nhất định. Vì thế, nghiên cứu lịch sử Đảng là hết sức cẩn thiết.

 Trong bối cảnh đất nước đang có những bước phát triển tích cực, dần hướng tới là một nước phát triển toàn diện trong tương lai thì việc nghiên cứu lịch sử Đảng có vị trí hết sức quan trọng  góp phần vào việc nâng cao vai trò và sức chiến đấu của Đảng, đóng góp vào việc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay./.

Ths. Nguyễn Quý Dũng

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng