• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
PHÊ PHÁN LUẬN ĐIỆU PHỦ NHẬN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM
Ngày xuất bản: 16/04/2021 9:18:00 SA
Lượt đọc: 2547

 

PHÊ PHÁN LUẬN ĐIỆU PHỦ NHẬN

NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM

 

 Tuấn Vũ

Từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng ta, đường lối xây dựng Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam từng bước thành nhà nước pháp quyền (NNPQ) XHCN đã được khẳng định. Cho đến nay, thực tiễn đã chứng minh đó là chủ trương kịp thời, phù hợp với xu thế khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới toàn diện ở Việt Nam. Tuy nhiên, đi ngược với sự tin tưởng và nỗ lực thực hiện của toàn dân, có luận điệu trong và ngoài nước phủ nhận chủ trương đó. Họ cho rằng: đó là chủ trương không khả thi, thậm chí sai lầm vì hiện tại, Việt Nam không có những tiền đề, điều kiện để xây dựng NNPQ;rằng chúng ta đang làm một công việc “trộn nước với lửa” – ý nói kinh tế thị trường định hướng XHCN không thể tương hợp với thể chế NNPQ và xã hội dân sự. Vậy, đâu là sự trí trá trong lập luận của họ ? Và thực tế ở Việt Nam có chứng minh ngược lại luận điệu trên ?

  1. Trước tiên, lịch sử cho thấy những mô hình NNPQ đầu tiên xuất hiện gắn liền với một số nhà nước tư sản phương Tây thời cận – hiện đại nhưng cội nguồn tư tưởng của nó đã xuất hiện từ thời cổ đại ở cả phương Tây lẫn phương Đông. Đó là tư tưởng đề cao vai trò của pháp luật, đồng nhất pháp luật với nhà nước; coi pháp luật là tượng trưng và là phương tiện hữu hiệu bảo vệ tự do, bình đẳng của con người (Plato, Heraclite, Aristote, Quản Trọng, Thương Ưởng, Hàn Phi tử). Mặt khác, trong thực tế, quá trình hình thành và phát triển của các NNPQ trên thế giới đều tự kiến tạo những đặc thù cho mình để phù hợp với điều kiện của từng quốc gia, dân tộc. Nhờ đó, lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm về xây dựng NNPQ của nhân loại cũng được bổ sung, phát triển. Luận điệu trên đã không thấy hoặc không muốn thấy một sự thật: NNPQ không phải là con đẻ của chủ nghĩa tư bản (CNTB) mà là sản phẩm chung của nhân loại mà nhà nước tư sản chỉ là chủ thể đại diện cho sự ra đời của nó.
  2. Với bản chất của mình, NNPQ không phải là một kiểu nhà nước tương ứng với một hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử nhân loại mà chỉ là một phương thức tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước trên cơ sở đề cao vai trò của pháp luật và quyền con người. Vì thế, trong CNTB có NNPQ tư sản thì trong CNXH sẽ có NNPQ XHCN. Điều này cũng tương tự như lý luận và thực tiễn về kinh tế thị trường vậy. Đó là lý do khẳng định: để góp phần thức đẩy hiệu lực và hiệu quả của sự nghiệp đổi mới toàn diện ở Việt Nam, chúng ta không thể không xây dựng và hoàn thiện NNPQ XHCN. Tính tất yếu của quyết sách quan trọng này bắt nguồn từ yêu cầu khách quan về tính tương thích giữa nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (cơ sở hạ tầng) với NNPQ XHCN (kiến trúc thượng tầng). Đây là luận cứ bị các thế lực phản động, thù địch cố tình xuyên tạc nhiều nhất vì nó liên quan đến mục tiêu CNXH của chúng ta.
  3. Thực tế cho thấy: Việt Nam từng bước xây dựng và hoàn thiện NNPQ XHCN trong bối cảnh có những tiền đề thuận lợi rất cơ bản, đó là: i) chủ trương xây dựng NNPQ là phù hợp với xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới, nhờ đó, chúng ta có thể kế thừa, tham chiếu về lý luận và kinh nghiệm của nhân loại; ii) chúng ta có được thành tựu và kinh nghiệm rất cơ bản trong đổi mới hệ thống chính trị, ổn định chính trị - xã hội; iii) nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam đang được duy trì sự ổn định và tăng trưởng đáng mừng ngay cả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất trắc; iv) dân chủ và quyền con người, quyền công dân đang được đảm bảo với nhiều tiến bộ được cộng đồng quốc tế ghi nhận; v) hoạt động xây dựng pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật ngày càng gắn kết, hiệu lực và hiệu quả được nâng lên; vi) có nhiều nỗ lực và thành tựu trong việc nội luật hoá và tự nguyện thực thi các cam kết pháp lý quốc tế…Đó là những tiền đề rất trọng yếu để Việt Nam tự tin, tự chủ tuyên bố về tính khả thi của sự nghiệp xây dựng NNPQ XHCN. Vì thế, ai cho rằng Việt Nam không có điều kiện để xây dựng NNPQ là người không chịu thừa nhận sự thật sống động, thuyết phục nhưng vì nó phản lại lập luận của họ về tiền đề và thành quả xây dựng NNPQ XHCN ở Việt Nam.
  4. Tuy nhiên, với thái độ khách quan, cầu thị chúng ta cũng nhận thấy sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện NNPQ ở Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức về lý luận và thực tiễn đòi hỏi phải được nhận thức thấu đáo và giải quyết kịp thời, phù hợp với điều kiện của chúng ta. Đó là: i) tuy có chọn lọc và kế thừa lý luận và kinh nghiệm của nhân loại nhưng chúng ta phải tự mình xây dựng được lý luận và cách thức thực thi của riêng mình theo yêu cầu của định hướng XHCN và phù hợp với đặc thù của Việt Nam; ii) cải cách kinh tế - xã hội và đổi mới hệ thống chính trị chưa thật đồng bộ,còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa thật sự đáp ứng kịp thời yêu cầu của cải cách kinh tế - xã hội; iii) vì nhiều lý do, việc phát huy dân chủ và đảm bảo các quyền con người, quyền công dân vẫn còn những bất cập, nhất là trong lĩnh vực các quyền chính trị - dân sự; iv) một số yếu tố trong truyền thống tư tưởng - văn hoá pháp lý của người Việt có thể ảnh hưởng không tích cực tới tiến trình xây dựng NNPQ như: ý thức về quyền của cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng; tâm lý không coi trọng vai trò của tư pháp; thói quen trọng tình hơn trọng lý trong quản lý xã hội…Điều đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải nỗ lực khắc phục bằng nhiều cách thức, biện pháp từ hoạch định chính sách, tuyên truyền, tổ chức thực hiện đến kiểm tra, đánh giá thực thi các chính sách đó một cách kịp thời, hiệu quả.Trên thực tế, đây là nội dung được các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận khoét sâu, phổi phồng vì nó phù hợp với mục đích chứng minh của họ.
  5. Những nỗ lực và thành quả bước đầu xây dựng NNPQ trong những năm qua ở Việt Nam là một hiện thực có thể định tính và định lượng. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã có những đánh giá tổng quát nhưng khách quan, công bằng về thành quả đó trong 5 năm qua: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; đảm bảo thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”[1]. Mặc dù vậy, Đảng cũng đã chỉ ra: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”[2]. Những hạn chế, bất cập đó thể hiện trên các mặt chủ yếu: sự đồng bộ, phù hợp giữa đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế; hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước; hoạt động xây dựng pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…Từ đó, Đại hội XIII của Đảng vẫn chủ trương tiếp tục xây dựng và hoàn hiện NNPQ XHCN Việt Nam với quan điểm chỉ đạo dựa trên nguyên tắc nền tảng: “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”[3]. Cần lưu ý: Đại hội XIII không chỉ tái khẳng định mà còn bổ sung để khắc hoạ rõ hơn các yêu cầu của phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực (in nghiêng). Sự kiên định và quyết tâm cao với quyết sách quan trọng này của Đảng là điều khiến cho các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận càng điên cuồng chống phá. Vì thế, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận này còn phải tiếp tục với thái độ kiên trì, kiên quyết và hiệu lực, hiệu quả cao hơn.

Tóm lại, luận điểm phủ nhận tính khả thi của đường lối xây dựng NNPQ XHCN ở Việt Nam là vô căn cứ, phục vụ cho âm mưu chính trị xảo quyệt. Cái “phi logic” trong lập luận của luận điểm này không khó để có thể chỉ ra, đó là: i) đánh đồng khái niệm NNPQ với NNPQ tư sản để rồi phủ nhận NNPQ XHCNmà chúng ta tuyên bố từng bước xây dựng và hoàn thiện; ii) phủ nhận yêu cầu khách quan cũng như các tiền đề, điều kiện xây dựng và hoàn thiện NNPQ ở Việt Nam; iii) từ đó, luận điệu này “gợi ý” rằng: nếu yêu thích và quyết tâm đến với NNPQ thì nên từ bỏ định hướng XHCN vì NNPQ đích thực chỉ có thể có trong CNTB – đó là NNPQ tư sản. Như vậy, trong luận điệu này, sự trí trá về lập luận không phải chỉ để nguỵ biện một vấn đề khoa học mà hướng đến một động cơ chính trị rất thâm độc nhưng tinh vi dưới chiêu bài “luận cứ khoa học và thực tiễn”. Đó cũng chính là một cách thức “diễn biến hoà bình” rất xảo quyệt trong lĩnh vực tư tưởng – lý luận mà mọi cán bộ, đảng viên cần tỉnh táo để nhận biết, cương quyết trong ý chí và phản bác có luận khoa học trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay./.


[1]Đảng CS Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr.71

[2]Như trên, tr.89

[3]Như trên, tr. 175