• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
CHI BỘ KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN TỐT QUY ĐỊNH VỀ ỨNG XỬ VĂN HÓA CỦA HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH VÀ CÁC TRƯỜNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG NHẰM ĐÁP ỨNG TIÊU CHÍ VỀ XÂY DỰNG VĂN HÓA TRƯỜNG ĐẢNG, THỰC HIỆN KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG TRONG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN MỨC 1
Ngày xuất bản: 28/11/2022 9:12:00 SA
Lượt đọc: 9623

 

Xây dựng văn hóa ứng xử trong Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh, thành phố cả nước nói chung và Trường Chính trị tỉnh Yên Bái nói riêng là việc vun đắp những giá trị chuẩn mực về tri thức, niềm tin, lý tưởng, hành động, đạo đức...Những giá trị văn hóa này mang đậm tính đảng, thấm đậm vào mỗi giảng viên, học viên, có sức lan tỏa trong môi trường Đảng. Để làm được điều đó, trước hết, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện Quyết định số: 5029/QĐ-HVCTQG “Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thảnh phố trực thuộc Trung ương” nhằm”. Giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa Trường Đảng: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; trách nhiệm trong việc thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử”.

Trường Chính trị tỉnh Yên Bái là nơi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường, đặc biệt là xây dựng cách ứng xử giữa giảng viên với giảng viên, giữa học viên với học viên, học viên với nhiệm vụ khi tham gia học tập, rèn luyện tại trường... được xác định là một nội dung rất quan trọng được Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng toàn thể đảng viên, cán bộ, giảng viên nhà trường thường xuyên quan tâm xác định đây là tiêu chí xây dựng Trường chính trị tỉnh đạt chuẩn mức 1. Chi bộ khoa Nhà nước và pháp luật đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định xây dựng cơ quan văn hóa; quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Về ứng xử với đồng nghiệp:  tập thể khoa luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, ứng xử có chuẩn mực, luôn thân thiện với nhau trong giao tiếp, sẵn sàng giúp đỡ trong công việc cho nhau. Ngoài ra, thông qua các hoạt động như thao giảng, dự giờ đội ngũ giảng viên có dịp trao đổi về chuyên môn, chia sẻ thông tin, tri thức, kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy, trong việc xử lý các tình huống cụ thể ở trên lớp.

Về ứng xử với học viên: Trong quá trình lên lớp các giảng viên của Khoa Nhà nước và pháp luật luôn có thái độ giao tiếp chuẩn mực với học viên, tôn trọng vị trí công tác, ý kiến phát biểu của học viên, gợi mở những vấn đề qua đó học viên có thể gắn lý luận với thực tiễn ở địa phương, đơn vị công tác;

Đối với công việc: Đội ngũ giảng viên khoa có tinh thần trách nhiệm cao, có kiến thức lý luận và có phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc điểm của học viên học tại Trường Chính trị tỉnh; luôn bám sát giáo trình, chủ động cập nhật kiến thức và thông tin thời sự trong và ngoài nước, các văn bản, quy định mới của Đảng, Nhà nước; tích cực viết bài đăng báo, tạp chí, bài nội san, bài tham luận, đăng website của nhà trường và dự hội thảo khoa học do học viện, trường và các sở, ngành tổ chức;

Tuy nhiên, trong thời gian qua vì nhiều lý do khác nhau. Một số giảng viên cũng có lúc góp ý thẳng thắn, tranh luận về học thuật nhưng đôi khi lại gây ra sự hiểu nhầm lẫn nhau; trong công tác chuyên môn, đa số các giảng viên đều nhiệt tình, giúp đỡ lẫn nhau trong việc góp ý về bài giảng, về giáo án, nhưng vẫn có những lúc chưa nhiệt tình, có lúc góp ý mang tính chiếu lệ.

Để thực hiện tốt yêu cầu về ứng xử văn hóa của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Yên Bái nói chung và Khoa Nhà nước và pháp luật nói riêng, hướng đến xây dựng và thực hiện tốt tiêu chí về xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỉ cương, kỉ luật thuộc chỉ tiêu thứ 6 của nhiệm kì tới, theo tôi trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tôi đề nghị Chi ủy tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám hiệu:

 - Tiếp tục quán triệt đến tất cả đảng viên, cán bộ, viên chức người lao động về quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Tăng cường công tác nắm bắt dư luận về ứng xử văn hóa của giảng viên một cách đa chiều.

- Tăng cường đôn đốc lãnh đạo các khoa, phòng trong các cuộc họp giao ban về việc quán triệt, nhắc nhở thường xuyên đối với giảng viên về ứng xử với đồng nghiệp, với học viên và với công việc.

Thứ hai, đề nghị Chi ủy, lãnh đạo khoa

- Trước hết phải thể hiện tinh thần nêu gương trong ứng xử với giảng viên (đặc biệt là ứng xử với chính mình và công việc)

- Làm tốt công tác cầu nối giữa các giảng viên trong khoa, giữa giảng viên trong khoa với giảng viên các khoa, phòng trong sinh hoạt chuyên môn, trong ứng xử, nhằm tạo sự đoàn kết và thống nhất cao.

- Tăng cường công tác dự giờ, thao giảng qua đó có thể thấy được về tác phong, cách ứng xử của mỗi giảng viên, tinh thần, thái độ với công việc (cập nhật kiến thức về lý luận và thực tiễn...)

- Bên cạnh đó, lãnh đạo khoa cũng cần nắm bắt dư luận về ứng xử của giảng viên do mình quản lý một cách đa chiều.

- Đánh giá kết quả thi đua hàng quý của giảng viên một cách khách quan cũng là kết quả đánh giá về ứng xử của giảng viên một cách trung thực và hiệu quả nhất.

Thứ ba, đối với đảng viên, giảng viên

- Bản thân mỗi đảng viên, giảng viên cần xác định rõ vị trí, vai trò và nhiệm vụ của mình trong nhà trường qua đó sẽ biết phải ứng xử như thế nào cho đúng với chuẩn mực trong từng mối quan hệ cụ thể

- Phải thể hiện rõ được bản lĩnh chính trị, lập trường quan điểm của người đảng viên, giảng viên, qua đó có thể ứng xử và phản biện một cách khoa học các luận điệu sai trái nhằm bôi nhọ danh dự của Đảng, Nhà nước cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới.

- Phải thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm với cơ quan, với đồng nghiêp, với bản thân. Không ngừng tự rèn luyện, học tập nâng cao trình độ về chuyên môn; tăng cường nghiên cứu thực tế, nghiên cứu khoa học để vận dụng vào bài giảng một cách phù hợp, thuyết phục nhất.

- Có thái độ cầu thị, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, của học viên trong quá trình sinh hoạt chuyên môn và giảng dạy trên lớp; thường xuyên quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan.

Với tầm quan trọng của ứng xử văn hóa đối với việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho cán bộ, đòi hỏi đội ngũ đảng viên, cán bộ, viên chức, người lao động của trường chính trị, đặc biệt là đội ngũ giảng viên (tiếp xúc trực tiếp với học viên ở trên lớp) phải nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, chuẩn mực trong ứng xử nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác chuyên môn, giữ lại hình ảnh tốt đẹp về văn hóa ứng xử của cán bộ, viên chức, người lao động trường chính trị trong tâm trí của người học và của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp trong tỉnh.

Bùi Thị Bích Ngọc

Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật