• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI – GIÁ TRỊ BỀN VỮNG CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY VÀ SỰ VẬN DỤNG Ở VIỆT NAM
Ngày xuất bản: 06/11/2019 1:34:00 CH
Lượt đọc: 20263

             Chủ nghĩa Mác ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX, khi mà các điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội, khoa học tự nhiên cũng như lý luận đã chín muồi cùng với những điều kiện khách quan thuộc về C.Mác và Ph.Ăngghen đó là tình yêu thương những người lao động; sự thông minh; tinh thần làm việc không mệt mỏi của C.Mác và Ph.Ăngghen.

Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ thống quan điểm duy vật biện chứng về thế giới; khoa học về quy luật vận động và phát triển của xã hội; về cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và nhân dân lao động chống lại mọi sự bất công và nô dịch; về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và về cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác – Lênin là một hệ thống những giá trị bền vững luôn được tiếp tục nghiên cứu và vận dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết tôi xin trao đổi nội dung chủ nghĩa xã hội– giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lênin và sự vận dụng ở Việt Nam.

Lý luận về chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định tính tất yếu sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội, sự ra đời của chủ nghĩa xã hội và sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản là do tất yếu kinh tế quy định và đều tất yếu như nhau; cách thức khác nhau của các quốc gia, dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa xã hội là kết quả phát triển tổng hợp của tinh hoa mọi thời đại, mọi dân tộc, v.v..

Chủ nghĩa xã hội với tư cách là một lý tưởng vẫn sống mãi; sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội giáo điều, cứng nhắc, không phải sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nói chung.

Chủ nghĩa xã hội với tư cách là một phong trào hiện thực, một chế độ chính trị - xã hội vẫn tồn tại cụ thể, đang phát triển ở Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba, Lào,v.v..

Mặc dù quan điểm của Mác, Ănghen về chủ nghĩa xã hội mới chỉ mang tính phác thảo về những nguyên tắc chung nhất cơ bản nhất: có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; nền đại công nghiệp với chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, phân phối theo lao đông; nhà nước của dân, do dân, vì dân; dân chủ xã hội chủ nghĩa,… đến nay vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.

Sự ra đời của chủ nghĩa xã hội và sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản là do tất yếu kinh tế quy định và đều tất yếu như nhau; cách thức khác nhau của các quốc gia, dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa xã hội là kết quả phát triển tổng hợp của tinh hoa mọi thời đại, mọi dân tộc,…

Kế thừa quan điểm về Chủ nghĩa xã hội của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận về Chủ nghĩa xã hội.

Từ Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đã khắc phục được một số hạn chế trong nhận thức trước đây về chủ nghĩa xã hội, làm cho nhận thức về chủ nghĩa xã hội ngày càng sâu sắc hơn.

Đại hội VII, Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu mốc quan trọng trong phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn 5 năm đổi mới, Đại hội VII đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991). Cương lĩnh đã nêu sáu đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng là: Do nhân dân lao động làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới[1].

Đến Đại hội X, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng trong quan niệm về chủ nghĩa xã hội. Nội hàm của khái niệm xã hội, xã hội chủ nghĩa đã được Đại hội X nêu cụ thể hơn với tám đặc trưng: “Xã hội, xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”[2].

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã hoàn thiện hơn quan niệm về xã hội, xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới[3].

Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Cương lĩnh năm 1991 đã đề ra bảy phương hướng cơ bản để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tại Đại hội XI, Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng bổ sung, điều chỉnh các phương hướng đã được xác định từ năm 1991 và 2006 (Đại hội X) để có 8 phương hướng cơ bản nhằm thực hiện thành công các mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta. Tám phương hướng này tiếp tục được Đại hội XII của Đảng khẳng định, bao gồm: Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

8 phương hướng cơ bản nêu trên đã thể hiện rõ phương thức, con đường xây dựng chủ nghĩa trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, các chủ trương trong đường lối đối nội, đối ngoại. Mặt khác, vai trò của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như trách nhiệm của từng thành viên trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã được thể hiện rõ trong một số phương hướng.

Bên cạnh các đặc trưng và phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được xác định, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) cũng chỉ ra 8 mối quan hệ lớn cần nắm vững và giải quyết trong quá trình thực hiện các phương hướng. Đại hội XII bổ sung làm rõ hơn các mối quan hệ này, Đảng chỉ ra 9 mối quan hệ lớn cần phải quán triệt và xử lý tốt. Cụ thể là: “Giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; giữa Nhà nước và thị trường”

Như vậy, với bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của Chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung và tư tưởng về chủ nghĩa xã hội nói riêng vẫn hoàn toàn đúng đắn và luôn được bổ sung phát triển trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Đồng thời đây cũng là vũ khí sắc bén góp phần đập tan âm mưu của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại ngày nay.

                                                              GVC Hà Thị Lan Phương

                                                              Khoa Lý luận cơ sở