• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
An sinh xã hội, chính sách của “ý Đảng, lòng Dân”
Ngày xuất bản: 23/10/2020 7:47:00 SA
Lượt đọc: 10023

 

Một chính sách an sinh xã hội hợp lý, khoa học sẽ giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tạo môi trường thuận lợi, an ninh cho quá trình phát triển đất nước.

Sau 75 năm lập Nước, hơn 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và sau gần 35 năm đổi mới, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện bởi nhận được sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự triển khai quyết liệt của Chính phủ, từng bước bảo đảm an toàn cho người dân khi gặp rủi ro hoặc giảm sút về kinh tế; bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" (ngày 31/8/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra nhận định: “Xã hội cơ bản ổn định, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao (tỉ lệ hộ nghèo từ 58% (năm 1993), 9,88% (năm 2016) giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2020). Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam, v.v... có nhiều chuyển biến tích cực, có mặt khá nổi trội”. Đó không phải là những con số khô khan mà là minh chứng cho một quá trình phấn đấu, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Với một thái độ khiêm tốn nhất cũng có thể nói, đó là thành quả của một chỉnh thể “ý Đảng, lòng Dân”; một minh chứng cho tinh thần vượt qua khó khăn, vượt qua thách thức.

Nếu không có sự nhận thức và phương hướng chỉ đạo đúng đắn như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên”, thì cũng khó có được thành quả như thế; nếu không có sự đồng lòng, hưởng ứng, chung tay của toàn thể nhân dân trong cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm” (giặc đói, giặc dốt) thì cũng khó có thành quả như thế!

Trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn 2015-2020, để quản lý, giám sát chính sách an sinh xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, luật pháp, chính sách về việc xây dựng các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội chưa được hình thành và đang tồn tại độc lập từ các hệ thống cơ sở dữ liệu thành phần như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; trợ giúp xã hội, giảm nghèo; ưu đãi người có công; lao động, việc làm, dạy nghề; tệ nạn xã hội... Các hệ thống cơ sở dữ liệu thành phần đã và đang được triển khai nhưng chưa hoàn thiện, còn mang tính đơn lẻ, thiếu gắn kết với các địa phương, với các Bộ, ngành, đơn vị khác; chưa có giải pháp tổng thể trong việc hỗ trợ thực thi các chính sách bảo đảm kịp thời, thông suốt giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; vì vậy, công tác quản lý chính sách an sinh xã hội chưa đạt hiệu quả cao, chưa đạt được mục tiêu mong muốn.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thì vấn đề an sinh xã hội cần phải được nhận thức mang tầm chiến lược và cần có những chủ trương đúng đắn và sự quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị.

Trước mắt, cần “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở nhận thức đây là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước”, bởi đây là cơ sở nền tảng tiên quyết cho việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tiếp đó, phải “Bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; chú trọng bảo đảm tính bền vững trong các chính sách dân số và phát triển, chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người, hướng đến việc làm bền vững, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân thông qua cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, bền vững dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng”, một chính sách xã hội hợp lý, khoa học sẽ giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tạo môi trường thuận lợi, an ninh cho quá trình phát triển.

Có thể nói, để thực hiện phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” rất cần định hướng chỉ đạo đúng đắng của Đảng (ý Đảng) và sự đồng tình, ủng hộ của mỗi người dân, mỗi giai tầng trong xã hội (lòng Dân). Trong đó, an sinh xã hội gắn với các chính sách cụ thể là một trong những chỉ báo thể hiện rõ nhất “ý Đảng, lòng Dân”, bởi lẽ truyền thống của dân tộc và của Đảng là “Đảng nói Dân nghe, cơ quan đoàn thể ‘phát’ thì Dân ‘động’, Nhà nước làm Dân tin”.

Phạm Đi