• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Đã trở thành truyền thống văn hoá và đạo lý thì không thể xuyên tạc
Ngày xuất bản: 28/07/2021 9:29:00 SA
Lượt đọc: 3616

 

“Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống đạo lý thiêng liêng, là giá trị đạo đức và lối ứng xử cao đẹp trong đời sống văn hóa có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không ngừng phát huy mang lại những giá trị nhân văn cao cả.

1. Những năm gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động không những không thừa nhận những chủ trương, chính sách đúng đắn và thành quả to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, mà trái lại, chúng luôn tìm mọi âm mưu, thủ đoạn để chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Lợi dụng một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách để xuyên tạc, vu khống, đánh tráo giá trị, đổi trắng thay đen, nói xấu Đảng, Nhà nước ta. Một trong những luận điệu mà những đối tượng này đưa ra là: “Đảng, Nhà nước đã lãng quên, không quan tâm đến thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng” (!!!). Thậm chí, chúng còn phủ nhận những cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng khi cho rằng “Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là không cần thiết, vô nghĩa”. Hơn nữa, chúng còn kêu gọi, tập hợp những đối tượng bất mãn để lập ra các câu lạc bộ, hội, nhóm đòi yêu sách, kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự… nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bác Hồ thăm Trường Thương binh hỏng mắt đêm 30 Tết Bính Thân (1956). Ảnh tư liệu

2. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Người vẫn thường xuyên quan tâm đến công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, tôn vinh sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng. Người nói: “Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn dân và non sông đất nước… Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”[1]. Vì vậy, “tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc tranh đấu cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”[[2]]“Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”[[3]].

Năm 1947, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương thống nhất lấy ngày 27-7 hằng năm làm ngày Thương binh toàn quốc, sau này (7-1955) đổi thành ngày Thương binh - Liệt sĩ và coi đó là dịp để Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước tỏ lòng hiếu nghĩa, đền đáp và yêu mến thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Hằng năm, cứ đến ngày 27-7, Bác đều gửi thư thăm hỏi, động viên các đồng chí thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Thật cảm động biết bao, trước khi về với “thế giới người hiền”, ngày 12-5-1968, Bác viết thêm mấy điểm vào bản Di chúc lịch sử và cũng không quên căn dặn Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải luôn tôn vinh, biết ơn, tạo điều, giúp đỡ đối với những người có công với cách mạng.

3. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm, tình cảm, tấm gương của Bác đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, trong suốt 74 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”, “Nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; đồng thời, các chương trình xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”,… cũng phát triển rộng khắp ở các địa phương trên cả nước.

Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã được ban hành và thường xuyên xem xét, sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Gần đây nhất là Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 về ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ 1-7-2021 thay thế Pháp lệnh năm 2005 và năm 2012. Pháp lệnh này với nhiều điểm mới hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp mặt các đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, sáng ngày 25/7/2020. Ảnh: Internet.

Cả nước hiện có trên 9,2 triệu người có công được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Hơn 4 triệu người có công được tặng huân chương, huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước. Hằng năm, Nhà nước dành hơn 32.000 tỉ đồng từ ngân sách để thực hiện chính sách ưu đãi người có công; Chủ tịch Nước còn dành gần 900 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng người có công nhân dịp Tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm Ngày Thương binh -Liệt sỹ (27-7)… Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng, Nhà nước còn luôn quan tâm chăm lo cho người có công bằng các chính sách ưu đãi cụ thể như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm, chính sách giáo dục, đào tạo…

Sau hơn 25 năm thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, đến nay, Đảng, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng 139.275 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trong đó, hiện có 4.962 Mẹ còn sống, đang được các cơ quan, tổ chức và gia đình phụng dưỡng.

Công tác tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh, đền thờ liệt sĩ được thực hiện với những nỗ lực cao nhất. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng. Cả nước đã xây dựng, tu tạo được trên 9.600 nghĩa trang liệt sĩ và công trình tưởng niệm; quy tập và tiếp nhận hơn 780 nghìn mộ phần liệt sĩ.Nhiều công trình ghi công liệt sỹ đã trở thành di tích lịch sử, công trình văn hóa, biểu tượng của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực chăm lo của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cùng sự cố gắng vươn lên của chính mình, đời sống người có công ngày càng được cải thiện. Đến nay, 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.

Những kết quả đó là minh chứng rõ ràng nhất khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Đồng thời, đó là cơ sở thực tiễn quan trọng nhất bác bỏ hoàn toàn các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.


[1]Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.223

[2]Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.228

[3]Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.372

Trình Duy