• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC TỈNH YÊN BÁI HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 10/05/2022 12:21:00 CH
Lượt đọc: 9439

Ths. HOÀNG THỊ LÊ

Khoa Lý luận cơ sở

 

Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cấu thành tất yếu của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. MTTQ đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động Nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Một trong những chức năng cơ bản của MTTQ Việt Nam là chức năng giám sát và phản biện xã hội.

Vai trò giám sát và phản biện của MTTQ đã được khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là từ Đại hội X trở lại đây. Cụ thể, Đại hội X của nêu rõ: “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội…”1. Đại hội XI, Đảng ta nhấn mạnh: “… Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”2. Tại Đại hội XII của Đảng: “Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân,…; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, …”3. Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc... Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”4.

Chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cũng được khẳng định trong Điều 9 Hiến pháp 2013. Đặc biệt, ngày 12/12/2013 Bộ Chính trị có Quyết định số 217-QĐ/TW ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Như vậy, giám sát và phản biện xã hội trở thành một chức năng cơ bản của MTTQ Việt Nam.

 “Giám sát” là việc theo dõi, phát hiện, xem xét; đánh giá kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Phản biện xã hội” là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Giám sát nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Hoạt động giám sát cần định hình rõ: Đối tượng giám sát là các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở. Cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước (gọi chung là cá nhân). Nội dung giám sát là giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Phạm vi giám sát được phân định rõ; MTTQ chủ trì giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình; Các đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, chức năng, nhiệm vụ của đoàn thể mình, phối hợp với MTTQ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giám sát đối với những nội dung có liên quan.

Hoạt động phản biện xã hội thì cần định hình rõ: Đối tượng phản biện xã hội là các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước (trừ những vấn đề bí mật quốc gia) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Nội dung phản biện xã hội cần tập trung vào sự cần thiết, tính cấp thiết của văn bản dự thảo; sự phù hợp của văn bản dự thảo với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, thực tiễn của đơn vị, địa phương; tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của văn bản dự thảo; và dự báo tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của văn bản dự thảo. Phạm vi phản biện xã hội - MTTQ chủ trì phản biện xã hội đối với các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong khi đó, các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ chủ trì phản biện xã hội đối với các văn vản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên, tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của đoàn thể mình; phối hợp với MTTQ Việt nam thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội.

Ở Yên Bái, MTTQ tỉnh đã tổ chức giám sát trực tiếp theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận các cấp đã từng bước đi vào nề nếp và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nội dung giám sát gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Năm 2021, MTTQ các cấp tiến hành 379 cuộc giám sát (cấp tỉnh 13 cuộc, cấp huyện 70, cấp xã 296, trong đó chủ yếu là giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; giám sát việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại địa phương. MTTQ tỉnh phối hợp tham gia 12 cuộc giám sát với các cơ quan, đơn vị. Sau giám sát, các ý kiến đề xuất, kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Đoàn giám sát đều được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện đánh giá cao và được tiếp thu, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, quyền lợi của người dân được đảm bảo, được Nhân dân đồng tình ủng hộ5.

Tham gia phản biện xã hội đối với 03 dự thảo, các ý kiến góp ý của MTTQ tỉnh đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa, góp phần nâng cao chất lượng văn bản và đảm bảo tính khả thi khi được triển khai thực hiện…

Ủy ban MTTQ cấp xã phát huy vai trò của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đồng thuận xã hội, kết quả xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Năm, 2021, Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã tiến hành giám sát 1.935 cuộc, nội dung chủ yếu tập trung vào giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, công tác bầu cử6.

Mặt trận Tổ quốc các cấp cùng với các tổ chức thành viên tiếp tục đổi mới phương thức tập hợp, hoạt động hướng mạnh về cơ sở, nâng cao chất lượng sinh hoạt, thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên vào tổ chức. Tỷ lệ thu hút quần chúng tham gia vào các hoạt động của tổ chức đoàn thể  trên 75%. “Năm 2021, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức trên 15.000 hoạt động, tỷ lệ thu hút quần chúng tham gia vào các hoạt động của tổ chức đoàn thể đạt trên 75%. MTTQ và các đoàn thể tiếp tục đa đạng hoá các hình thức tổ chức, đổi mới nội dung phương thức đoàn kết tập hợp nhân dân, phát triển tổ chức, thu hút và kết nạp đoàn viên, hội viên. Cụ thể: Ủy ban MTTQ tỉnh kết nạp thêm 01 tổ chức thành viên (Đoàn luật sư tỉnh) nâng tổng số tổ chức thành viên lên 33 tổ chức thành viên;  Liên đoàn lao động tỉnh thành lập mới được 30 Công đoàn cơ sở; kết nạp mới 2.179 đoàn viên, nâng tổng số hội viên lên 40.467/41.753 tỷ lệ thu hút đạt 96,9%; Hội Liên hiệp phụ nữ: kết nạp mới 1.523 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 155.614, tỷ lệ thu hút đạt 76,9%.; Hội Cựu Chiến binh tỉnh:  kết nạp mới 350 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 36.225/37.700, tỷ lệ thu hút đạt 96%; Hội Nông dân tỉnh kết nạp mới 2.545 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 117.095, tỷ lệ thu hút đạt 80,5 %; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh kết nạp mới 6.978 đoàn viên; nâng tổng số đoàn viên, hội viên lên 162.235/ 207.722 thanh niên, tỷ lệ thu hút đạt 78%”7.

Tuy nhiên, công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ tỉnh Yên Bái vẫn còn một số hạn chế, như: Công tác giám sát của cấp xã mới đạt được kết quả bước đầu. Công tác phối hợp giữa MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước, đối tượng được giám sát và cấp ủy các cấp ở một số địa phương, đơn vị chưa đồng bộ. Việc xác định nội dung, hình thức, phương pháp giám sát của MTTQ cấp xã còn lúng túng, do vậy, một số xã chưa thực hiện được việc giám sát độc lập, chủ yếu phối hợp giám sát và thực hiện giám sát thường xuyên thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Việc triển khai giám sát cá nhân, cán bộ, đảng viên còn chưa hiệu quả. Hoạt động phản biện xã hội mới chỉ tổ chức thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện. Nội dung phản biện xã hội của MTTQ các cấp còn chưa hướng vào những vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc của xã hội.

Trên cơ sở những kết quả cũng như chỉ ra được những hạn chế, khó khăn trên thì vấn đề đặt ra cần phải giải quyết trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ tỉnh Yên Bái hiện nay là:

Thứ nhất, phát huy vai trò chủ thể phản biện xã hội. Chủ thể chính tiến hành hoạt động phản biện xã hội theo quy định là MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, từ cơ cấu tổ chức đến nguồn tài chính để tiến hành các hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên ít nhiều bị phụ thuộc và chịu sự chi phối từ phía Nhà nước, cho nên phản biện xã hội đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước được xem là vấn đề khá “nhạy cảm”, nhất là tại địa phương. Sự ràng buộc về cơ cấu tổ chức đến kinh phí hoạt động của các chủ thể đối với Nhà nước đã ít nhiều khiến cho hoạt động phản biện của các chủ thể này trong nhiều trường hợp không đảm bảo được tính khách quan do có tình trạng né trách nhiệm, nể nang... Và thực trạng này cho đến nay vẫn chưa có những quy định thực sự hiệu quả để giải quyết. Vấn đề quan trọng là cần tiếp tục nghiên cứu, xác lập địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân và tạo quyền phản biện cho các chủ thể phản biện xã hội, đồng thời xây dựng quan hệ hợp tác giữa các chủ thể này với hệ thống lãnh đạo, quản lý thay cho quan hệ lãnh đạo - phục tùng.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế pháp lý, nhằm đảm bảo cho Nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của đảng viên, cán bộ, công chức và các tổ chức, cơ quan Đảng, Nhà nước cũng như thực hiện phản biện xã hội đối với quá trình xây dựng, hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nghiên cứu, xây dựng các dự án “Luật về hoạt động giám sát và phản biện xã hội”, cần quy định rõ về trách nhiệm của các bộ, ngành trước các yêu cầu phản biện của MTTQ Việt Nam, cũng như đảm bảo những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện quyền và trách nhiệm của Mặt trận. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện tốt và có hiệu quả chức năng phản biện xã hội của Mặt trận đối với hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thứ ba, quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ Ủy ban MTTQ các cấp về trình độ chuyên môn, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, kỹ năng lắng nghe, tổng hợp, thường xuyên tổ chức tập huấn và hướng dẫn về công tác giám sát và phản biện xã hội cho cán bộ Ủy ban MTTQ… để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ góp ý kiến cũng như nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội trong tình hình mới.

Thứ tư, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ các cấp, để giám sát, phản biện xã hội đi vào thực chất. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện từ khâu nghiên cứu, lựa chọn, quyết định nội dung giám sát, phản biện, có trọng tâm, trọng điểm, tránh hình thức, né tránh những vấn đề nổi cộm, bức xúc của Nhân dân.

Thứ năm, các tổ chức xã hội không phải thành viên của MTTQ có vai trò rất lớn trong việc tập hợp, đoàn kết thành viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân liên quan đến tổ chức mình hưởng ứng các cuộc vận động của MTTQ nhưng chưa được phát huy vì chưa có cơ chế phối hợp cụ thể. Vậy, cần có cơ chế phối hợp giữa MTTQ với các tổ chức xã hội nghề nghiệp (Hội Luật gia, Hội Nhà báo, Hội Kiến trúc sư, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật…) để hoạt động giám sát và phản biện xã hội có chiều sâu và đạt kết quả tốt hơn nữa.

Tóm lại, hoạt động giám sát và phản biện xã hội là đòi hỏi khách quan của quá trình đổi mới chính trị ở Việt Nam hiện nay. Để xây dựng xã hội thực sự dân chủ, công bằng, văn minh cũng như để có một hệ thống chính trị có đầy đủ năng lực đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của bối cảnh mới, cần tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Đây cũng là một trong những đặc trưng để thực thi dân chủ, nền dân chủ thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Riêng với MTTQ tỉnh Yên Bái, việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế pháp lý, nâng cao chất lượng cán bộ Ủy ban MTTQ, tăng cường tính tự chủ của MTTQ và các tổ chức thành viên, v.v… là yêu cầu bức thiết để Mặt Trận có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện xã hội của mình.

 

Tài liệu trích dẫn:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr.124.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.87.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.166.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG Sự thật, H.2021, t.I, tr.172.