• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Đôi điều suy nghĩ về triết lý giáo dục phương đông và suy ngẫm về vai trò của người giảng viên lý luận chính trị tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 29/11/2019 7:39:00 SA
Lượt đọc: 20115

          Nếu như triết học giữ vai trò là thế giới quan và phương pháp luận để chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người thì triết lý giáo dục là cơ sở lý luận, là công cụ nhận thức, định hướng chỉ đạo thực hiện phát triển giáo dục của đất nước. Để có một nền giáo dục phát triển, mỗi quốc gia, dân tộc cần phải có một nền tảng triết lý giáo dục vững chắc. Việt Nam nằm ở khu vực có sự giao thoa của hai nền văn minh lớn của phương Đông và thế giới là văn minh Trung Quốc ở phía Bắc và văn minh Ấn Độ ở phía Tây nên đã sớm tiếp nhận những ảnh hưởng của văn minh này. Những tư tưởng của các nhà triết học lớn của Ấn Độ và Trung Quốc cổ đại đã tác động rất lớn đến xã hội Việt Nam. Vì vậy, triết lý giáo dục của những nhà tư tưởng lớn đó cũng ảnh hưởng đến triết lý giáo dục Việt Nam cả trong quá khứ và hiện tại.

               Xét về vùng lãnh thổ, phương Đông ngày nay được hiểu là khu vực bao phủ toàn bộ Châu Á và phần Đông Bắc Châu Phi. Nói đến phương Đông, người ta không thể không nhắc đến những nền văn minh nổi tiếng như Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Arập, Trung Hoa, không thể không nhắc đến Nho giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Hinđu giáo và hàng loạt tín ngưỡng bản địa mang màu sắc phương Đông. Nói đến triết lý giáo dục phương Đông thì mổi bật nhất là triết lý giáo dục của những trường phái triết học lớn như Phật giáo và Nho giáo. Đây là hai trường phát triết học có ảnh hưởng mạnh mẽ tới văn hóa của nhiều quốc gia phương Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản…và một số quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Muốn tìm hiểu về triết lý giáo dục phương Đông thì việc trước tiên là phải tìm hiểu từ hai trường phái triết học đó.

               * Triết lý giáo dục Phật giáo:

               Giáo dục Phật giáo được hiểu là dạy cho con người biết và hiểu giáo lý Phật giáo. Qua đó, bồi dưỡng, phát triển con người hoàn thiện hơn về mặt trí thức và tâm thức, để trở thành những con người tốt hơn, có phẩm hạnh và có đạo đức, chân thật, từ bi và biết kính trọng người khác; có trí tuệ, sống có lý tưởng, suy nghĩ hợp lý, thích ứng được với bối cảnh xã hội. Giáo dục Phật giáo là để phát triển trí tuệ, thấu hiểu bản chất thật sự của các pháp, hiểu được những điều chân thực và có giá trị. Học Phật là đi theo con đường đức Phật đã dạy để nhận sự chân thật, qua đó loại bỏ những quan điểm sai lầm, trái đạo đức. Từ góc độ giáo dục Phật giáo, giáo dục không chỉ là việc dạy và việc học mà còn là quá trình chuyển hóa nội tâm, cải tạo cái xấu. Giáo dục Phật giáo không đào tạo con người trở thành con người nghề nghiệp, mà giáo dục con người trở thành con người an lạc và hạnh phúc. Con đường giáo dục của Phật giáo khá thiết thực và thực tiễn. Vậy, giáo dục Phật giáo là giảng dạy hệ thống giáo lý Phật giáo cho con người, hướng đến sự phát triển toàn diện của con người qua các mặt của đời sống, đặc biệt là tâm thức, nhằm kiến tạo một đời sống trí tuệ và hạnh phúc.

               * Triết lý giáo dục Nho giáo:

               Hoạt động giáo dục của Khổng Tử trên chừng mực nhất định có mang tính chất phổ cập, bình dân, chống độc quyền văn hóa của giai cấp quý tộc. Chủ trương này được thực hiện khá rộng rãi và nhất quán ở các đời sau, kết hợp với chế độ thi cử, thực tế đã mở đường tiến thân cho nhiều người có tài năng xuất thân từ bình dân (đó chính là hiện tượng “Bố ý khanh tướng” - các khanh tướng xuất thân từ tầng lớp bình dân, áo vải). Khổng Tử quan niệm sự hiểu biết không phải là sinh ra đã có sẵn mà phải được tích lũy qua quá trình học tập, rèn luyện khá công phu. Ngay các đức tính như nhân, trí, tín, trực, dũng, cương cũng cần phải học tập rèn luyện thì mới có thể phát triển đúng hướng, ứng dụng hoàn hảo. Kết hợp chặt chẽ việc truyền thụ tri thức văn hóa vào việc rèn luyện phẩm chất đạo đức. Ở mức độ nhất định, có thể nói Khổng Tử chủ trương coi việc rèn luyện đạo đức là ưu tiên số một. Ông từng căn dặn các môn đồ nhỏ tuổi, ở trong nhà thì ăn ở hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài xã hội thì kính trọng nhường nhịn các bậc huynh trưởng; nên ít lời và đã nói thì phải thành thực, nên thân yêu rộng khắp mọi người nhưng nên gắn đủ những người có đức nhân. Thực hiện được đầy đủ những việc đó rồi, nếu còn dư sức lực thì sẽ dùng để trau dồi tri thức văn hóa.

               * Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh:

   Triết lý giáo dục phương Đông dù còn một số hạn chế nhưng tựu trung lại đều nhằm mục đích phát triển toàn diện con người cả về “Đức” và “Tài” trong đó mặt đạo đức rất được đề cao. Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng và phát triển triết lý giáo dục phương Đông để xây dựng nên triết lý giáo dục có ý nghĩa hết sức sâu sắc với các nội dung chủ đạo sau:

Thứ nhấtgiáo dục có mục đích đào tạo công dân có ích cho cách mạng và phát triển mọi năng lực sẵn có của người học.

Thứ hai, giáo dục phải đảm bảo nguyên tắc toàn diện nhưng trước hết phải chú trọng đến việc giáo dục đạo đức.

Thứ ba, giáo dục luôn phải kết hợp học với hành, lý luận với thực tiễn.

Thứ tư, giáo dục phải rèn cho con người tư duy độc lập, sáng tạo.

Thứ năm, giáo dục phải rèn luyện cho con người tinh thần tự học và ý thức học suốt đời.

Thứ sáu, giáo dục muốn thành công thì phải có đội ngũ giáo viên đủ đức, đủ tài.

          Có thể khẳng định, tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là một bộ phận trọng yếu trong hệ thống tư tưởng của Người, triết lý giáo dục được kết tinh từ tư tưởng đó đã góp phần tạo nên triết lý giáo dục Việt Nam và làm giàu cho kho tàng triết lý giáo dục của toàn nhân loại. Có thể đúc rút triết lý giáo dục Hồ Chí Minh thành một câu nói ngắn gọn là “Dân tộc - nhân văn - dân chủ - sáng tạo”. Tính đúng đắn của triết lý giáo dục đó được thể hiện bằng những con người đã làm nên bao kỳ tích của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

               Người giảng viên lý luận chính trị ngày hôm nay, lớn lên trong nền minh triết phương Đông, học tập và rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thì cũng cần phải xây dựng một triết lý nghề nghiệp cho riêng mình để từ đó không ngừng tu dưỡng và rèn luyện.

Thứ nhất, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của của người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Giảng viên trường chính trị phải là người thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng và trung thành với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

 Thứ hai, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Có kế hoạch học tập và nêu cao phương châm học tập suốt đời, có như vậy mới có thể thích nghi và đáp ứng việc giảng dạy trong bối cảnh thực tiễn đang vận động và thay đổi nhanh chóng.

Thứ ba, giảng viên phải thực sự là tấm gương cho học viên noi theo. Thể hiện ở lý tưởng cao đẹp, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống. Trong giảng dạy phải thực sự tâm huyết, trong cuộc sống hàng ngày phải giản dị, gần gũi, lắng nghe ý kiến và hết lòng giúp đỡ học viên, đồng nghiệp và mọi người xung quanh.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi cái cũ, lạc hậu đang dần mất đi, cái mới chưa hình thành rõ nét thì một thế giới quan khoa học, một nhân sinh quan đúng đắn sẽ như chiếc kim chỉ nam để người “Đảng viên - giảng viên” lý luận chính trị củng cố lý tưởng, niềm tin vượt qua những khó khăn, thử thách và thêm yêu, thêm gắn bó với trường lớp, góp phần xây dựng cơ quan đơn vị ngày càng phát triển đi lên. 

                                                                         Ths. Nguyễn Thu Hương

                                                                                    Khoa Lý luận Cơ sở