• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
ĐÔI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH LỰA CHỌN CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG VÔ SẢN CỦA LÃNH TỤ NGUYỄN ÁI QUỐC.
Ngày xuất bản: 08/10/2020 11:06:00 SA
Lượt đọc: 16064

             Bác Hồ sinh ngày 19-5-1890, quê ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Lúc nhỏ có tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành. Lớn lên giữa lúc nước mất nhà tan, đau xót trước cảnh lầm than của đồng bào. Nguyễn Tất Thành sớm có chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc.   

Với nhiệt huyết cứu nước, với thiên tài trí tuệ, nhãn quan chính trị sắc bén và được kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm đường cứu nước,  giải phóng dân tộc, với mục đích rõ ràng: xem các nước làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào. Vượt qua được  hạn chế của các nhà yêu nước đương thời, Nguyễn Ái Quốc rất khâm phục tinh thần yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám, nhưng không đồng ý đi theo con đường các bậc tiền bối. Trong khi nhiều người còn ngưỡng mộ cách mạng tư sản, trăn trở tìm con đường cứu nước theo khuynh hướng tư sản, Người đã vượt qua sự hạn chế tầm nhìn của các bậc tiền bối, với tư duy độc lập, tự chủ Người đã  lựa chọn hướng đi và điểm tới của mình. Đặc sắc hơn, Người xác định cho mình phương thức ra đi đó là vừa đi vừa lao động, cùng với sự thay đổi trong lộ trình. Đi nhiều nước, khám phá nhiều nền văn minh chứ không chỉ dừng lại ở Pháp. Đây chính là quá trình hoạt động thực tiễn gắn với tư duy khoa học giúp Người tiếp cận chân lí của thời đại. Hướng đi và mục đích được xác định là “tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào,tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Nước Pháp là nước có truyền thống cách mạng tư sản, cách mạng triệt để nhất, cách mạng vô sản cũng bắt đầu từ nước Pháp (1871). Nhưng người Pháp lại sang cai trị ở Việt Nam vô cùng tàn bạo. Nguyễn Tất Thành  muốn khám phá cái gì ẩn đằng sau khẩu hiệu  “tự do, bình đẳng, bác ái” mà Người từng được học, được nghe từ sự tuyên truyền của chính quyền thực dân Pháp. Như vậy, ngay từ đầu Nguyễn Tất Thành đã nhận thức rõ ràng rằng, dân tộc Việt Nam đang cần nhất là cách thức đánh đuổi thực dân đế quốc hay nói cách khác là lí luận cách mạng và phương pháp cách mạng để giải phóng dân tộc.

Như vậy, xuất thân từ gia đình nhà Nho nhưng Người không bị ràng buộc bởi tư tưởng trung quân, lại thấm nhuần những giá trị dân tộc và nhân bản của đạo lí Việt Nam: gắn với dân. Chính vì thế, trong hành trang vô giá mà Nguyễn Tất Thành mang theo là tinh hoa của chủ nghĩa yêu nước truyền  thống, vừa bao hàm một tinh thấn đổi mới phù hợp với yêu cầu giải phóng dân tộc và xu thế thời đại .

Người thanh niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Người luôn trăn trở với những câu hỏi lớn về vận mệnh dân tộc. Người  luôn kính trọng những bậc tiền bối, nhưng không bằng lòng với đường đi nước bước của những người đi trước và anh không muốn đi theo những vết mòn của lịch sử.

 Trong vòng những năm đầu kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước, Người đã tận dụng mọi cơ hội để đến nhiều nơi trên thế giới, Người đã xem xét và khảo nghiệm  ở những nơi mà Người đặt chân tới như Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ, đặc biệt ở ba nước đế quốc lớn nhất lúc này là Anh, Mỹ, Pháp. Người chịu đựng mọi gian khổ, làm mọi thứ nghề lao động nặng nhọc để hiểu và cảm thông với những người lao động. Chính vì vậy người rút ra kết luận có tính chất nền tảng đầu tiên: ở đâu bọn đế quốc thực dân cũng tàn bạo độc ác; ở đâu  những người lao động cũng bị bóc lột, áp bức nặng nề. Đặc biệt khi Người tới nước Mỹ, Người xúc động trước cảnh những nô lệ da đen dưới chân tượng Thần Tự do và nhận ra một điều rằng trên thế giới dù ở đâu, dù da vàng, da trắng hay da đen, cũng có hai loại người: người giàu và người nghèo, người áp bức và người bị áp bức. Từ đó Người càng  hiểu sâu sắc bản chất của chủ nghĩa đế quốc. Những nhận biết mang tính nền tảng đó càng giục giã Người  quyết tâm tìm con đường giải phóng cho dân tộc.

Khi được biết thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc ngưỡng mộ cuộc cách mạng đó, kính phục Lênin. Người nhận thức được rằng: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là đân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”. Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người: Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Đây là điểm xuất phát và là điểm khác nhau cơ bản giữa con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc với các con đường cứu nước trước kia. Người đã tham gia nhiều cuộc vận động ủng hộ nhân dân Nga bảo vệ thành quả cách mạng.

       Đầu năm 1919, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã hội Pháp, một chính đảng tiến bộ nhất lúc đó ở Pháp. Người có dịp tiếp xúc, hoạt động với nhiều nhà chính trị nổi tiếng ở Pháp. Nguyễn Ái Quốc tìm hiểu và hoạt động trong phong trào công nhân, liên lạc và cùng hoạt động với nhiều nhà cách mạng ở nhiều thuộc địa. Người hăng hái tham gia ngay vào các hoạt động chính trị cùng với giai cấp công nhân  Pari và với các bậc đàn anh như Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh lập ra  “Hội những người yêu nước Việt Nam” để thu hút Việt kiều ở Pháp đi theo một hướng tích cực. Tháng 6-1919, các nước thắng trận họp Hội nghị hoà bình ở Vécxây (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây bản yêu sách tám điểm Người còn dịch ra chữ Hán và Quốc ngữ bí mật gửi về nước. Bản yêu sách  như một “quả bom” làm chấn động dư luận Pháp, ví như “tiếng sấm mùa xuân đối với Việt kiều tại Pháp”. Trong khi chờ đợi giải quyết vấn đề dân tộc tự quyết, Người chỉ đề cập những yêu sách “tối thiểu” và “cấp thiết”. Tổng thống Mỹ Uynxơn (Wilson), tác giả chương trình 14 điểm với chiêu bài dân tộc tự quyết cũng có mặt ở Hội nghị. Nhưng những yêu sách dù khiêm tốn của Người không được Hội nghị đáp ứng. Sự kiện này đã giúp Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ: “Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn” Những lời tuyên bố tự do của nhà chính trị tư sản trong lúc chiến tranh thực ra chỉ là những lời “đường mật” để lừa bịp các dân tộc. Muốn được giải phóng, các dân tộc không có con đường nào khác phải tự đứng lên giải phóng. Từ sau sự kiện này Nguyễn Ái Quốc tiếp tục hoạt động hăng say tích cực trong các phong trào chính trị quần chúng ở Pháp, theo dõi thường  xuyên báó chí tiến bộ. Từ sau sự kiện này Nguyễn Ái Quốc tiếp tục hoạt động hăng say tích cực trong các  phong  trào  chính  trị quần  chúng ở Pháp, theo  dõi  thường xuyên báó chí tiến bộ. Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin đăng trên báo L'Humanite (Nhân đạo), số ra ngày 16 và 17-7-1920. Những luận điểm cách mạng của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa đã giải đáp những vấn đề cơ bản và chỉ dẫn hướng phát triển của sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc mà sau gần mười năm tìm kiếm (1911-1920) Nguyễn Ái Quốc mới bắt gặp. Người đến với chủ nghĩa Mác- Lênin ở phương diện rất thực tế rằng chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới có thể chỉ ra cho Người  và nhân dân Việt Nam cũng  như nhân loại bị áp bức con  đường để giải phóng. Bằng sự hoạt động sôi nổi  trong Đảng Xã hội Pháp, trong phong trào Việt  kiều,  đặc  biệt  chứng  kiến  và  tham  gia  Bônsêvich  hoá  trong  Đảng  Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bắt kịp hơi thở của thời đại. Khi Quốc tế Cộng sản được thành lập, cuộc đấu tranh giữa hai con đường diễn ra quyết liệt trong nhiều đảng công nhân và ngay trong Đảng Xã hội Pháp: tiếp tục theo Quốc tế thứ hai tức là tiếp tục con đường cải lương hay đi theo Quốc tế thứ ba, con đường cách mạng của Lênin. Đặc biệt gây chú ý với Nguyễn Ái Quốc là khẩu hiệu của Đại hội II Quốc tế Cộng sản “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”. Cũng chính từ nghiên cứu Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin, đã giải đáp  những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc đang trăn trở tìm hiểu, giúp Người thấy rõ con đường thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, nhận rõ lập trường của Lênin và Quốc tế thứ ba khác hẳn với những lời tuyên bố suông của Quốc tế thứ hai. Lý luận của V.I. Lênin và lập trường đúng đắn của Quốc tế Cộng sản về cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa là cơ sở để Người xác định thái độ ủng hộ việc gia nhập Quốc tế Cộng sản, đặt cách mạng giải phóng dân tộc trong quỹ đạo cách mạng vô sản. Từ sự chuyển biến tư  tưởng  chính trị,  khởi  đầu  với  việc  nghiên  cứu Luận cương Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến một quyết định sáng suốt về mặt  tổ  chức  tại  Đại  hội  XVIII của Đảng Xã hội Pháp  (tháng 12-1920).

 Đây cũng là sự kiện Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, người dân thuộc địa duy nhất trong Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện đó đánh dấu bước chuyển biến quyết định trong tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ người yêu nước trở thành người cộng sản. Sự kiện đó mang một ý nghĩa phản ánh cho xu thế cách mạng thế giới: Tinh thần đoàn  kết giai cấp vô sản chính quốc với các dân tộc bị áp bức trên Thế giới.  Nguyễn Ái Quốc cũng trở thành người chiến sĩ cộng sản theo con đường riêng của Người: Từ một người dân thuộc địa (phong trào công nhân chưa phát triển, chưa có ảnh hưởng của Chủ nghĩa cộng sản) song xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước chân chính. Sự kiện đó cũng mở ra cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam một giai đoạn phát triển mới - “giai đoạn gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin”

     Như vậy, con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc khác với các nhà yêu nước đương thời, Người có một phương pháp nghiên cứu độc lập, tự chủ, sáng tạo, đem lý luận đối chiếu với thực tiễn, lấy mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội làm tiêu chuẩn đánh giá các học thuyết, tiếp thu kinh nghiệm cách mạng thế giới có chọn lọc. Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc đã được thể hiện nổi bật trong việc vận dụng học thuyết Mác - Lênin, vạch ra đường lối cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta.

Ths: Nguyễn Quý Dũng

Khoa Xây dựng Đảng