• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG VIỆC GIẢNG DẠY TRIẾT HỌC MÁC - LÊNIN HỆ TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH
Ngày xuất bản: 20/11/2020 2:21:00 CH
Lượt đọc: 15327

                                                    

Nhiệm vụ của giáo dục không chỉ dừng lại ở việc đào tạo ra những con người có năng lực chuyên môn mà còn phải giáo dục, đào tạo ra những người hoàn thiện về nhân cách, phẩm chất chính trị, có lập trường, tư tưởng vững vàng để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của nước nhà.

Đối với Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường cũng không nằm ngoài mục tiêu trên. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch, xây dựng nhân sinh quan cộng sản của người đảng viên, việc nắm chắc nội dung lý luận của các bộ môn thuộc lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò rất quan trọng, trong đó không thể không kể đến vai trò của phân môn triết học. Trong những năm gần đây, các môn thuộc lĩnh vực khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước, bộ giáo dục nói chung và Trường Chính trị nói riêng càng coi trọng hơn nữa. Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra là chất lượng, hiệu quả học tập của bộ môn này chưa cao. Để khắc phục tình trạng đó và nâng cao chất lượng giảng dạy của bộ môn này, thì cần nắm bắt trước hết các vấn đề hạn chế còn tồn tại để có thể đưa ra những giải pháp thích hợp. Trong quá trình đứng lớp, tôi nhận thấy còn nổi lên một số vấn đề khi giảng dạy triết học trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính như sau:

 Về nội dung và thời lượng môn học

 Nhiều người thường cho rằng triết học là bộ môn lý luận khô khan, không hấp dẫn như những môn khoa học khác. Bởi nội dung của triết học khá trừu tượng, không dễ hiểu. Muốn hiểu được những nguyên lý, quy luật, phạm trù triết học thì không chỉ cần tư duy trừu tượng mà cần cả tư duy logic và kiến thức khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội phong phú. Các khái niệm của môn triết được dịch lại từ các tài liệu nước ngoài với cách dùng từ, đặt câu khác biệt, tuy đã được các dịch giả vừa có kiến thức chuyên môn, vừa thông thạo ngoại ngữ biên soạn, nhưng vẫn hết sức khó hiểu với người đọc, không ngoại trừ những người được đào tạo chuyên sâu trên ghế nhà trường. Vì vậy, muốn người học nắm bắt được nội dung của các khái niệm, phạm trù hay các quy luật mang tính khái quát hóa, trừu tượng hóa, lại không được áp dụng với một đối tượng đặc thù, thì cần phải có thời gian và sự phân tích cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, thời lượng của môn triết học không dài. Chỉ 52 tiết (trong đó có 40 tiết lý thuyết, 12 tiết thảo luận). Như vậy, nội dung kiến thức là rất khổng lồ so với thời gian vô cùng eo hẹp của môn học. Các giảng viên nếu không chịu đào sâu kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều, chỉ tiếp cận môn học trên cơ sở lý thuyết, chưa có khả năng chắt lọc, hệ thống hóa bài học, chưa thể cô đọng kiến thức để giúp học viên nắm được nội dung cốt lõi của bài thì không thể tổ chức một giờ học hiệu quả. Một vấn đề nữa cũng nảy sinh từ thực tế, trong đề thi, vấn đề vận dụng cũng được đề cao, vì thế giảng viên thường cố đưa ra càng nhiều vận dụng vào bài học càng tốt nên thường làm học viên chú trọng đến vấn đề vận dụng mà không chú trọng đến việc ghi nhớ các kiến thức cơ bản. Đơn cử như khi giảng về mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, tất cả các học viên đều lấy được ví dụ vận dụng quy luật này vào Việt Nam dựa trên những gì sách giáo khoa trình bày. Tuy nhiên, khi được yêu cầu phân tích trên từng yếu tố của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất thì học viên lại lúng túng. Vì họ chưa nắm được hết các yếu tố của lực lượng sản xuất là gì, và các yếu tố của quan hệ sản xuất cũng vậy. Điều này là do, trong 4 tiết học viên phải học quá nhiều khái niệm: sản xuất vật chất, vai trò của nó, khái niệm lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng, hình thái kinh tế xã hội, các yếu tố của hình thái kinh tế - xã hội.....

Về giáo trình giảng dạy

Sách giáo trình cũng có đôi chỗ trình bày chưa khoa học. Ví dụ, trong bài 6, mục 1.1, giáo trình chỉ ra ba vấn đề cơ bản để chứng minh việc ra đời của hình thái kinh tế xã hội cộng sản chủ nghĩa là một quá trình lịch sử tự nhiên, thì vấn đề đầu tiên được in nghiêng từ “Thứ nhất”, sau đó giáo trình cũng không trình bày mục thứ hai hay thứ ba, mà để người đọc tự đọc hiểu. Trong các bài thuộc các chuyên ngành khác nhau của môn Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin có những nội dung tương tự nhau. Một bài kết cấu quá nhiều tiêu mục và phần nhỏ. Tuy rằng, mỗi nội dung đó đều được đứng trên các góc độ khác nhau để trình bày nhưng những nội dung này nếu được tích hợp thì sẽ rút gọn bài học và để các giảng viên khác nhau không lặp lại những vấn đề mà giảng viên trước đó đã giảng. Như vậy, kết cấu của giáo trình vẫn còn chưa hoàn thiện cũng ảnh hưởng tới việc trình bày cua giảng viên và việc tự học của học viên ngoài giờ lên lớp.

Về trình độ, thái độ học tập của học viên

Học viên ở các lớp phần lớn đều là người có trình độ từ đại học trở lên, đã từng nghiên cứu bộ môn triết ở trường đại học. Tuy nhiên, do đã tốt nghiệp đại học tương đối lâu và thời gian công tác dài nên những kiến thức về môn triết bản chất đã khó hiểu và khó nhớ không để lại nhiều ấn tượng. Do nhiều lí do khách quan và chủ quan, nhiều học viên còn ngần ngại trong việc phát biểu xây dựng bài, chưa chủ động trong việc thảo luận. Việc đưa ý kiến khi được giáo viên phát vấn hay trình bày nội dung thảo luận còn mang tính chống chế, chưa thật sự tích cực chủ động.

Bên cạnh đó, do tâm lý chưa thấy rõ tầm quan trọng của bộ môn này nên vẫn còn tình trạng đi muộn về sớm, không tập trung tiếp nhận kiến thức, nên chưa có sự phối hợp giữa người học và người dạy, dẫn đến hiệu quả học tập chưa cao.

Về cán bộ giảng viên trẻ của Nhà trường

Như đã nói ở trên, triết học là ngành khoa học cần đầu tư nhiều thời gian và tâm sức để nghiên cứu, đặc biệt phải có sự liên hệ với thực tiễn. Giảng viên trẻ giảng dạy triết học tuy có trình độ đại học và trên đại học nhưng kiến thức được đào tạo về cơ bản vẫn là kiến thức lý luận, lý thuyết, thiếu phông kiến thức thực tiễn. Ngoài ra, nhiều giảng viên còn e dè trong việc trao đổi bài học với học viên. Đa số các giảng viên trẻ là nữ giới đang trong độ tuổi xây dựng gia đình, chăm sóc con nhỏ nên ảnh hưởng không nhỏ tới thời gian phấn đấu để nhanh chóng trở thành giảng viên thực thụ.

Do tác động của khó khăn về kinh tế, thu nhập chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống sinh hoạt, nên một số giảng viên chưa thực sự dành hết thời gian và tâm huyết đầu tư cho công tác chuyên môn. Đây cũng là lí do ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy của bản thân giảng viên.

Về điều kiện giảng dạy

Điều kiện giảng dạy của một số cơ sở ngoài trường còn chưa đảm bảo. Ví dụ như việc viết bảng, một số cơ sở sử dụng bảng với kích thước nhỏ dùng cho lớp rất đông học viên. Như vậy, nếu giảng viên muốn vẽ sơ đồ bằng tay, hay phân tích ví dụ bằng cách sử dụng bảng thì một số người ngồi ở vị trí xa sẽ không nhìn thấy được. Việc không trang bị micro cầm tay cho giảng viên trong khi hội trường có diện tích rất lớn cũng là một khó khăn bởi học viên rất khó nghe rõ nếu giảng viên rời bục giảng mà không có micro hỗ trợ.

Qua những vấn đề hạn chế còn tồn tại nêu trên, để góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn Triết học, tôi xin mạnh dạn được đóng góp một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, cần tập trung vào những khái niệm cơ bản của môn học. Giải thích rõ kèm ví dụ chứng minh. Không chỉ những vấn đề trong lĩnh vực chính trị xã hội mà cả trong lĩnh vực tự nhiên. Để học viên không nhầm lẫn môn triết học chỉ liên quan tới vấn đề chính trị.

Thứ hai, tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, tạo cảm hứng cho người học. Kết hợp nhiều phương pháp trong giảng dạy ngoài phương pháp truyền thống là phương pháp thuyết trình. Tuy nhiên, thuyết trình vẫn là phương pháp có hiệu quả cao trong giảng dạy nên có thể đổi mới phương pháp này bằng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu, không khô cứng.

Thứ ba, trong điều kiện cho phép, những giảng viên trẻ rất cần được tập huấn, thậm chí đào tạo ở một trình độ cao hơn để mở rộng kiến thức, không chỉ kiến thức chuyên ngành, mà còn kiến thức các bộ môn khác, để có hiểu biết tổng hợp vận dụng trong giảng dạy. Việc đi thực tế giao lưu học hỏi  kinh nghiệm với các trường bạn, vừa để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy vừa để trao đổi về chuyên môn, cũng góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.

Thứ tư, về hình thức kiểm tra, đánh giá: bên cạnh đề thi có tính chất gợi mở, khoa học như hiện nay, có thể thêm hình thức thi vấn đáp đối với học viên.

Thứ năm, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất tại các cơ sở giảng dạy để giảng viên có điều kiện tốt nhất phục vụ giảng dạy.

Trên đây là một số ý kiến của tôi về vấn đề dạy và học phân môn Triết học Mác - Lênin hệ trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Với sự nỗ lực không ngừng của giảng viên và cơ sở đào tạo, chất lượng bộ môn sẽ ngày càng được nâng cao, góp phần vào nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho cán bộ, đảng viên của tỉnh nhà.

     Ths. Nguyễn Thu Hương

                                                                          Khoa Lý luận cơ sở