• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Công lao to lớn của Mác và Ăngghen đã đưa chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học
Ngày xuất bản: 08/09/2020 9:46:00 SA
Lượt đọc: 28295

Chủ nghĩa xã hội với tư cách là một học thuyết khoa học cũng có quá trình hình thành của nó. Vào những năm 40 của thế kỷ XIX, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thống trị ở châu Âu và cùng với nó là sự ra đời của giai cấp vô sản công nghiệp. Sự xuất hiện giai cấp vô sản trên vũ đài lịch sử là điều quan trọng nhất cho sự ra đời chủ nghĩa Mác nói chung và chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng. Sự xuất hiện chủ nghĩa Mác phản ánh những quá trình kinh tế - xã hội gắn liền với sự phát triển của cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản diễn ra ở châu Âu, đặc biệt là ở Anh, Pháp và Đức từ những năm 40 của thế kỷ XIX trở đi.

Trước khi xuất hiện chủ nghĩa xã hội khoa học đã từng tồn tại những tư tưởng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán ở đầu thế kỷ XIX, biểu hiện nguyện vọng muốn thiết lập một xã hội kiểu mới, trong đó không còn tình trạng người bóc lột người.

1.     Những tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng - phê phán đầu thế kỷ XIX – một trong những tiền đề của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Các nhà nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng – phê phán tiêu biểu:

- Cỏlôđơ Hăngri Xanh xi Mông (1769 - 1825), ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm đề cập đến nhiều nội dung có tính chất xã hội chủ nghĩa. Ông có công lao đề cập, luận giải cho lý thuyết về giai cấp và sung đột giai cấp, xong ông chưa thể phân định chính xác về nguồn gốc cũng như bản chất kinh tế – xã hội của các giai cấp, nhưng đây là một đóng góp mới của ông đối với kho tàng tri thức nhân loại về xã hội nói chung, về tư tưởng xã hội chủ nghĩa nói riêng. Ông tuyên bố là người phát ngôn của giai cấp cần lao và giải phóng giai cấp ấy là mục đích cuối cùng của những nỗ lực mà ông thực hiện trong cuộc đời. Ông cũng chỉ ra tính chất nửa vời, thiếu triệt để và không vì lợi ích của nhân dân lao động của cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789, nên theo ông cần có một cuộc cách mạng mới, cuộc cách mạng “tổng cách mạng”. Để thực hiện cuộc cách mạng đó, ông chủ trương phải bằng “con đường bình yên chung

Quan niệm của ông về chế độ sở hữu của xã hội tương lai cũng còn chưa đựng mâu thuẫn. Một mặt, ông cho rằng, trong xã hội ấy, chế độ sở hữu phải được tổ chức sao cho có lợi nhất cho toàn xã hội. Nhưng mặt khác, ông lại không chủ trương xóa bỏ chế độ tư hữu, mà chỉ cố gắng xóa bỏ sự phân hóa giàu nghèo một cách quá đáng, thông qua và bằng cách thực hiện chế độ tư hữu một cách phổ biến.

- Sáclơ Phuriê (1772 – 1837), sinh ra và lớn lên trong một gia đình thương gia không mấy suôn sẻ trong việc buôn bán, S. Phuriê sớm tiếp xúc với thương trường của xã hội tư bản. Là một người không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng bù lại ông có một trí thông minh tuyệt vời. Tinh tế trong quan sát, sắc sảo trong nhận xét đánh giá, ông nắm rất vững phép biện chứng trong quan sát để phát hiện và phân tích vấn đề. Ngay từ khi chủ nghĩa tư bản đang ở trong những buổi đầu của tự do cạnh tranh, S.Phuriê đã phát hiện ra tình trạng vô chính phủ của nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa. Trong nền kinh tế ấy, người lao động làm ra sản phẩm được hưởng thụ quá ít, trong khi kể ăn bám thì lại hưởng thụ quá nhiều, “sự nghèo khổ được sinh ra từ chính sự thừa thãi”. Cũng trên cái nhìn biện chứng ấy, ông đưa ra 4 giai đoạn phát triển của lịch sử mà nhân loại trải qua: mông muội, dã man, gia trưởng và văn minh.

Đánh giá về chế độ văn minh tư bản, ông cho rằng nó chỉ tạo ra sự giầu có nói chung chứ không thể tạo ra sự giầu có cho toàn xã hội. Trên cơ sở cái nhìn biện chứng đối với các tệ nạn của xã hội tư bản, ông dự đoán, xã hội “văn minh” tư bản nhất định sẽ được thay thế bằng chế độ xã hội mới mà ông gọi là “chế độ xã hội được đảm bảo” hay “xã hội hài hòa”. Trong xã hội mới ấy, sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, mỗi các nhân sẽ tìm thấy lợi ích của mình trong lợi ích chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, cũng như H. Xanhximông, S Phuriê không chủ trương xóa bỏ chế độ tư hữu.

- Rôbớt Ôoen (1771 – 1858). Trong những năm 30 của thế kỷ XIX, ở nước Anh diễn ra phong trào đòi cải cách tuyển cử có sự tham gia của đông đảo công nhân và lao động Anh. Trong bối cảnh ấy xuất hiện một nhà cải cách có khuynh hướng cộng sản chủ nghĩa. Ông là Rôbớt Ôoen

Khác với Xanh Ximông và Phuriê, R.Ôoen không chỉ đề xướng và kiến nghị những tư tưởng có tính chất xã hội chủ nghĩa, ông còn đề ra và tổ chức thực nghiệm những tinh thần được nêu trong Luật lao động nhân đạo trong công xưởng nơi ông làm giám đốc. Bằng kinh nghiệm hoạt động thực tế ông đánh giá cao vai trò của công nghiệp, của tiến bộ kỹ thuật với sản xuất và phát triển kinh tế. Những chủ trương có tính nhân đạo mà ông còn thực hiện trong nhà máy của mình ít nhiều đã mang lại hiệu quả nhất định trong cải thiện đời sống cho công nhân của ông. Ông là người chủ trương phải xóa bỏ tư hữu vốn là nguyên nhân của những bất công và tệ nạn xã hội trong xã hội tư bản. Bị thất bại và khánh kiệt gia sản do những thực nghiệm đơn độc của mình ở Anh và ở Mỹ, ông dồn toàn bộ thời gian và sức lực còn lại của cuộc đời vào hoạt động trong phong trào của giai cấp công nhân Anh.

Giá trị lịch sử của của chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán

 Hầu hết các quan niệm, các luận điểm của các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa đều chứa đựng một tinh thần nhân đạo cao cả.  Nhưng về cơ bản, những tư tưởng ấy chưa vượt ra khỏi tinh thần nhân đạo tư sản. Tuy nhiên, cũng có nhiều giá trị, luận điểm đã vượt lên tinh thần nhân đạo tư sản, nhất là trong tư tưởng của các tác giả đầu thế kỷ XIX.

Với mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung các tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong suốt các thời kỳ được xét đều thể hiện tinh thần phê phán, lên án chế độ quân chủ chuyên chế và chế độ tư bản chủ nghĩa. Chính vì thế, trong nhiều ấn phẩm, ta thường bắt gặp cụm từ “chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán” để chỉ các trào lưu tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước khi có chủ nghĩa xã hội khoa học.

Nhiều luận điểm, quan điểm, nhiều khái niệm… phản ánh ở mức độ khác nhau các giá trị xã hội chủ nghĩa của những phong trào hiện thực, đã thực sự làm phong phú thêm cho kho tàng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, chuẩn bị những tiền đề lý luận  cho sự kế thừa và phát triển tư tưởng xã hội chủ nghĩa lên một trình độ mới.

Nhiều luận điểm có giá trị về sự phát triển của xã hội tương lai mà sau này được các nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học đã kế thừa một cách có chọn lọc và chứng minh chúng trên cơ sở khoa học. Đó là những luận điểm về tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm xã hội; về vai trò của công nghiệp và khoa học - kỹ thuật; Về xóa bỏ sự đối lập giữa lao động chân và lao động trí óc; Về sự nghiệp giải phóng phụ nữ; Về vai trò lịch sử của Nhà nước…

Không chỉ là những nhà tư tưởng đơn thuần, một số người còn xả thân, lăn lộn với phong trào thực tiễn, thức tỉnh phong trào công nhân và người lao động để từ đó mà quan sát phát hiện những giá trị tư tưởng mới. Nghĩa là, ngày càng dùng đầu óc để phát hiện trong thực tế chứ không phải là nghĩ ra từ óc, như cách nói của Ăngghen sau này, khi ông chỉ ra nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội.

Với những giá trị trên, những tư tưởng chủ nghĩa xã hội không tưởng, đặc biệt là chủ nghĩa xã hội không tưởng - phê phán trở thành một trong ba nguồn gốc lý luận trực tiếp hình thành chủ nghĩa xã hội khoa học.

 Những hạn chế lịch sử của tư tưởng chủ nghĩa xã hội không tưởng nói chung và chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán

 Quan niệm của các ông không thể thoát khỏi quan niệm duy tâm về lịch sử. Nhiều người cho rằng, chân lý vĩnh cửu đã có, đã tồn tại ở đâu đó chỉ cần có con người tài ba xuất chúng là có thể phát hiện ra, có thể tìm thấy. Khi đã tìm thấy, chỉ cần những người đó thuyết phục toàn xã hội là xây dựng được xã hội mới.

Hầu hết các nhà không tưởng đều có khuynh hướng đi theo con đường ôn hòa để cải tạo xã hội bằng pháp luật và thực nghiệm xã hội... một số ít có chủ trương khởi nghĩa nhưng sự chuẩn bị đã không thể có được. Dù chủ trương bằng con đường nào các nhà không tưởng xã hội chủ nghĩa đều không thể chỉ ra con đường cách mạng nhằm thủ tiêu chế độ tư bản, xây dựng chế độ xã hội mới. Bởi các ông đã không thể giải thích được bản chất của chế độ nô lệ làm thuê tư bản, không thể phát hiện ra những quy luật nội tại chi phối con đường, cách thức cho chuyển biến tiếp theo của xã hội.

2.     Sự hình thành, phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học

Trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội là sự thể hiện sâu sắc quan niệm duy vật về lịch sử; là cơ sở phương pháp luận của sự phân tích khoa học về xã hội; là hòn đá tảng của khoa học xã hội; và do đó là một trong những nền tảng lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học. Bằng học thuyết đó Mác đã chứng minh rằng hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa tất yếu sẽ được thay thế bằng một hình thái cao hơn – hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội.

- Những điều kiện và tiền đề khách quan dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Vào những năm 40 của thế kỷ XIX phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở các nước Tây âu phát triển mạnh mẽ trên nền tảng cuộc cách mạng công nghiệp được thực hiện trước tiên ở nước Anh vào cuối thế kỷ XVIII. Cùng với sự lớn mạnh của giai cấp tư sản, giai cấp công nhân có sự gia tăng về số lượng và sự chuyển đổi về cơ cấu và cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại sự thống trị áp bức bóc lột của giai cấp tư sản, biểu hiện về mặt xã hội của mâu thuẫn ngày càng quyết liệt giữa lực lượng sản xuất có tính xã hội hóa ngày càng cao với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, nhiều cuộc khởi nghĩa, nhiều phong trào đấu tranh đã bắt đầu có tổ chức và trên quy mô rộng khắp. Điều kiện kinh tế, xã hội ấy đòi hỏi phải có lý luận tiên phong dẫn đường, điều mà chủ nghĩa xã hội không tưởng trước đó một vài thập kỷ đã không thể đảm đương; không chỉ đặt ra yêu cầu đối với các nhà tư tưởng của giai cấp công nhân mà còn là mảnh đất hiện thực cho sự sinh thành ra lý luận mới, tiến bộ soi sáng sự vận động đi lên của lịch sử.

Cũng vào đầu thế kỷ XIX, nhân loại đã đạt nhiều thành tựu to lớn trên lĩnh vực khoa học, văn hóa và tư tưởng. Trong khoa học tự nhiên, những phát minh vạch thời đại trong vật lý học và sinh học đã tạo ra bước phát triển đột phá có tính cách mạng. Trong khoa học xã hội, phải kể đến triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị Anh, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp. Nhưng giá trị khoa học, cống hiến của các ông để lại đã tạo ra tiền đề cho các nhà tư tưởng, khoa học thế hệ sau kế thừa. Vấn đề còn lại là ai là người có đủ khả năng kế thừa phát triển những di sản ấy và kế thừa, phát triển như thế nào?

- Vai trò của C. Mác và Phriđrích Ăngghen trong việc phát triển chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đế khoa học

C. Mác (1818 – 1883) và Ph. Ăngghen (1820 – 1895) trưởng thành ở một quốc gia có nền triết học phát triển rực rỡ với những thành tựu nổi bật là chủ nghĩa duy vật của  Phoiơbắc và phép biện chứng của Hêghen bằng trí tuệ uyên bác sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn các ông đã tiếp thu với một tinh thần phê phán đối với các giá trị của nền triết học cổ điển và kho tàng tư tưởng lý luận mà các thế hệ trước để lại. sớm gắm bó với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, kiên định lập trường giai cấp tất cả những trùng hợp đó đã cho phép các ông đến với nhau trở thành đôi bạn cùng chí hướng, giúp các ông nhận thức được bản chất của những sự kiện kinh tế - xã hội, chính trị - xã hội đang diễn ra trong lòng chủ nghĩa tư bản. Cùng với sự kế thừa các giá trị khoa học trong kho tàng tư tưởng nhân loại, quan sát, phân tích với một tinh thần khoa học những sự kiện đang diễn ra… đã cho phép các ông từng bước phát triển học thuyết của mình, đưa những giá trị tư tưởng lý luận nói chung, tư tưởng xã hội chủ nghĩa nói riêng phát triển lên một trình độ mới về chất. Trở thành cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử loài người.

Những phát hiện lớn của Mác và Ăngghen                             

Chủ nghĩa duy vật lịch sử. Mác và Ăngghen cho rằng “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”, do đó muốn đi tìm nguyên nhân cơ bản của sự vận động phát triển xã hội phải tìm nó trong lòng xã hội (cần phải tìm nó trong lòng kinh tế, từ đời sống, lợi ích vật chất, chứ không phải từ ý thức). Đây là nguyên lý rất quan trọng mà trước đó các nhà triết học khác chưa tìm thấy được.

Mác và Ăngghen chỉ rõ rằng, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là động lực chủ yếu của sự phát triển xã hội loài người. Khi quan hệ sản xuất không phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất thì sẽ kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất, đòi hỏi phải phá vỡ quan hệ sản xuất hiện tại và xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp hơn. Sự phá vỡ này đã dẫn đến sự thay đổi từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội khác phù hợp và tiến bộ hơn. Hai ông cũng chỉ rõ: mâu thuẫn cơ bản trong xã hội có giai cấp là mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp. Đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Trong chủ nghĩa tư bản, mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp vô sản tất yếu sẽ dẫn tới cuộc đấu tranh giai cấp và giai cấp nào đại diện cho phương thức sản xuất mới sẽ đóng vai trò thống trị trong xã hội.

Học thuyết giá trị thặng dư. Vận dụng một cách sáng tạo những quan điểm duy vật lịch sử vào việc phân tích nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, Mác và Ăngghen đã đi đến kết luận: Việc giai cấp tư sản chiếm đoạt phần lao động không được trả công của người vô sản làm thuê là hình thức cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và sự bóc lột công nhân do phương thức sản xuất ấy đẻ ra. Dù cho nhà tư bản có mua sức lao động của công nhân đúng với giá trị của nó đi chăng nữa, thì trên thực tế, nhà tư bản thu được nhiều giá trị hơn số tiền bỏ ra mua sức lao động. Tổng số tiền này rút cuộc biến thành tư bản, ngày càng lớn lên và thuộc quyền sở hữu của giai cấp tư sản.

Học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Nhờ những phát kiến trọng đại này, Mác và Ăngghen có căn cứ vững chắc để khẳng định rằng, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ngày càng phát triển, được biểu hiện trong đời sống xã hội thành mâu thuẫn không thể điều hòa được giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Mâu thuẫn này nhất định sẽ dẫn đến kết cục là lực lượng sản xuất do giai cấp công nhân là người đại biểu phải phá vỡ quan hệ sản xuất do giai cấp tư sản bảo vệ. Giai cấp công nhân là lực lượng cách mạng được lịch sử giao phó sứ mệnh xóa bỏ giai cấp tư sản và chế độ tư hữu bóc lột của chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là phát hiện thứ ba của Mác và Ăngghen. Đây cũng là khác biệt căn bản về chất giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với các học thuyết khác.

Sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học được Mác và Ăngghen trải nghiệm qua quá trình hoạt động lý luận và thực tiễn, được phản ánh qua hàng loạt các tác phẩm của hai ông từ 1843 đến 1848 và được đánh dấu bằng tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” tháng 2 năm 1948.

Như mọi hệ thống khoa học khác, chủ nghĩa Mác nói chung, chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng là một hệ thống chỉnh thể tri thức. Trong hệ thống ấy, có các tri thức về các nguyên lý cơ bản phản ánh các quy luật vận động biến đổi của xã hội là những tri thức phản ánh bản chất của khách thể. Chúng tồn tại mãi mãi với thời gian và không ngừng được bổ sung hoàn thiện.

Trên cơ sở kế thừa và vận dụng sáng tạo các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học, phân tích và tổng kết một cách nghiêm túc các sự kiện lịch sử diễn ra trong đời sống kinh tế - xã hội của hoàn cảnh lịch sử mới,          V. I. Lênin phát hiện và trình bày một cách có hệ thống những khái niệm, những phạm trù khoa học phản ánh những quy luật, những thuộc tính bản chất chi phối sự vận động biến đổi của đời sống xã hội trong quá trình chuyển biến tất yếu từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Bên cạnh hoạt động lý luận, V. I. Lênin đã từng bước lãnh đạo Đảng của giai cấp công nhân Nga tập hợp lực lượng đấu tranh chống chế độ chuyên chế Nga hoàng, tiến tới giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga, đưa nước Nga đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và cũng từ đây lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học đã trở thành hiện thực.

Lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo cho thấy, những thắng lợi, những thành tựu của cách mạng luôn gắn liền với quá trình vận dụng sáng tạo, phát triển và hoàn thiện lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học trong những điều kiện lịch sử của thời đại, trên cơ sở thực tiễn Việt Nam. Trong sự nghiệp vĩ đại ấy, sự xuất hiện và những cống hiến vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, cả trong những vấn đề hết sức cơ bản của lý luận ấy lẫn những tri thức về cách thức, biện pháp và chiến lược sách lược vận dụng chủ nghĩa xã hội khoa học vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Hiện nay, việc vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện thực tiễn đất nước ta đang là vấn đề được Đảng ta hết sức quan tâm, coi đó là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII xác định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo chính xác và kịp thời có chủ trương, chính sách xử lý có hiệu quả những vấn đề  mới nảy sinh trong thực tiễn, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh đúng quy luật đổi mới và phát triển ở nước ta”. *

*( Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương, trang 17) 

                                                                                                       Bùi Văn Nghĩa