• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
CHỦ ĐỀ SINH HOẠT CLB GIẢNG VIÊN TRẺ “GIAI CẤP CÔNG NHÂN VÀ SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN TRONG CHỦ NGHĨA TƯ BẢN HIỆN ĐẠI”
Ngày xuất bản: 21/11/2017 4:18:00 CH
Lượt đọc: 48718

Sứ mệnh lịch sử (SMLS) của giai cấp công nhân (GCCN) là một phạm trù cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học(CNXHKH). Việc phát hiện ra SMLS của GCCN là một cống hiến vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăngghen. Đó là phát hiện ra sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, biến các lý thuyết cách mạng – khoa học thành hành động.

Trong quá trình nghiên cứu về GCCN C.Mác đã khẳng định: GCCN là giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo, đoàn kết, tổ chức, tập hợp các giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản (CNTB), xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 (cách mạng 4.0) với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào trong quá trình sản xuất tác động không nhỏ tới GCCN. Vậy, vị trí, vai trò, SMLS của GCCN trong CNTB hiện đại có còn nguyên giá trị? Đây là một vấn đề đang được các nhà nghiên cứu quan tâm. Trong khuôn khổ buổi tọa đàm của Câu lạc bộ giảng viên trẻ Trường chính trị tỉnh Yên Bái đã tham gia trao đổi, thảo luận một khía cạnh của vấn đề này với chủ đề: “Giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong chủ nghĩa tư bản hiện đại”.

1. Quan niệm của chủ nghĩa Mác – Lênin về GCCN

* Khái niệm GCCN

Để hiểu rõ SMLS của GCCN, trước hết cần làm rõ khái niệm GCCN là gì?

Trong những nghiên cứu của C.Mác và Ph.Ăngghen, GCCN được phản ánh từ nhiều góc độ và nhiều thuật ngữ để chỉ giai cấp này, như: giai cấp công nhân hiện đại, giai cấp công nhân đại công nghiệp, giai cấp công nhân thành thị, giai cấp vô sản, giai cấp vô sản hiện đại, giai cấp làm thuê hiện đại,... Các khái niệm này phản ánh địa vị, đặc điểm kinh tế, chính trị - xã hội của GCCN.

Dù khái niệm GCCN có nhiều tên gọi khác nhau như thế nào đi nữa thì theo C.Mác và Ph.Ăngghen vẫn chỉ mang hai thuộc tính cơ bản:

- Về phương thức lao động, phương thức sản xuất: GCCN là những người lao động trực tiếp hay gián tiếp vận hành công cụ sản xuất có tính chất công nghiệp ngày càng hiện đại và tính xã hội hóa cao. Là lực lượng sản xuất hàng đầu của nhân loại, lao động của họ quyết định tồn tại của xã hội hiện đại và là nguồn gốc của sự giàu có của giai cấp tư sản.

- Về vị trí của GCCN trong quan hệ sản xuất TBCN: Họ là những người lao động không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động cho nhà tư bản và bị nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư.

* Về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của GCCN

Nội dung SMLS của GCCN là tổ chức lãnh đạo xã hội thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản để đấu tranh giải phóng mình và giải phóng toàn xã hội khỏi mọi ách áp bức, bất công, xóa bỏ CNTB, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

 Xét theo lĩnh vực thể hiện, sứ mệnh này cơ ba nội dung cơ bản:

- Nội dung kinh tế: GCCN dù ở chế độ chính trị nào cũng là chủ thể của quá trình sản xuất vật chất bằng phương thức sản xuất công nghiệp mang tính chất xã hội hóa cao, sản xuất ngày càng nhiều của cải, đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của con người. Qua đó, họ tạo ra tiền đề vật chất - kỹ thuật cho sự ra đời của xã hội mới.

- Nội dung chính trị - xã hội: GCCN cùng với nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản tiến hành cách mạng chính trị lật đổ chế độ TBCN với tư cách là một chế độ chính trị còn áp bức, bất công, để xác lập, bảo vệ và phát triển chế độ dân chủ XHCN với mục tiêu tối thượng là giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột và được tạo mọi điều kiện phát triển toàn diện.

- Nội dung văn hóa – tư tưởng: Dưới sự lãnh đạo của ĐCS, tiến hành cuộc cách mạng văn hóa để xác lập hệ giá trị, tư tưởng của GCCN thay thế cho hệ giá trị, tư tưởng tư sản và “những hệ tư tưởng cổ truyền” lạc hậu khác. Thực chất đó là cuộc cách mạng về văn hóa, tư tưởng bao gồm cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới trong sự kế thừa những tinh hoa của thời đại và giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc.

à Như vậy, con đường để GCCN thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình đó chính là phải tiến hành cuộc cách mạng không ngừng và triệt để qua hai giai đoạn:

Một là, lật đổ giai cấp tư sản giành lấy chính quyền, thiết lập nền chuyên chính cách mạng của giai cấp công nhân.

Hai là, sử dụng chính quyền mới làm công cụ cải tạo xã hội cũ, tập hợp quần chúng nhân dân lao động xây dựng thành công xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa để tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

* Điều kiện để GCCN thực hiện thành công SMLS của mình

- Điều kiện khách quan:

+ Thứ nhất, do địa vị kinh tế của GCCN quy định

+ Thứ hai, do đặc điểm chính trị - xã hội của GCCN quy định.

+ Thứ ba, bản thân các mâu thuẫn cơ bản của CNTB khách quan quy định SMLS của GCCN.

- Điều kiện chủ quan:

+ Sự phát triển của GCCN

Sự phát triển về lượng của GCCN bao gồm sự phát triển về số lượng lao động công nghiệp trong tổng số lao động xã hội, tỷ lệ lao động công nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và cơ cấu của GCCN.

Sự phát triển về chất của GCCN được thể hiện ở năng lực làm chủ công nghệ hiện đại và ý thức giác ngộ giai cấp, ý thức dân tộc.

+ Đảng Cộng sản – nhân tố chủ quan cơ bản nhất để thực hiện thắng lợi SMLS của GCCN

SMLS của GCCN do địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp này quy định nhưng để biến khả năng khách quan đó thành hiện thực thì phải thông qua nhân tố chủ quan của GCCN. Trong những nhân tố chủ quan đó thì việc thành lập Đảng cộng sản là nhân tố giữ vai trò quyết định nhất đảm bảo cho GCCN hoàn thành được SMLS của mình.

. Đảng Cộng sản là lãnh tụ chính trị của GCCN

. Đảng cộng sản là bộ tham mưu của GCCN

. Đảng Cộng sản là đội tiên phong đấu tranh cho lợi ích của GCCN và của dân tộc

2. GCCN trong xã hội TBCN

* GCCN trong xã hội tư bản trước đây

- GCCN là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp, là chủ thể của quá trình sản xuất vật chất hiện đại và lao động bằng phương thức công nghiệp

Nền công nghiệp hiện đại vừa là đòi hỏi vừa là điều kiện trực tiếp để GCCN không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, điều này làm cho GCCN ngày càng hiện đại, luôn là LLSX cơ bản và tiên tiến của xã hội.

- GCCN không có tư liệu sản xuất (TLSX), bị bóc lột giá trị thặng dư

GCCN là giai cấp bị áp bức, bị tước hết mọi quyền sở hữu TLSX, hoặc về cơ bản không có TLSX, làm thuê trong nền sản xuất công nghiệp TBCN, làm thuê cho giai cấp tư sản (GCTS), bị bóc lột giá trị thặng dư. Chủ nghĩa Mác – Lênin cũng đã chứng minh rằng, chừng nào còn CNTB thì điều đó còn là tất yếu.

* GCCN trong xã hội tư bản hiện đại (nửa sau TK XX đến nay)

Với sự phát triển của CNTB trong nửa sau của thế kỷ XX, bộ mặt của GCCN hiện đại có nhiều thay đổi khác trước. Sự phát triển của LLSX xã hội hiện nay đã vượt xa trình độ văn minh công nghiệp trước đây. Sự xã hội hóa và phân công lao động xã hội mới, cơ cấu của GCCN hiện đại, các hình thức bóc lột giá trị thặng dư… đã làm cho diện mạo của GCCN hiện đại không còn giống GCCN trong thế kỷ XIX. Thế nhưng, nếu mà từ những biến đổi đó mà đi đến dao động, phủ nhận khái niệm GCCN, phủ nhận sự tồn tại của GCCN là hoàn toàn sai lầm. GCCN hiện đại vẫn tồn tại, vẫn có SMLS của mình trong xã hội tư bản hiện đại. Cần phải tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận về GCCN và SMLS của GCCN, nhưng những thuộc tính cơ bản của GCCN mà C.Mác đã chỉ ra vẫn còn nguyên giá trị, là phương pháp luận trọng việc nhận thức GCCN hiện đại.

Hiện nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn là cơ sở khách quan để giai cấp công nhân phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng. Ở các quốc gia có trình độ phát triển cao, sự phát triển của giai cấp công nhân tỷ lệ thuận giữa với sự phát triển kinh tế.

- GCCN hiện nay là chủ thể của quá trình sản xuất công nghiệp hiện đại, mang tính xã hội hóa ngày càng cao gắn với kinh tế tri thức.

 Sản xuất và dịch vụ hiện đại đòi hỏi người lao động phải có hiểu biết sâu rộng cả về tri thức và kỹ năng nghề nghiệp.

Ví dụ: Các kỹ sư tự động hóa giúp lập trình, viết phần mềm, sửa chữa, bảo trì, vận hành các máy tự động hóa ở các khu công nghiệp...Đó là những người công nhân trí thức.

- GCCN hiện nay vẫn mang bản chất và những đặc điểm truyền thống đó là vẫn bị bóc lột giá trị thặng dư ở các nước tư bản hiện đại.

Cũng giống như ở thế kỷ XIX, công nhân hiện đại vẫn bị bóc lột giá trị thặng dư là một thực tế của thế giới đương đại. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn đang là một thực tại khá phổ biến. Trình độ bóc lột giá trị thặng dư hiện nay so với thế kỷ XIX ở nhiều ngành sản xuất và dịch vụ đã tăng hàng chục lần.

Một bộ phận lớn công nhân được trí tuệ hóa với tri thức và kỹ năng lao động cao, luôn gắn bó với cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại; ở một số nước tư bản phát triển có một bộ phận công nhân mức sống được trung lưu hóa, có cổ phần và tham dự vào quá trình chia sẻ lợi nhuận;... Tuy nhiên, về thực chất GCCN hiện đại vẫn bị bóc lột giá trị thặng dư với trình độ bóc lột ngày càng cao.

Ví dụ: Lương của 1 kĩ sư thực tập tại công ty Google là 5800USD, lương của Giám đốc tài khoản là 7500USD, lương của chuyên viên phân tích tài chính 8600USD...trong khi đó mức sống trung bình ở Mỹ là 2000USD. Tiền lương tuy cao nhưng người công nhân làm thuê vẫn bị bóc lột giá trị thặng dư, nếu giá trị mà họ làm ra ít hơn (dù chỉ 1 chút) hoặc bằng số tiền lương họ được trả thì họ lập tức bị sa thải và rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Chính sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội hiện nay đã vượt xa trình độ văn minh công nghiệp trước đây, sự xã hội hóa và phân công lao động xã hội mới, cơ cấu của giai cấp công nhân hiện đại; các hình thức bóc lột giá trị thặng dư...đã làm cho diện mạo của giai cấp công nhân hiện đại không còn giống với mô tả của C.Mác trong thế kỉ XIX.

Ví dụ: Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) đối với việc làm của GCCN.

(Trích: Tổng luận “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” - Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Bộ khoa học và công nghệ biên soạn – Số 8 năm 2016).

Bản chất của cách mạng 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy,...

Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa và điều đó làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và lợi nhuận so với sức lao động. Mặt khác, xét về tổng thể, các công việc an toàn và thu nhập cao hơn có thể sẽ gia tăng sau khi công nghệ thay thế dần con người.

Tuy nhiên, trong tương lai, năng lực, chứ không phải nguồn vốn, sẽ trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất. Điều đó sẽ tạo nên một sự gia tăng trong thị trường việc làm và ngày càng phân hóa theo hai nhóm: Nhóm kỹ năng thấp/trả lương thấp và nhóm kỹ năng cao/trả lương cao.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn là những việc làm mất đi do có cuộc cách mạng này.

Về lịch sử cho thấy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 đã tạo ra nhiều việc làm hơn số việc làm bị mất đi (lao động chân tay); cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 - cuộc cách mạng xe hơi của những năm 1890 đã tạo ra nhiều việc làm hơn số việc làm bị mất đi (thay thế xe ngựa thồ hàng); và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 - cuộc cách mạng silicon của những năm 1960 và 1970 cũng đã tạo ra nhiều việc làm hơn số việc làm bị mất đi (chủ yếu là trong công tác văn thư hành chính và lao động đơn giản).

Vì sao cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn là những việc làm mất đi do có cuộc cách mạng này? Các chuyên gia đưa ra các lý do sau:

Thứ nhất, tốc độ thay đổi công nghệ nhanh hơn bao giờ hết. Nếu như trước đây Phải mất 10 năm cho Thomas Newcomen cải tiến động cơ của mình trước khi công bố với thế giới vào năm 1712 và nó tác động vào các ngành công nghiệp lao động chân tay trong nhiều chục năm sau đó. Ngày nay, việc cải tiến có thể đến trong 10 tháng, 10 tuần và thậm chí 10 ngày - một điện thoại iPhone sau 3 năm đã lỗi thời. Do vậy, nhân lực cho NC&PT và các dịch vụ liên quan sẽ gia tăng. Tốc độ thay đổi trong giáo dục cũng đang gia tăng. Người ta ước tính rằng gần 50% kiến thức môn học trong năm đầu tiên của 4 năm học kỹ thuật của một sinh viên sẽ trở nên lỗi thời khi ra trường.

Thứ hai, thời đại của cuộc cách mạng kỹ thuật số đang bùng nổ với hàng loạt công nghệ mới: Trí tuệ nhân tạo; Dữ liệu lớn; Internet di động; Công nghệ điện toán đám mây; robot trong công nghiệp và gia đình; IoT; xe không người lái; thiết bị bay không người lái; máy in 3D; công nghệ nano; thực tế ảo, phương pháp điều trị kỹ thuật số và máy học. Trong thời gian tới danh sách này có thể sẽ được nới dài và làn sóng công nghệ mới ra đời sẽ tạo ra những làn sóng kinh doanh mới và việc làm mới.

Thứ ba, hàng triệu người trên khắp thế giới có thể truy cập vào những cơ sở dữ liệu rất lớn và vì vậy những thử nghiệm và đổi mới sáng tạo sẽ không chỉ được thực hiện tại các trung tâm nghiên cứu, mà có thể ở mọi nơi và cơ hội khởi nghiệp rộng mở. Những thay đổi đáng kể có thể được thực hiện bởi các cá nhân tài năng trong nhà, văn phòng của họ và nhà máy. Khả năng của các nhóm nhỏ khởi nghiệp với các sản phẩm và dịch vụ mới là thuận lợi chưa từng có.

Thứ tư, các khoản đầu tư rất lớn, lên tới hàng tỉ USD, đang được thực hiện bởi các công ty ở châu Âu, châu Á và Mỹ để nghiên cứu và phát triển những công nghệ trên. Không thiếu vốn cho cuộc cách mạng công nghiệp lần này, và một hệ quả sẽ là giảm mạnh trong nhu cầu về lao động. Trong năm 2015, 17,8 tỷ USD đã được đầu tư cho khởi nghiệp theo yêu cầu (ondemand start-ups), con số này năm 2014 là 6,5 tỉ USD (gấp 10 lần so với mức của năm 2013).

- GCCN ở các nước TBCN hiện nay chịu tác động nhiều mặt từ chế độ hiện hành.

Mặt tích cực là thói quen đấu tranh cho dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội, qua đó thúc đẩy sự phát triển xã hội. Mặt tiêu cực là thói quen tuân thủ pháp luật và tâm lý chuyên môn thuần túy làm suy giảm tính tích cực chính trị - xã hội.

Thể chế kinh tế và chính trị của CNTB trong bối cảnh toàn cầu hóa đã có nhiều điều chỉnh; các phương thức quản lý mới, các biện pháp điều hòa mâu thuẫn xã hội của GCTS đang tác động hai mặt vào GCCN. Thông qua chế độ cổ phần, một bộ phận công nhân đã tham gia vào sở hữu một lượng tư liệu sản xuất của xã hội. Về mặt hình thức, họ không còn là “vô sản” nữa và mức sống có thể được “trung lưu hóa”; nhưng do không chiếm được tỷ lệ sở hữu cao nên quá trình sản xuất và phân chia lợi nhuận vẫn bị phụ thuộc vào những cổ đông lớn. Về thực chất, quyền định đoạt quá trình sản xuất, quyền quyết định cơ chế phân phối lợi nhuận vẫn thuộc về GCTS. Việc làm và lao động vẫn là nhân tố quyết định mức thu nhập, đời sống của công nhân hiện đại.

- Mối quan hệ giữa lợi ích của GCCN và lợi ích quốc gia dân tộc cũng đang xuất hiện những tình huống mới.

Toàn cầu hóa vừa liên kết về mặt lực lượng sản xuất lại vừa chia rẽ người lao động trong QHSX, do họ gắn bó về lợi ích với các doanh nghiệp tư bản, các tập đoàn xuyên quốc gia. Lợi ích của công nhân vừa gắn bó với lợi ích của quốc gia – dân tộc vừa phụ thuộc và thành phần kinh tế, tác động của thị trường sức lao động và biến động của kinh tế toàn cầu.

Ví dụ: Việt Nam tham gia các tổ chức: WTO, ASEAN, APEC, ASEM,... Tham gia hiệp định TPP,...

Doanh nghiệp xuyên quốc gia có thể đặt chi nhánh, thuê lao động ở bấ kỳ nơi nào rẻ nhất; vì thế, một người lao động không chỉ cạnh tranh với đồng bào, mà còn cạnh tranh với nhiều lao động của nhiều nước khác,... Thực tế đó tạo ra những quan hệ phức tạp, đan xen các dạng lợi ích và khách quan đặt ra nhu cầu cần có những hình thức tập hợp lực lượng mới.

3. GCCN Việt Nam trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức

* Khái niệm GCCN Việt Nam

GCCN Việt Nam là sản phẩm trực tiếp của chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam, GCCN Việt Nam đã ra đời từ đầu thế kỷ XX, lớp công nhân đầu tiên gắn liền với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914) và thực sự trở thành GCCN Việt Nam từ thời kì khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919 - 1929).

“Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dich vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”. (Văn kiện hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa X - Trang 43)

GCCN Việt Nam có các đặc điểm chung cơ bản của GCCN thế giới. Bên cạnh đó do hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam chi phối, GCCN Việt Nam có những đặc điểm riêng.

+ Giống nhau về phương thức sản xuất và phương thức lao động: là những người lao động trực tiếp hay gián tiếp vận hành công cụ sản xuất có tính chất công nghiệp ngày càng hiện đại và tính xã hội hóa cao.

+ Khác nhau về địa vị của họ trong hệ thống sản xuất: GCCN thế giới về cơ bản không có TLSX phải bán sức lao động và làm thuê cho chủ tư bản. GCCN Việt Nan là người lãnh đạo, làm chủ, là lực lượng nòng cốt trong liên minh công – nông – trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

* SMLS của GCCN Việt Nam

“Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”. (Văn kiện hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa X-Tr 43-44).

GCCN Việt Nam thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu lý tưởng, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và góp phần vào sự nghiệp cách mạng Tổ quốc.

* Vai trò của GCCN Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc định hướng XHCN

- Trên lĩnh vực chính trị: GCCN thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để nhân dân từng bước xây dựng, phát triển, nền dân chủ XHCN, xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

- Trên lĩnh vực kinh tế: GCCN Việt Nam thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trên lĩnh vực kinh tế, mà tập trung nhất trong giai đoạn hiện nay là: đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định h­ớng XHCN gắn với phát triển kinh tế tri thức và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, từng b­ước xây dựng, hoàn thiện thể chế “kinh tế thị trường định h­ướng XHCN”.

- Trên lĩnh vực văn hoá- xã hội: GCCN Việt Nam đi đầu trong công cuộc xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mà cốt lõi của nền văn hoá này là lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH hướng tới việc xây dựng con người mới XHCN có năng lực, bản lĩnh làm chủ.

* Liên hệ với GCCN tỉnh Yên Bái

GCCN Yên Bái ra đời cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, cụ thể là từ khi thực dân Pháp khởi công xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.

Tính đến 30/12/2014, Yên Bái có 1.068 doanh nghiệp với 29.927 lao động, trong đó: 25 doanh nghiệp nhà nước với 3.462 lao động (11,6%), 471 Công ty TNHH với 10.911 lao động (36,5%), 197 Công ty Cổ phần với 9.989 lao động (33,3%), 230 doanh nghiệp tư nhân với 2.630 lao động (8,7%), 11 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 1.078 lao động (3,6%) và 134 hợp tác xã với 1.884 lao động (6,3%).

Ở Yên Bái GCCN làm việc phần lớn ở trong các nhà máy, xí nghiệp như: nhà máy xi măng, nhà máy chè, công ty sứ, khu công nghiệp Âu Lâu, Minh Quân... Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, Công đoàn Yên Bái đã bám sát với nhiệm vụ kinh tế chính trị của địa phương, sát cánh với đội ngũ công nhân, người lao động trong tỉnh tham gia sản xuất, thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương không ngừng phát triển, có đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để xây dựng GCCN tỉnh Yên Bái đáp ứng với nhiệm vụ yêu cầu của quá trình đổi mới xây dựng đất nước, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung:

Một là: Giáo dục, đào tạo công nhân, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lập trường giai cấp, phát huy nguồn lực con người.

Hai là: Về tạo việc làm cho công nhân lao động, có chính sách thu hút nhân tài để nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân lao động, nhất là đối với các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Ba là: Về thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân viên chức lao động của tổ chức công đoàn.

Bốn là: Về tổ chức các phong trào thi đua, cần chú ý nội dung thi đua phải cụ thể, tránh hình thức, phát động nhiều mà không có sơ kết, tổng kết, qua phong trào mà không tìm được nhân tố điển hình, không có sáng kiến cải tiến làm tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công việc được giao, không có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Năm là: Xây dựng GCCN gắn liền với xây dựng tổ chức công đoàn và xây dựng Đảng, góp phần để GCCN phát huy vai trò của mình.

4. Ý nghĩa của việc nghiên cứu SMLS của GCCN trong thời đại ngày nay

* Ý nghĩa đối với quá trình phát triển của thế giới hiện đại

- Nhận thức rõ SMLS của GCCN là cơ sở để nhận thức thời đại ngày nay

            Thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Xu thế này xuất hiện từ sự vận động của  mâu thuẫn cơ bản trong lòng PTSX TBCN, từ quá trình công nghiệp hóa và sự phát triển GCCN ở các nước.

            Thực hiện SMLS của GCCN là hướng tiếp cận mới để giải quyết những vấn đề lớn của quá trình phát triển hiện đại. Đó là giải quyết mối quan hệ giữa chiến tranh - hòa bình, giữa lao động và tư bản, giữa độc lập và chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc với chủ nghĩa đế quốc…

            - SMLS của GCCN là nội dung chủ yếu của cuộc đấu tranh chính trị, tư tưởng hiện đại.

            SMLS của GCCN là “điểm trung tâm của học thuyết Mác” và là cơ sở lý luận và phương pháp luận của các Đảng Cộng sản chân chính trong cuộc đấu tranh tư tưởng và lý luận hiện nay. Mặt khác hiện nay GCTS đang tìm mọi cách phủ nhận SMLS này. Do đó vấn đề này đang trở thành trọng điểm trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay.

            * Ý nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng CNXH của Việt Nam

            - SMLS của GCCN với phát triển theo định hướng XHCN ở Việt Nam

            Mô hình CNXH ở VN và con đường đi lên CNXH ở VN được xây dựng trên cơ sở của CNXHKH mà điểm trung tâm của lý luận này là SMLS của GCCN. Đảng Cộng sản Viêt Nam đã lãnh đạo GCCN và cả dân tộc giành được độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Thực hiện thành công SMLS này là đảm bảo cho thắng lợi của CNXH ở VN.

            - Thực hiện SMLS của GCCN ở Việt Nam hiện nay cần nhận thức rõ rằng, việc xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH ở Việt Nam trước hết thông qua vai trò tiên phong của GCCN.

            Để xây GCCN cần:

            Xây dựng GCCN lớn mạnh phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó cũng phải chăm lo xây dựng GCCN, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần…

            Xây dựng GCCN lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân.

           Phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, kế thừa những giá trị của nhân loại làm cho hệ giá trị, lối sống và tác phong của GCCN trở thành hệ giá trị chủ đạo của xã hội Việt Nam… là nhiệm vụ cơ bản trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của xã hội mới.

           Xây dựng GCCN lớn mạnh phải gắn với xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Kết luận

Tóm lại, từ lý luận và thực tiễn có thể thấy rằng: Khi sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất vẫn tồn tại thì những thành quả của khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức và những điều chỉnh về thể chế quản lý kinh tế và xã hội,... trước tiên vẫn là công cụ để bóc lột giá trị thặng dư. Giai cấp công nhân vẫn bị bóc lột nặng nề bởi các chủ thể mới trong toàn cầu hóa như các tập đoàn xuyên quốc gia, nhà nước của các nước tư bản phát triển,...

Những biểu hiện mới đó không làm thay đổi địa vị và những đặc điểm cơ bản của giai cấp công nhân. Địa vị của giai cấp công nhân vẫn là lực lượng sản xuất hàng đầu, giai cấp quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội hiện đại, là giai cấp bị trị, bị bóc lột trong xã hội tư bản.

Có thể khẳng định rằng, lý luận về GCCN, về SMLS của GCCN trong CNTB hiện đại vẫn còn nguyên giá trị khoa học và có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn to lớn. Tuy vậy, phải tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận này cũng là yêu cầu khách quan từ thực tiễn đấu tranh giai cấp hiện đại. Qua đó, bản thân GCCN cũng tự mình giác ngộ ý thức giai cấp, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng với xu thế phát triển của thời đại.

 

Hoàng Thị Lê

Khoa lý luận Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh