• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHI BỘ TẠI CHI BỘ KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI
Ngày xuất bản: 08/03/2021 10:51:00 SA
Lượt đọc: 13133

 

            Chi bộ là tổ chức tế bào của Đảng, cũng là nơi thể hiện đầy đủ các mặt hoạt động và sức chiến đấu của Đảng. Các mặt hoạt động của Đảng có đầy đủ, đa dạng, phong phú hay không, sức chiến đấu của Đảng mạnh hay yếu, tất cả đều được thể hiện ở chi bộ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu Chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”. Bởi vậy, “đối với Đảng ta, việc xây dựng Chi bộ cho tốt, cho vững mạnh là một công việc vô cùng quan trọng”.

            Chi bộ muốn mạnh phải duy trì sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ; mỗi đảng viên phải tự rèn luyện, phấn đấu để hoàn thiện bản thân, phải biết góp sức thực hiện nhiệm vụ chung của tập thể để trở thành chi bộ “Bốn tốt” như Bác Hồ đã dạy: Tốt về học tập quán triệt, thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng; tốt về sinh hoạt Đảng; tốt về tự phê bình và phê bình; tốt về phát triển đảng viên. Để một chi bộ vững mạnh, trong sạch thì sinh hoạt chi bộ không chỉ là một trong những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng đảng mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm hết sức quan trọng của mỗi chi bộ và đảng viên nhằm phát huy trí tuệ tập thể, sự thống nhất về ý chí và hành động để lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị; giáo dục quản lý và rèn luyện đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ.

            Thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương ngày 03/3/1012 về “Nội dung sinh hoạt chi bộ”;  Kết luận số 18 ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 10; Đặc biệt Nghị quyết số 06 - NQ/ĐUK của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh “Về nâng cao chất lượng công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2016 - 2020” chi bộ khoa Lý luận cơ sở đã thực hiện rất nghiêm túc chế độ sinh hoạt chi bộ.

            Việc sinh hoạt chi bộ của chi bộ Khoa Lý luận cơ sở trong thời gian qua đã có sự đổi mới nhất định và đi vào nề nếp, chất lượng sinh hoạt được nâng lên, nội dung sinh hoạt đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu trên tinh thần tự phê bình và phê bình. Các buổi sinh hoạt đều ghi chép biên bản, sổ nghị quyết, chấm điểm đánh giá chất lượng sinh hoạt theo quy định. Chi bộ đã tổ chức được những buổi sinh hoạt chuyên đề với những nội dung sinh hoạt tập trung vào các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chuyên đề Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6 khóa XII của Đảng; Những vấn đề về đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội ở cơ quan, đơn vị… đã từng bước đem lại chất lượng và hiệu quả của buổi sinh hoạt.

            Trong mỗi cuộc họp hàng tháng, ngoài nội dung cơ bản là đánh giá lại hoạt động tháng qua, đề ra phương hướng, nhiệm vụ tháng tới, thì Chi ủy Chi bộ còn yêu cầu mỗi đảng viên phải báo cáo cụ thể những việc mình làm được theo các nội dung đã đăng ký trong bản kế hoạch làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trên cơ sở báo cáo của từng người, tập thể chi bộ xem xét, biểu dương những mặt tốt và chỉ ra những mặt còn hạn chế để đảng viên khắc phục. Ngoài ra, trong mỗi cuộc họp chi ủy còn chọn đọc 1 trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra. Mục đích là để đảng viên nhớ nội dung từng biểu hiện và tránh mắc phải. Nhờ vậy mà mỗi đảng viên đều có ý thức tự rèn luyện và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

            Xác định đảng viên tốt sẽ giúp cho chi bộ tốt nên chi bộ đặc biệt quan tâm đến xây dựng đảng viên tốt; phát huy tối đa công tác tự phê bình và phê bình. Mỗi cuộc họp ở Chi bộ luôn diễn ra đúng theo Hướng dẫn số 12 (ngày 06/07/2018) của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ. Nếu trước đây đảng viên còn ngại phát biểu ý kiến trong các cuộc họp thì đến nay điều đó đã thay đổi. Trong mỗi cuộc họp, các đảng viên đều mạnh dạn nêu ý kiến đóng góp về hoạt động của chi bộ, từ đó giúp tập thể chi bộ có cái nhìn đa chiều hơn về những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Đặc biệt là khi nhận thấy đảng viên nào có biểu hiện chưa tốt thì tập thể chi bộ phê bình ngay để sửa chữa. Trong mỗi cuộc họp hàng tháng, Chi ủy Chi bộ luôn phân công nhiệm vụ cụ thể sắp tới cho từng đảng viên phù hợp với điều kiện, năng lực của mỗi người. Các đảng viên trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn gì thì báo ngay để tập thể chi bộ hỗ trợ, giúp đỡ, đảm bảo công việc diễn ra trôi chảy.

            Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc sinh hoạt của chi bộ Khoa Lý luận cơ sở thời qua vẫn còn bộc lộ một số vấn đề còn tồn tại như:

            + Đôi khi chưa thực hiện sinh hoạt theo đúng lịch đã quy định theo nghị quyết chi bộ đề ra, nội dung sinh hoạt đổi mới chưa nhiều, phương thức sinh hoạt chưa có nhiều đột phá.

            + Trong sinh hoạt ở một số ít đảng viên chưa thực sự nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, còn có sự e dè, nể nang, ngại va chạm.

            + Có những buổi sinh hoạt chi bộ nội dung sinh hoạt còn mang tính chất sinh hoạt chuyên môn.  

            - Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập nêu trên chủ yếu là do:

            + Một số đồng chí mới tham gia cấp ủy chi bộ kinh nghiệm, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác đảng, công tác chi bộ đôi lúc còn hạn chế;

            + Đặc thù của các chi bộ đó là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chi bộ đều là hoạt động kiêm nhiệm, thường xuyên phải đi giảng dạy các lớp ở huyện.    

            + Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ ở một số đảng viên còn chưa cao.

            Từ thực trạng trên chi bộ khoa Lý luận cơ sở đã đề ra một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong thời gian tới như sau:

            + Thứ nhất, tiếp tục thực hiện một cách nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, Nghị quyết số 06 – NQ/ĐUK của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh “Về nâng cao chất lượng công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2016 - 2020” và những năm tiếp theo.

            + Thứ hai, không ngừng bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác đảng để nâng cao năng lực tổ chức, điều hành sinh hoạt chi bộ.

            + Thứ ba, tiếp tục quán triệt cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của chi bộ cũng như vai trò của sinh hoạt chi bộ.

            + Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, coi trọng công tác tự kiểm tra, giám sát. Lấy sinh hoạt chi bộ làm khâu đột phá, xây dựng chi bộ là nơi đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, quản lý và giáo dục đảng viên, đảm bảo chi bộ là hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Khoa, phòng.

Có thể khẳng định rằng, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên đã tạo thêm những nguồn sinh khí mới, là điều kiện rất quan trọng để các chi bộ trong đảng bộ Trường Chính trị phát huy tốt vai trò lãnh đạo, nắm vững chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy cấp trên. Đồng thời, các chi bộ cũng có thể đề ra nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ chính trị đảm bảo sát, đúng với tình hình nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền, vận động, tập hợp và lãnh đạo đảng viên tin tưởng đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Nguyễn Thu Hương

                                                                           Khoa Lý luận cơ sở