• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH TẾ THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG CỦA TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI
Ngày xuất bản: 13/11/2020 2:19:00 CH
Lượt đọc: 15625

 Quá trình chuyển đổi nền kinh tế nước ta từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường với sự xuất hiện của nhiều thành phần kinh tế có chế độ sở hữu khác nhau đã làm cho các quan hệ kinh tế ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp. Dưới tác động của các quy luật trong cơ chế thị trường, lợi nhuận không những là động lực, là một trong những thước đo hiệu quả hoạt động kinh doanh mà còn là mục đích, là phương tiện tồn tại của các chủ thể kinh doanh. Sự hình thành nền kinh tế thị trường ở nước ta trong những năm qua được diễn ra trong bối cảnh phát triển theo chiều rộng và chiều sâu của các quan hệ kinh tế với một tốc độ nhanh chóng. Trong quá trình các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất, hoạt động tiêu thụ sản phẩm hoặc thực hiện các hoạt động dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lời không thể tránh được việc phát sinh những bất đồng, xung đột về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại. Đó chính là những tranh chấp trong kinh tế. Tranh chấp trong kinh tế nói chung, trong kinh doanh nói riên là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển kinh tế, nó cũng trở nên phong phú hơn về chủng loại, gay gắt, phức tạp hơn về tính chất và quy mô. Bởi vậy, yêu cầu cần phải áp dụng các hình thức và phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp, có hiệu quả là một đòi hỏi bức thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh tế, bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, thông qua đó góp phần tạo lập môi trường pháp lý lành mạnh để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật thương mại nói riêng đã quy định nhiều hình thức giải quyết tranh chấp như: thương lượng, hòa giải, tòa án, trọng tài. Trong đó trọng tài là phương thức giải quyết có nhiều ưu việt. Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp khá phổ biến trên thế giới, nhất là tại những nước có nền kinh tế thị trường phát triển, có nhiều ưu điểm. Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của pháp luật (Theo Khoản 1 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010) có thể được sử dụng thay thế cho phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống bằng Tòa án. Trọng tài thương mại có nhiều ưu điểm như thủ tục đơn giản, linh hoạt theo thỏa thuận của các bên giúp giải quyết tranh chấp nhanh chóng. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không công khai giúp Doanh nghiệp giữ bí mật được các thông tin tranh chấp có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Để có thể đưa tranh chấp ra giải quyết trước hội đồng trọng tài, các bên cần phải có một thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài đại diện cho ý chí của các bên rằng họ muốn tranh chấp được giải quyết theo phương thức trọng tài. Thỏa thuận trọng tài thường là một điều khoản trong hợp đồng giao kết giữa các bên, hoặc cũng có thể là một văn bản độc lập. Thỏa thuận trọng tài có thể có trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

Trọng tài thương mại tồn tại dưới hai hình thức cơ bản là trọng tài vụ việc và trọng tài thường trực (hay còn gọi là trọng tài quy chế). Trọng tài thương mại tồn tại dưới hai hình thức, đó là trọng tài vụ việctrọng tài thường trực. Trọng tài vụ việc là phương thức trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên và trọng tài vụ việc sẽ tự chấm dứt tồn tại khi giải quyết xong vụ tranh chấp. Đây là hình thức trọng tài xuất hiện sớm nhất và được sử dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên quy định của pháp luật các nước về hình thức trọng tài này cũng ở mức độ sâu, rộng khác nhau. Trọng tài thường trực Việt Nam được tổ chức dưới dạng các trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng và có trụ sở giao dịch ổn định. Điều 4 Luật trọng tài thương mại 2010 đã quy định rất cụ thể nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài:

Thứ nhất, trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên. Nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội. Một trong những ưu điểm của việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài là các bên có tranh chấp được đảm bảo tối đa quyền tự do định đoạt trên nhiều phương diện trong quá trình giải quyết. Các bên tranh chấp có quyền thỏa thuận với nhau về nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục giải quyết mà trọng tài viên phải tôn trọng, nếu không sẽ dẫn đến hậu quả là quyết định của hội đồng trọng tài theo bị tòa án hủy theo yêu cầu của các bên.

            Thứ hai, trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật. Khi tham gia giải quyết tranh chấp thương mại, trọng tài viên phải thực sự là người thứ ba có đủ các điều kiện nhất định để đảm bảo rằng họ độc lập, vô tư, khách quan trong việc giải quyết tranh chấp, không liên các quan đến bên tranh chấp cũng như không có bất kì lợi ích nào dính dáng đến vụ tranh chấp đó.  Điều 20 Luật trọng tài thương mại 2010 có các quy định về tiêu chuẩn tối thiểu đối với Trọng tài viên nhằm hình thành ở nước ta một đội ngũ trọng tài viên nòng cốt có năng lực, có tính chuyên nghiệp, có chuyên môn và uy tín xã hội

            Thứ ba, các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

            Thứ tư, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.Để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín bí mật kinh doanh, giữ cho các bên tranh chấp cơ hội hợp tác thì nguyên tắc của giải quyết tranh chấp thương mại bẳng con đường trọng tài được tiến hành không công khai.

            Thứ năm, nguyên tắc giải quyết một lần và phán quyết trọng tài là chung thẩm. Yêu cầu của việc giải quyết tranh chấp thương mại là nhanh chóng, dứt điểm, tránh dây dưa, kéo dài, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Để các tranh chấp thương mại giữa các nhà kinh doanh được giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, thủ tục trọng tài rất đơn giản, không có nhiều giai đoạn xét xử như tố tụng tại tòa án đã ra đời. Với tư cách là một tổ chức phi chính phủ, trọng tài thương mại không có cơ quan cấp trên nên phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm như bản án sơ thẩm của tòa án và cũng không có thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Tố tụng trọng tài chỉ có một trình tự giải quyết, tức là các tranh chấp thương mại chỉ được giải quyết một lần trọng tài.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, các tranh chấp trong thương mại là hết sức đa dạng, phức tạp, thực chất là tranh chấp giữa các lợi ích vật chất, kinh tế của các bên tranh chấp, trực tiếp liên quan đến lợi ích chung của xã hội và nhà nước. Vì thế giải quyết tranh chấp thương mại thông qua hoạt động trọng tài nhằm khôi phục lại tình trạng trước khi xảy ra tranh chấp, bảo về các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng để đáp ứng yêu cầu của các bên, bảo vệ trật tự kinh tế là vấn đề đặc biệt quan trọng.

Bùi Thị Bích Ngọc

Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật