• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
GIÁ TRỊ BẢN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG THỰC HIỆN MỤC TIÊU CỦA ĐẢNG
Ngày xuất bản: 10/12/2020 3:38:00 CH
Lượt đọc: 18089

 

Trong sâu thẳm trái tim người Việt Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, dù già hay trẻ, dù gái hay trai, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, đều kính cẩn khâm phục chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ uyên bác có tầm nhìn xa muôn dặm, có trái tim lớn yêu nước, thương dân vô bờ bến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc, cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc. Người đa làm rạng rỡ non sông, đất nước ta và để lại cho Đảng ta, Nhân dân và toàn thể dân tộc những di sản vô giá, trong đó có Di Chúc.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh trí tuệ của một nhà tư tưởng lỗi lạc, bởi trong đó thể hiện tâm huyết của một con người “đại nhân, đại trí, đại dũng”; là sự hội tụ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, hòa quyện, chắt lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại; đã đi vào lịch sử và trở thành một tài sản vô giá của dân tộc ta; là tầm cao của một con người đã dành cả cuộc đời phấn đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam, vì hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới.

Thực hiện Di chúc của Người, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật thực hiện “phê bình và tự phê bình” nghiêm túc chỉ ra những bài học lịch sử của cách mạng Việt Nam, đó là “lấy dân làm gốc”, “tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”, “đoàn kết toàn dân” phát huy sức mạnh tổn hợp để bảo vệ, xây dựng đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) thực hiện công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu bước đầu, thì sự khủng hoảng và đi đến  sụp đổ của Chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô đã có những tác động về tư tưởng, tình cảm đối với cán bộ đảng viên và Nhân dân ta về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó “các thế lực thù địch ráo riết chống phá ta trên mặt trận chính trị, tư tưởng nhằm thực hiện diễn biến hòa bình”(Văn kiện Hội nghị lần thứ 6 BCHTW khóa VIII).

Thêm một lần nữa dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã tỏ rõ bản lĩnh của một đảng cầm quyền, huy động tổng hợp sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, phát triển và đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996) đã tổng kết kinh nghiệm 10 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước; quyết định chiến lược công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập với những thời cơ và thách thức to lớn.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết TW 4 khoá XII tiếp tục khẳng định đổi mới mạnh mẽ tư duy vận dụng sáng tạo, phát triển, chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo chính xác và kịp thời có chủ trương, chính sách, xử lý hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, những nguy cơ lớn mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ "diễn biến hoà bình" của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta, đồng thời cũng chỉ rõ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,...

Trong điều kiện, thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức luôn đan xen. Chúng ta phải chủ động nắm bắt thời cơ để thúc đẩy sự phát triển nhanh và vững chắc của nền kinh tế, tích cực “xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, triển khai thực hiện sâu rộng Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời khẩn trương triển khai một cách có hiệu quả cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng để nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên theo tinh thần bản “Di chúc” của chủ tịch Hồ Chí Minh: “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đoàn kết thực hành dân chủ rộng rãi, nghiêm chỉnh “tự phê bình và phê bình”, rèn luyện đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm , chính, chí công vô tư”, nâng cao đời sống của Nhân dân, xây dựng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài để tăng nội lực. Nhằm thực hiện các nhiệm vụ cách mạng đã đặt ra, đưa đất nước ta thoát khỏi những khó khăn, thách thức để hội nhập và phát triển.

Như vậy, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những thể hiện tình cảm, niềm tin của Người dành cho Đảng, cho nhân dân, mà còn là bó đuốc soi sáng con đường cách mạng Việt Nam đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nghiên cứu và suy ngẫm về những tư tưởng cơ bản trong “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng cơ bản về: Xây dựng Đảng, đại đoàn kết, phê bình và tự phê bình, về rèn luyện đạo đức cách mạng, về đào tạo thế hệ trẻ … chúng ta thấy đó chính là những sức mạnh giúp Đảng và Nhân dân ta đi đến những thắng lợi cách mạng. Vì vậy để tiếp tục sự nghiệp cách mạng và noi theo tư tưởng của Người, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân phải luôn luôn khắc ghi lời thề mà trước khi tiễn biệt Bác, đồng chí Lê Duẩn đã thay mặt cho toàn Đảng, toàn dân đã thề với Bác: “Vĩnh biệt Người chúng ta thề: Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sỹ trung thành với Đảng, với Nhân dân, xứng đáng là người đồng chí, là học trò của Hồ chủ tịch. Noi gương người, toàn thể nhân dân ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ chủ tịch tới đích cuối cùng”.

Trần Thị Du – Khoa LL Cơ sở