• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG PHONG CÁCH, TÁC PHONG CÔNG TÁC CỦA NGƯỜI GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI
Ngày xuất bản: 06/11/2019 1:36:00 CH
Lượt đọc: 19689

           Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ. Người coi “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy” và đi đến kết luận: “ Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì thế, Người rất quan tâm đến xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, trong đó có xây dựng, rèn luyện phong cách công tác. Thấm nhuần tư tưởng của Người trong những năm qua Trường Chính trị tỉnh Yên Bái luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên và xác định đây là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt. Trong đó việc xây dựng phong cách, tác phong công tác của người giảng viên Trường Chính trị tỉnh Yên Bái trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

Trường chính trị tỉnh Yên Bái có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương... Như vậy, muốn làm tốt được chức năng trên thì bản thân giảng viên của Nhà trường cần phải đáp ứng những tiêu chí cần thiết về chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là phẩm chất đạo đức lối sống, trong đó có phong cách, tác phong công tác, vừa để đảm bảo uy tín trước học viên, vừa để làm gương cho học viên học tập, noi theo.

Trong những năm qua đội ngũ cán bộ giảng viên Nhà trường đã từng bước khẳng định vị thế, vai trò trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học góp phần hoàn thành nhiệm vụ tỉnh giao. Đó cũng là kết quả của quá trình xây dựng phong cách, tác phong công tác theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Để tiếp tục xây dựng phong cách, tác phong công tác theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, theo tôi, người giảng viên tiếp tục tập trung rèn luyện tốt những mặt sau đây:

 Thứ nhất, người giảng viên phải tích cực rèn luyện phong cách tư duy khoa học.

Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, người giảng viên trước hết phải rèn luyện tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo; tư duy phải xuất phát từ thực tế đất nước, địa phương, của ngành và phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể. Phải mở rộng tư duy nghiên cứu mọi tư tưởng, học thuyết; có bản lĩnh vững vàng,  tinh thần dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, Tổ quốc và Đảng.

 Có nghĩa là: khi nghiên cứu, học tập các học thuyết, tiếp cận các thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, giảng viên cần phải biết tự làm chủ suy nghĩ của mình, biết cái gì đúng, cái gì hay, cái gì tích cực để học theo. Phải có quan điểm lịch sử - cụ thể khi sử dụng nội dung để vận dụng, liên hệ thực tế vì có những nội dung ngày hôm qua là đúng nhưng ngày hôm nay không còn phù hợp. Tuy nhiên, phải biết vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ…Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý…Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm…cái gì mới mà hay thì ta phải làm"[1]. Người giảng viên phải biết kế thừa và phát triển những giá trị tốt đẹp trong truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thường xuyên mở rộng tư duy nghiên cứu các tư tưởng, học thuyết, đồng thời giữ vững bản lĩnh chính trị, tránh hoang mang dao động, rơi vào chủ nghĩa xét lại, có cái nhìn đúng đắn khi được tiếp cận với những luồng thông tin không có thật, tin bịa đặt, xuyên tạc, những thủ đoạn nhằm phủ nhận lý luận chủ nghĩa Mác – Lênnin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.

Thứ hai, người giảng viên phải rèn luyện cho mình phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả.

Người giảng viên cần có trình độ lý luận cách mạng, có năng lực công tác và luôn tâm huyết với nghề nghiệp. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, nếu không có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, xa rời thực tiễn, ít chịu cập nhật những biến đổi của tình hình... thì khi thực hiện các nhiệm vụ thường gặp khó khăn, vướng mắc, chất lượng và hiệu quả công việc sẽ không đạt được như mong muốn. Cụ thể như: Trong giảng dạy, người giảng viên sẽ dễ rơi vào tình trạng lạc hậu hơn so với chính các học viên của mình - những người trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, giảng viên phải thường xuyên chú ý rút kinh nghiệm sau mỗi công việc, sau mỗi giờ giảng, mỗi lần đi nghiên cứu thực tế, mỗi cuộc họp, tiếp xúc, gặp gỡ với cấp trên, đồng chí đồng nghiệp và cả học viên, việc đó sẽ giúp cho giảng viên mau tiến bộ, tránh được sai lầm…

Thứ ba, người giảng viên phải nhận trách nhiệm cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đoàn kết và kỷ luật.

Mỗi giảng viên đã được Nhà trường giao cho  Khoa chủ quản phân công soạn bài giảng, số giờ giảng, quản lý học viên, giờ nghiên cứu khoa học ngay từ đầu năm học, ngoài ra còn có trách nhiệm thêm công việc chung của Khoa, của Đoàn thể hoặc của Phòng chức năng…Học tập phong cách Hồ Chí Minh là mỗi người phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, thực hiện tốt những nhiệm vụ đã được giao. Đồng thời, giảng viên phải tuyệt đốt tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nghĩa là khi có chủ trương được Đảng bộ, Chi bộ, Nhà trường, Khoa đưa ra thảo luận, lấy ý kiến tập thể, thì bản thân giảng viên phải có trách nhiệm chú ý lắng nghe, nghiên cứu thật kỹ vấn đề, tích cực đưa ra ý kiến mang tính đóng góp, xây dựng. Và khi chủ trương đó đã được tập thể nhất trí, được cấp trên quyết định thì phải tích cực thực hiện cho tốt. Giảng viên cũng thường xuyên phải có ý thức trong xây dựng khối đoàn kết của cơ quan, gương mẫu thực hiện kỷ luật.

Thứ tư, giảng viên phải tích cực rèn luyện phong cách sinh hoạt

Phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh thể hiện triết lý nhân sinh lấy khiêm tốn giản dị làm nền, lấy chừng mực điều độ làm chuẩn, lấy trong sạch thanh cao làm vui, lấy gắn bó với con người, với thiên nhiên làm niềm say mê vô tận.

Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, mỗi giảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện phong cách sinh hoạt từ cái ăn, cái mặc đến sử dụng trang thiết bị vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể như: Tự ý thức sống khiêm tốn, chất phác, đời tư trong sáng, nếp sống riêng giản dị; rèn luyện cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian, không có ham muốn danh lợi cho riêng mình; học Bác rèn luyện một đời sống riêng thanh đạm, thanh cao, chan chứa tình yêu thương con người, gắn bó với tình yêu thiên nhiên, luôn tin tưởng, lạc quan, yêu đời; đặt cho mình một kỷ luật chặt chẽ, giữ nếp trật tự, ngăn nắp, gọn gàng, chú ý rèn luyện sức khỏe, sắp xếp thời gian tiến hành mọi việc thật hợp lý và có hiệu quả nhất (để không rơi vào tình trạng như đến cuối năm khi tổng kết thì thấy thiếu công trình khoa học, lúc đó lại tìm cách đối phó); những việc cá nhân trong sinh hoạt hàng ngày, tự làm là chính, không làm phiền người khác khi không cần thiết. Trong đó, giảng viên cần chú ý đến việc giữ uy tín của mình trước học viên thông qua phong cách sinh hoạt khi giao lưu, tiếp xúc với học viên, và đặc biệt là rèn luyện thể lực và tinh thần, ăn uống có chừng mực, điều độ để giữ gìn sức khỏe…

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên mỗi cán bộ, giảng viên. Nhưng theo tôi, dù là cách nào cũng cần phải tự nỗ lực là chính. Học và làm theo Bác được càng nhiều thì càng tốt cho bản thân mình và cho Đảng, cho Tổ quốc, cho xã hội. Đối với giảng viên Trường Chính trị tỉnh Yên Bái cần phải học tập và làm theo Bác để có thể xây dựng phong cách, tác phong công tác chuẩn mực, khoa học và hiệu quả, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị tỉnh giao.

                                                                              GVC Hà Thị Lan Phương

                                                                    Khoa Lý luận cơ sở