• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
CÔNG CHỨC – NGUỒN NHÂN LỰC ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA ĐỊA PHƯƠNG
Ngày xuất bản: 19/09/2019 8:33:00 SA
Lượt đọc: 20729

              Theo quy định tại Nghị định số: 06/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 quy định những người là công chức thì công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước; Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; cơ quan hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện; hệ thống Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan, đơn vị của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân và trong bộ máy lãnh đạo quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập. Tổng biên chế công chức năm 2019 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế công chức dự phòng và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 259.598 biên chế[1].

Đội ngũ công chức là hạt hạt nhân của nền công vụ - một bộ phận chủ yếu của nguồn nhân lực khu vực công, là yếu tố cấu thành quan trọng của nguồn nhân lực xã hội mà những đóng góp của họ luôn có vai trò đặc biệt to lớn trong sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương. Vai trò to lớn đó của đội ngũ công chức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước và địa phương được thể hiện thông qua nhiều khía cạnh và mối quan hệ khác nhau:

Thứ nhất, hoạt động của đội ngũ công chức có vai trò quan trọng góp phần tạo ra định hướng phát triển, dẫn dắt các quá trình xã hội và hành vi, hoạt động của công dân, tổ chức. Để cho hoạt động kinh tế - xã hội phát triển theo đúng mục tiêu mà nhà nước đã đặt ra thì các cơ quan hành chính nhà nước sẽ tiến hành quản lý vĩ mô đối với nền kinh tế thông qua hệ thống những chính sách, pháp luật để định hướng và dẫn dắt sự phát triển kinh tế xã hội. Có thể nhận thấy bất kỳ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều có sự đóng góp nhất định của đội ngũ công chức với tư cách là đội ngũ tham mưu, giúp việc cho nhà lãnh đạo, quản lý trong hoạch định các chính sách và ban hành các quyết định lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực cụ thể. Do đó, những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quyết định của chính quyền địa phương có phản ánh đúng đòi hỏi khách quan của thực tiễn quản lý và đời sống xã hội hay không là phụ thuộc rất lớn ở chất lượng hoạt động của đội ngũ công chức ở từng vị trí khác nhau trong nền công vụ.

Thứ hai, trong mối quan hệ với dân, công chức giữ vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là lực lượng thường xuyên tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, yêu cầu, kiến nghị, phản ánh, thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính và giải quyết công việc hàng ngày cho tổ chức, công dân. Hoạt động của công chức sẽ góp phần tạo lập và tăng cường mối quan hệ giữa dân với Đảng, Nhà nước. Cán bộ, công chức là đại diện, bộ mặt của Đảng, Nhà nước. Trong quan hệ giải quyết công việc liên quan với cơ quan, tổ chức, công dân, chất lượng hoạt động cũng như từng thái độ, hành vi của công chức đều trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến cách nhìn và đánh giá của người dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý, phục vụ của Nhà nước, nhất là giai đoạn tăng cường phát huy dân chủ như hiện nay. Chính vì vậy, niềm tin và mối quan hệ giữa dân với Đảng, Nhà nước có được củng cố, thắt chặt hay không là phụ thuộc rất lớn ở năng lực công tác, phẩm chất chính trị và thái độ phục vụ của đội ngũ công chức.

Thứ ba, chất lượng, hiệu quả hoạt động của công chức quyết định đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực của địa phương. Cơ quan nhà nước là tổ chức công quyền đại diện cho cho toàn xã hội khai thác và sử dụng các nguồn lực của quốc gia, địa phương cho các mục tiêu khác nhau của từng thời kỳ phát triển, đồng thời là chủ thể trực tiếp thực hiện sự tác động mang tính chất toàn diện, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong khi đó, mỗi địa phương đều có những điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khác nhau nên việc khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước này lại được vận hành thông qua những con người cụ thể là đội ngũ cán bộ, công chức của Nhà nước. Do đó, khi công chức hoạt động có hiệu quả chính là động lực trực tiếp nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan,đơn vị, tổ chức. Và có thể khẳng định rằng mục tiêu lớn nhất trong hoạt động quản lý mà các cơ quan nhà nước hướng đến chính là việc đảm bảo cho các nguồn lực của quốc gia, của địa phương  được khai thác hợp lý, tiết kiệm cho các mục tiêu phát triển mà Nhà nước đặt ra trong những giai đoạn nhất định.

Thứ tư, hoạt động của công chức góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và địa phương. Như đã nêu ở trên, công chức làm việc trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, do đó hoạt động của công chức diễn ra trên nhiều phạm vi và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức thuộc khu vực công, bắt đầu từ hoạt động mang tính lãnh đạo, định hướng của Đảng, sự quản lý của các cơ quan nhà nước, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội cho đến hoạt động cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho xã hội của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tất cả đều tạo ra những khía cạnh tác động khác nhau đến đời sống xã hội.

Đặc biệt trong lĩnh lực quản lý nhà nước mà trực tiếp là hoạt động quản lý hành chính nhà nước, đội ngũ công chức chính là lực lượng nòng cốt trong xây dựng các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực thi nhằm hiện thực hóa các chủ trương, đường lối chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên, cơ quan quyền lực cùng cấp và những quyết định do chính các cơ quan hành chính nhà nước ban hành. Đòi hỏi công chức phải có những sự am hiểu nhất định về quy định pháp luật, thuần thục trong vận dụng các quy trình nghiệp vụ, có trình độ năng lực và phẩm chất tốt để đáp ứng và giải quyết kịp thời nhằm đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng cũng như những nhu cầu bức thiết của người dân và xã hội. Từ đó mọi khiếu nại, tố cáo, yên cầu, kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp nhanh chóng được giải quyết, đời sống người dân được cải thiện, niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với Đảng và Nhà nước được củng cố, tạo động lực lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tóm lại, công chức có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành công hay thất bại của quá trình phát triển kinh tế - xã hội,  sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Vì vậy, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng để nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực chuyên môn và khả năng hoạt động thực tiễn cho đội ngũ công chức là việc làm có ý nghĩa thiết thực trong giai đoạn hiện nay./.

Âu Phương Thảo

Khoa Nhà nước và Pháp luật