• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
“MUÔN VÀN TÌNH THƯƠNG YÊU” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG BẢN DI CHÚC VÀ SỰ VẬN DỤNG VÀO GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 11/12/2020 9:56:00 SA
Lượt đọc: 19165

 

Bác Hồ kính yêu của chúng ta viết Di chúc vào những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đang diễn ra vô cùng ác liệt. Ở miền Nam bọn đế quốc Mỹ đang tiến hành Chiến dịch “chiến tranh cục bộ” ngay khi chiến dịch “chiến tranh  đặc biệt” của chúng bị thất bại. Tại miền Bắc thì chúng tăng cường ném bom phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng và Nhân dân ta đang ra sức xây dựng.

           Trong bản Di chúc Bác nhiều lần nhắc đến sự hi sinh gian khổ của nhân dân ta với bao tình cảm và xúc động  “ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân ta phải kinh qua nhiều gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn” Bác nhận định: “cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài, đồng bào ta có thể phải hi sinh nhiều của, nhiều người”  Bác đã thấy hết gian khổ để cảm thông, thấy trước những  gian khổ của Nhân dân để tin tưởng  vào sự thắng lợi của Đảng và Nhân dân ta. Bác đã truyền niềm tin và lòng cảm thông của bác đến toàn dân:

“Còn non còn nước còn người”

Thắng giặc Mỹ, ta xây dựng hơn mười ngày nay”[1]

Tin tưởng vào sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bác tâm sự về những ý định sau ngày toàn thắng “Bác sẽ đi khắp hai miền  Nam – Bắc để chúc mừng đồng bào chiến sỹ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên và nhi đồng  yêu quý.”  Và sau đó Bác sẽ  “ Thay mặt Nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong  phe  xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ Nhân dân ta.” [2]

 Chúng ta có thể rút ra nhiều bài học lớn về về lòng yêu nước thương dân, cách ứng xử, về đạo lý truyền thống của dân tộc từ những lời tâm sự và những dự định của Bác trong Di chúc. Bác tin chắc chắn ở thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. và nắm được quy luật của tạo hóa cho nên Bác thanh thản trước  giới hạn của một đời con người: “Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ”. Bác chỉ lo sao cho “Đồng bào” , “Đồng chí” và “Bầu bạn khắp nơi” “khỏi cảm thấy đột ngột” khi Bác đã đi xa. Bác đã chuẩn bị một cách chủ động, chu đáo những lời căn dặn cho tất cả chúng ta và cho muôn đời sau.

Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ thì từ năm 1968 sức khỏe của Bác đã yếu. Nhưng vì niềm vui của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Bác đã  luôn luôn cố gắng tỏ ra là người vẫn còn khỏe mạnh để khích lệ tinh thần của cán bộ và chiến sỹ. Bác dặn đồng chí Vũ Kỳ: “Phải làm sao để các đồng chí quân đội không biết là Bác đã yếu, Bác lo điều đó sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng của toàn quân”. Từ những thay đổi về câu, chữ ở những dòng viết về tình trạng sức khỏe của Người trong bản Di chúc cho đến cách ứng xử của Bác khi biết sức đã yếu, đều gợi cho chúng ta thấy tất cả suy nghĩ và hành động của Người đều hướng tới Nhân dân.

           Có thể nói tình thương của Bác là biểu hiện cho những giá trị tốt đẹp nhất của dân tộc ta mà còn nổi bật hơn cả là lòng yêu nước, thương dân của một vị lãnh tụ dành cho toàn dân. Lòng yêu nước thương dân ở Bác đã trở thành  mãnh liệt, ở Bác chỉ có một ham muốn “Một ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Vì điều ham muốn tột bậc ấy, vì tình thương yêu mãnh liệt ấy Bác đã tận tụy phấn đấu hy sinh trọn đời cho đến khi cảm nhận được  cái ngày đi xa tất yếu đang đến gần, mà điều “ham muốn tột bậc” chưa thực hiện được trọn vẹn. Trong Di chúc bác viết những dòng như tự kiểm điểm bản thân chân thành và xúc động:  “suốt đời tôi hết lòng hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay từ biệt thế giới này, tôi không có gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không phục vụ được lâu hơn nữa”.[3]  Chúng ta thấy chưa bao giờ và chưa thấy tác phẩm nào mà tình cảm đối với nhân dân, với đất nước với cách mạng được Bác thể hiện một cách trực tiếp, thiết tha, nồng nàn như trong bản Di chúc, mỗi câu  mỗi chữ đều thấm đượm tình yêu thương sâu sắc của Bác. Đối với các đồng chí trong đảng bác căn dặn: “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Nói về Nhân dân lao động Bác viết: “Nhân dân lao động ta miền xuôi cũng như miền núi đã bao đời chịu đựng bị đau khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh”[4]. Nói về công việc sau ngày toàn thắng Bác đặt ra mục tiêu là chăm lo đến con người, Bác  căn dặn: “đầu tiên là đối với con người”. Còn về tình hình phong trào cộng sản quốc tế thì Bác “đau lòng” vì sự bất hòa giữa các Đảng anh em, và ở cuối bản Di chúc Bác viết: “cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thân yêu  cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội và các cháu  thanh niên và nhi đồng”.  Chúng ta thấy “ Muôn vàn tình thân yêu “mà Bác để lại trong Di Chúc cũng là muôn vàn tình yêu của Bác thể hiện trong toàn bộ sự nghiệp các mạng vĩ đại mà Bác đã để lại cho dân tộc ta. Tình yêu thương ấy đã và đang sẽ mãi mãi góp phần xây dựng lòng tin vào sức mạnh của Nhân  dân ta trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Vận dụng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa toàn diện có đủ “đức” đủ “tài” đòi hỏi mỗi giảng viên lý luận chính trị cần phải có tấm lòng yêu nghề, yêu người một cách thực sự bằng tất cả những gì mình có được cùng với lương tâm nghề nghiệp để đầu tư trí tuệ, công sức lên mỗi trang giáo án, bài giảng. Cần phải củng cố niềm tin của người học vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ và hiện thực ngày càng tốt đẹp của công cuộc đổi mới đất nước. Khi họ đã có niềm tin vững chắc thì sẽ quyết định mục đích, hiệu quả hoạt động của mình và sẽ hoạt động hăng say, tích cực trong học tập, rèn luyện, công tác, đóng góp thiết thực cho đất nước, xã hội.

Kết hợp giữa giáo dục đạo đức, lý tưởng với giáo dục lý luận là yêu cầu cấp thiết đối với việc giảng dạy lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị hiện nay. Muốn làm được điều đó trong giai đoạn hiện nay mỗi một giảng viên cần phải tự vượt lên trên chính bản thân mình. Phải nỗ lực rèn luyện  không ngừng, phải thấu hiểu sâu sắc lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhiệm, luôn tìm tòi sáng tạo, áp dụng những phương pháp giảng dạy tích cực vào quá trình giảng dạy để bài giảng của mình có sức hấp dẫn cao, có hiệu quả nhất. Do vậy, việc thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật tri thức và công nghệ mới là công việc thường xuyên mà người giảng viên phải quan tâm. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên còn phải là tấm gương sáng, tâm huyết với nghề với sự nghiệp đào tạo của mình. Đó là những công việc thiết thực để làm theo tư tưởng nhân văn và chiến lược xây dựng con người trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Hà Tùng Dương

Khoa Lý luận cơ sở

 



[1] Toàn văn Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ 2009, tr. 47

[2] Sđd tr.54

[3] Sđd tr.49