• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
ĐÔI NÉT VỀ TRUYỀN THỐNG ĐOÀN KẾT VÀ XÂY DỰNG ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 08/10/2020 11:04:00 SA
Lượt đọc: 15163

Truyền thống đoàn kết, thống nhất của dân tộc Việt Nam được hình thành trên những cơ sở hiện thực lịch sử rất cơ bản. Đó là sự ra đời và phát triển của tinh thần, ý thức tập thể bắt đầu từ sự liên kết chặt chẽ trong các hình thức, cấp độ cộng đồng trong xã hội. Cộng đồng gia đình, cộng đồng dòng họ, cộng đồng làng xã, cộng đồng quốc gia dân tộc. Sự ra đời và phát triển bền vững của các cộng đồng đó là điều kiện rất quan trọng bảo đảm sự đoàn kết cư dân.

Đoàn kết, cố kết trong cộng đồng tạo nên sức mạnh và trở thành yêu cầu khách quan trong quá trình dựng nước và giữ nước. Để vượt qua và đứng vững trước sức mạnh của tự nhiên của thiên tai, bão lụt, con người phải kết thành một khối tạo nên sức mạnh cần thiết. Đoàn kết, chia sẻ, giúp nhau trong lao động sản xuất, tổ chức đời sống của cư dân và khai khẩn vùng đất mới, làm chủ biển đảo. Đất nước luôn luôn phải chống lại các thế lực xâm lược lớn mạnh gấp nhiều lần. Đoàn kết để đấu tranh chống xâm lược giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, dân tộc là một lẽ tự nhiên, một tất yếu lịch sử. Không đoàn kết thì không thể tồn tại và phát triển.

Dân tộc Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử luôn luôn đề cao tinh thần tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, trong cộng đồng, “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Luôn luôn đặt lợi ích của tập thể, của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Lợi ích cá nhân phục tùng lợi ích tập thể. Làng xã là hình thức cộng đồng bền vững được liên kết bởi các mối quan hệ huyết thống và quan hệ láng giềng. Sự gắn kết đó là cơ sở để đoàn kết toàn dân tộc.

Nhờ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chấm dứt chế độ thuộc địa của Pháp, Nhật giành độc lập dân tộc. Tiếp đó, Đảng lãnh đạo phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã giành thắng lợi suốt 30 năm kháng chiến (1945-1975) giành độc lập, thống nhất hoàn toàn. Trong giai đoạn hiện nay   tinh thần đoàn kết là một yếu tố quan trọng để đưa nước ta bước tiếp những thành công trên công cuộc đổi mới đất nước…

Trong các thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định, đảm bảo thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa việc nhận thức các vấn đề mang tính chiến lược này, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết nhằm tăng cường, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới, tiêu biểu là các nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI và XII; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung và phát triển năm 2011); các nghị quyết: Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27/3/1990 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân; Nghị quyết 07-NQ/TW, ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất;  Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Hội nghị lần thứ 7 BCH TW Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"; Kết luận số 62-KL/TW ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị, xã hội….

Thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước đề ra và thực hiện tốt nhất những chính sách cụ thể với từng giai cấp, tầng lớp, lực lượng trong xã hội. Đại hội XII của Đảng đánh giá trong những năm qua: Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội; thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước. Đạt được kết quả trên là do Đảng và Nhà nước luôn có chủ trương nhất quán, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

  Để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới, cần thực hiện tốt một số chủ trương, giải pháp cơ bản sau:

  Thứ nhất, cấp ủy các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao nhận thức cho các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân; nhất là trong từng tổ chức đảng, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhất là các quan điểm đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là: “Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước”. “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,...”.

    Thứ hai,  phát huy dân chủ, vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện có chất lượng, hiệu quả giám sát và phản biện xã hội. Thực hiện Quy định số 124 - QĐ/TW, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về: “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; tham gia góp ý xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tổ chức tốt việc tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân phản ánh tại các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị chính đáng của nhân dân; giám sát việc chính quyền tiếp công dân, đối thoại với nhân dân và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở; đánh giá sự hài lòng của người dân về dịch vụ hành chính công… nhằm tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

    Thứ ba, Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; khắc phục những hạn chế, bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo sự đồng thuận xã hội.

 Thứ tư, Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác nhau; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân.

Đại đoàn kết là bài học truyền thống nhưng luôn mang tính thời sự trong mọi thời kỳ, là phương châm để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hành động và đạt được thành công trên con đường tiếp tục sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ cơ bản, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị nhằm tăng cường sức mạnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh của khối đại đoàn kết phải được huy động và tổ chức trong thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân. Thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc là nền tảng để củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho đất nước có đủ tiềm lực, sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nguyễn Quý Dũng

Khoa Xây dựng Đảng