• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Áp dụng phương pháp dạy học bằng tình huống trong giảng dạy bộ môn nghiệp vụ công tác đảng ở trường Chính trị tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 07/09/2017 1:23:00 CH
Lượt đọc: 27078

               Phương pháp giảng dạy truyền thống với vai trò lấy người thầy làm trung tâm phát thông tin, và học viên bị động tiếp nhận thông tin đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay, vì phương pháp này sẽ không tạo được sự chủ động của học viên nhất là năng lực tư duy sáng tạo và khả năng tự tiếp thu cái mới. Chính vì vậy, chuyển sang phương pháp dạy học tích cực sẽ giúp cho giảng viên và học viên cùng nhau trao đổi, nắm bắt những kiến thức và vận dụng chúng vào hoạt động thực tiễn.

Phương pháp dạy học bằng tình huống là đưa ra các tình huống (có thật hoặc giả định) chứa đựng nội dung bài giảng để học viên có bối cảnh trải nghiệm, có điều kiện đưa ra các ý kiến cá nhân, qua đó phát huy tính tích cực của học viên trong việc tự phân tích tìm đường đi đến chân lý. Phương pháp tình huống thuyết phục người học bằng chính kinh nghiệm và những suy luận cá nhân rút ra sau khi tham gia vào tình huống. Do đó, những tri thức, kỹ năng, tình cảm, thái độ mà học viên thu nhận được trở thành của chính họ, do họ tự nhận thức, không bị áp đặt bởi giáo viên.

Bộ môn nghiệp vụ công tác đảng nhằm mục đích cung cấp cho người học những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ và những kỹ năng cần thiết của người cán bộ cấp cơ sở; chính vì vậy, ngoài những vấn đề mang tính lý luận thì đòi hỏi người học phải đạt được kỹ năng thực hành cao. Việc áp dụng phương pháp tình huống trong giảng dạy bộ môn nghiệp vụ công tác đảng giúp cho học viên gắn lý luận với thực tiễn và vận dụng tri thức vào xử lý những công việc, cũng như khi có những tình huống thực tại cơ sở, nhờ đó việc giảng dạy lý luận đỡ nhàm chán, khô cứng. Bên cạnh đó, việc áp dụng phương pháp dạy học bằng tình huống trong bộ môn nghiệp vụ công tác Đảng tạo ra môi trường và hoạt động lôi cuấn học viên chủ động nhận thức vấn đề và khả năng sáng tạo của học viên. Do đó phương pháp dạy học bằng tình huống áp dụng cho môn học nghiệp vụ công tác Đảng là rất phù hợp

Thực tế, cho thấy, mọi hoạt động thực tiễn về công tác đảng, xét về ý nghĩa nào đó đều là những hoạt động giải quyết những vấn đề nảy sinh, xử lý những tình huống trong sinh hoạt nội bộ, trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Nhưng chỉ được coi là tình huống về công tác Đảng khi có sự việc, diễn biến bất thường, thực sự gay cấn, phức tạp, đòi hỏi cấp uỷ phải cấp bách dùng những biện pháp đặc biệt để xử lý. Do vậy, trong quá trình áp dụng phương pháp dạy học bằng tình huống trong bộ môn nghiệp vụ công tác Đảng, khi đưa ra tình huống không nên đồng nhất tình huống về công tác Đảng với các hoạt động thực tiễn, thường ngày của công tác xây dựng Đảng.

Áp dụng phương pháp dạy học bằng tình huống trong bộ môn Nghiệp vụ công tác Đảng, trước tiên người giảng viên cần xác định mục tiêu, nội dung kiến thức cần truyền đạt cho học viên là gì? Ví dụ: về công tác tư tưởng, công tác cán bộ, công tác kiểm tra,…. từ đó sẽ lựa chọn tình huống phù hợp. Tùy vào từng bài học, kiến thức mà giảng viên mong muốn các học viên nhận được mà đưa ra các tình huống phù hợp với mục tiêu của mình. Ví dụ: Tìm hiểu về công tác cán bộ của tổ chức cơ sở đảng, thì sẽ đưa ra các tình huống liên quan đến công tác cán bộ như quy hoạch cán bộ, đào tạo cán bộ, đánh giá cán bộ, bổ nhiệm cán bộ, chính sách cán bộ, …..nội dung tình huống đưa ra sẽ liên quan đến những vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình thực hiện công tác cán bộ ở cơ sở, từ đó rút ra những vấn đề cần nắm vững về công tác cán bộ, hiểu rõ hơn về công tác cán bộ ở tổ chức cơ sở đảng hiện nay để có chú ý đến chính sách bố trí, sử dụng cán bộ…. Quan trọng là tình huống phải phù hợp với nội dung các lý thuyết trong môn học nghiệp vụ công tác đảng.

Sau khi đưa ra tình huống, giảng viên sẽ gợi ý các hướng giải quyết: giảng viên cần cung cấp các kiến thức v mặt lý thuyết có liên quan đến tình huống đưa ra, căn cứ vào các văn bản, hướng dẫn nào,… giải thích thật chi tiết  tình huống để học viên  hiểu rõ các vấn đề cần giải quyết từ đó đưa ra hướng thảo luận về tình huống để gợi ý cho học viên, giúp học viên đi vào nội dung chính về tình huống đề cập đến, hướng dẫn học viên tham gia vào tình huống và ngay cả khi học viên không có một sự chuẩn bị nào cũng có thể tham gia thảo luận được.

Phân công các nhóm để giải quyết tình huống, bộ môn nghiệp vụ công tác đảng là bộ môn mang tính thực tiễn cao và học viên tham gia học tập là đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở, vì vậy có thể phân công các đồng chí học viên có kinh nghiệm thực tiễn hoạt động ở cơ sở làm nhóm trưởng, các nhóm theo thứ tự lên trình bày quan điểm của nhóm mình về tình huống đưa ra, các nhóm còn lại có thể trao đổi, thảo luận để  phân tích làm rõ thêm những vấn đề đã được nêu ra trong tình huống, giảng viên có thể bổ sung thêm các câu hỏi cho nhóm trình bày. Mỗi học viên  sẽ đóng góp ý kiến của mình về tình huống đưa ra.

Giảng viên tổng kết tình huống, rút ra kết luận các giải pháp có liên quan đến nội dung lý thuyết môn học. Sau khi ghi nhận các ý kiến của các nhóm, từng thành viên trong nhóm. Giảng viên sẽ dựa vào đó đánh giá vấn đề đang thảo luận. Có thể có những vấn đề không mang lại kết quả như mong muốn, có những vấn đề có kết quả đúng sai rõ ràng, nhưng giảng viên sẽ là người neo chốt về tình huống đó để giúp học viên có thể hiểu rõ hơn cách thức giải quyết của mình.

Bên cạnh đó, trong quá trình tham gia giải quyết tình huống, giảng viên cũng có thể học hỏi được những kinh nghiệm, thông tin, giải pháp mới từ học viên để làm giàu vốn tri thức và phong phú hơn bài giảng của mình, nhất là từ những học viên đã có quá trình công tác thực tiễn. Qua quá trình hướng dẫn học viên nghiên cứu tình huống, giảng viên cũng có thể phát hiện ra những điểm bất hợp lý hoặc sai sót của tình huống và có những điều chỉnh nội dung tình huống sao cho phù hợp.

Cao Thị Huệ

Khoa xây dựng Đảng