• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI ĐÁNG CHÚ Ý CỦA LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2019.
Ngày xuất bản: 20/11/2020 2:28:00 CH
Lượt đọc: 14985

                                                           

Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội ban hành ngày 19/6/2015. Luật này đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 và các chủ trương, định hướng của Đảng về  tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương các cấp, tuy nhiên Luật này cũng đã bộc lộ sự bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Ngày 22/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 và chính thức có hiệu lực từ 01/07/2020, trong đó có một số điểm mới đáng chú ý sau:

Thứ nhất là quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính:

Nếu như trước đây Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam” . Điều đó có nghĩa là cấp chính quyền địa phương sẽ gồm có HĐND và UBND,  tuy nhiên hiện nay Luật mới đã sửa đổi quy định này như sau: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.”. Quy định mới này sẽ tạo sự linh hoạt trong tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương (Hiện nay theo Nghị quyết số 97/NQ-QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội thì từ ngày 01/7/201 Thành phố Hà Nội sẽ thí điểm không còn HĐND phường, chỉ có UBND phường)

Thứ hai: về phân cấp phân quyền của chính quyền địa phương

Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 đã quy định các nội dung mang tính nguyên tắc về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền đối với chính quyền địa phương nhưng chưa quy định cụ thể về việc đảm bảo các nguồn lực để thực hiện.

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019 đã quy định rõ khi thực hiện phân quyền, phân cấp phải gắn phân quyền với phân cấp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm các điều kiện cụ thể về ngân sách, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho các địa phương; quy định cụ thể hơn các chủ thể được thực hiện ủy quyền; trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện ủy quyền và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Đồng thời, quy định mới cũng tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu lực quản lý trong thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cụ thể:

- Việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác; gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp. Chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp

- Việc phân cấp cho chính quyền địa phương phải được quy định trong luật và luật phải quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác.

- Luật cũng đã quy định cụ thể việc UBND cấp trên có thể ủy quyền cho UBND cấp dưới trực tiếp, UBND có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập. Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho Phó chủ tịch, Trưởng các cơ quan chuyên môn…Việc ủy quyền phải bằng văn bản.

 Thứ ba: về cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương

- Đối với HĐND:  Luật mới đã sửa đổi theo hướng giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh và cấp huyện. Trước đây Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định HĐND cấp tỉnh và cấp huyện bao gồm 02 Phó chủ tịch HĐND, tuy nhiên hiện nay quy định này được sửa đổi như sau: Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có một Phó Chủ tịch HĐND; trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Chủ tịch HĐND. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Đối với các Ban của HĐND cấp tỉnh: trong trường hợp Trưởng ban hoạt động chuyên trách thì có 1 Phó ban. Trường hợp Trưởng ban hoạt động không chuyên trách thì có 02 Phó ban.

Đối với HĐND cấp huyện, Luật mới cũng quy định chỉ bao gồm 01 Phó chủ tịch HĐND thay vì 02 Phó Chủ tịch như  HĐND trước đây.

Về số lượng đại biểu HĐND các cấp, Luật mới quy định theo hướng giảm số lượng Đại biểu Hội đồng so với luật cũ. 

- Đối với UBND: So với luật cũ, luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung 2019 chỉ có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức của UBND cấp xã. Trước đây cấp xã loại II có 01 Phó Chủ tịch, tuy nhiên Luật mới đã sửa đổi theo hướng tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND xã loại II lên không quá 02 Phó Chủ tịch nhằm đáp ứng yêu cầu kiện toàn cơ cấu tổ chức phù hợp, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động chỉ đạo điều hành của UBND cấp xã loại II.

Tuy Luật mới có hiệu lực từ ngày 01/17/2020 nhưng số lượng đại biểu HĐND tại các đơn vị hành chính, cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh và cấp xã, số lượng Phó Chủ tịch HĐND và Phó Trưởng ban của Ban của HĐND cấp tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn loại II tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật cũ cho đến khi  bầu ra HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026.

                                                                     Nguyễn Thị Mai

                                                            Khoa Nhà nước và pháp luật