• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
BÀI HỌC TỪ SỰ SỤP ĐỔ CỦA LIÊN XÔ ĐỐI VỚI CÔNG TÁC ĐẤU TRANH CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 28/10/2020 7:13:00 SA
Lượt đọc: 14647

             Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong những năm 1989 - 1991 là một tổn thất chưa từng có trong lịch sử phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và của chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Từ sự sụp đổ ấy đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm đau xót được rút ra cho các Đảng Cộng sản trên thế giới trong đó có Việt Nam, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ở nước ta hiện nay.

Trong nửa sau của thế kỷ XX, trên thế giới đã hình thành một hệ thống xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, đủ sức kiềm chế mọi hành động đơn phương, hiếu chiến chống phá cách mạng của chủ nghĩa đế quốc. Nhờ đó mà hàng trăm dân tộc bị nô dịch, áp bức đã vùng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc. Các nước XHCN mà đứng đầu là Liên Xô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ghi dấu ấn trong lịch sử văn minh nhân loại. Nhưng thật trớ trêu, một số Đảng Cộng sản cầm quyền, trong đó có Đảng Cộng sản Liên Xô lại để mất quyền lãnh đạo, làm cho hệ thống XHCN hùng mạnh được họ dẫn dắt sụp đổ, tan rã.

 

Đã có rất nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về nguyên nhân Liên Xô tan rã nhưng tựu chung lại các công trình nghiên cứu đều thống nhất cho rằng: sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô là sự kiện chính trị phức tạp do nhiều nguyên nhân gây nên. Bao gồm nhân tố trong và ngoài nước (gồm cả “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch), trong và ngoài Đảng, nhân tố lịch sử và hiện thực, nhân tố kinh tế, nhân tố chính trị, nhân tố văn hóa, tư tưởng và cả nhân tố xã hội... Liên Xô tan rã cơ bản là do những sai lầm nghiêm trọng về chiến lược của Đảng Cộng sản Liên Xô, trước hết là trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cấp chiến lược. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, ban lãnh đạo Đảng và nhà nước Liên Xô đã không tỉnh táo và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử cơ hội, thực dụng trong đội ngũ cán bộ chủ chốt.

Các phần tử cơ hội, thực dụng về kinh tế và chính trị nắm giữ những trọng trách trong ban lãnh đạo Đảng và nhà nước Liên Xô đã phản bội lý tưởng XHCN và lợi ích dân tộc, phản bội tư tưởng của V.I.Lênin về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo và làm tan rã Đảng Cộng sản Liên Xô, làm cho lực lượng vũ trang bị “phi chính trị hóa”.

 

Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Liên Xô (từ 28-6 đến 1-7-1988), Gorbachev đã báo cáo về “Tình hình thực hiện nghị quyết Đại hội XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô và nhiệm vụ đi sâu cải tổ”, trong đó đưa ra phương án cải tổ với mục tiêu xây dựng “CNXH dân chủ nhân đạo”. Điều này về thực chất là phủ nhận triệt để chủ nghĩa Mác - Lênin, áp dụng thể chế chính trị TBCN, thực hiện đa đảng qua cái gọi là “phân chia lại quan hệ quyền lực giữa Đảng với Xô viết”, giải tán 23 ban trực thuộc Trung ương Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô với tư cách Đảng cầm quyền. Hội nghị này là bước ngoặt cơ bản thay đổi thể chế chính trị của Liên Xô.

Trong báo cáo tại Đại hội XXVIII của Đảng Cộng sản Liên Xô (7/1990), Gorbachev công khai bài xích nguyên tắc tập trung dân chủ. Điều lệ Đảng do Đại hội thông qua chính thức xóa bỏ nguyên tắc quan trọng nhất về tổ chức và hoạt động của Đảng. Ngày 24/8/1991, Gorbachev tự ý tuyên bố giải tán Ban Chấp hành Trung ương Đảng và từ chức Tổng Bí thư. Ngày 29/8/1991, với tư cách là Tổng thống Liên Xô, Gorbachev ra lệnh giải thể các cơ quan chính trị và từ 01/9/1991 chấm dứt các hoạt động của Đảng trong quân đội, làm cho quân đội bị “phi chính trị hóa”. Ngày 25/12/1991, Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng thống và bàn giao nút bấm toàn bộ kho vũ khí hạt nhân cho B.Elsin, đánh dấu sự sụp đổ và tan rã của Liên Xô.

Sự suy thoái của Đảng Cộng sản Liên Xô là do các đảng viên, trước hết và chủ yếu là các đảng viên giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt ở cấp cao, chưa đủ độ chín muồi về mặt chính trị, chưa thực sự giác ngộ về giai cấp, về lý tưởng cộng sản. Những suy thoái về đạo đức, lối sống của một số lãnh đạo cấp cao giữ vai trò chủ chốt với những biểu hiện nổi bật: sống ích kỷ, đặt lợi ích của bản thân, gia đình và người thân lên trên lợi ích của Đảng, của nhân dân; cục bộ địa phương, kéo bè kéo cánh đưa những người thân tín với mình, kể cả những người yếu về năng lực, kém về đạo đức, lối sống vào những vị trí lãnh đạo để làm vây cánh, che chắn bảo vệ mình…

Việc nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô có ý nghĩa rất to lớn đối với các Đảng Cộng sản trên thế giới, nhất là đối với Đảng Cộng sản cầm quyền như Đảng ta. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang quyết liệt tiến hành đấu tranh đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hiện nay, vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là hiện tượng rất nguy hiểm, giống như một thứ vi - rút độc hại lây lan nhanh và ngấm sâu vào cơ thể con người, dẫn tới những hệ lụy khó lường, làm thay đổi nhận thức theo chiều hướng từ đúng sang sai, từ tốt sang xấu, từ tích cực sang tiêu cực, từ tiến bộ sang phản tiến bộ. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đến mức cao hơn là thay đổi lập trường, quan điểm chính trị, đạo đức, lối sống, đi ngược lại lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; cổ súy, ủng hộ, tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động, thậm chí chuyển sang hàng ngũ kẻ thù, chống lại Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Vì vậy, việc giữ vững lập trường, kiên định mục tiêu, lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ; là cơ sở để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đưa con thuyền cách mạng Việt Nam tiến lên.

Thực tiễn, trong suốt quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng “nắm vững bản chất cách mạng, khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin; kế thừa di sản quý báu về tư tưởng Hồ Chí Minh,... đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết có hệ thống sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, rút ra những kết luận đúng đắn, khắc phục những quan niệm sai lầm hoặc lỗi thời”. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khoá VI) tháng 3-1989, Đảng khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của nước ta, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa là mục tiêu, là lý tưởng của Đảng và Nhân dân ta, là sự lựa chọn sáng suốt của Bác Hồ và Đảng ta. Đại hội VII của Đảng đã “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” của Đảng.

Qua hơn 30 năm đổi mới, nhờ kiên định mục tiêu, lý tưởng, vai trò lãnh đạo của Đảng nên cách mạng Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Tuy nhiên, trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, Việt Nam cũng đang đứng trước với nhiều vấn đề lớn, phức tạp, thời cơ và thách thức đan xen. Trong khi đó bốn nguy cơ lớn nhất đối với Đảng cầm quyền mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp như: tham nhũng, lãng phí, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng Internet để chống phá ta và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nguy cơ từ bên trong do mặt trái của quyền lực gây ra nếu không thường xuyên cảnh giác sẽ có nguy cơ tự đánh mất mình, mất quyền lãnh đạo đối với đất nước. Vì thế, hơn bao giờ hết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, luôn tin và có ý thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, để công tác đấu tranh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng thu được hiệu quả cần phải:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.

Hai là, tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới. Tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; chỉ rõ những vấn đề cần bổ sung, phát triển. Tiếp tục nghiên cứu có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ sự bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Chí Minh.

Ba là, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch,... góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bốn là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Tiếp tục tăng cường và làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị.

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng Internet, mạng xã hội. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật đối với các nhà mạng, cơ quan chủ quản báo chí, trang thông tin điện tử,… và các cá nhân lưu trữ cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật.

Sáu là, xây dựng lực lượng chuyên trách theo hướng tinh gọn, đủ mạnh, đồng thời phát huy cao nhất trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, trước hết là người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

“Diễn biến hòa bình” là một “căn bệnh” nguy hiểm, có thể đánh hỏng chế độ, phá tan thành quả cách mạng, tuy nhiên các thế lực thù địch có thực hiện được ý đồ đen tối của chúng hay không, điều đó lại hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta vào sự kiên định nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; chủ động, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, bổ sung, hoàn thiện các văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, đặc biệt là văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để giữ vững niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng. Đó là phương cách hiệu quả nhất để đất nước đổi mới, ổn định và phát triển bền vững.

Đồng Thị Thùy Trang

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng