• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Chủ đề tọa đàm CLB giảng viên trẻ - tháng 6/2017: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH, VẬN DỤNG VÀO GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI
Ngày xuất bản: 06/10/2017 2:21:00 CH
Lượt đọc: 24651

Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tư tưởng vĩ đại của Người từ lâu đã chở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và dân tộc ta trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, việc nghiên cứu về di sản tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Đặc biệt, vào ngày 15/5/2016, Chỉ thị số 05 – CT/TW của Bộ chính trị khóa XII về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”  được ban hành càng cho chúng ta thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nghiên cứu và học tập tư tưởng của Người.

Trường chính trị Yên Bái có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội;lý luận chung về nhà nước, pháp luật; công tác xây dựng Đảng; nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể....Để giảng dạy tốt các bộ môn này cần nắm vững những tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh, với tư cách là cơ sở nền tảng, kim chỉ nam cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu.

I. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Về tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh gắn bó với toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, từ đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng 1951, Đảng ta chính thức bắt đầu kêu gọi: “Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong, đạo đức cách mạng của Hồ chủ tịch” và chỉ ra rằng “Sự học tập ấy là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh và làm cho cách mạng đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”.

 Đến đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII năm 1991, lần đầu tiên Đảng ta nêu lên khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh và khẳng định “lấy chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng”. Đây chính là sự tổng kết lịch sử, chỉ rõ cơ sở thực tiễn, lý luận của sự nghiệp đổi mới của đất nước được xuất phát từ thực tiễn cách mạng nước ta.

Đến năm 2011, khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh  được Đảng ta khái quát lại trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển):

“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa  nhân loại, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.

Như vậy, định nghĩa về tư tưởng Hồ Chí Minh như trên thể hiện bốn nội dung chủ yếu sau:

- Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa.

- Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta.

- Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp tinh hoa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

- Tư tưởng Hồ Chí Minh là ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn 70 năm qua và tiếp tục soi sáng con đường chúng ta tiến lên xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Về cơ bản, gồm 09 nội dung đó là:

(1) Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. (2). Tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. (3). Tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc. (4). Tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân. (5). Tư tưởng về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. (6). Tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. (7) Tư tưởng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. (8) Tư tưởng về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. (9) Tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Đặc biệt, cần chú trọng nắm bắt cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh đó là : Tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập, tự do, hạnh phúc. Đây chính là hệ giá trị nền móng phát triển bền vững, có vai trò quan trọng trong việc giải quyết được những nhiệm vụ thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

Về đạo đức Hồ Chí Minh

Có thể khẳng định rằng, chưa có một vị lãnh tụ cách mạng nào trên thế giới lại nói nhiều và bàn nhiều về vấn đề đạo đức và rèn luyện đạo đức cách mạng như chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề được Người quan tâm một cách thường xuyên, nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Theo Người, đạo đức là gốc của người cách mạng, muốn làm cách mạng phải lấy đạo đức làm gốc. Người viết: "Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang". Hồ Chí Minh coi đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông, suối. Người viết: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân" .

Hồ Chí Minh quan niệm, đạo đức cách mạng là chỗ dựa giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách. Theo Người, có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ", lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa.

Đối với Đảng, đội tiên phong của giai cấp công nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng Đảng ta thật trong sạch, Đảng phải "là đạo đức, là văn minh", "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân" 

Về những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam, quan điểm đạo đức Hồ Chí Minh đã bao quát những mối quan hệ cơ bản của con người trong xã hội, bao gồm 04 lĩnh vực căn bản như sau:

Một là, với đất nước, dân tộc phải "Trung với nước, hiếu với dân".

Hai là, với mọi người phải "Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình".

Ba là, với mình phải thực sự "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư".

Bốn là, mở rộng quan hệ yêu thương con người đối với toàn nhân loại, người cách mạng phải có "tinh thần quốc tế trong sáng".

Về những nguyên tắc xây dựng và thực hành đạo đức, theo Hồ Chí Minh, thể hiện ở 03 điểm cốt lõi sau:

Một là, nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức.

Hai là, xây đi đôi với chống.

Ba là, phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.

Trong rèn luyện đạo đức, Hồ Chí Minh coi tự rèn luyện có vai trò rất quan trọng. Người khẳng định, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác ở trong mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc, thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục. Tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong mọi mối quan hệ của mình, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng.

Về phong cách Hồ Chí Minh

Phong cách Hồ Chí Minh là phong cách của người Việt Nam. Đó là phong cách của một con người với nhân cách siêu việt, cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp, cái trí minh mẫn, cái hành mực thước, phong cách của một lãnh tụ, một vĩ nhân, một chiến sĩ cộng sản chân chính, của người công dân số một của Việt Nam. Đó còn là phong cách của người anh hùng giải phóng dân tộc, đồng thời cũng là nhà văn hóa kiệt xuất. Phong cách Hồ Chí Minh không phải để cho người đời ca ngợi, sùng bái mà là tấm gương để mọi người noi theo, học tập. Không phải chỉ người Việt Nam, mà cả người nước ngoài ở phương Đông hay ở phương Tây cũng cảm thấy gần gũi, không xa lạ với phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, phong cách của Người không chỉ là bài học, là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ cách mạng mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể với nội dung nhiều tầng ý nghĩa, phát triển theo lôgíc đi từ suy nghĩ (phong cách tư duy) đến nói, viết (phong cách diễn đạt) và biểu hiện ra qua hoạt động sống hàng ngày (phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt).

 Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo. Độc lập, tự chủ là sẵn sàng từ bỏ những cái cũ đã qua thực tiễn kiểm nghiệm là sai, những cái cũ lạc hậu, lỗi thời, những cái cũ đã đúng trước kia nhưng nay không còn phù hợp, để tiến tới đề xuất những cái mới có thể trả lời được những câu hỏi mà cuộc sống đang đặt ra. Cái sáng tạo ở Hồ Chí Minh là cái mới phù hợp với quy luật khách quan của cách mạng Việt Nam, cũng như phù hợp với quy luật phát triển chung của xã hội. Tư duy đó, luôn hướng tầm nhìn ra thế giới, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, làm giàu trí tuệ của mình bằng những kiến thức rất phong phú, sâu rộng.

  Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh bao gồm nhiều nội dung rất phong phú, mà nội dung chủ yếu là: tác phong quần chúng; tác phong tập thể - dân chủ; tác phong khoa học.

 + Tác phong quần chúng được thể hiện sự sâu sát quần chúng, tin yêu và tôn trọng con người; chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng; sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa khuyết điểm của mình.

+ Tác phong tập thể - dân chủ Hồ Chí Minh là tạo ra không khí sôi nổi, hoạt bát, phấn khởi, hăng hái và đầy sáng tạo. Người thường vạch ra những tệ nạn làm việc không tập thể, không dân chủ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho "nội bộ của Đảng âm u", "uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản", cấp trên cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng xa rời cán bộ, đảng viên .v.v..

+ Tác phong khoa học Hồ Chí Minh tập trung ở những điểm chủ yếu như: làm việc đi sâu, đi sát cơ sở, có điều tra nghiên cứu, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể... Biết sàng lọc những thông tin sai lệch,  những báo cáo dối trá, những phương án thiếu trung thực. Biết sử dụng bộ máy, những người cộng sự, những cơ quan giúp việc; thường xuyên đặt ra chương trình, kế hoạch sát hợp, thiết thực; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng.

 Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là cách nói, cách viết trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với người nghe, người đọc. Bác Hồ thường đặt ra bốn vấn đề khi nói và viết là: Nói, viết cái gì?; Nói, viết cho ai?; Nói, viết để làm gì?; Nói, viết như thế nào?. Đây là những vấn đề có tính nguyên tắc, định hướng cho việc nói và viết của mỗi người, nhất là đối với người lãnh đạo. Đặc trưng cơ bản trong cách nói, cách viết của Hồ Chí Minh là: chân thực, ngắn gọn, rõ ràng, trong sáng, giản dị, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề, không màu mè, lắt léo, quanh co... Bác Hồ căn dặn phải chống các bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, sính dùng chữ nước ngoài, thậm chí không hiểu cũng dùng; chống “thói ba hoa”...

 Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là sự ứng xử trên một bình diện văn hóa cao. Đối với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em thì tự nhiên, bình dị, cởi mở, chân tình, vừa chủ động linh hoạt lại vừa ân cần, tế nhị, bình dị, tự nhiên, làm cho bất cứ ai được gặp Người đều thấy không khí chan hòa, ấm cúng, thoải mái, không e ngại, sợ sệt, không cảm thấy sự cách biệt giữa lãnh tụ và quần chúng, giữa vĩ nhân với bình dân. Hồ Chí Minh luôn luôn thể hiện thái độ yêu thương, quý mến con người, trân trọng con người, khoan dung, khiêm nhường, độ lượng với con người. Chính vì vậy mà sức cuốn hút, cảm hóa, cảm phục, ngưỡng mộ và thôi thúc mọi người hướng tới cái chân, thiện, mỹ trong cuộc sống và công tác, học tập, xây dựng và phát triển.

 Phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh có nhiều nét đã trở thành huyền thoại không những đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả thế giới. Đó là sự giản dị, thanh đạm, thanh cao trong sinh hoạt hằng ngày; đó là cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, rất quý trọng thời gian, tiết chế  ham muốn danh lợi riêng cho mình. Đó là tình thương yêu con người quyện với tình yêu thiên nhiên, tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ, kết hợp chặt chẽ với những rung động say mê của một tâm hồn nghệ sĩ.

II- MỐI QUAN HỆ GIỮA BỘ MÔN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỚI CÁC BỘ MÔN KHÁC TRONG CHƯƠNG TRÌNH TCLLCT – HC TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ YÊN BÁI

1. Mối quan hệ giữa TTHCM với chủ nghĩa Mác – Lênin

TTHCM là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện thực tế Việt Nam, vì vậy môn TTHCM với môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin có mối quan hệ biện chứng chặt chẽ, thống nhất. Muốn nghiên cứu tốt, giảng dạy tốt TTHCM cần phải nắm vững kiến thức về những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác – Lênin  gồm ba bộ phận cấu thành (triết học, kinh tế chính trị,chủ nghĩa xã hội khoa học)

-Mối quan hệ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với triết học:

Triết học Mác – Lênin là môn khoa học nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội, tư duy. Chính triết học Mác – Lênin  đã cung cấp cho Hồ Chí Minh một thế giới quan và một phương pháp luận cách mạng, khoa học. Và nhờ có học thuyết cách mạng, khoa học ấy mà Người đã tìm ra con đường đi đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Đồng thời TTHCM cũng có sự tác động ngược lại với triết học, bằng sự vận dụng sáng tạo của mình HCM đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm phong phú hơn triết học Mác –Lênin và Người cũng góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện mới,làm tăng thêm giá trị nền tảng của học thuyết Mác - Lênin.

Vận dụng TTHCM vào giảng dạy triết học ta thấy rằng: Thứ nhất, thông qua quá trình giảng dạy, cần làm nổi bật cho học viên thấy được rằng chính bản thân Hồ Chí Minh là người có một thế giới quan duy vật, biện chứng và khoa học. Trong quá trình hoạt động cách mạng phong phú và bằng những kinh nghiệm thực tiễn hết sức quý giá, Hồ Chí Minh đã tự xây dựng cho mình thế giới quan khoa học cách mạng với tính chất duy vật triệt để nhất. Người đã nắm bắt chính xác xu hướng phát triển của thời đại để tìm ra con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc mình.Thứ hai, cần thấy rằng Hồ Chí Minh là người đã vận dụng một cách thành công và sáng tạo thế giới quan duy vật biện chứng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam và đã đưa cuộc cách mạng đi đến thắng lợi vinh quang.

- Mối quan hệ giữa TTHCM với Kinh tế chính trị Mác – Lênin

Kinh tế chính trị Mác – Lênin  là một bộ môn khoa học nghiên cứu về các quan hệ sản xuất trong mối liên hệ và tác động lẫn nhau với lực lượng sản xuất, mà cụ thể là các quy luật kinh tế chi phối quá trình sản xuất, phân phối và trao đổi của cải vật chất trong những giai đoạn lịch sử khác nhau.

Trong quá trình lãnh đạo đất nước đi lên xây dựng CNXH, chủ tịch  Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo lý luận về KTCT của Chủ nghĩa Mác –Lênin và xây dựng một tư tưởng vĩ đại về phát triển kinh tế thời kì xây dựng CNXH. Khi xét về cơ cấu kinh tế Hồ Chí Minh cho rằng: vì nước ta là một nước nông nghiệp nên trong cơ cấu ngành kinh tế phải coi trọng nông nghiệp mà trước hết là sản xuất lương thực. Bác chỉ ra ba ngành kinh tế có mối liên hệ hữu cơ với nhau là: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Trong đó, thương nghiệp là khâu nối giữa nông nghiệp và công nghiệp. Nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp, không củng cố được liên minh công nông. 

Hay khi bàn về mục tiêu phát triển kinh tế XHCN Bác nói:  “Làm sao cho dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” . Ngày nay, Đảng ta xác định mục tiêu của nền kinh tế mà chúng ta đang xây dựng là  ''Xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh".  

Xuất phát từ điều kiện cụ thể của Việt Nam, một nước nông nghiệp nghèo, Người cũng chỉ rõ cho ta thấy: “cuộc cách mạng XHCN là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp, bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột, áp bức. Muốn thế chúng ta phải dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp”.

  -Mối quan hệ TTHCM với Chủ nghĩa xã hội

CNXH là một trong ba bộ phận cấu thành của Chủ nghĩa Mác – Lênin,  nghiên cứu một cách khách quan về quá trình phát sinh, hình thành và phát triển của hình thái KT – XH cộng sản chủ nghĩa, có nội dung cơ bản nhất là nhận ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Từ khi có Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời và soi sáng phong trào công nhân, giai cấp công nhân đã thấy rõ bản chất bóc lột của nhà tư bản lật đổ chế độ TBCN, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn xã hội xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng Hồ Chí Minh bằng sự vận dụng một cách sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa  Mác –Lênin  về Chủ nghĩa xã hội và đưa ra một quan điểm về xây dựng CNXH trong điều kiện một nước nông nghiệp, lạc hậu như Việt Nam. Vì vậy, để giảng dạy tốt TTHCM nói chung và quan điểm của HCM về CNXH cần phải nắm chắc những kiến thức về CNXHKH.

2.Mối quan hệ giữa TTHCM và lịch sử Đảng

Lịch sử Đảng là môn khoa học nghiên cứu về Đảng Cộng sản Việt Nam, làm rõ quá trình hình thành và phát triển của Đảng ta. Trong đó tập trung làm rõ quá trình hoạch định đường lối và lãnh đạo thực hiện đường lối cách mạng của Đảng  qua các thời kỳ khác nhau.

 Nghiên cứu, giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cần làm sáng rõ vai trò của Hồ Chí Minh trong quá trình hoạch định đường lối và thực hiện đường lối của Đảng ta với tư cách vừa là nhà tư tưởng vừa là người lãnh đạo của cách mạng Việt Nam.Làm rõ tư tưởng và vai trò của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Những cống hiến và đóng góp của Hồ Chí Minh vào lý luận xây dựng chính đảng vô sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Chính vì vậy muốn giảng dạy tốt bộ môn này thì việc quay trở lại nghiên cứu và tìm hiểu về TTHCM là điều kiện tiên quyết.

3. Mối quan hệ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và Xây dựng Đảng

Xây dựng Đảng nghiên cứu về những quy luật cơ chế xây dựng và hoạt động của Đảng, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh về phẩm chất, năng lực, trí tuệ, làm tròn vai trò là đội tiền Phong của GCCN & lãnh đạo xã hội một cách toàn diện. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Người đã đưa ra những chỉ dẫn quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng. Từ đó Đảng ta có cơ sở để đưa ra những chủ trương đúng đắn giúp Đảng mạnh và thực hiện thành công sứ mệnh mà dân tộc giao phó. Muốn giảng dạy tốt bộ môn xây dựng Đảng chúng ta phải nghiên cứu sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng nói riêng.

4.Mối quan hệ của TTHCM với  bộ môn quản lý hành chính nhà nước và bộ môn hệ thống chính trị, nhà nước và pháp luật XHCN.

Bộ môn “quản lý hành chính nhà nước” nghiên cứu hoạt động thực thi quyền hành pháp của nhà nước, đó là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước trên cơ sở pháp luật đối với hành vi hoạt động của con người và các quá trình xã hội, do các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở tiến hành để thực hiện những mục tiêu, chức năng và nhiệm vụ của nhà nước. Để giảng dạy tốt bộ môn này cần đứng vững trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, mà cụ thể là một số tư tưởng vĩ đại của Người như (TTHCM về cán bộ, công tác cán bộ, tư tưởng về dân chủ, văn hóa, con người...).

Với bộ môn “những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước và pháp luật XHCN”  nghiên cứu những vấn đề chung nhất, khái quát, cơ bản nhất về nguồn gốc, bản chất, chức năng, hình thức, vai trò của nhà nước và pháp luật. Nghiên cứu các tri thức chung về một số mô hình nhà nước, pháp luật trong lịch sử và mô hình nhà nước, pháp luật XHCN.

Trong lịch sử HCM đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc thiết kế, xây dựng một mô hình nhà nước phù hợp với thực tế ở Việt Nam (đó là mô hình nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân). Một nhà nước mà mọi quyền lực thuộc về nhân dân, cán bộ, công chức nhà nước là đầy tớ của nhân dân. Nguyên tắc hoạt động của nhà nước là lấy pháp luật làm thượng tôn.

Việc nắm vững và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề Nhà nước trong nghiên cứu và giảng dạy môn học này là hết sức cần thiết. Nó giúp chúng ta lý giải rõ hơn thực tiễn xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay. 

5.Mối quan hệ của TTHCM với bộ môn kĩ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở và  Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở.

Đối với môn “kĩ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở”  nghiên cứu một số những kĩ năng cơ bản cần có của một người cán bộ lãnh đạo, quản lý ( như : kĩ năng ra quyết định, kĩ năng điều hành công sở, kĩ năng xử lý tình huống chính trị – xã hội…). Để nghiên cứu và giảng dạy tốt cần nghiên cứu một số quan điểm của HCM về phong cách người cán bộ; đạo đức người cán bộ, vấn đề làm chủ của nhân dân...

Đối với môn “nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở” nghiên cứu và làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức đoàn thể. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, là một bộ phận của hệ thống chính trị. Các tổ chức này có vai trò quan trọng trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Để giảng dạy được môn này cần quay trở lại nghiên cứu Quan điểm của HCM về ( đại đoàn kết, công tác dân vận, về phụ nữ, thanh niên, nông dân...) từ đó cho chúng ta  những chỉ dẫn  thực hiện tốt các phong trào của đoàn thể.

6.Mối quan hệ của TTHCM với bộ môn đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về những vấn đề xã hội.

Trong quan hệ với môn Đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam về những lĩnh vực của đời sống xã hội và  TTHCM ta thấy, cả hai môn học này đều là bộ phận tư tưởng của Đảng, nhưng với tư cách là bộ phận nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động của Đảng, là cơ sở khoa học cùng với chủ nghĩa Mác- Lênin để xây dựng đường lối, chiến lược, sách lược cách mạng đúng đắn. TTHCM sẽ trang bị cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học để nắm vững kiến thức về đường lối cách mạng của ĐCSVN về tất cả những vấn đề như (nghiên cứu đường lối, chính sách về con người, dân tộc, tôn giáo, tham nhũng, an ninh, quốc phòng, ngoại giao...) 

Từ những nội dung cơ bản trong  tư tưởng Hồ Chí Minh và mối quan hệ giữa bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh và các bộ môn lý luận chính trị hành chính, bản thân mỗi giảng viên trẻ sẽ lựa chọn, chắt lọc những nội dung phù hợp từ đó vận dụng vào giảng dạy những bộ môn đã được phân công,  góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường.

Chủ đề câu lạc bộ giảng viên trẻ trường chính trị Yên Bái lựa chọn lần này rất có ý nghĩa. Bởi nó cùng với thời điểm khi chúng ta đang thực hiện chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thông qua buổi tọa đàm mỗi hội viên trong câu lạc bộ đều hiểu và thấy rõ giá trị to lớn trong hệ thống di sản Hồ Chí Minh. Từ đó vận dụng sáng tạo vào bộ môn mình đang giảng dạy. Đồng thời giúp cho mỗi hội viên hiểu sâu sắc rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hoá của nhân loại, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để toàn Đảng, toàn dân học tập và noi theo. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, toàn thể đội ngũ giảng viên trẻ Trường Chính trị  quyết tâm thực hiện thật tốt Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 Bộ Chính trị thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

 

Từ Thị Thoa

Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh